Bước vào độ tuổi 40, nhiều hormone trong cơ thể suy giảm và phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, đây là giai đoạn tự nhiên mà ai là phụ nữ cũng đều phải trải qua. Hầu hết phụ nữ sẽ biểu hiện chủ yếu nhất là rối loạn kinh nguyệt gây lo lắng và ảnh hưởng đến cuộc sống. Vậy lượng máu kinh thế nào là sinh lý và khi nào là một dấu hiệu cảnh báo sức khỏe cần đến bác sĩ để được tư vấn?
1. Thay đổi trong giai đoạn 40
Phụ nữ tầm 40 tuổi đang ở trong giai đoạn tiền mãn kinh, là giai đoạn xảy ra trước thời kỳ mãn kinh. Ở giai đoạn này các hormone suy giảm, tuy nhiên kinh nguyệt vẫn chưa chấm dứt. Tùy theo cơ địa mỗi người thì sẽ có những triệu chứng không giống nhau. Giai đoạn này kéo dài ít vài tháng thậm chí ở một số phụ nữ có thể lên đến 4 năm.
Đây là giai đoạn hoạt động của trục nội tiết Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng suy giảm, không sản xuất đủ nội tiết tố nữ là: estrogen, progesterone để đáp ứng đủ các hoạt động của cơ quan trong cơ thể. Vì thế, người phụ nữ phải đối mặt với những thay đổi về mặt tâm sinh lý, sức khỏe và cả sắc đẹp... Triệu chứng mà đa số phụ nữ gặp phải trong giai đoạn này là rối loạn kinh nguyệt, đây cũng là vấn đề khiến nhiều chị em lo lắng và ảnh hưởng đến công việc cũng như cuộc sống.
2. Rối loạn kinh nguyệt ở độ tuổi 40
Kinh nguyệt thất thường, có tháng đến sớm, có tháng đến muộn, đôi khi 2 – 3 tháng mới có kinh một lần là do rối loạn quá trình rụng trứng, nguyên nhân chính là sự suy giảm các nội tiết tố nữ. Bên cạnh đó, một số khối u phần phụ cũng gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Do đó, chị em phụ nữ cần lưu ý khi nào là sinh lý và khi nào là một dấu hiệu cảnh báo cần tư vấn bác sĩ.
Theo nhiều nghiên cứu khảo sát các phụ nữ khỏe mạnh trong giai đoạn tiền mãn kinh cho thấy các triệu chứng thường gặp là số ngày hành kinh sẽ giảm đáng kể. Có thể chỉ hành kinh trong 3 ngày khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Lượng máu mất đi trong những ngày này cũng ít hơn hẳn.
Một số triệu chứng kèm theo có thể xảy ra là:
- Người nóng bừng
- Cảm thấy ớn lạnh, ra mồ hôi về đêm
- Khô âm đạo bất thường
- Tâm trạng thay đổi, dễ dẫn đến stress
- Tăng cân
- Rụng tóc, khô da
- Teo vú
- Khó ngủ
3. Thế nào là kinh nguyệt ít
Kinh nguyệt sẽ diễn ra đều đặn hàng tháng theo chu kỳ 28-30 ngày, thời gian hành kinh bình thường khoảng 3 đến 7 ngày với lượng máu mất đi khoảng 60 - 80ml. Bạn có thể ước tính lượng máu mỗi chu kỳ dựa vào số băng vệ sinh thay hàng ngày và độ thấm ướt của băng. Nếu bạn nhận thấy lượng máu ít hẳn so với những lần hành kinh trước đây thì khả năng cao bạn bị kinh nguyệt ra ít.
Tuy nhiên, đôi lúc không để ý bạn cũng không thể nhận biết được lượng máu mỗi lần hành kinh của mình là bao nhiêu. Do đó để kiểm tra chính xác hơn bạn nên dựa vào số ngày hành kinh. Số ngày hành kinh ít hơn bình thường, chứng tỏ kinh nguyệt của bạn đang giảm.
4. Cách khắc phục tình trạng rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt không chỉ gây ra những khó chịu, mệt mỏi cho bản thân phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của chị em lẫn đời sống vợ chồng của họ. Tuy nhiên, đây là một thời kỳ sinh lý bình thường, ai rồi cũng phải trải qua mà nguyên nhân chính là do sự suy giảm nội tiết tố nữ, hoàn toàn có thể tự điều chỉnh được thông qua thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.
4.1 Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết
Bổ sung những dưỡng chất cần thiết làm cân bằng nội tiết tố trong cơ thể giúp cải thiện tính trạng ra máu kinh ít. Một số thực phẩm nên sử dụng như:
- Đậu nành: Đậu nành thúc đẩy cơ thể sản sinh ra hormone sinh dục nữ, làm cân bằng nội tiết tố và cải thiện tính trạng máu kinh ra ít. Nhiều nghiên cứu cho thấy hợp chất isoflavon trong mầm đậu nành như estrogen của cơ thể, đóng vai trò cân bằng nội tiết, là liệu pháp thiên nhiên được các chuyên gia trong lĩnh vực phụ khoa khuyên dùng. Isoflavon trong mầm đậu nành được còn có tên gọi khác là Estrogen thảo dược – biện pháp hữu hiệu an toàn thay cho liệu pháp hormone tổng hợp.
- Cá: Một số loại cá chứa các amino acid và omega-3 giúp tối ưu hóa tác dụng của hormone và giảm nồng độ cortisol nhằm làm cân bằng nồng độ estrogen và testosterone trong cơ thể.
- Rau xanh: Một số loại rau như cải bắp, súp lơ, chân vịt, diếp cá,... có tác dụng duy trì cân bằng của hormone trong cơ thể.
Một số loại thực phẩm cần tránh:
- Không nên ăn những đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ bởi vì chúng có chứa chất béo no như xúc xích, gà rán, mì ăn liền,... chúng sẽ kích thích hormone, gây rối loạn nội tiết tố nữ, ngoài ra còn ảnh hưởng lên các cơ quan khác của cơ thể như tim mạch và dạ dày.
- Bệnh cạnh đó, các bạn không nên sử dụng những đồ uống có chứa ga, cồn, chất kích thích, chúng sẽ làm rối loạn hormone gây mất cân bằng nội tiết tố, có thể ảnh hưởng đến tình trạng kinh nguyệt.
Uống đầy đủ nước mỗi ngày. Nước đóng vai trò vô cùng quan trọng cho cơ thể như loại bỏ độc tố, bài tiết, vận chuyển dinh dưỡng. Không những thế bổ sung nước đầy đủ mỗi ngày còn giúp điều hòa kinh nguyệt, tăng máu kinh, cải thiện tình trạng máu kinh ra ít.
4.2 Tập luyện thể dục thể thao - rèn luyện thể chất thường xuyên
Tập luyện thể thao hàng ngày giúp bạn cải thiện tình trạng rối loạn nội tiết tố. Hãy thiết lập một lịch trình tập luyện hợp lý và duy trì đều đặn để đạt được kết quả mong muốn. Thời gian hợp lý cho mỗi ngày là 20 phút với những bài tập phù hợp. Có thể tập nhẹ nhàng vào những ngày hành kinh để điều hòa lượng kinh nguyệt.
4.3 Cải thiện đời sống tinh thần
Luôn giữ cho mình tâm lý thoải mái, lạc quan yêu đời, hạn chế tối đa tình trạng stress và lo lắng, điều này rất có ích trong việc ổn định nội tiết tố trong cơ thể.
Nếu đang trong độ tuổi mãn kinh mà bạn gặp phải những triệu chứng kể trên, không nhất thiết phải đến bệnh viện vì rất có thể là những thay đổi sinh lý hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu chúng khiến bạn khó chịu cực độ, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống hoặc thực hiện các biện pháp trên mà máu kinh vẫn ra ít, bạn hãy nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ. Lúc này, có thể bác sĩ tư vấn và cho bạn một số thuốc để điều trị giảm nhẹ triệu chứng. Hãy đi khám ngay bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.