1. Phẫu thuật ung thư dạ dày như thế nào?
Phẫu thuật cắt bỏ khối u ở dạ dày là cách điều trị hiệu quả nhất hiện nay. Phương pháp này chỉ áp dụng khi điều trị đầu tiên, phát hiện ra bệnh sớm, không dùng khi khối u di căn, xâm lấn sang các động mạch. Tùy vào từng vị trí khối u mà bác sĩ sẽ loại bỏ mô, cơ quan lân cận nằm gần đó.
Hiện tại, có 2 cách phẫu thuật ung thư dạ dày phổ biến và cho kết quả tốt nhất:
- Mổ nội soi: Bác sĩ sẽ dùng ống soi đặc biệt cùng với dụng cụ nhỏ để cắt bỏ khối u.
- Mổ hở: Bác sĩ sẽ rạch một đường dài ở giữa bụng của bệnh nhân để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày.
Nếu tầm soát ung thư dạ dày phát hiện ra bệnh sớm, việc điều trị, phẫu thuật sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, thậm chí có thể chữa khỏi bệnh.
2. 4 lưu ý quan trọng giúp phục hồi nhanh sau khi thực hiện phẫu thuật ung thư dạ dày
Để quá trình chăm sóc, điều trị ung thư dạ dày đạt hiệu quả tốt nhất sau khi phẫu thuật, các bệnh nhân và người nhà cần chú ý điều sau:
2.1. Theo dõi biến chứng sau quá trình phẫu thuật ung thư dạ dày
Phẫu thuật cắt dạ dày do ung thư có độ phức tạp cao, đòi hỏi bác sĩ giỏi, có nhiều kinh nghiệm. Nếu không, ngoài biến chứng hay gặp trong quá trình phẫu thuật dạ dày, các biến chứng sau phẫu thuật cũng có thể xuất hiện như:
- Chảy máu sau mổ: Hay thấy trong 24 giờ đầu tính từ lúc mổ. Tùy vào từng nơi chảy máu mà có các dấu hiệu khác nhau:
+ Chảy máu ở vết mổ: Triệu chứng là vết mổ sưng nề, băng gạc thấm có nhiều máu. Để khắc phục được tình trạng này, bác sĩ sẽ phải thực hiện khâu tăng cường hoặc chỉ định băng ép.
+ Chảy máu miệng nối: Biểu hiện là nôn ra máu, đau bụng. Với trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể dùng thuốc và rửa dạ dày theo chỉ định của bác sĩ. Còn nặng hơn thì cần phải truyền máu hoặc đôi khi phải mổ lại.
+ Chảy máu ở ổ bụng: Dấu hiệu là bí trung đại tiện, nôn, bụng đau dữ dội. Lúc này, người bệnh nên đến ngay bệnh viện để bác sĩ xử lý kịp thời.
- Đầy bụng: Sau khi phẫu thuật, chức năng của nó sẽ không hoạt động tốt như trước. Do đó, người bệnh sẽ luôn có cảm giác đầy bụng, đặc biệt là sau khi ăn. Để không còn gặp tình trạng này, bệnh nhân nên ăn ít và chia nhỏ các bữa ăn.
- Buồn nôn, nôn: Để hạn chế, người bệnh tránh ăn các thực phẩm có mùi khó chịu, nồng và khi đi ngủ nên nằm cao đầu.
- Tiêu chảy: Tình trạng này có thể diễn ra vài tuần. Để cải thiện vấn đề này, người bệnh nên dùng thuốc tiêu chảy.
2.2. Thời gian phục hồi sau khi phẫu thuật ung thư dạ dày
Như nói ở trên, phẫu thuật bệnh ung thư dạ dày có nhiều phương pháp và cắt một phần hoặc toàn bộ nên thời gian phục hồi khác nhau.
- Với người bệnh được phẫu thuật nội soi cắt bỏ niêm mạc: Chỉ sau 2 – 3 ngày thực hiện, bệnh nhân có thể xuất viện. Tuy nhiên, để hạn chế và ngăn ngừa tái phát bệnh, người bệnh nên ăn chế độ khoa học.
- Với người bệnh được phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày: Ca phẫu thuật này có phần phức tạp nên người bệnh sẽ ở lại bệnh viện khoảng 1 – 2 tuần. Sau 6 tuần mà không gặp phải bất cứ biến chứng nào, người bệnh phục hồi hoàn toàn.
- Với bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày: Thời gian nằm viện từ 1- 2 tuần hoặc thậm chí lâu hơn. Để phục hồi hoàn toàn, người bệnh sẽ mất ít nhất 2 tháng. Đồng thời, trong thời gian này cần ăn khoa học, tránh hoạt động mạnh.
2.3. Thực hiện các chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp
Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt sẽ quyết định tới thời gian điều trị. Khi cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, sinh hoạt hợp lý giúp vết mổ mau lành, sức đề kháng tăng cao. Hầu hết các bác sĩ sau khi phẫu thuật xong sẽ tư vấn về vấn đề này, các bạn có thể tham khảo bài viết Chế độ dinh dưỡng sau khi cắt dạ dày để nắm rõ thêm.
2.4. Kiểm tra và tái khám định kỳ
Kiểm tra sức khỏe, tái khám theo chỉ định của bác sĩ rất cần thiết. Điều này giúp bạn:
- Phòng ngừa bệnh tái phát.
- Phát hiện sớm bệnh tái phát.
- Đảm bảo chất lượng cuộc sống.
3. Phẫu thuật ung thư dạ dày sống được bao lâu?
Giống như các bệnh khác, tùy vào từng giai đoạn của bệnh, thời điểm phẫu thuật mà bệnh nhân mắc bệnh ung thư dạ dày có thể sống được bao lâu. Nếu như phát hiện sớm, tuổi thọ của người bệnh sẽ kéo dài và ngược lại.
Cụ thể:
- Khoảng 57% bệnh nhân điều trị ở ngay giai đoạn 1B hoặc khoảng 71% với giai đoạn 1A sẽ sống được ít nhất 5 năm.
- Khoảng 33% bệnh nhân điều trị ở giai đoạn 2B hoặc khoảng 46% với giai đoạn 2A sẽ sống được ít nhất 5 năm.
- Khoảng 14% bệnh nhân điều trị ở giai đoạn 3B hoặc 20% với giai đoạn 3A sẽ sống được 5 năm hoặc hơn.
Vì thế, đây là lý do mà bạn nên đi tầm soát, khám sàng lọc ung thư dạ dày thường xuyên.
Như vậy để quá trình phục hồi nhanh chóng sau ca phẫu thuật ung thư dạ dày, bạn cần tuân thủ thực hiện các điều lưu ý trên. Để yên tâm hơn trong quá trình điều trị ung thư dạ dày, các bạn có thể gọi bác sĩ nhờ tư vấn về cách chăm sóc, kiêng khem.
Liên hệ HOTLINE hoặc đặt TẠI ĐÂY/ qua ứng dụng MyVinmec để được y bác sĩ của bệnh viện Vinmec hỗ trợ tốt nhất.