3 dấu hiệu điển hình của thai ngoài tử cung

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong tử cung như bình thường. Nếu phát hiện tình trạng thai ngoài tử cung muộn, người mẹ sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nhận biết sớm được các dấu hiệu điển hình của tình trạng thai ngoài tử cung sẽ giúp các sản phụ có hướng thăm khám, điều trị kịp thời.

Mang thai ngoài tử cung là khi trứng đã thụ tinh tự làm tổ bên ngoài tử cung, thường là ở một trong hai ống dẫn trứng. Các ống dẫn trứng là cấu trúc kết nối buồng trứng với tử cung. Nếu trứng bị mắc kẹt tại đây, chúng sẽ không phát triển thành em bé và sức khỏe của người phụ nữ có thể gặp nguy hiểm nếu tiếp tục mang thai. Thật không may, không thể giữ được thai ngoài tử cung. Nó thường phải được loại bỏ bằng cách sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật. Ở Anh, cứ 90 trường hợp mang thai thì có 1 trường hợp mang thai ngoài tử cung. Ước tính có khoảng 11.000 trường hợp thai ngoài tử cung mỗi năm.

1. 3 dấu hiệu điển hình của thai ngoài tử cung là gì?

Các triệu chứng của thai ngoài tử cung thường bắt đầu xuất hiện từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 12 của thai kỳ. Một số phụ nữ lúc đầu không có bất kỳ triệu chứng nào. Họ có thể không phát hiện ra mình mang thai ngoài tử cung cho đến khi kết quả siêu âm sớm cho thấy có vấn đề hoặc họ gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn sau đó.

3 dấu hiệu điển hình cụ thể là:

Dấu hiệu lâm sàng điển hình gợi ý một trường hợp thai ngoài tử cung là mất kinh, đau bụng và ra máu âm đạo bất thường. Một người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhập viện vì các dấu hiệu kể trên là một cảnh báo cho các bác sĩ lâm sàng. Bác sĩ thường sẽ ưu tiên chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng và siêu âm để loại trừ chẩn đoán thai ngoài tử cung trước khi nghĩ đến các bệnh cảnh khác.

Trễ kinh là dấu hiệu gợi ý mang thai. Một số người nghi ngờ mang thai thử thai dương tính trước khi đến cơ sở y tế.

Ra máu âm đạo được coi là một triệu chứng khi nó có xu hướng hơi khác với chu kỳ kinh nguyệt thông thường. Máu âm đạo trong thai ngoài tử cung có thể có màu nâu sẫm. Một số phụ nữ nhầm lẫn hiện tượng chảy máu này với chu kỳ kinh nguyệt và không nhận ra mình đang mang thai. Ra máu âm đạo bất thường khi mang thai tương đối phổ biến và không nhất thiết là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng, nhưng bạn nên đi khám nếu gặp phải tình trạng này.

Bạn có thể bị đau bụng, thường là ở một bên vùng bụng dưới. Cảm giác đau có thể phát triển đột ngột hoặc từ từ và có thể dai dẳng và biến mất một cách nhanh chóng. Đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả những nguyên nhân đến từ hệ tiêu hóa. Do đó, đau bụng xuất hiện một cách đơn độc không nhất thiết có nghĩa là bạn đang mang thai ngoài tử cung. Nhưng bạn nên nhận được sự tư vấn y tế nếu bạn đau bụng và nghĩ rằng có thể bản thân đang mang thai.

Đau vai là cảm giác đau bất thường ở vai, vị trí nối liền với cánh tay. Người ta không biết chính xác lý do tại sao nó xảy ra, nhưng đau vai có thể là dấu hiệu của việc mang thai ngoài tử cung gây biến chứng xuất huyết bên trong ổ bụng, vì vậy bạn nên đi khám ngay nếu gặp phải tình trạng này.

Ngoài những dấu hiệu kể trên, khi mang thai ngoài tử cung, bạn có thể bị đau khi đi tiểu hoặc bị tiêu chảy. Một số thay đổi đặc điểm của bàng quang và nhu động ruột bình thường cũng xảy ra như một sự thay đổi về mặt sinh lý khi mang thai, hoặc những triệu chứng này có thể do nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm ruột. Nhưng tốt hơn hết là bạn nên tìm đến bác sĩ nếu bạn gặp những triệu chứng này và nghĩ rằng mình có thể đang mang thai.


Dấu hiệu lâm sàng gợi ý mang thai ngoài tử cung là mất kinh
Dấu hiệu lâm sàng gợi ý mang thai ngoài tử cung là mất kinh

2. Các triệu chứng dọa vỡ thai ngoài tử cung

Trong một số trường hợp, thai ngoài tử cung có thể phát triển đủ lớn để làm vỡ ống dẫn trứng. Đây là biến chứng rất nghiêm trọng và cần phải tiến hành phẫu thuật sửa ống dẫn trứng càng sớm càng tốt. Các dấu hiệu của dọa vỡ thai ngoài tử cung bao gồm sự kết hợp của:

  • Một cơn đau dữ dội, đột ngột ở bụng
  • Cảm thấy rất chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Trông rất nhợt nhạt

3. Nguyên nhân gây ra thai ngoài tử cung

Trong nhiều trường hợp, không rõ lý do tại sao một phụ nữ lại mang thai ngoài tử cung. Đôi khi thai ngoài tử cung xuất hiện khi có vấn đề liên quan đến ống dẫn trứng, chẳng hạn như hẹp hoặc bị tắc.

Tất cả những yếu tố sau đây đều liên quan đến việc tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung:

  • Bệnh viêm vùng chậu (PID) – tình trạng viêm hệ thống các cơ quan sinh sản nữ, thường do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI)
  • Mang thai ngoài tử cung trước đó - nguy cơ mang thai ngoài tử cung tăng lên khoảng 10% nếu có phẫu thuật trước đó trên ống dẫn trứng - chẳng hạn như thủ thuật triệt sản nữ không thành công.
  • Điều trị hiếm muộn, chẳng hạn như thụ tinh ống nghiệm - dùng thuốc để kích thích rụng trứng có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung
  • Có thai trong khi sử dụng dụng cụ tử cung (IUD) để tránh thai – mặc dù rất hiếm khi có thai khi sử dụng những dụng cụ này
  • Hút thuốc lá
  • Lớn tuổi - nguy cơ cao nhất đối với phụ nữ mang thai từ 35 đến 40 tuổi

Sự thật là không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa mang thai ngoài tử cung, nhưng bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách sử dụng bao cao su khi không muốn có con để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục và bằng cách ngừng hút thuốc lá càng sớm càng tốt.

4. Chẩn đoán thai ngoài tử cung

Nếu chỉ dựa vào các biểu hiện lâm sàng, bao gồm 3 dấu hiệu điển hình, việc chẩn đoán thai ngoài tử cung có thể gặp phải nhiều khó khăn vì triệu chứng có thể tương tự với các nguyên nhân khác.

Bác sĩ sẽ khám cho bạn và đề nghị thử thai. Nếu bạn có các triệu chứng của thai ngoài tử cung với kết quả thử thai dương tính, bạn có thể được giới thiệu đến các trung tâm hoặc cơ sở y tế có chuyên khoa sản để kiểm tra thêm. Dưới đây là một số cận lâm sàng mà bạn có thể thực hiện.

4.1. Siêu âm ngã âm đạo

Mang thai ngoài tử cung thường được chẩn đoán bằng cách tiến hành siêu âm qua ngã âm đạo.

Kỹ thuật này bao gồm việc đưa một đầu dò nhỏ vào âm đạo của bạn. Đầu dò rất nhỏ nên dễ dàng đưa vào và bạn sẽ không cần gây tê cục bộ. Đầu dò phát ra sóng âm dội lại để tạo ra hình ảnh cận cảnh về hệ thống sinh sản của bạn trên màn hình. Điều này thường cho thấy liệu trứng đã thụ tinh có làm tổ vào một trong các ống dẫn trứng của bạn hay không, mặc dù đôi khi có thể rất khó phát hiện.

4.2. Xét nghiệm máu

Các xét nghiệm máu để định lượng hóc môn đặc hiệu cho thai kỳ, xét nghiệm beta hCG cũng có thể được thực hiện hai lần, cách nhau 48 giờ, để xem mức độ thay đổi như thế nào theo thời gian. Đây có thể là một cách hữu ích để xác định các trường hợp thai ngoài tử cung không được tìm thấy khi siêu âm, vì nồng độ hCG có xu hướng thấp hơn và tăng chậm hơn theo thời gian so với thai kỳ bình thường. Kết quả của xét nghiệm cũng có thể hữu ích trong việc lựa chọn phương pháp điều trị thai ngoài tử cung


Xét nghiệm máu để định lượng hóc môn đặc hiệu cho thai kỳ
Xét nghiệm máu để định lượng hóc môn đặc hiệu cho thai kỳ

4.3. Phẫu thuật nội soi

Nếu vẫn chưa chắc chắn người bệnh có mang thai ngoài tử cung hay không hoặc không xác định được vị trí của thai thì các bác sĩ có thể tiến hành nội soi ổ bụng. Đây là một loại phẫu thuật ít xâm lấn được thực hiện dưới gây mê toàn thân bao gồm tạo một vết cắt nhỏ trên da bụng và đưa một ống quan sát được gọi là ống nội soi. Bác sĩ sử dụng ống nội soi để quan sát trực tiếp tử cung và hai ống dẫn trứng. Nếu thai ngoài tử cung được phát hiện trong quá trình phẫu thuật, các dụng cụ phẫu thuật nhỏ có thể được sử dụng để loại bỏ nó và tránh phải phẫu thuật lần thứ hai sau này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe