Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Lối sống và thói quen ăn uống hàng ngày có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của hệ tiêu hóa. Việc duy trì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh không chỉ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể mà còn ngăn ngừa các căn bệnh nguy hiểm khác, chẳng hạn như ung thư dạ dày. Dưới đây là 16 lời khuyên giúp bạn tiêu hóa tốt thức ăn.
1. Bổ sung chất xơ
Chất xơ là một trong những chất có tác dụng rất tốt đối với hệ tiêu hóa. Chúng có khả năng thúc đẩy sự no nhanh, giúp hạn chế cơn thèm ăn, do đó nó đặc biệt hữu ích đối với những người đang thực hiện chế độ giảm cân để lấy lại vóc dáng cân đối. Bên cạnh đó, chất xơ cũng mang lại nhiều lợi ích cho tim mạch và giúp kiểm soát tốt được lượng đường trong máu. Mỗi ngày, bạn nên bổ sung từ 20-35 gram chất xơ cần thiết thông qua các loại thực phẩm như nho, anh đào, đậu, ớt chuông, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.
2. Nhai kẹo cao su giúp làm giảm chứng ợ nóng
Nhai kẹo cao su có thể kích thích cơ thể để tạo ra nước bọt, từ đó giúp cân bằng lượng axit trong dạ dày. Tuy nhiên, các loại kẹo cao su có hương vị bạc hà có thể gây kích ứng, vì vậy bạn nên chọn sang loại kẹo cao su có hương vị khác. Bạn có thể dừng phương pháp này nếu nó gây ra các tình trạng như nuốt không khí, ợ hoặc đầy hơi.
3. Giảm cân là cách để tiêu hóa tốt
Việc giảm trọng lượng cơ thể, nhất là vùng mỡ thừa quanh bụng có thể giúp làm giảm sự khó chịu của chứng ợ nóng, hoặc đầy hơi. Bạn có thể tìm đến sự tư vấn từ bác sĩ để lên kế hoạch tập luyện thể dục phù hợp và ăn kiêng thông minh nhằm sớm đạt được mục tiêu giảm cân của mình.
4. Giảm khẩu phần ăn
Đây là một cách tuyệt vời giúp bạn ngăn ngừa hiệu quả chứng khó tiêu, đầy hơi, ợ nóng cùng các vấn đề sức khỏe tiêu hóa khác. Ban đầu, bạn nên thực hiện chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ hơn trong ngày. Quá trình này có lẽ sẽ mất một khoảng thời gian nhất định để bạn quen dần, từ đó bạn sẽ hình thành nên thói quen ăn ít hơn so với khẩu phần ăn dự định.
5. Bổ sung nước cho cơ thể
Thông thường, các chất lỏng sẽ giúp cho cơ thể loại bỏ dễ dàng được lượng chất thải dư thừa và cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho các hoạt động hàng ngày. Do đó, bạn nên thường xuyên bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể vào mỗi ngày, chẳng hạn như nước khoáng, nước ép trái cây, trà hoặc một số loại đồ uống khác.
Các chất lỏng cũng thường có sẵn trong các loại thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng, vì vậy không nhất thiết bạn phải uống đủ 8 ly nước mỗi ngày. Để biết được lượng chất lỏng cần bổ sung vào cơ thể bao nhiêu là đủ, bạn nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ.
6. Tập thể dục thường xuyên
Việc duy trì thói quen tập luyện thể dục thường xuyên không những giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể mà còn ngăn ngừa hiệu quả các vấn đề về tiêu hóa, bao gồm đầy hơi và táo bón. Hơn nữa, các hoạt động thể chất cũng thúc đẩy hệ thống tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn, đồng thời dễ dàng loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, đây cũng là một liệu pháp tuyệt vời giúp kiểm soát sự căng thẳng- một trong những tác nhân gây ra nhiều vấn đề về tiêu hóa.
7. Lựa chọn các loại thực phẩm chứa lợi khuẩn (Probiotic)
Probiotic thực chất là những loại vi khuẩn có lợi, chúng thường được tìm thấy trong sữa chua, nước ép, đồ ăn nhẹ và các chất bổ sung. Một số kết quả nghiên cứu đã cho thấy lợi khuẩn có tác dụng rất tốt trong việc làm giảm tình trạng tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc bệnh viêm đường ruột (IBD).
8. Làm giảm sự căng thẳng
Thực tế, não bộ và hệ thống tiêu hóa có mối quan hệ mật thiết với nhau. Sự căng thẳng có thể khiến cho các vấn đề như hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc loét dạ dày trở nên trầm trọng hơn. Để cải thiện được những tình trạng này, bạn nên tích cực tham gia các hoạt động thể chất, tập thiền kết hợp với các liệu pháp thư giãn, đặc biệt chú trọng tới việc ngủ đủ giấc.
9. Chú trọng đến chế độ ăn uống hàng ngày
Tốt nhất, bạn nên hạn chế hoặc loại bỏ các loại thực phẩm không phù hợp đối với sức khỏe hệ tiêu hóa của mình. Một số người có thể gặp phải các vấn đề với những thực phẩm có chứa nhiều khí như đậu, soda hoặc các chất béo như đồ chiên rán và phô mai. Đối với một số trường hợp khác có thể gặp phải các vấn đề về tiêu hóa khi tiêu thụ những loại thực phẩm có tính axit như cà phê, cam, quýt, trà và cà chua.
10. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá
Hiện nay, hút thuốc lá là một thói quen phổ biến đối với nhiều người, nhất là cánh mày râu. Mặc dù hút thuốc lá có thể đem lại cảm giác hưng phấn, thư giãn và giải tỏa căng thẳng, tuy nhiên chúng có thể làm suy yếu van ở cuối thực quản (ống đi từ miệng đến dạ dày), dẫn đến chứng trào ngược axit và ợ nóng. Bên cạnh đó, hút thuốc lá cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc các căn bệnh ung thư nguy hiểm.
Để ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực từ thuốc lá đối với sức khỏe tổng thể cũng như hệ thống tiêu hóa, bạn nên cố gắng từ bỏ thói quen này. Nếu việc bỏ thuốc là khó khăn, bạn có thể tìm đến sự trợ giúp từ bác sĩ chuyên khoa.
11. Hạn chế uống rượu
Nếu bạn là một người thường xuyên sử dụng rượu, hãy cố gắng hạn chế bản thân chỉ uống một ly (đối với nữ) hoặc hai ly mỗi ngày (đối với nam). Việc lạm dụng rượu có thể góp phần gây ra các tình trạng như ợ nóng, tiêu chảy, các vấn đề về gan và ung thư thực quản.
12. Nhai chậm
Ợ hơi xảy ra khi không khí tích tụ một lượng lớn trong dạ dày. Để đẩy không khí ra bên ngoài dạ dày, bạn nên làm chậm lại tốc độ nhai thức ăn của mình. Tránh vội vã nuốt thức ăn khi chưa nhai kỹ. Trong trường hợp nhai kẹo cao su hoặc các loại kẹo cứng khiến cho bạn nuốt nhiều không khí hơn, tốt nhất bạn nên tránh sử dụng chúng.
13. Hạn chế ăn muối
Muối là một loại gia vị không thể thiếu đối với mỗi gia đình, chúng giúp món ăn trở nên đậm đà và thơm ngon hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều muối trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến tình trạng đầy hơi. Do đó, trước khi lựa chọn thực phẩm, bạn nên kiểm tra kỹ nhãn dán dinh dưỡng để xem lượng natri có trong một khẩu phần là bao nhiêu nhằm tránh bổ sung dư thừa muối cho cơ thể.
14. Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm
Việc sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng hoặc chứa các chất độc hại có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, cùng với các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Do đó, bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm tươi, sạch, và bảo quản ở ngăn lạnh. Các thực phẩm cũng nên được nấu chín trước khi sử dụng. Ngoài ra, các loại dụng cụ được dùng cho chế biến thực phẩm cần phải được vệ sinh sạch sẽ.
15. Lựa chọn sữa không đường
Một số người có thể không tiêu hóa được đường sữa (đường tự nhiên trong sữa) và khiến cho họ cảm thấy bị đầy hơi. Trong trường hợp này, các sản phẩm sữa không đường chính là sự lựa chọn tốt nhất.
16. Gặp bác sĩ khi có vấn đề về tiêu hóa
Bạn cần gặp bác sĩ nếu các triệu chứng như đầy hơi, hoặc ợ nóng không biến mất, hoặc quay trở lại, đặc biệt là đối với phụ nữ đang mang thai. Ngoài ra, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như sốt, khó nuốt, khó đi vệ sinh, bị nghẹn, nôn ra máu, đau bụng, phân đen, hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com