Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Bạn đã quyết định mình sẽ làm mẹ? Nhưng đợi chút, bạn cần chuẩn bị tốt cho một thai kỳ và em bé chào đời khỏe mạnh. Bạn đã biết mình cần làm những việc gì chưa? Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những gợi ý quan trọng giúp bạn chuẩn bị tốt hơn.
1. Lên lịch hẹn bác sĩ tiền thai kỳ
Bạn nên hẹn gặp bác sĩ để kiểm tra tiền thai, xin tư vấn của bác sĩ về một số việc bạn nên thực hiện trước khi mang thai. Bác sĩ có thể hỏi các câu hỏi về tiền sử bệnh lý của bạn và những người thân trong gia đình, sau đó yêu cầu bạn làm các xét nghiệm di truyền nếu cần thiết, hoặc nên bổ sung một số vi chất đặc biệt để tốt cho thai nhi.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho bạn một lối sống lành mạnh và những mũi tiêm phòng cần thiết, kiểm soát các tình trạng sức khoẻ trước đó như: Huyết áp cao, hen suyễn, tiểu đường...trước và trong suốt thai kỳ.
2. Sàng lọc di truyền trước khi mang thai
Sàng lọc di truyền để biết được em bé sinh ra có bao nhiêu khả năng mắc một số bệnh di truyền nào không?. Một số bệnh di truyền nghiêm trọng thường cần được kiểm tra bao gồm: Xơ nang, hồng cầu hình liềm, hoặc một số bệnh khác.
Sàng lọc di truyền có nhiều lợi ích, một số bệnh di truyền nếu được can thiệp sớm sẽ tốt cho bé. Hoặc mẹ có thể chọn phương pháp cấy phôi loại trừ gen đột biến di truyền trong trường hợp cần thiết. Sàng lọc di truyền là bước rất quan trọng để đảm bảo em bé của bạn sinh ra được khỏe mạnh.
3. Bổ sung axit folic (và chú ý đến vitamin A)
Bằng cách bổ sung 400 microgam (mcg) axit folic mỗi ngày trong ít nhất 1 tháng trước khi bạn thụ thai và trong tam cá nguyệt đầu tiên, bạn có thể giảm 50 đến 70% khả năng sinh con bị khuyết tật ống thần kinh như tật nứt đốt sống và một số dị tật bẩm sinh khác.
Bạn có thể mua thực phẩm chức năng bổ sung axit folic ở hiệu thuốc, hoặc bạn có thể uống vitamin tổng hợp trước khi sinh thường xuyên. Ngoài ra, hãy kiểm tra để đảm bảo rằng loại vitamin tổng hợp bạn dùng không chứa nhiều hơn mức cho phép hàng ngày là 770 mcg RAE (2,565 IU) vitamin A. Việc hấp thụ quá nhiều vitamin A có thể gây ra dị tật bẩm sinh.
4. Từ bỏ uống rượu, hút thuốc lá khi mang thai
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non và trẻ nhẹ cân ở phụ nữ. Còn đối với nam giới, sử dụng thuốc lá có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và làm giảm số lượng tinh trùng. Việc hút thuốc lá thụ động cũng mang lại những ảnh hưởng tương tự. Vì thế hãy cố gắng tránh xa khói thuốc lá thụ động.
Uống rượu vừa phải (một ly mỗi ngày đối với phụ nữ) được coi là tốt khi bạn đang cố gắng thụ thai, nhưng bạn cần lưu ý không nên uống quá nhiều. Khi bạn đã mang thai thì cần từ bỏ hoàn toàn việc uống rượu vì có thể gây hại cho thai nhi.
5. Ăn nhiều hơn những thực phẩm lành mạnh
Bạn cần ăn ít nhất 2 cốc trái cây và rau mỗi ngày. Ngoài ra cần ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm chứa nhiều canxi - như sữa, nước cam, bổ sung canxi và sữa chua. Ăn nhiều nguồn protein khác nhau, chẳng hạn như đậu, quả hạch, các sản phẩm từ đậu nành, thịt gia cầm. Duy trì chế độ ăn lành mạnh trước trong và sau thai kỳ là yếu tố quyết định đối với sức khỏe của cả mẹ và bé.
6. Kiểm soát lượng cafein bạn uống mỗi ngày
Mặc dù không có sự nhất trí chính xác về lượng cafein an toàn trong thời kỳ mang thai, các chuyên gia đồng ý rằng phụ nữ mang thai và những người đang cố gắng thụ thai nên tránh tiêu thụ một lượng lớn caffeine mỗi ngày. Quá nhiều caffeine có liên quan đến nguy cơ sảy ở một số phụ nữ (nhưng không phải tất cả) nghiên cứu.
7. Cố gắng duy trì cân nặng hợp lý
Bạn có thể dễ thụ thai hơn nếu bạn đang ở mức cân nặng hợp lý. Chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hoặc cao đều khiến bạn trở nên khó mang thai hơn.
8. Lưu ý lựa chọn cá trong bữa ăn hàng ngày
Cá là một nguồn tuyệt vời của axit béo omega-3 (rất quan trọng đối với sự phát triển não và mắt của bé), protein, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác, nhưng nó cũng chứa thủy ngân, có thể gây hại. Vì vậy bạn có thể ăn cá nhưng hãy tránh những loại cá có hàm lượng thuỷ ngân cao. Bạn nên ăn cá 2 tuần mỗi lần và nhớ lưu ý chọn cá được nuôi và đánh bắt ở nơi có vùng nước sạch, không bị ô nhiễm.
9. Tập thể dục thường xuyên hơn
Một chương trình tập thể dục lành mạnh từ 30 phút trở lên với cường độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ hoặc đạp xe và tập tạ, kéo giãn cơ, yoga sẽ phù hợp và rất tốt để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh.
10. Tính toán ngày rụng trứng
Tính toán ngày rụng trứng giúp bạn ước tính sơ bộ về thời điểm bạn dễ thụ thai nhất. Nếu bạn muốn chính xác hơn, hãy bắt đầu lập biểu đồ nhiệt độ cơ thể cơ bản (BBT) và những thay đổi trong chất nhầy cổ tử cung của bạn. Theo dõi các triệu chứng này trong vài tháng có thể giúp bạn biết được thời điểm rụng trứng trong mỗi chu kỳ.
11. Gặp nha sĩ
Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể khiến bạn dễ mắc các bệnh về nướu hơn. Mức progesterone và estrogen cao hơn có thể khiến nướu phản ứng khác nhau với vi khuẩn trong mảng bám, dẫn đến nướu sưng, đỏ, mềm và chảy máu khi bạn dùng chỉ nha khoa hoặc chải răng. Tin tốt là những phụ nữ chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt trước khi mang thai sẽ giảm thiểu nguy cơ gặp các biến chứng về nướu trong thai kỳ.
12. Hãy cố gắng tránh xa các bệnh truyền nhiễm khi mang thai
Điều quan trọng là phải tránh xa các bệnh truyền nhiễm khi bạn đang cố gắng mang thai, và ngay cả khi có thai. Đặc biệt là những bệnh có thể gây hại cho thai nhi của bạn. Một số biện pháp phòng tránh sẽ bao gồm: tăng cường vệ sinh tay với nước và xà phòng, bổ sung thực phẩm tăng sức đề kháng và tiêm phòng các mũi tiêm phòng cần thiết trước khi mang thai.
13. Hạn chế các tác động từ môi trường ô nhiễm
Bạn có thể không thể loại bỏ hoàn toàn tất cả các mối nguy hiểm về môi trường, nhưng bạn có thể cố gắng hết sức tránh xa chúng càng nhiều càng tốt trong đời sống hàng ngày. Một số sản phẩm tẩy rửa, thuốc trừ sâu, dung môi và chì trong nước uống từ các đường ống cũ có thể gây nguy hiểm cho thai nhi đang phát triển.
14. Cân nhắc vấn đề tài chính
Mang thai và sinh em bé đầu đời có thể tốn kém một khoản tài chính nhất định, vì vậy bạn cần lập kế hoạch về tài chính tốt để cảm thấy thoải mái hơn trong suốt thai kỳ cũng như sau khi sinh em bé. Nếu bạn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn thì chi phí nuôi em bé cũng được tiết kiệm hơn rất nhiều.
15. Chuẩn bị một tinh thần tốt
Khi mang thai và sau khi sinh con, bạn sẽ trải qua rất nhiều biến đổi trong tâm lý. Có những biến đổi không dễ vượt qua và có thể dẫn tới trầm cảm sau sinh và thậm chí cả trong thai kỳ. Bạn nên tìm hiểu về trầm cảm sau sinh và các biện pháp khiến bạn cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn, giúp bạn dự phòng và đối phó với trầm cảm sau sinh.
Ngoài 15 điều trên, để chuẩn bị mang thai đón một thai kỳ khỏe mạnh, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.
Người vợ nên:
- Tiêm chủng trước khi mang thai (đặc biệt là ngừa rubella vì rubella trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm)
- Xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai
- Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi
- Đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi nếu muốn mang thai (nhất là chưa mang thai lần nào) sẽ phải kiểm tra sức khỏe rất chi tiết do mang thai ở tuổi này thường gặp các vấn đề: Suy buồng trứng, sinh non, nguy cơ dị tật thai nhi, rau tiền đạo, tiền sản giật cao hơn.
Người chồng nên:
- Kiểm tra sức khỏe sinh sản, phát hiện các bệnh lý teo tinh hoàn, yếu sinh lý, tinh trùng yếu...
- Các bệnh lây qua đường tình dục nhất là những bệnh không thể chữa khỏi vô cùng nguy hiểm
Nguồn tham khảo: babycenter.com