11 lý do có thể giảm cân không giải thích được

Nếu bạn giảm hơn 5% trọng lượng trong vòng 6 đến 12 tháng hoặc giảm cân nhanh mà không có lý do thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

11 lý do khiến cơ thể giảm cân nhanh nhanh chóng bao gồm:

1. Cường giáp khiến cơ thể giảm cân nhanh

Nếu tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone, nó sẽ đẩy nhanh quá trình trao đổi chất khiến cơ thể đốt cháy nhiều calo hơn và giảm cân. Bạn cũng có thể đi tiêu nhiều hơn và tim đập nhanh hơn và cảm thấy lo lắng. Các triệu chứng cường giáp khác bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Khó ngủ;
  • Run tay;
  • Kinh nguyệt ra ít ở phụ nữ;

Các nguyên nhân có thể gây ra cường giáp bao gồm:

  • Bệnh Graves;
  • Viêm tuyến giáp;
  • Ăn quá nhiều iốt;
  • Dùng quá nhiều thuốc tuyến giáp.

Điều trị cường giáp tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ bệnh. Bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát bệnh cường giáp bằng thuốc kháng giáp, iốt phóng xạ, thuốc chẹn beta. Họ cũng có thể nói chuyện với bạn về phẫu thuật để loại bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp.

2. Bệnh tiểu đường gây sụt cân nhanh

Insulin là một loại hormone mà cơ thể tạo ra để biến lượng đường trong máu thành năng lượng. Nếu bạn bị tiểu đường, cơ thể không thể tạo ra insulin hoặc không sử dụng nó một cách hiệu quả. Khi các tế bào của bạn cạn kiệt nhiên liệu, cơ thể nghĩ rằng nó đang đói và bắt đầu đốt cháy chất béo và cơ. Điều này làm cho bạn giảm cân.

Bạn cũng có thể xuất hiện các triệu chứng khác khi bị bệnh tiểu đường như:

  • Cảm thấy khát;
  • Mệt mỏi;
  • Hay đói;
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường.

Nói chuyện với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nhận thấy những triệu chứng này. Nếu bạn bị tiểu đường, họ có thể giúp bạn tìm ra một kế hoạch điều trị phù hợp.

3. Giảm cân nhanh do bệnh celiac

Nếu bạn mắc bệnh celiac, cơ thể sẽ phản ứng với gluten, một loại protein có trong lúa mì và các loại ngũ cốc khác. Khi bạn ăn những loại thực phẩm này, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công ruột non do nhầm lẫn. Điều đó có thể khiến cơ thể bạn khó hấp thụ chất dinh dưỡng và có thể dẫn đến giảm cân.

Bạn cũng có thể bị nhức đầu, ngứa da, lở loét trong miệng và đau khớp. Chỉ bác sĩ mới có thể cho bạn biết chắc chắn liệu bạn có mắc bệnh celiac không. Nếu mắc phải chứng bệnh này, bạn sẽ cần tuân theo một chế độ ăn uống đặc biệt để ngăn chặn các triệu chứng.

4. Thuốc khiến bạn sụt cân nhanh


Một số loại thuốc có thể gây tình trạng giảm sút cân nặng
Một số loại thuốc có thể gây tình trạng giảm sút cân nặng

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị một số tình trạng sức khỏe nhất định có thể làm tăng quá trình trao đổi chất của bạn khiến bạn đốt cháy nhiều calo hơn hoặc khiến bạn ít đói hơn. Các loại thuốc đó bao gồm:

Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn chán ăn hoặc bắt đầu giảm cân khi dùng một loại thuốc mới.

5. Stress, trầm cảm có thể khiến bạn giảm cân nhanh

Việc giảm vài cân sau một số việc như mất việc, ly hôn hoặc người thân qua đời là điều bình thường. Cân nặng của bạn sẽ trở lại bình thường khi không có thời gian để đau khổ vì mất mát hoặc quen với sự thay đổi. Bạn có thể cần sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè, liệu pháp nhóm hoặc một cố vấn chuyên nghiệp. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn tiếp tục giảm cân.

Giảm cân có thể là một triệu chứng của trầm cảm - được định nghĩa là cảm thấy buồn bã, lạc lõng hoặc trống rỗng trong ít nhất 2 tuần. Những cảm xúc này cản trở các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đi làm hoặc đi học.

Trầm cảm cũng ảnh hưởng đến phần não kiểm soát sự thèm ăn. Điều này có thể dẫn đến việc giảm cảm giác thèm ăn và cuối cùng là gây giảm cân. Tuy nhiên, ở một số người, trầm cảm có thể làm tăng cảm giác thèm ăn. Các triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Các triệu chứng khác của trầm cảm bao gồm:

  • Nỗi buồn triền miên;
  • Mất hứng thú với sở thích;
  • Năng lượng thấp;
  • Kém tập trung;
  • Ngủ quá ít hoặc quá nhiều;
  • Ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử;
  • Cáu gắt.

Liệu pháp hành vi, liệu pháp tâm lý và thuốc chống trầm cảm được sử dụng để điều trị trầm cảm.

6. Bệnh lupus có thể khiến bạn sụt cân nhanh

Bệnh lupus đặc trưng bởi tình trạng hệ thống miễn dịch của bạn kích hoạt cơ thể và tấn công các mô và cơ quan. Bạn có thể giảm cân vì nó có thể gây kích thích hệ tiêu hóa và khiến cơ thể khó hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn.

Bạn có thể rất mệt và các khớp có thể bị đau hoặc cứng. Nhiều bệnh nhân bị phát ban hình cánh bướm trên mặt. Bác sĩ có thể giúp bạn giảm bớt các triệu chứng này bằng thuốc kết hợp thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.


Bệnh lupus đặc trưng bởi tình trạng hệ thống miễn dịch của bạn kích hoạt cơ thể và tấn công các mô và cơ quan
Bệnh lupus đặc trưng bởi tình trạng hệ thống miễn dịch của bạn kích hoạt cơ thể và tấn công các mô và cơ quan

7. Bệnh lý Addison gây sụt cân nhanh

Khi bị bệnh Addison, hệ thống miễn dịch tấn công các tuyến thượng thận, khiến cho tuyến thượng thận không tạo ra đủ một số hormone nhất định, đặc biệt là một loại hormone có tên là cortisol. Nó có thể gây ra các vấn đề về dạ dày như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và trong một số trường hợp gây tiêu chảy. Bên cạnh đó, cortisol điều chỉnh nhiều chức năng, bao gồm cả sự trao đổi chất và sự thèm ăn. Những điều này có thể khiến bạn chán ăn và cuối cùng là giảm cân.

Các triệu chứng khác của bệnh Addison bao gồm:

  • Huyết áp thấp;
  • Luôn thấy mệt mỏi;
  • Yếu cơ;
  • Thèm muối;
  • Tăng sắc tố.

Bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng và cho bạn thuốc để thay thế các hormone. Khi đó cân nặng có thể trở lại bình thường.

8. Ung thư khiến bạn giảm cân nhanh chóng

Ung thư là thuật ngữ chung cho các bệnh khiến các tế bào bất thường nhanh chóng phân chia và lây lan ra các bộ phận khác. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, một trong những dấu hiệu đầu tiên của ung thư là sụt cân không rõ nguyên nhân từ 10 pound trở lên. Điều này phổ biến với ung thư tuyến tụy, phổi, dạ dày và thực quản.

Những tế bào ung thư có thể sử dụng nhiều năng lượng hơn hoặc chúng có thể tạo ra các chất hóa học thay đổi cách bạn tiêu hóa thức ăn. Hệ thống miễn dịch thường phải làm việc nhiều hơn, điều đó khiến bạn mệt mỏi và cơ thể đốt cháy nhiều calo hơn, dẫn đến giảm cân.

Ung thư làm tăng tình trạng viêm. Điều này thúc đẩy quá trình giảm cơ bắp và phá vỡ các hormone điều chỉnh sự thèm ăn. Khối u đang phát triển cũng có thể làm tăng mức tiêu hao năng lượng khi nghỉ ngơi (REE) của bạn.

Các triệu chứng ban đầu của ung thư cũng bao gồm:

  • Sốt;
  • Mệt mỏi;
  • Đau đớn;
  • Thay da.

Tuy nhiên, cũng có nhiều tình trạng có thể gây ra các triệu chứng này. Đôi khi, ung thư không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Vì vậy việc phát hiện bệnh ung thư không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Điều trị tùy thuộc vào loại ung thư. Các phương pháp điều trị ung thư điển hình bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và liệu pháp miễn dịch.


Ung thư khiến bạn giảm cân nhanh chóng
Ung thư khiến bạn giảm cân nhanh chóng

9. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gây sụt cân nhanh

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một bệnh phổi tiến triển, bao gồm tình trạng khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính. Nhiều người bị COPD có cả 2 tình trạng trên.

Khí phế thũng từ từ làm hỏng các túi khí trong phổi, khiến bạn khó thở. Viêm phế quản mãn tính gây ra tình trạng viêm đường thở đưa không khí đến phổi, điều này tạo ra chất nhầy, ho và các vấn đề về hô hấp.

Ở giai đoạn đầu của bệnh COPD, một số người có thể không xuất hiện các triệu chứng nhưng những người khác có thể xuất hiện một số triệu chứng bao gồm:

  • Hụt hơi;
  • Thở khò khè;
  • Tức ngực;
  • Ho nhẹ, có hoặc không có đờm.

Trong các giai đoạn sau, COPD có thể gây giảm cân. Thở trong khi phổi bị tổn thương nhiều sẽ đốt cháy rất nhiều calo. Một người bị COPD có thể cần lượng calo gấp 10 lần so với người bình thường để thở. Bạn cũng có thể cảm thấy khó chịu khi ăn và thở cùng lúc, mệt mỏi và chán ăn. Tất cả những điều này đều có thể dẫn đến giảm cân.

Các triệu chứng khác của tình trạng COPD nặng bao gồm:

  • Sưng chân: sưng mắt cá chân hoặc cả bàn chân;
  • Sức bền cơ bắp giảm;
  • Mệt mỏi.

Nguyên nhân chính của COPD là hút thuốc lá. Tiếp xúc lâu dài với các chất gây kích ứng như ô nhiễm không khí và khói bụi cũng có thể dẫn đến COPD. Điều trị bằng thuốc, chẳng hạn như thuốc giãn phế quản và liệu pháp như liệu pháp oxy.

10. Suy tim có thể khiến bạn sụt cân nhanh

Sút cân là một biến chứng của suy tim sung huyết (CHF). Suy tim sung huyết phát triển khi tim không thể chứa đủ máu, tim không thể bơm máu đủ lực hoặc cả hai. Nó có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên của tim.

Nếu tim không thể bơm máu và oxy đến phần còn lại của cơ thể như bình thường, hệ tiêu hóa của bạn có thể không nhận đủ máu để thực hiện tốt công việc của mình. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy no ngay cả khi chưa ăn và có thể gây bệnh cho dạ dày.

Cuối cùng, cơ thể có thể không thể loại bỏ chất lỏng như bình thường, và nó có thể tích tụ trong ruột của bạn và khiến bạn không thể hấp thụ chất dinh dưỡng. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên cắt giảm lượng muối và cung cấp cho bạn các loại thuốc được gọi là thuốc lợi tiểu để giúp bạn loại bỏ chất lỏng.

Tình trạng viêm ở mô tim bị tổn thương cũng làm tăng tốc độ trao đổi chất, gây giảm cân ngoài ý muốn.

Các triệu chứng khác của suy tim sung huyết bao gồm:

  • Hụt hơi;
  • Ho dai dẳng;
  • Sưng tấy;
  • Mệt mỏi;
  • Nhịp tim nhanh.

Có một số loại thuốc được sử dụng để điều trị căn bệnh này, bao gồm thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta và thuốc lợi tiểu, một số trường hợp sẽ cần phải phẫu thuật.


Sút cân là một biến chứng của suy tim sung huyết (CHF)
Sút cân là một biến chứng của suy tim sung huyết (CHF)

11. Sa sút trí tuệ cũng có thể khiến bạn giảm cân nhanh

Sa sút trí tuệ làm suy yếu khả năng suy nghĩ cùng với trí nhớ cơ bản và cả các kỹ năng xã hội của bạn. Ở giai đoạn sau, bạn có thể bị sụt cân nhiều vì quên ăn hoặc khó nhai, khó nuốt. Nhiễm trùng mãn tính, chế độ ăn kiêng đặc biệt và các loại thuốc dùng để điều trị chứng sa sút trí tuệ có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.

Trọng lượng cơ thể dao động là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn đang giảm cân mà không phải do thay đổi thói quen của mình, thì một tình trạng nào đó có thể đang xảy ra. Nếu bạn giảm 5% trọng lượng trong vòng 6 đến 12 tháng, hoặc nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào ở trên, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe