Ung thư đường tiêu hoá có nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như ung thư hậu môn, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư ruột non, ung thư phần phụ,... Mỗi loại ung thư đường tiêu hoá sẽ có biểu hiện và sự tiến triển cũng như mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với từng bệnh nhân.
Dưới đây là 11 loại bệnh ung thư đường tiêu hóa thường gặp:
1. Ung thư hậu môn
Ung thư hậu môn là tình trạng các tế bào trong niêm mạc của ống hậu môn hoặc bờ hậu môn phát triển bất thường, không thể kiểm soát, làm hình thành nên các khối u có khả năng xâm lấn vào các mô bình thường hoặc bộ phận cơ thể khác. Theo nghiên cứu cho biết, loại ung thư hậu môn phổ biến nhất là ung thư tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến. Ung thư bờ hậu môn còn được biết đến là ung thư da quanh hậu môn, do chúng có xu hướng hoạt động tương tự như ung thư da hơn là ung thư hậu môn. Một số loại ung thư khác cũng có thể phát triển ở hậu môn, chẳng hạn như sarcoma Kaposi, u ác tính và ung thư hạch.
Ung thư hậu môn thường bắt đầu từ chứng loạn sản hậu môn (tân sinh nội biểu mô hậu môn (AIN) hoặc tiền ung thư). Tình trạng loạn sản hậu môn thường xảy ra khi các tế bào của hậu môn xuất hiện những thay đổi bất thường nhưng không có triệu chứng lan rộng ra những mô xung quanh. Dạng loạn sản hậu môn nghiêm trọng nhất là ung thư biểu mô tại chỗ, xảy ra khi các tế bào đã trở thành ung thư nhưng chưa bắt đầu xâm lấn vào mô bình thường.
Theo thời gian, chứng loạn sản hậu môn thay đổi đến mức các tế bào trở nên xâm lấn và có nguy cơ di căn (lây lan sang các vị trí khác). Khi ung thư hậu môn di căn, chúng thường lây lan qua sự xâm lấn trực tiếp vào mô lân cận hoặc thông qua hệ thống bạch huyết. Trường hợp ung thư hậu môn lây lan qua đường máu ít phổ biến hơn, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra.
Nguyên nhân gây ung thư hậu môn có thể xuất phát từ một số yếu tố dưới đây:
- Nhiễm vi rút HPV.
- Thói quen hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư hậu môn lên gấp 3 lần so với bình thường.
- Bệnh nhân có các tình trạng như rò hậu môn, áp xe quanh hậu môn hoặc bệnh trĩ cũng có nguy cơ mắc ung thư hậu môn.
- Nhiễm vi-rút HIV.
Khi bị ung thư hậu môn, bệnh nhân thường có các triệu chứng phổ biến sau:
- Thay đổi mô hình ruột.
- Tiết dịch ở hậu môn.
- Ngứa hậu môn.
- Xuất hiện mụn cóc ở vùng hậu môn.
- Mất kiểm soát nhu động ruột.
Hiện nay, loại ung thư đường tiêu hoá này có thể được điều trị bằng các phương pháp như hoá trị liệu, xạ trị, phương thức kết hợp, phẫu thuật và thử nghiệm lâm sàng. Để biết được phương pháp điều trị nào phù hợp cho tình trạng sức khoẻ của mình, bệnh nhân cần trao đổi cụ thể với bác sĩ chuyên khoa.
2. Ung thư đường mật
Ung thư đường mật là một dạng ung thư của ống mật, được phân loại theo mô học (loại tế bào khối u được tìm thấy khi soi qua kính hiển vi). Dạng ung thư đường mật phổ biến nhất là ung thư biểu mô tuyến.
Ung thư đường mật có xu hướng phát triển trong các tế bào biểu mô lót đường mật. Khoảng 60 – 70% ung thư xảy ra ở vùng rốn gan, khoảng 25% phát sinh từ hệ thống ống gan xa và 5 – 10% từ hệ thống ống gan trong gan.
Ung thư đường mật có nguy cơ xảy ra nhiều hơn cả ở những người trên 65 tuổi. Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh ung thư đường tiêu hoá này, bao gồm:
- Tuổi tác cao.
- Béo phì.
- Viêm gan.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đường mật.
- Xơ gan.
- Tiểu đường.
- Viêm loét đại tràng.
- Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát.
- U nang đường mật.
- Nhiễm trùng đường mật ở những người có tiền sử mắc bệnh thương hàn.
- Tiếp xúc với hóa chất, dioxin, nitrosamine, polychlorinated biphenyls, amiăng.
Để giảm nguy cơ mắc ung thư đường mật, các chuyên gia thường khuyến nghị một số điều như tránh tiếp xúc với hóa chất, tiêm vắc xin viêm gan, đảm bảo ăn uống đầy đủ, tập thể dục thường xuyên, bỏ thuốc lá và khám sức khỏe định kỳ hàng năm.
3. Ung thư đại tràng (ruột kết)
Ung thư đại tràng là một loại ung thư đường tiêu hoá phổ biến khác, xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển bất thường trong thành của đại tràng. Hầu hết các khối u ở đại tràng bắt đầu xuất hiện khi các mô bình thường trong thành đại tràng hình thành nên một polyp tuyến hoặc phát triển tiền ung thư, sa ra khỏi thành trực tràng. Khi polyp này phát triển lớn hơn sẽ dẫn đến sự hình thành của khối u. Quá trình này có thể mất nhiều năm, do đó bệnh có thể được phát hiện sớm bằng các xét nghiệm sàng lọc.
Theo nghiên cứu cho biết, ung thư đại tràng là loại ung thư phổ biến thứ 4 ở cả nam và nữ giới. Nguy cơ mắc căn bệnh ung thư đường tiêu hoá này sẽ tăng lên ở những đối tượng sau:
- Người Mỹ gốc Phi.
- Người ở độ tuổi từ 55 – 74 tuổi.
- Người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc polyp, ung thư ruột kết hoặc hội chứng đa polyp gia đình (FAP).
- Người mắc bệnh Crohn / bị viêm loét đại tràng.
- Yếu tố lối sống như chế độ ăn giàu chất béo và thịt đỏ, ít rau và trái cây, tiêu thụ nhiều calo, ít hoạt động thể chất.
- Béo phì.
- Hút thuốc lá.
- Sử dụng quá nhiều rượu.
Khi phát triển khối u trong thành trực tràng, nó có thể gây chảy máu hoặc làm tắc nghẽn đại tràng, kèm theo các triệu chứng khác sau:
- Chảy máu từ trực tràng.
- Phân lẫn máu.
- Thay đổi hình dạng và kế cấu của phân (phân lỏng).
- Cảm giác đau quặn bụng.
- Cảm giác muốn đi tiêu khi không thực sự cần phải đi.
Để ngăn ngừa căn bệnh ung thư đường tiêu hoá này, các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên xây dựng một chế độ ăn ít chất béo, giàu trái cây và rau quả, cắt giảm lượng tiêu thụ thịt đỏ. Ngoài ra, bạn cũng nên tập thể dục thường xuyên để duy trì trọng lượng khỏe mạnh. Điều quan trọng khác để phòng tránh bệnh ung thư ruột kết là không hút thuốc hoặc bỏ thuốc (nếu đã hút), đồng thời hạn chế tối đa uống bia rượu.
4. Ung thư thực quản
Đa phần các loại ung thư thực quản thường phát triển từ lớp lót bên trong thực quản (niêm mạc). Ung thư thực quản có thể hình thành ở phần trên (gần) thực quản từ các tế bào vảy (ung thư biểu mô tế bào vảy) hoặc ở phần dưới (xa) thực quản (ung thư biểu mô tuyến). Ngoài ra, bệnh nhân đôi khi cũng được chẩn đoán với các tổn thương tiền ung thư, được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Những tổn thương tiền ung thư này có thể được nhìn thấy trước khi chúng phát triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy hoặc biểu mô tuyến của thực quản.
Theo nghiên cứu cho thấy, ung thư thực quản ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn so với nữ giới. Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến sự phát triển của bệnh ung thư đường tiêu hoá này, bao gồm:
- Hút thuốc.
- Uống rượu nhiều.
- Béo phì.
- Chế độ ăn tiêu thụ lượng lớn thịt chế biến sẵn.
- Vi rút HPV.
- Tiếp xúc với sợi amiăng, nitrosamine và sản phẩm dầu mỏ.
- Dị sản (nhu động trong thực quản không hoạt động hiệu quả).
- Tổn thương thực quản do ăn phải dung dịch kiềm.
- Bị rối loạn ăn uống, ví dụ như chứng ăn vô độ.
- Mắc một số hội chứng di truyền như hội chứng Bloom, Howel Evans, thiếu máu Fanconi, Barrett thực quản,...
Dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư thực quản là chứng khó nuốt, tựa như có thức ăn mắc kẹt trong cổ họng hoặc ngực, khiến bệnh nhân có cảm giác như bị nghẹt thở. Ngoài ra, việc nuốt thức ăn hay nước bọt cũng trở nên đau đớn. Một số triệu chứng khác của ung thư thực quản, bao gồm đau rát ở ngực, ho không khỏi, nấc, nôn mửa hoặc chảy máu thực quản dẫn đến thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp) và phân có màu đen.
Để điều trị bệnh ung thư đường tiêu hoá này, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện phẫu thuật; sử dụng thuốc hoá trị (Carboplatin, Fluorouracil, Capecitabine,...); liệu pháp nhắm trúng đích (Nivolumab, Ramucirumab, Trastuzumab,...); liệu pháp xạ trị hoặc chăm sóc hỗ trợ.
5. Ung thư túi mật
Túi mật là cơ quan lưu trữ mật (chất lỏng màu xanh lục tiết ra bởi gan, giúp tiêu hoá chất béo). Ung thư túi mật thường xảy ra khi các tế bào túi mật phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát, đến một mức độ nào đó chúng sẽ hình thành nên một khối u bên trong túi mật.
Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến sự hình thành và phát triển của ung thư túi mật, bao gồm:
- Người từng có vấn đề về túi mật, chẳng hạn như sỏi mật hoặc viêm nhiễm túi mật.
- Có tiền sử mắc bệnh thương hàn.
- Béo phì.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư túi mật.
Khi khối u phát triển trong túi mật, chúng có thể gây ra các triệu chứng giống như bệnh sỏi mật, bao gồm:
- Sụt cân.
- Vàng da / mắt.
- Buồn nôn.
- Khó chịu ở dạ dày.
- Không có cảm giác đói.
Việc điều trị ung thư túi mật sẽ phụ thuộc vào vị trí, giai đoạn và kích thước của khối u. Phương pháp điều trị có thể được áp dụng riêng lẻ hoặc phối hợp với nhau để tăng hiệu quả, bao gồm: Xạ trị (dùng tia X năng lượng cao), hoá trị (dùng thuốc tiêu diệt tế bào ung thư), phẫu thuật (cắt bỏ khối u ở túi mật), liệu pháp giảm nhẹ (giúp giảm bớt các triệu chứng ung thư).
6. Ung thư dạ dày
Bệnh ung thư dạ dày xảy ra khi các tế bào trong lớp niêm mạc dạ dày phát triển ngoài tầm kiểm soát và làm hình thành nên các khối u có khả năng xâm lấn đến các mô bình thường và di căn sang những vị trí khác từ gần đến xa trong cơ thể. Khoảng 90 – 95% ung thư dạ dày phát sinh từ niêm mạc của dạ dày (ung thư biểu mô tuyến). Ngoài ra, một số loại ung thư khác cũng có thể phát triển trong dạ dày, bao gồm ung thư hạch, khối u mô đệm đường tiêu hoá (GIST) hoặc khối u carcinoid.
Theo quan điểm của chuyên gia, bệnh ung thư dạ dày có thể bắt nguồn từ một số yếu tố dưới đây:
- Chế độ ăn uống nhiều muối, đồ ngâm chua hoặc đồ hun khói.
- Hút thuốc, lạm dụng nhiều rượu và các chất kích thích khác.
- Người có nhóm máu A sẽ có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn người khác.
- Mắc một số bệnh di truyền như hội chứng Lynch, bệnh đa polyp tuyến gia đình, hội chứng Peutz Jeghers, hội chứng polyp Juvenile (JPS), ung thư dạ dày lan toả di truyền (HDGC).
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori). \
- Thiếu máu ác tính (bệnh tự miễn dịch).
Nhìn chung, các triệu chứng của ung thư dạ dày có thể gần giống với một số bệnh khác như viêm dạ dày hoặc loét dạ dày tá tràng. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng không biểu hiện rõ cho đến khi ung thư chuyển biến khá nặng, bao gồm:
- Sụt cân, có cảm giác no sớm hoặc không thèm ăn.
- Khó chịu và đau ở vùng bụng.
- Có cả máu trong phân hoặc trong chất nôn.
- Buồn nôn hoặc ói mửa.
- Ợ nóng.
- Bụng phình to ra do chất lỏng tích tụ.
- Nổi hạch ở rốn, nách và xương đòn (ở giai đoạn nặng).
Để ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư dạ dày, việc xây dựng chế độ ăn uống cân bằng là vô cùng quan trọng. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đường tiêu hoá này cũng cần duy trì một lối sống lành mạnh, tích cực vận động và tránh sử dụng thuốc lá. Nếu bị nhiễm vi khuẩn H. pylori, bệnh nhân cần điều trị ngay để giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
7. Ung thư gan
Sự hình thành khối u ở gan thường xảy ra khi việc điều hoà các tế bào trong gan gặp trục trặc, bao gồm các tế bào gan, tế bào ống mật hay các mạch máu trong gan. Ung thư gan nguyên phát thường chỉ tình trạng các khối u ác tính phát triển ban đầu trong gan. Khi ung thư lan sang các nơi khác sẽ được gọi là khối u gan thứ cấp (di căn gan).
Bệnh ung thư gan gồm nhiều loại khác nhau, bao gồm ung thư biểu mô tế bào gan, u máu, u nguyên bào gan hoặc ung thư gan do Fibrolamellar. Có một số yếu tố nguy cơ làm hình thành và phát triển nên bệnh ung thư gan, chẳng hạn như:
- Xơ gan.
- Nhiễm vi rút gây viêm gan B mạn tính.
- Nhiễm Aflatoxin B1 từ thực phẩm.
- Sử dụng thuốc lá.
- Yếu tố môi trường như dùng steroid đồng hóa, tiếp xúc với Asen, Vinyl clorua và Thorotrast.
- Mắc một số bệnh di truyền, bao gồm bệnh Wilson, thiếu Alpha-1-antitrypsin hoặc Hemochromatosis (hấp thu và dự trữ quá nhiều sắt).
Khi ung thư gan đã chuyển sang giai đoạn nặng, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện rõ rệt, chẳng hạn như đau bụng, đầy bụng, chướng bụng, ăn mất ngon, mệt mỏi, buồn nôn, ói mửa, giảm cân, vàng da hoặc mắt. Cách tốt để ngăn ngừa ung thư gan là tránh những yếu tố nguy cơ liên quan đến chúng, cụ thể:
- Giảm lượng tiêu thụ rượu, bỏ thuốc lá.
- Phòng ngừa và điều trị HCV và HBV.
- Thay đổi cách bảo quản và chế biến thực phẩm giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm Aflatoxin.
- Xử lý nước đúng cách giúp giảm nguy cơ nhiễm Asen.
- Điều trị các bệnh di truyền đúng cách.
8. Ung thư tuyến tụy
Một căn bệnh ung thư đường tiêu hoá khác nhưng hiếm gặp là ung thư tuyến tụy. Theo nghiên cứu cho thấy, căn bệnh ung thư này thường phát triển khi các tế bào hoạt động bất thường và dẫn đến hình thành khối u. Những khối u trong tuyến tụy có thể lây lan sang các hạch bạch huyết hay các khu vực khác (di căn). Có khoảng 70% trường hợp mắc bệnh ung thư này xảy ra ở phần đầu của tuyến tụy.
- Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy, bao gồm:
- Nghiện rượu nặng.
- Hút thuốc lá.
- Mắc bệnh tiểu đường / béo phì.
- Người có môi trường làm việc tiếp xúc thường xuyên với các khí đốt và kim loại nặng.
- Tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tụy, ung thư vú hoặc ung thư đại tràng (ruột kết).
- Đột biến di truyền trong gen, chẳng hạn như đột biến BRCA2.
Các triệu chứng của ung thư tuyến tụy thường xuất hiện khi khối u làm tắc nghẽn đường mật hoặc lan sang các cơ quan khác, bao gồm sụt cân, hình thành cục máu đông, đau bụng trên / lưng, ăn mất ngon, vàng da, nước tiểu sẫm màu, yếu cơ thể, buồn nôn hoặc nôn ói. Hiện nay, việc điều trị cho loại ung thư đường tiêu hoá này sẽ bao gồm các lựa chọn như hoá trị liệu, sử dụng bức xạ, liệu pháp nhắm trúng đích, phẫu thuật Whipple hoặc các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ.
9. Ung thư trực tràng
Ung thư trực tràng xảy ra khi các tế bào bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát trong thành trực tràng, đến một mức nào đó sẽ hình thành nên khối u. Quá trình phát triển nên khối u ở trực tràng có thể mất nhiều năm, điều này giúp bệnh nhân có cơ hội phát hiện ung thư sớm bằng các xét nghiệm sàng lọc. Hầu hết các bệnh ung thư trực tràng là ung thư biểu mô tuyến.
Các yếu tố nguy cơ của ung thư đại tràng và ung thư trực tràng thường giống nhau. Tuổi chẩn đoán của ung thư trực tràng trung bình 66 tuổi, nguy cơ mắc bệnh có xu hướng gia tăng theo tuổi. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác cũng góp phần dẫn đến bệnh ung thư đường tiêu hoá này, bao gồm:
Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc polyp đại trực tràng, ung thư đại tràng, viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn.
Yếu tố lối sống như ăn nhiều thịt đỏ, chất béo, ít ăn hoa quả, trái cây, chế độ ăn nhiều calo, mức độ hoạt động thể chất thấp, béo phì, hút thuốc và uống rượu.
- Chế độ ăn tiêu thụ lượng lớn chất béo cùng như các loại thịt đỏ.
- Ăn ít trái cây & rau xanh.
- Chế độ ăn nhiều calo.
- Mức độ hoạt động thể chất thấp.
- Béo phì.
Hiện nay có một số xét nghiệm tầm soát giúp phát hiện sớm ung thư trực tràng, bao gồm:
- Xét nghiệm kỹ thuật số trực tràng (DRE).
- Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT).
- Nội soi đại tràng.
- Soi đại tràng Sigma.
- Xét nghiệm sinh hóa miễn dịch trong phân (FIT).
- Xét nghiệm DNA trong phân (Cologuard®).
10. Ung thư ruột non
Ruột non là một phần của đường tiêu hoá, kết nối dạ dày với ruột già. Ruột non bao gồm 3 phần chính: Tá tràng, hồi tràng và hỗng tràng. Ung thư ruột non xảy ra khi các tế bào ruột non phát triển bất thường vượt tầm kiểm soát. Các loại ung thư ruột non phổ biến, gồm ung thư biểu mô tuyến, Sarcoma, Carcinoid, Lymphoma.
Một số yếu tố rủi ro có thể dẫn đến bệnh ung thư ruột non, chẳng hạn như bị ung thư ruột kết, mắc bệnh Crohn / Celiac, hút thuốc, uống rượu và đột biến gen. Khi mắc bệnh ung thư đường tiêu hoá này, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng sau:
- Đau bụng.
- Lẫn máu ở phân với màu sẫm, đỏ tươi, đen hoặc hắc ín.
- Bệnh tiêu chảy.
- Sụt cân.
- Vàng mắt / vàng da.
- Cảm thấy yếu mệt.
Để phát hiện bệnh ung thư ruột non, bệnh nhân có thể làm một số xét nghiệm chẩn đoán như:
- Kiểm tra phân trong máu.
- Nội soi đại tràng.
- Nội soi đường ruột.
- Chụp X quang Bari.
- Chụp CT, MRI và siêu âm.
11. Ung thư phần phụ (ruột thừa)
Ung thư phần phụ xảy ra khi các tế bào trong ruột thừa phát triển không đúng như bình thường, dẫn đến sự hình thành của khối u trong phần phụ. Nhìn chung, đây là loại ung thư đường tiêu hoá khá hiếm gặp, bao gồm một số loại chính như ung thư biểu mô dạng ruột kết (tại đáy ruột thừa), khối u thần kinh nội tiết (đầu ruột thừa), niêm mạc ruột thừa, ung thư biểu mô tế bào vòng Signet, ung thư biểu mô tế bào gốc và u tuyến giáp.
Ung thư phần phụ có thể hình thành và phát triển do một số yếu tố nguy cơ như tuổi tác cao và giới tính (nữ giới nhiều hơn nam giới). Khi mắc bệnh ung thư đường tiêu hoá này, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng sau:
- Đau ở gần hông hoặc vùng bụng.
- Có cảm giác căng phồng ở bụng.
- Viêm ruột thừa.
- Có dịch trong bụng.
- To vòng eo nhanh chóng.
- Thay đổi nhu động ruột.
- Có khối cứng trong bụng.
Để điều trị bệnh ung thư phần phụ, bệnh nhân có thể lựa chọn một số phương pháp như phẫu thuật cắt ruột thừa, phẫu thuật cắt phúc mạc, hoá trị liệu đường truyền tĩnh mạch, hóa trị trong phúc mạc, xạ trị hoặc liệu pháp nhắm trúng đích.
Trên đây là các loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp. Khám sàng lọc ung thư đường tiêu hoá là biện pháp khoa học và hiệu quả để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa (ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng) và đưa ra phác đồ điều trị tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: oncolink.org