Tự ái trước hết là thái độ đề cao bản thân quá mức và thường có cảm giác đố kỵ, ganh ghét, bực bội với người khác. Những người tự ái cao thường thổi phồng sự quan trọng của bản thân, cho rằng họ là trung tâm của vũ trụ và luôn xem thường mọi người. Vậy làm thế nào để đối phó với một người hay tự ái trong cuộc sống?
1. Tự ái cao là gì?
Tự ái là một thuật ngữ thường gặp trong cuộc sống. Theo nghĩa Hán Việt, tự có nghĩa là bản thân, ái là yêu thương, vậy tự ái cao nghĩa là yêu thương bản thân và đề cao bản thân quá mức và có thể dẫn đến cáu gắt, giận dỗi, bực bội với người khác, cho rằng họ đang nghĩ sai về mình hay làm những việc có lỗi với mình.
Trong khoa học, có một hội chứng gọi rối loạn nhân cách tự ái (NPD). Những người mắc hội chứng này thường yêu thích một hình ảnh lý tưởng, hoành tráng về bản thân họ. Nhưng việc nuôi dưỡng những ảo tưởng về sự cao cả của bản thân có thể dẫn đến hiện những thái độ quá khích và hành vi rối loạn chức năng. Rối loạn nhân cách tự ái bao gồm kiểu suy nghĩ và hành vi tự cho mình là trung tâm, kiêu ngạo, thiếu sự đồng cảm đối với người khác và nhu cầu được ngưỡng mộ quá mức. Một số tài liệu thường mô tả những người bị hội chứng gọi rối loạn nhân cách tự ái là tự mãn, lôi kéo, ích kỷ và đòi hỏi cao. Cách suy nghĩ và hành xử này xuất hiện trong mọi lĩnh vực đời sống của người hay tự ái, từ công việc, tình bạn cho đến các mối quan hệ gia đình và tình yêu. Những người mắc chứng rối loạn nhân cách tự ái cực kỳ kháng cự trong việc thay đổi hành vi của họ, ngay cả khi nó gây ra vấn đề cho bản thân họ. Họ có xu hướng là đổ lỗi cho người khác. Hơn thế nữa, họ cực kỳ nhạy cảm và phản ứng xấu với ngay cả những lời chỉ trích, bất đồng ý kiến nhỏ nhất.
2. Các dấu hiệu của người có tính tự ái cao
2.1 Ý thức lớn về tầm quan trọng của bản thân
Đây là đặc điểm quan trọng để nhận biết một người có lòng tự ái cao. Không chỉ là sự kiêu ngạo hay phù phiếm, mong muốn cảm giác không thực tế về sự vượt trội. Những người hay tự ái tin rằng họ là duy nhất hoặc “đặc biệt” và chỉ những người đặc biệt khác mới có thể hiểu được. Họ chỉ muốn liên kết và được liên kết với những người, địa điểm và sự vật có địa vị cao khác. Những người có tính tự ái cao lúc nào cũng tin rằng họ giỏi hơn tất cả những người khác và mong đợi được công nhận. Họ thường phóng đại hoặc nói dối hoàn toàn về thành tích và tài năng của bản thân. Khi họ nói về công việc hoặc các mối quan hệ, tất cả những gì bạn nghe được là mức độ họ đóng góp, mức độ tuyệt vời của họ và những người trong cuộc đời họ may mắn như thế nào khi có được họ
2.2 Sống trong ảo tưởng về sự vĩ đại của bản thân
Những người tự ái sống trong một thế giới tưởng tượng được nâng đỡ bởi sự bóp méo và tự lừa dối. Họ tự huyễn hoặc mình về sự thành công, quyền lực, sức hấp dẫn và tình yêu lý tưởng khiến họ cảm thấy đặc biệt và có quyền kiểm soát. Những tưởng tượng này bảo vệ họ khỏi cảm giác trống rỗng và xấu hổ bên trong, vì vậy những sự việc và ý kiến trái ngược với chúng sẽ bị bỏ qua hoặc hợp lý hóa. Bất cứ điều gì có nguy cơ làm vỡ bong bóng tưởng tượng đều gặp phải sự phòng thủ và thậm chí là cơn thịnh nộ của chính họ.
2.3 Cần sự khen ngợi và ngưỡng mộ liên tục
Cảm giác về sự vượt trội của người tự ái giống như một quả bóng bay dần dần mất không khí nếu không có tiếng vỗ tay và sự công nhận để giữ cho nó luôn căng phồng. Lời khen đôi khi là không đủ. Người tự ái cần thức ăn liên tục cho cái tôi của họ, vì vậy họ bao quanh mình với những người sẵn sàng phục vụ cho sự khao khát được khẳng định. Những mối quan hệ này rất đơn phương. Nếu sự chú ý và lời khen ngợi của người ngưỡng mộ bị gián đoạn hoặc giảm đi thì người tự ái sẽ coi đó là một sự phản bội.
2.4 Ảo tưởng về quyền của bản thân và cách mọi người đối xử với họ
Bởi lẽ họ coi mình là người đặc biệt, nên họ mong mọi người phải đối xử đặc biệt với họ. Họ thực sự tin rằng bất cứ điều gì họ muốn, họ sẽ có được. Họ cũng mong đợi những người xung quanh sẽ tự động tuân theo mọi mong muốn và ý thích của họ. Đó là giá trị duy nhất của họ. Nếu bạn không lường trước và đáp ứng mọi nhu cầu của họ, họ sẽ nghĩ bạn vô dụng. Còn nếu bạn có đủ can đảm để thách thức ý muốn của họ hoặc "ích kỷ" yêu cầu một điều gì đó để đáp lại, hãy chuẩn bị đối mặt với sự hung hăng, phẫn nộ.
2.5 Bóc lột người khác mà không có cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ
Những người hay tự ái không bao giờ muốn hiểu cảm xúc của người khác hay đặt mình vào vị trí của người khác. Nói cách khác, họ thiếu sự đồng cảm. Họ coi những người trong cuộc sống của họ như những đối tượng để phục vụ nhu cầu của họ. Do đó, họ không nghĩ rằng mình đang lợi dụng người khác hoặc hành của mình có thể ảnh hưởng đến người khác. Họ chỉ quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của chính bản thân họ.
2.6 Thường xuyên hạ thấp, đe dọa, bắt nạt hoặc coi thường người khác
Những người có tính tự ái cao cảm thấy bị đe dọa khi họ gặp ai là những người tự tin và nổi tiếng. Họ cũng bị đe dọa bởi những người không phục họ hoặc những người thách thức họ theo bất kỳ cách nào. Cơ chế phòng thủ của họ là khinh thường. Cách duy nhất để hóa giải mối đe dọa và nâng đỡ cái tôi đang chùng xuống của họ là đạp những người đó xuống. Họ có thể làm điều đó bằng cách phủ nhận như thể để chứng minh người khác có ý nghĩa với họ như thế nào. Hoặc họ có thể tấn công bằng những lời lăng mạ, bắt nạt và đe dọa đối phương.
3. 10 lời khuyên để đối phó với người hay tự ái
3.1 Tìm hiểu họ để biết họ thực sự là ái
Khi họ muốn, những người có tính cách tự ái rất giỏi trong việc bật mí. Bạn có thể thấy mình bị thu hút bởi những ý tưởng và lời hứa tuyệt vời của họ. Điều này cũng có thể làm cho chúng trở nên đặc biệt phổ biến trong công việc. Nhưng trước khi bạn bị lôi cuốn, hãy xem cách họ đối xử với mọi người khi họ không “ở trên sân khấu”. Nếu chẳng may bạn bắt gặp họ nói dối, thao túng hoặc ngang nhiên tỏ thái độ không tôn trọng người khác, không có lý do gì để tin rằng họ sẽ không làm vậy đối với bạn. Bước đầu tiên để đối phó với một người có tính cách tự ái cao chỉ đơn giản là chấp nhận rằng đây là con người của họ và bạn không thể làm điều gì nhiều để thay đổi bản chất của họ.
3.2 Ngừng tập trung vào họ
Nếu bạn phải đối phó với người có tính tự ái cao, đừng cho phép họ xâm nhập vào cảm giác về bản thân hoặc định nghĩa thế giới của bạn. Bạn cũng quan trọng, thường xuyên nhắc nhở bản thân về điểm mạnh, mong muốn và mục tiêu của bạn. Trước tiên, hãy quan tâm đến bản thân và nhớ rằng việc sửa chữa chúng không phải là công việc của bạn.
3.3 Tự lên tiếng
Một số người có tính cách tự ái rất thích bắt bẻ và làm cho người khác gặp khó khăn. Hãy cố gắng không tỏ ra bối rối hoặc tỏ ra khó chịu, vì điều đó sẽ chỉ thôi thúc họ tiếp tục. Nếu đó là người mà bạn muốn gắn bó trong cuộc đời mình thì bạn có quyền lên tiếng và hãy cố gắng làm điều này một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng. Bạn phải cho họ biết rằng lời nói và hành động của họ tác động đến cuộc sống của bạn như thế nào. Hãy cụ thể và nhất quán về những điều không thể chấp nhận được và giải pháp mà bạn đang mong đợi. Tuy nhiên, bạn cũng nên chuẩn bị cho sự thật rằng họ có thể đơn giản là không hiểu hoặc không quan tâm đến lời nói của bạn.
3.4 Đặt ranh giới rõ ràng
Những người tự ái không có khả năng tương hỗ thực sự trong các mối quan hệ. Không chỉ là họ không sẵn lòng mà là họ thực sự không thể. Họ không nhìn thấy bạn, họ không nghe thấy bạn. Họ không nhận ra bạn là người tồn tại bên ngoài nhu cầu của họ. Họ có thể nghĩ rằng họ được quyền đi đến nơi họ muốn, xem xét những điều cá nhân của bạn hoặc cho bạn biết bạn nên cảm thấy như thế nào. Họ cũng có thể gây áp lực buộc bạn phải nói ra những điều riêng tư, bí mật ở nơi công cộng. Do đó, những người tự ái thường xuyên xâm phạm ranh giới của người khác. Đó là lý do tại sao bạn phải thật rõ ràng về các ranh giới đối với họ.
3.5 Hãy sẵn sàng đối mặt với sự đáp trả của họ
Nếu bạn tiếp xúc với một người có tính cách tự ái cao, bạn sẽ phải sẵn sàng đón nhận sự đáp trả của họ. Khi bạn đã lên tiếng và thiết lập ranh giới với họ, họ có thể quay lại với một số yêu cầu vô lý. Họ cũng có thể khiến bạn cảm thấy tội lỗi hoặc tin rằng bạn là người vô lý và thích kiểm soát. Họ có thể tạo ra một vở kịch để được thông cảm. Do vậy, bạn nên chuẩn bị giữ vững lập trường của mình. Nếu hôm nay bạn lùi một bước, lần sau họ sẽ không coi trọng bạn.
3.6 Hãy nhớ rằng bạn không có lỗi
Một người hay tự ái sẽ không thừa nhận sai lầm hoặc chịu trách nhiệm về việc làm tổn thương người khác. Thay vào đó, họ có xu hướng đùn đẩy những hành vi tiêu cực của mình lên bạn hoặc người khác. Bạn có thể cố gắng để giữ hòa khí bằng cách chấp nhận lỗi, nhưng bạn không cần phải coi thường bản thân để cứu vãn cái tôi của họ. Đừng để trò chơi xấu hổ và đổ lỗi của họ làm suy giảm lòng tự trọng của bạn. Từ chối nhận trách nhiệm, đổ lỗi hoặc chỉ trích không đáng có.
3.7 Tìm kiếm sự hỗ trợ
Nếu bạn không thể tránh phải tiếp xúc với người hay tự ái, hãy cố gắng xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và tìm kiếm sự hỗ trợ từ mọi người. Dành quá nhiều thời gian cho một mối quan hệ “toxic” với một người có tính tự ái cao có thể khiến bạn cạn kiệt cảm xúc. Hãy nuôi dưỡng tình bạn cũ và cố gắng tìm kiếm những tình bạn mới. Hãy tụ tập với người thân thường xuyên hơn. Hoạt động tích cực trong cộng đồng hoặc tình nguyện cho một tổ chức từ thiện địa phương. Làm điều gì đó cho phép bạn gặp gỡ nhiều người hơn và bạn sẽ cảm thấy thoải mái.
3.8 Nhấn mạnh vào hành động ngay lập tức, không hứa hẹn
Những người có tính tự ái rất giỏi hứa hẹn. Họ hứa sẽ làm những điều bạn muốn và không làm điều mà bạn ghét. Họ hứa sẽ làm tốt hơn và họ thậm chí có thể thành thật về những lời hứa này. Nhưng đừng lầm tưởng vì lời hứa chỉ là phương tiện để kết thúc đối với một người có tính tự ái cao. Một khi họ đã đạt được những gì họ muốn, động lực thúc đẩy họ sẽ biến mất. Những gì bạn cần là giữ vững lập trường của mình, nhấn mạnh rằng bạn sẽ chỉ đáp ứng yêu cầu của họ sau khi họ đã đáp ứng mong muốn của bạn và đừng bao giờ nhượng bộ.
3.9 Hãy hiểu rằng một người tự ái cao có thể cần sự giúp đỡ của chuyên gia
Những người dễ tự ái thường không nhìn thấy vấn đề của bản thân và họ cũng thường có các rối loạn khác, chẳng hạn như lạm dụng chất kích thích, rối loạn nhân cách hoặc vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Bạn có thể đề nghị họ tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia y tế, nhưng bạn không thể bắt họ làm điều đó. Đó không phải là trách nhiệm của bạn mà là của họ.
Rối loạn nhân cách tự ái có thể rất khó điều trị. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có hy vọng hoặc không thể thay đổi. Thuốc ổn định tâm trạng, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần đôi khi được kê đơn trong những trường hợp nghiêm trọng hoặc nếu đang mắc đồng thời một chứng rối loạn khác. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, liệu pháp tâm lý là hình thức điều trị chính. Làm việc với một nhà trị liệu tâm lý sẽ giúp người hay tự ái học cách chấp nhận trách nhiệm cho hành động của mình, phát triển ý thức cân đối tốt hơn và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh hơn.
3.10 Nhận biết khi nào bạn cần giúp đỡ
Thường xuyên tiếp xúc với một người có tính cách tự ái cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chính bạn. Nếu bạn có các triệu chứng lo lắng, trầm cảm hoặc bệnh thể chất không rõ nguyên nhân, hãy đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.
Đối mặt với một người hay tự ái trong cuộc sống có thể khiến bạn bực bội, khó chịu về mặt cảm xúc và kiệt sức trước những yêu cầu của họ. Tuy nhiên, bằng cách hiểu thêm về chứng rối loạn nhân cách tự ái và tham khảo các lời khuyên trên đây, bạn có thể bảo vệ tự bản thân khỏi những trò chơi quyền lực của họ và thiết lập ranh giới lành mạnh với họ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com, helpguide.org