10 loại vắc-xin cần thiết người lớn nên tiêm ngừa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Các chiến dịch tiêm phòng vắc-xin thường được biết đến ở đối tượng trẻ nhỏ. Tuy nhiên người lớn cũng có nguy cơ cao mắc các loại bệnh truyền nhiễm thông thường, thậm chí với biến chứng nặng nề hơn và nguy cơ tử vong cao hơn. Dưới đây là một số loại vắc-xin nên được tiêm phòng ở những người trưởng thành.

1. Tiêm phòng cúm định kỳ

Trung tâm kiểm soát và phòng dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các chuyên gia về cúm khuyến cáo rằng tất cả mọi người đều nên tiêm phòng cúm hàng năm. Vắc-xin cúm có tác dụng bảo vệ bạn khỏi ba hoặc bốn chủng virus cúm; vắc-xin cúm tương đối rẻ và dễ tiếp cận. Bạn có thể tiêm phòng cúm tại bất kỳ trung tâm tiêm chủng nào trên toàn quốc.

2. Vắc-xin Bạch hầu, ho gà, uốn ván

Bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, xảy ra ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi... Ngoài ra, bạch hầu còn có thể xuất hiện ở da, màng niêm mạc như kết mạc mắt hoặc niêm mạc ở bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Bệnh ho gà

Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người lớn cũng có thể mắc ho gà nhưng triệu chứng không rõ ràng. Ngừa ho gà bằng vaccine là một phương pháp mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên tiêm ngừa ho gà không mang lại miễn dịch trọn đời. Thanh thiếu niên và người khi mắc bệnh ho gà, sẽ trở thành là nguồn lây trong cộng đồng. Đó là do sự miễn dịch có được sau chủng ngừa sẽ giảm dần, bắt đầu khi trẻ được 5 tuổi. Mặc dù hiếm khi gây ra tử vong, bệnh ho gà cũng là gánh nặng đáng kể ở cả người lớn và trẻ em

Bệnh uốn ván

Bệnh uốn ván (tetanus) là bệnh do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí gây ra. Các triệu chứng của bệnh là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân.

Ở những vùng nông nghiệp, những nơi có tiếp xúc với chất thải súc vật, người dân không được tiêm phòng đầy đủ thì tỉ lệ mắc bệnh uốn ván thường nhiều hơn hẳn. Tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh.

Vi khuẩn gây bệnh uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hoặc vết cắt. Uốn ván có thể dẫn đến co thắt cơ nghiêm trọng, cứng khớp hoặc bất động khớp - không thể mở miệng hoặc nuốt. Cả người lớn và trẻ em cần phải tiêm phòng uốn ván nhắc lại theo chu kỳ 10 năm.


Cả người lớn và trẻ em cần phải tiêm phòng uốn ván nhắc lại theo chu kỳ 10 năm
Cả người lớn và trẻ em cần phải tiêm phòng uốn ván nhắc lại theo chu kỳ 10 năm

3. Tiêm phòng thủy đậu

Nếu bạn vẫn chưa bị mắc thuỷ đậu thì bạn là người rất may mắn. Tuy nhiên nguy cơ mắc thuỷ đậu của bạn vẫn rất cao do dịch Thuỷ đậu luôn bùng phát hàng năm.

Người lớn mắc thuỷ đậu thường có tỷ lệ nhập viện, biến chứng và tử vong cao hơn. Ví dụ, viêm phổi do thuỷ đậu trầm trọng hơn ở phụ nữ mang thai. Khi không được điều trị, gần một nửa số phụ nữ mang thai bị viêm phổi do virus thuỷ đậu đã tử vong. Vì virus thủy đậu cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona, nên vắc-xin thủy đậu cũng có tác dụng phòng bệnh bệnh zona. Ở người từ 13 tuổi trở nên cần tiêm phòng hai mũi vắc-xin phòng thuỷ đậu cách nhau từ bốn đến tám tuần.

4. Vắc-xin phòng zona: Rất cần thiết sau 60 tuổi

Loại virus đã gây bệnh thủy đậu cho bạn khi còn nhỏ có thể tấn công lại và gây bệnh zona hoặc "herpes zoster" khi bạn trưởng thành. Zona phổ biến nhất sau 60 tuổi. Chúng gây ra các nốt zona đau đớn, phồng rộp. Thậm chí chúng có thể làm hỏng mắt của bạn và gây ra cơn đau lâu dài được gọi là đau dây thần kinh. Nếu bạn bị các nốt phồng rộp này, bạn cũng có thể lây bệnh thủy đậu cho người khác. Nếu bạn từ 60 tuổi trở lên, thì nên tiêm vắc-xin để phòng ngừa bệnh zona.

5. Nên tiêm chủng ngừa HPV cho cả nam giới và nữ giới

Vắc-xin chủng ngừa HPV giúp chống lại một số chủng virus gây ra hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và một số bệnh ung thư vòm họng ở nam giới. Vắc-xin HPV hiện có cũng có tác dụng bảo vệ chống lại hầu hết mụn cóc sinh dục ở nam giới và phụ nữ. HPV lây truyền qua đường tình dục. Vắc-xin này có thể được tiêm cho trẻ em từ 9 tuổi. Ngoài ra, thanh niên đặc biệt là những người chưa có hoạt động tình dục, cũng có thể chủng ngừa. Vắc-xin này được tiêm cho cả nam và nữ trước 26 tuổi.


Vắc-xin HPV hiện có cũng có tác dụng bảo vệ chống lại hầu hết mụn cóc sinh dục ở nam giới và phụ nữ
Vắc-xin HPV hiện có cũng có tác dụng bảo vệ chống lại hầu hết mụn cóc sinh dục ở nam giới và phụ nữ

6. Viêm màng não mô cầu

Mỗi năm ở Hoa Kỳ, cứ 10 người thì có 1 người bị bệnh não mô cầu tử vong. Nhiều người khác bị biến chứng tổn thương não hoặc mất thính giác. Vì vậy, tiêm phòng não mô cầu là cần thiết, đặc biệt nếu bạn hay di chuyển sang nhiều vùng khác nhau bạn sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành tại địa phương nơi bạn đến.

7. Vắc xin phòng viêm gan B và viêm gan A

Bạn có thể bị nhiễm một trong các loại virus viêm gan mà không hề biết. Các yếu tố nguy cơ lây truyền viêm gan A bao gồm: Tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm, nam giới quan hệ tình dục với nam giới khác. Bạn cũng có thể bị lây bệnh nếu như không rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh.

Viêm gan B có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc chất dịch cơ thể của người bị bệnh, chẳng hạn như: Khi quan hệ tình dục không được bảo vệ hoặc sử dụng chung các vật dụng cá nhân của người khác, dùng chung kim tiêm với người bị nhiễm bệnh khi tiêm chích ma túy cũng có thể lây truyền viêm gan B. Viêm gan siêu vi, đặc biệt là viêm gan B, có thể dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng và thậm chí tử vong.

8. Tiêm phòng vắc-xin khi đi du lịch nước ngoài

Một số quốc gia yêu cầu bạn phải tiêm phòng một số loại vắc-xin trước khi nhập cảnh vào quốc gia của họ. CDC cũng khuyến nghị hoặc yêu cầu tiêm chủng một số loại vắc-xin trước khi bạn đi du lịch, tùy thuộc vào điểm đến của bạn. Lên kế hoạch tiêm phòng từ 4 đến 6 tuần trước khi bạn rời khởi hành. Nếu muộn hơn 4 tuần, bạn vẫn nên hẹn Bác sĩ để được tư vấn về những loại vắc-xin bạn nên tiêm khi đi du lịch.

9. Vắc-xin chủng ngừa viêm phổi

Thuốc chủng ngừa viêm phổi dành cho người lớn giúp phòng hầu hết các vi khuẩn phế cầu có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng máu và viêm màng não. Viêm phổi do phế cầu khuẩn có thể nghiêm trọng và gây chết người. Virus này giết chết khoảng 50.000 người trưởng thành mỗi năm. Nó cũng có thể gây ra viêm màng não do vi khuẩn.

Vắc-xin phòng viêm phổi được khuyến nghị nếu bạn trên 65 tuổi, bạn trong độ tuổi từ 2-64, hoặc bạn là người hút thuốc lá, bị viêm xoang, hen suyễn, mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, suy thận mãn hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn tiêm vắc-xin này nếu bạn trên 50 tuổi và sống trong khu vực có nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn cao.


Người cao tuổi, đặc biệt là trên 65 tuổi được khuyến cáo nên tiêm phòng vắc-xin viêm phổi
Người cao tuổi, đặc biệt là trên 65 tuổi được khuyến cáo nên tiêm phòng vắc-xin viêm phổi

10. Sởi / Quai bị / Rubella: vắc-xin 3 trong 1

Các bệnh thường gặp ở trẻ em gồm - sởi, quai bị và rubella (MMR) - có thể có hậu quả nặng nề hơn ở người lớn. Một loại vắc-xin 3 trong 1 MMR có thể bảo vệ chống lại cả ba loại bệnh trên.

Đối với phụ nữ mang thai Rubella có thể gây sẩy thai, đẻ non và hội chứng rubella bẩm sinh - một nhóm dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Hầu hết phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên được chủng ngừa MMR. Nếu bạn chưa tiêm phòng nhưng đang có kế hoạch mang thai, bạn nên tiêm phòng trước thời điểm thụ thai ít nhất 4 tuần. Nếu bạn đã mang thai và chưa tiêm vắc-xin rubella, bạn hãy tiêm vắc-xin này sau khi sinh xong.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe