U thần kinh trung ương ở trẻ em: Những điều cần biết

U thần kinh trung ương không phải là tên một bệnh, mà là một nhóm bệnh, bao gồm cả các u lành tính và ác tính. Ở trẻ em thường gặp những loại u thần kinh trung ương nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. U thần kinh trung ương là gì?

U thần kinh trung ương (central nervous system tumor - CNS tumor) hình thành khi các tế bào bình thường ở não hoặc tủy sống bị thay đổi, phát triển và nhân lên quá mức, tạo thành khối bất thường. U thần kinh trung ương không nhất thiết là ác tính, mà có thể là lành tính. Một khối u là ung thư khi nó có tính chất ác tính, nghĩa là nó có khả năng phát triển, nhân lên vô kiểm soát, xâm lấn và lan tới các phần khác của cơ thể (di căn). Một khối u là lành tính khi nó có thể phát triển, nhân lên nhưng không xâm lấn và không di căn.

Một khối u thần kinh trung ương có thể gây ra rất nhiều vấn đề bởi các quá trình nhận thức và vận động có thể bị tác động. Điều trị u thần kinh trung ương đôi khi là một thách thức, bởi u có thể nằm ở những vị trí mà nếu can thiệp sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân hoặc gây những hậu quả lâu dài. Điều trị u thần kinh trung ương ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ có thể đặc biệt khó khăn vì não bộ của trẻ vẫn còn tiếp tục phát triển.

Não bộ là trung tâm suy nghĩ, trí nhớ và cảm xúc. Não bộ kiểm soát 5 giác quan, bao gồm khứu giác, xúc giác, vị giác, thính giác, và thị giác. Não bộ cũng kiểm soát vận động và các hoạt động cơ bản khác của cơ thể, chẳng hạn như nhịp tim, tuần hoàn và hô hấp. Tủy sống chứa các dây thần kinh vận chuyển các luồng tín hiệu đi và đến giữa cơ thể và não bộ.

u-than-kinh-trung-uong-o-tre-em-nhung-dieu-can-biet-1
U thần kinh trung ương

2. Các loại u thần kinh trung ương

U thần kinh trung ương bao gồm nhiều loại khác nhau. Có nhiều loại trong đó có tính chất ác tính, có khả năng phát triển và xâm lấn, di căn rất nhanh (tức là có độ ác tính cao). Bên cạnh đó cũng có những loại u ác tính nhưng khả năng phát triển, xâm lấn và di căn kém hơn (có độ ác tính thấp hơn). Một số loại u thần kinh trung ương có tính chất lành tính, không xâm lấn và di căn (không phải ung thư). Bên cạnh đó, với mỗi loại u thần kinh trung ương lại có những phân loại nhỏ hơn, và tốc độ phát triển của khối u phần nhiều phụ thuộc vào những thay đổi trong gen của khối u.

Những loại u thần kinh trung ương thường gặp nhất ở trẻ em bao gồm:

U tế bào hình sao (astrocytoma)

U tế bào hình sao thuộc nhóm u thần kinh trung ương, được hình thành bởi các tế bào hình sao. Bình thường các tế bào hình sao tạo thành mạng lưới liên lạc tín hiệu giữa não bộ và tủy sống. Khi hệ thần kinh trung ương bị tổn thương, các tế bào hình sao sẽ hình thành nên mô sẹo. U tế bào hình sao khởi đầu khi các tế bào hình sao vì một lí do nào đó trở nên bất thường, phát triển, nhân lên và hình thành nên khối bất thường.

U tế bào hình sao có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên toàn bộ hệ thống thần kinh trung ương, bao gồm các vị trí sau:

  • Tiểu não, là một bộ phận nằm ở phần phía sau não, chịu trách nhiệm trong phối hợp vận động và giữ thăng bằng.
  • Đại não, là phần lớn nhất của não, chịu trách nhiệm kiểm soát các hoạt động vận động và ngôn ngữ.
  • Não trung gian (nằm ở trung tâm của não bộ), chịu trách nhiệm kiểm soát thị lực, chế tiết nội tiết tố, và vận động của tay, chân.
  • Thân não, chịu trách nhiệm kiểm soát hô hấp, kiểm soát cử động của mắt và khuôn mặt, vận động của tay và chân.
  • Tủy sống, chịu trách nhiệm kiểm soát cảm giác và hoạt động vận động của tay và chân.

U thần kinh đệm thân não (brain stem glioma)

Thân não là khu vực kết nối giữa não và tủy sống, nằm ở vị trí thấp nhất của não bộ (ngay phía trên của khu vực gáy).

U thần kinh đệm thân não là một loại u thần kinh trung ương. Nó bắt nguồn từ sự thay đổi của các tế bào ở thân não, nhân lên ngoài tầm kiểm soát tạo thành khối bất thường. Thông thường khi u thần kinh đệm thân não được chẩn đoán thì nó đã lan rộng ra khắp thân não, bởi loại u này thường rất ác tính, nhân lên và xâm lấn, di căn rất nhanh. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ u thần kinh đệm thân não là loại khu trú, phát triển và nhân lên chậm hơn.

U thần kinh đệm thân não thường xảy ra nhất ở trẻ em trong độ tuổi 5 - 10 tuổi, và thường khởi phát ở những vị trí khó phẫu thuật, khiến việc điều trị u thần kinh đệm thân não có nhiều khó khăn.

U màng não thất (ependymoma)

U màng não thất ở trẻ em là một loại u não hiếm gặp, có tính chất ác tính. U màng não thất bắt nguồn từ các tế bào lát. Dù u màng não thất có thể xuất hiện ở bất kì đâu trong não bộ hoặc tủy sống, nhưng nó thường xuất hiện nhất ở tiểu não. U màng não thất có thể cản trở dòng chảy của dịch não tủy, gây nên hiện tượng não úng thủy. Trẻ em không may bị não úng thủy thường biểu hiện các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, nôn, nhìn mờ và khó đi lại.

U tế bào mầm (germ cell tumor)

Tế bào mầm là những tế bào đặc biệt trong quá trình phát triển phôi thai, sau này sẽ biệt hóa thành trứng ở buồng trứng (đối với nữ giới) và tinh trùng trong tinh hoàn (đối với nam giới). Trong các trường hợp hiếm gặp, khi phôi thai phát triển, các tế bào mầm di chuyển tới các bộ phận khác của cơ thể (ngực, bụng, não bộ,...) và hình thành khối u. U tế bào mầm hình thành ở não bộ được gọi là u tế bào mầm nội sọ.

U nguyên tủy bào (medulloblastoma)

U nguyên tủy bào là một loại u não, có nguồn gốc từ nhiều tế bào khác nhau của tiểu não. U nguyên tủy bào thường gặp nhất là ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ em dưới 10 tuổi.

u-than-kinh-trung-uong-o-tre-em-nhung-dieu-can-biet-2
U nguyên tủy bào

3. Khi nào cần đi thăm khám?

Các loại u thần kinh trung ương ở trẻ em có thể không có biểu hiện gì, nhưng nếu xuất hiện các triệu chứng dưới đây, cha mẹ nên lưu ý đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác và có can thiệp điều trị kịp thời:

  • Đau đầu, có thể đau đến mức làm trẻ phải thức dậy giữa đêm, hoặc đau đầu xuất hiện buổi sáng sớm.
  • Buồn nôn, nôn vọt dai dẳng không thể giải thích.
  • Yếu cơ, cứng đờ đột ngột xuất hiện và tiến triển xấu đi.
  • Xuất hiện vấn đề với thị lực.
  • Chậm phát triển.
  • Chậm lớn, dậy thì sớm hoặc dậy thì muộn.
  • Đau, đặc biệt là đau lưng.
  • Kích thích, lờ đờ hoặc thay đổi tính tình.
  • Co giật.
  • Xuất hiện hoặc lặp lại các vận động tự động (chẳng hạn như rung giật nhãn cầu,...).
  • Đầu phát triển quá to ở trẻ nhỏ.

U thần kinh trung ương là một nhóm bệnh, có thể là u lành tính những cũng có thể là u ác tính. Bệnh có thể để lại biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sự phát triển, nhận thức, vận động của trẻ. Vì thế việc thăm khám và chẩn đoán bệnh từ giai đoạn sớm rất quan trọng. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý để cho trẻ đi khám kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý, trong đó có chuyên khoa Nhi - Sơ sinh. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước. Với những ưu điểm đó, tại Vinmec đã thực hiện thăm khám, chẩn đoán và cứu sống nhiều bệnh Nhi, đem lại cơ hội sống tốt và phục hồi sức khỏe lâu dài. Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline để được hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan