Tế bào ung thư di căn bằng con đường nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Thái Cang - Bác sĩ Xạ trị - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Ung thư là căn bệnh khiến nhiều người e ngại. Đáng ngại hơn là ung thư có thể di căn đến các cơ quan khác nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Vậy ung thư di căn là gì?

1. Ung thư di căn là như thế nào?

Ung thư hình thành do sự tăng trưởng không kiểm soát của các tế bào ở một cơ quan nào đó (gọi là u nguyên phát). Sự tăng trưởng không kiểm soát này khiến khối u to dần và xâm lấn vào các cơ quan lân cận.

Vậy “ung thư di căn” là gì? Trong quá trình phát triển của khối u ác tính, tế bào ung thư có khả năng tách ra và di chuyển đến vị trí mới, hình thành một hoặc nhiều tổn thương mới gọi là tổn thương di căn (thứ phát). Các tế bào ác tính có thể đi đến khu vực lân cận (di căn hạch vùng), hoặc nguy hiểm hơn chúng có thể đi đến các cơ quan khác trong cơ thể (di căn xa). Tốc độ di căn của các loại ung thư là khác nhau, tuy nhiên nếu bệnh nhân được chẩn đoán càng muộn thì nguy cơ mắc ung thư di căn càng tăng lên.

Tổn thương di căn có đặc điểm và tính chất tương tự với cơ quan ung thư nguyên phát, tuy nhiên mức độ phát tán và nguy hiểm của các tổn thương di căn lớn hơn rất nhiều. Tên gọi của tổn thương ung thư di căn vẫn được gọi theo vị trí ung thư nguyên phát. Ví dụ như bệnh nhân ung thư vú kèm với tổn thương thứ phát ở gan thì được gọi là ung thư vú di căn gan, tổn thương tại gan lúc này có các đặc điểm mô bệnh học giống với tổn thương ung thư vú, điều này khác biệt với ung thư gan nguyên phát.

2. Tế bào ung thư di căn bằng con đường nào?

Ung thư có thể di căn đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Các cơ quan dễ bị các tế bào ung thư nơi khác di căn đến là phổi, xương, gan, não,... Điều này còn tùy thuộc vào vị trí, đặc điểm của tổn thương ung thư nguyên phát. Ví dụ, ung thư vú thường di căn đến xương, phổi, gan,..., ung thư đại tràng thường di căn đến gan, phổi, phúc mạc,...

Tế bào ung thư di căn chủ yếu theo hai con đường:

  • Đường máu: Từ cơ quan ung thư nguyên phát, tế bào ung thư đi theo dòng máu đến các cơ quan khác trong cơ thể và sinh sôi, phát triển ở đó.
  • Đường bạch huyết: Hệ bạch huyết của cơ thể bao gồm hạch bạch huyết và hệ thống bạch mạch, đảm nhận vai trò miễn dịch. Hạch bạch huyết sưng, viêm báo hiệu tình trạng nhiễm trùng của cơ thể (hạch phản ứng) hoặc có thể là dấu hiệu của ung thư (hạch ác tính). Các tế bào ung thư sau khi thoát ra khối u nguyên phát có thể xâm nhập vào hệ thống bạch mạch rồi mắc bị ở lại các bạch huyết, hoặc từ hạch bạch huyết lại đi đến các cơ quan khác trong cơ thể, gây nên tình trạng di căn xa.

Với sự phát triển của y học, các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu các cơ chế di căn khác của tế bào ung thư cũng như các yếu tố liên quan, từ đó tìm ra các phương pháp điều trị mới. Một trong những cơ chế phải nhắc đến là cơ chế miễn dịch. Miễn dịch là khả năng phát hiện và loại bỏ các tác nhân lạ đối với cơ thể (kháng nguyên). Một số tế bào miễn dịch của cơ thể (tế bào lympho T, tế bào NK, đại thực bào) có thể nhận ra tế bào ung thư là bất thường và tiêu diệt chúng.

Tế bào NK là gì? NK là viết tắt của natural killer, tế bào NK được dịch là tế bào tiêu diệt tự nhiên. Tuy nhiên, hệ miễn dịch không có khả năng loại bỏ toàn bộ tế bào ác tính trong cơ thể, hơn nữa tế bào ung thư còn “đánh lừa” hệ miễn dịch theo nhiều hình thức. Do vậy, “cuộc chiến” giữa hệ miễn dịch của cơ thể với các tế bào ung thư không phải khi nào cũng dễ dàng, đặc biệt khi ung thư đã di căn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng ung thư đại tràng di căn có ít tế bào lympho T gây độc hơn; mặt khác, sự xâm lấn của khối u làm giảm mật độ mạch bạch huyết - nơi mang theo các tế bào miễn dịch (tế bào lympho T, tế bào NK, đại thực bào).

3. Điều trị ung thư di căn bằng liệu pháp miễn dịch

Hiểu được cơ chế miễn dịch của ung thư di căn mở ra hướng điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch. Tế bào NK cũng như các tế bào miễn dịch khác như tế bào T, đại thực bào có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư di căn. Sự tăng tế bào NK cho thấy bệnh nhân có tác dụng tốt với điều trị, tăng khả năng tiêu diệt tế bào ác tính. Điều quan trọng là phải tìm ra liệu pháp điều trị sao cho các thành phần của hệ miễn dịch nhận diện tế bào ác tính dễ dàng hơn và tăng cường hiệu quả các phản ứng miễn dịch tiêu diệt ung thư.

Dưới đây là một số liệu pháp miễn dịch trong ung thư:

  • Liệu pháp kháng thể đơn dòng
  • Thuốc ức chế chốt kiểm soát miễn dịch
  • Protein điều hòa miễn dịch (Cytokines)

4. Cách ngăn ngừa ung thư tái phát và di căn xa

Để hạn chế ung thư tái phát và di căn xa sau điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện một chế độ sinh hoạt lành mạnh, nâng cao thể trạng và sức khỏe, chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Khi phát hiện bất kỳ vấn đề bất thường nào, cần đi khám ngay để được khám và hướng dẫn điều trị chính xác. Không tự ý sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, công dụng không rõ ràng để tránh “tiền mất tật mang”.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan