Định lượng Pepsinogen trong sàng lọc ung thư dạ dày không xâm lấn

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Bác sĩ Nội tiêu hoá - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Ung thư dạ dày là bệnh lý thường gặp, với số lượng tử vong đứng hàng thứ hai trên thế giới. Việc chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm sẽ giúp cải thiện tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân. Hiện nay, xét nghiệm pepsinogen là giải pháp sàng lọc không xâm lấn được sử dụng để đánh giá nguy cơ và phát hiện sớm ung thư dạ dày ở bệnh nhân có nguy cơ.

1. Vì sao cần chẩn đoán sớm ung thư dạ dày?

Ung thư dạ dày sớm là những khối u còn giới hạn trong lớp niêm mạc hoặc lớp dưới niêm mạc, bất kể là có hay không có di căn. Tiên lượng ung thư dạ dày sớm là rất tốt vì ít gặp di căn xa.

Tiền ung thư: là những tổn thương loạn sản mức độ cao, nhưng chưa có tế bào ung thư, những tổn thương này gần như sẽ tiến triển thành ung thư, vấn đề chỉ là thời gian.

Hệ thống phân loại ung thư dạ dày của Hiệp hội Ung thư Dạ dày Nhật Bản gần đây đã chia ung thư dạ dày sớm thành 3 thể dựa vào hình ảnh đại thể:

  • Type I (thể lồi): Tổ chức ung thư lồi lên trên niêm mạc, có hình nấm, hình giống polyp, chạm vào dễ chảy máu;
  • Type II (thể phẳng hay thể bề mặt): Gồm 3 phân type phẳng gồ, phẳng dẹt, phẳng lõm;
  • Type III (thể loét): Tổn thương có độ sâu rõ rệt. Ung thư dạ dày dạng này thường nông, bờ gồ ghề, bẩn, niêm mạch quanh ổ loét không đều.

Ung thư dạ dày phát hiện càng sớm thì tiên lượng càng tốt. Có thể dùng phương pháp phẫu tích tách niêm mạc qua nội soi (ESD) cắt được nguyên khối tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm. Điều này giúp bệnh nhân tránh được một cuộc mổ cắt dạ dày, hồi phục nhanh hơn, không ảnh hường đến chức năng của dạ dày sau này, góp phần hạn chế biến chứng và tỷ lệ tử vong của ung thư dạ dày. Tuy nhiên ung thư dạ dày sớm hầu như không có triệu chứng, cần nghĩ đến và thực hiện các xét nghiệm để phát hiện ung thư dạ dày sớm.

2. Pepsinogen trong sàng lọc ung thư dạ dày không xâm lấn:

Nồng độ pepsinogen < 70 ng/mL và tỷ số pepsinogen I/pepsinogen II < 3 là các chỉ số hữu ích trong phát hiện ung thư dạ dày, với độ nhạy 84,6% và độ đặc hiệu 73,5%.

Định lượng Pepsinogen là một tiền enzyme được các tế bào niêm mạc ruột tiết vào trong lòng dạ dày, được hoạt hóa thành dạng hoạt động – pepsin, nhờ acid chlohydric của dạ dày. Pepsin sẽ giúp thủy phân protein thức ăn thành các chất cơ thể dễ dàng hấp thu bằng đường ruột.

Mức độ của hai loại pepsinogen I và II huyết thanh giúp khảo sát tình trạng của niêm mạc dạ dày và tá tràng về cả hình thức và chức năng. Khi chỉ số pepsinogen I huyết thanh giảm, chứng tỏ niêm mạc dạ dày có thương tổn làm giảm chức năng. Còn nồng độ pepsinogen II ít thay đổi nên dựa vào tỷ số PGI/PGII giúp tiên lượng mức độ tổn thương của niêm mạc dạ dày, do đó tỷ số này được dùng trong sàng lọc ung thư dạ dày sớm.

Trong bệnh ung thư dạ dày, người ta đã xác định được quá trình tổn thương về tế bào bệnh học diễn biến theo thứ tự sau: Viêm dạ dày mạn (chronic gastritis), viêm dạ dày mạn teo (atrophic chronic gastritis), dị sản (metaplasia), loạn sản (dysplasia) và cuối cùng là ung thư dạ dày. Vì vậy, việc định lượng pepsinogen huyết thanh có thể cho phép phát hiện sớm các bệnh nhân có nguy cơ hoặc ung thư dạ dày.

Chỉ số pepsinogen có giá trị quan trọng trong phát hiện ung thư dạ dày
Chỉ số pepsinogen có giá trị quan trọng trong phát hiện ung thư dạ dày

3. Điểm hạn chế của Pepsinogen trong sàng lọc ung thư dạ dày không xâm lấn

Pepsinogen được xem là một “dấu ấn ung thư huyết thanh”. Hiện nay, chưa có một dấu ấn ung thư huyết thanh nào được xác định đủ độ nhạy và đặc hiệu để chẩn đoán ung thư dạ dày.

Do đó, bên cạnh định lượng Pepsinogen và tỉ số pepsinogen I/pepsinogen II, còn có một vài xét nghiệm huyết thanh khác như CEA (Carcinoembryonic Antigen), CA 19-9 (Cancer Antigen 19-9).

Nội soi ống tiêu hóa trên kết hợp sinh thiết cũng là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán ung thư dạ dày. Hiện nay, có thể chẩn đoán sớm ung thư dạ dày nhờ áp dụng các kỹ thuật:

  • Nội soi nhuộm màu;
  • Nội soi huỳnh quang;
  • Nội soi phóng đại.

Tóm lại, xét nghiệm pepsinogen là giải pháp sàng lọc không xâm lấn được sử dụng để đánh giá nguy cơ và phát hiện sớm ung thư dạ dày ở bệnh nhân có nguy cơ. Vì vậy, với những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư dạ dày thì nên làm xét nghiệm để tầm soát.

Ngoài việc sử dụng xét nghiệm định lượng pepsinogen, việc sàng lọc ung thư cũng là biện pháp giúp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó giúp người bệnh được điều trị sớm và tránh khỏi những biến chứng nguy hiểm.

Khám sàng lọc ung thư đường tiêu hoá là biện pháp khoa học và hiệu quả để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa (ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng) và đưa ra phác đồ điều trị tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan