Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp chẩn đoán sớm ung thư tuyến giáp

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị My - Giám đốc Trung tâm bệnh lý tuyến giáp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh thường gặp ở vùng đầu, mặt, cổ và đang đứng vị trí thứ 10 về mức độ phổ biến các loại ung thư thường gặp (sau ung thư gan, phổi, vú, dạ dày...). Hiện nay tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp đang gia tăng trên thế giới cũng như tại Việt Nam, theo những số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ mắc mới ung thư giáp trong vòng 5 năm trở lại đây tăng 3 - 4 lần. Số liệu của Globocan 2018, 2020 cho biết Việt Nam trung bình mỗi năm có khoảng gần 6000 ca mắc mới. Thực tế đây là bệnh ung thư có tiên lượng khá tốt nếu người bệnh phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vậy để phát hiện bệnh sớm nhất có thể, chúng ta cần phải làm gì?

1. Ung thư tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở vùng cổ, tiết ra các hormon chuyển hóa cơ bản cho cơ thể. Ung thư tuyến giáp xảy ra khi những tế bào tuyến giáp bình thường biến đổi thành những tế bào bất thường, phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể và trở thành khối u ác tính. Ung thư tuyến giáp có nhiều loại khác nhau, trong đó thường gặp 4 thể chính:

  • Ung thư giáp thể nhú: chiếm ~ 80 - 85%, tiên lượng tốt, có thể chữa khỏi.
  • Ung thư thể nang: chiếm ~ 10%, là type biệt hóa cao.
  • Ung thư thể tủy: chiếm ~ 3%, là type xuất phát từ các tế bào cận nang.
  • Ung thư thể không biệt hóa: chiếm ~ 1%, tiên lượng tồi, điều trị khó.

2. Những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư tuyến giáp

Một vài yếu tố nguy cơ chính dẫn đến ung thư tuyến giáp có thể kể đến như:

  • Phơi nhiễm phóng xạ: Đây là một yếu tố nguy cơ đã được chứng minh gây ung thư tuyến giáp. Vì vậy những người đang làm việc trong môi trường có yếu tố phóng xạ như các phòng chụp XQ, phòng can thiệp mạch có tia X, hầm mỏ hoặc bạn có tiền sử điều trị chiếu xạ vào vùng đầu mặt cổ thì việc tầm soát ung thư giáp là cần thiết.
  • Yếu tố di truyền: Một số bệnh lý di truyền có liên quan và tăng nguy cơ phát sinh ung thư tuyến giáp như bệnh đa u tuyến nội tiết týp 2 (MEN2), bệnh Cowden, hội chứng đa polyp tính chất gia đình.
  • Tiền sử gia đình: Trong gia đình có người thân trực hệ (cha mẹ, anh trai, em gái hoặc con) bị ung thư tuyến giáp, cũng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp của bạn.
  • Yếu tố tuổi tác, giới: Người bệnh mắc căn bệnh này chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 30 - 50 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 - 4 lần so với nam giới. Vì vậy nữ giới ngoài việc quan tâm tầm soát ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng thì cũng nên quan tâm và tầm soát ung thư giáp.
  • Tiền sử mắc bệnh tuyến lý giáp: Những người bệnh bị bướu giáp, bệnh basedow hoặc viêm tuyến giáp tự miễn có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác.
  • Các yếu tố khác cũng có nguy cơ gây nên ung thư tuyến giáp như: chế độ ăn bị thiếu i-ốt, uống rượu thường xuyên trong thời gian dài, thói quen hút thuốc lá, thừa cân béo phì.
Hình ảnh giải phẫu tuyến giáp và tuyến cận giáp

3. Những triệu chứng của ung thư tuyến giáp

Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không gây ra triệu chứng. Bạn có thể phát hiện ra bệnh khi đi khám định kỳ. Khi ung thư tuyến giáp có triệu chứng, thường bạn sẽ sờ thấy một khối ở tuyến giáp. Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng khác của ung thư tuyến giáp bao gồm:

  • Khàn tiếng
  • Nuốt vướng khi u chèn ép vào thực quản
  • Khó thở khi u xâm lấn vào khí quản
  • Ở giai đoạn muộn hơn, bạn có thể sờ thấy hạch cổ hoặc các triệu chứng của di căn xa như đau xương trong di căn xương...

Khi nhận thấy những bất thường ở cơ thể, chúng ta cần đi khám ngay, khám tổng quát cũng như khám chuyên khoa để phát hiện bệnh sớm nhất có thể. Các bác sĩ khuyến cáo, nên đi khám sức khỏe định kỳ 1 năm 1 lần để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, cũng như có hướng tầm soát điều trị bệnh sớm.

4. Phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Bác sĩ có thể chỉ định nhiều loại xét nghiệm khác nhau giúp chẩn đoán bệnh, bao gồm:

  • Khám lâm sàng: đánh giá tổn thương vùng cổ – tuyến giáp và phát hiện các triệu chứng có liên quan khác.
  • Xét nghiệm máu: giúp đánh giá chức năng và các chỉ số liên quan bệnh lý tuyến giáp.
  • Chẩn đoán hình ảnh - siêu âm tuyến giáp: Siêu âm là một thăm khám đơn giản giúp xác định hình dạng kích thước và cấu trúc, tính chất của các nhân giáp đồng thời dựa vào các đặc điểm trên siêu âm giúp định hướng phân loại tổn thương lành tính và ác tính. Ngoài ra, siêu âm còn được sử dụng như một công cụ trong việc thực hiện chọc hút tế bào bằng kim nhỏ được chính xác.
  • Chọc hút tế bào kim nhỏ – bác sĩ sẽ dùng một kim nhỏ chọc vào khối u ở tuyến giáp lấy ra một ít bệnh phẩm, sau đó sẽ quan sát chúng qua kính hiển vi để chẩn đoán. Đây là phương pháp rất có giá trị để chẩn đoán bản chất lành tình hay ác tính của tổn thương.

Ngoài ra, một số trường hợp có thể làm thêm một số các thăm khám chuyên sâu như chụp xạ hình tuyến giáp, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ vùng cổ....

Siêu âm tuyến giáp giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư tuyến giáp
Siêu âm tuyến giáp giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan