Chẩn đoán ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn hiếm xảy ra, có khả năng điều trị thành công cao, ngay cả khi đã di căn ra ra ngoài tinh hoàn. Tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư tinh hoàn, người bệnh sẽ được điều trị bằng các phương pháp khác nhau.

1. Triệu chứng của ung thư tinh hoàn


Đau hoặc khó chịu ở tinh hoàn có thể là triệu chứng ung thư tinh hoàn
Đau hoặc khó chịu ở tinh hoàn có thể là triệu chứng ung thư tinh hoàn

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tinh hoàn bao gồm:

  • Có u cục và càng ngày càng lớn ở một trong hai tinh hoàn;
  • Cảm giác nặng nề ở bìu;
  • Có cơn đau âm ỉ ở bụng hoặc háng;
  • Có chất dịch lỏng trong bìu;
  • Đau hoặc khó chịu ở tinh hoàn hoặc bìu;
  • Vú to hoặc đau;
  • Đau lưng;
  • Ung thư thường chỉ ảnh hưởng đến một tinh hoàn.

Vì vậy, bạn hãy gặp bác sĩ sớm nếu có bất kỳ triệu chứng đau, sưng hoặc vón cục ở tinh hoàn hay háng, đặc biệt là nếu các dấu hiệu và triệu chứng này kéo dài hơn 2 tuần.

2. Nguyên nhân của ung thư tinh hoàn


Ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn bị đột biến
Ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn bị đột biến

Hiện nay, các bác sĩ chưa tìm ra nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên, ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn bị đột biến.

Hầu như tất cả các bệnh ung thư tinh hoàn bắt đầu trong tế bào mầm (đây là các tế bào trong tinh hoàn tạo ra tinh trùng chưa trưởng thành). Điều gì khiến các tế bào mầm trở nên bất thường và phát triển thành ung thư hiện nay vẫn chưa được tìm ra.

3. Ai là người dễ mắc bệnh ung thư tinh hoàn?

Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn:

  • Tinh hoàn lạc chỗ (cryptorchidism): Ở thai nhi, tinh hoàn nằm trong ổ bụng. Trước lúc chuyển dạ, cơ quan này sẽ di chuyển dần qua ống bẹn xuống bìu. Bệnh tinh hoàn ẩn (cryptorchidism) xuất hiện khi nó gặp trục trặc trong quá trình hạ từ ổ bụng xuống bọc bìu. Do nhiệt độ trong ổ bụng cao hơn nhiệt độ trong bọc bìu nên tinh hoàn nằm lại ổ bụng dễ bị thoái hóa, gây vô sinh. Bệnh còn làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn. Nguy cơ vẫn tăng cao ngay cả khi tinh hoàn đã được phẫu thuật di chuyển xuống bìu.
  • Tinh hoàn phát triển bất thường: Có nhiều nguyên nhân khiến tinh hoàn phát triển bất thường, chẳng hạn như hội chứng Klinefelter, có thể làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn.
  • Tiền sử gia đình: Nếu các thành viên gia đình đã bị ung thư tinh hoàn, bạn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh này.
  • Tuổi tác: Ung thư tinh hoàn ảnh hưởng đến thanh thiếu niên và nam giới trẻ tuổi, đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 15 đến 35. Tuy nhiên, bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
  • Dân tộc: Ung thư tinh hoàn thường gặp ở đàn ông da trắng hơn da đen.

4. Chẩn đoán ung thư tinh hoàn


Để xác định xem khối u đó có phải là ung thư tinh hoàn hay không cần thực hiện một số xét nghiệm
Để xác định xem khối u đó có phải là ung thư tinh hoàn hay không cần thực hiện một số xét nghiệm

Trong một số trường hợp, nam giới vô tình hoặc phát hiện khi đi khám sức khỏe thì phát hiện khối u ở tinh toàn. Trong các trường hợp khác, bác sĩ có thể phát hiện một khối u trong khi quá trình kiểm tra sức khỏe. Để xác định xem khối u đó có phải là ung thư tinh hoàn hay không, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm như:

4.1. Siêu âm có phát hiện ung thư tinh hoàn?

Siêu âm tinh hoàn sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh. Trong siêu âm, bạn sẽ nằm ngửa và 2 chân dang rộng. Bác sĩ sẽ bôi loại gel vào bìu để giúp hình ảnh siêu âm được rõ ràng. Một đầu dò cầm tay được di chuyển qua bìu để tạo ra hình ảnh siêu âm.

Siêu âm giúp bác sĩ xác định bản chất của khối u tinh hoàn, chẳng hạn như các khối u là rắn hoặc chứa đầy chất lỏng. Siêu âm cũng cho bác sĩ biết liệu khối u ở bên trong hay bên ngoài tinh hoàn.

4.2. Xét nghiệm máu

Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm máu để xác định chất chỉ điểm ung thư trong máu. Chất chỉ điểm ung thư là những chất bình thường vẫn có trong máu của bạn, nhưng mức độ của các chất này có thể tăng lên trong một số trường hợp của bệnh, trong đó có ung thư tinh hoàn. Mức độ cao của chất chỉ điểm ung thư trong máu không có nghĩa chắc chắn là bạn bị ung thư, nhưng nó có thể giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán.

4.3. Phẫu thuật cắt bỏ một tinh hoàn

Nếu xác định chắc chắn khối u là ung thư, phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn có thể được chỉ định. Tinh hoàn bị loại bỏ sẽ được phân tích để xác định xem khối u có phải là ung thư hay không và nếu có thì đó là loại ung thư nào.

4.3.1. Xác định loại ung thư

Tinh hoàn được cắt bỏ hoặc lấy sinh thiết sẽ được phân tích để xác định loại ung thư. Loại ung thư tinh hoàn nhằm giúp xác định điều trị và tiên lượng tình trạng bệnh, nhìn chung, có 2 loại ung thư tinh hoàn như sau:

  • U tinh bào tinh hoàn (Seminoma): Là u tế bào mầm của tinh hoàn, khối u ác tính và có thể điều trị được. Khối u Seminoma xảy ra ở tất cả các nhóm tuổi, nhưng nếu đàn ông lớn tuổi bị ung thư tinh hoàn thì nhiều khả năng người đó mắc bệnh u tinh bào tinh hoàn.
  • Nonseminoma: Gồm những loại ung thư không phải là seminoma, thường được phát hiện ở nam giới khi còn trẻ. Các khối u nonseminoma có xu hướng phát triển ở nam giới trẻ tuổi và lan rộng nhanh chóng. Một số loại khối u Nonseminoma như ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô phôi, u quái và u túi noãn hoàng.

4.3.2. Giai đoạn ung thư

Khi bác sĩ chắc chắn người bệnh đã mắc ung thư, bước tiếp theo là xác định giai đoạn của ung thư tinh hoàn. Để xác định xem ung thư có di căn ra ngoài tinh hoàn hay không, người bệnh có thể được thực hiện một số xét nghiệm sau:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) để tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy ung thư đã lan rộng
  • Các xét nghiệm máu để đánh giá chất chỉ điểm ung thư tăng cao có thể giúp bác sĩ hiểu liệu ung thư có khả năng tồn tại trong cơ thể người bệnh hay không sau khi tinh hoàn được cắt bỏ.

Các giai đoạn của ung thư tinh hoàn được ghi bằng các số La mã nằm trong khoảng từ 0 đến III, với các giai đoạn thấp nhất cho thấy ung thư được giới hạn ở khu vực xung quanh tinh hoàn. Đến giai đoạn III, ung thư đã tiến triển và có thể đã lan sang các khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi.

5. Điều trị ung thư tinh hoàn

Các phương pháp để điều trị ung thư tinh hoàn phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại và giai đoạn ung thư, sức khỏe tổng thể cũng như nguyện vọng của người bệnh.

Phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp như sau:

  • Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn là phương pháp điều trị chính cho gần như tất cả các giai đoạn và loại ung thư. Để loại bỏ tinh hoàn, bác sĩ phẫu thuật thực hiện một vết mổ ở háng và lấy toàn bộ tinh hoàn thông qua lỗ mở. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt tinh hoàn giả chứa đầy nước muối có thể được đặt vào bìu. Trong trường hợp ung thư tinh hoàn giai đoạn đầu, người bệnh chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn là phương pháp điều trị duy nhất.
  • Phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết gần đó được thực hiện thông qua một vết mổ ở bụng. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cẩn thận thực hiện để tránh làm tổn thương các dây thần kinh xung quanh các hạch bạch huyết, nhưng trong một số trường hợp có thể không tránh khỏi tổn thương cho dây thần kinh. Các dây thần kinh bị tổn thương có thể gây khó khăn khi xuất tinh, nhưng sẽ ảnh hưởng đến cương cứng.

Xạ trị:

  • Xạ trị sử dụng các chùm năng lượng mạnh như tia X để tiêu diệt các tế bào ung thư. Trong quá trình xạ trị, người bệnh nằm trên bàn và một cỗ máy lớn di chuyển xung quanh cơ thể để nhắm các chùm năng lượng vào điểm đã định xác định từ trước trên cơ thể người bệnh. Liệu pháp xạ trị có thể được thực hiện đơn độc hoặc sau khi người bệnh đã phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Tác dụng phụ của xạ trị bao gồm buồn nôn, mệt mỏi, đỏ da, kích ứng ở vùng bụng và háng. Xạ trị cũng có khả năng làm giảm số lượng tinh trùng và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở một số nam giới, do đó người bệnh cần được bác sĩ tư vấn về các lựa chọn để bảo quản tinh trùng trước khi bắt đầu xạ trị.

XEM THÊM: Trữ lạnh tinh trùng: Ai nên thực hiện?

Hóa trị:

  • Điều trị hóa trị liệu sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị đi khắp cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư đã di căn từ khối u ban đầu. Hóa trị được chỉ định đơn độc để điều trị hay trước hoặc sau khi phẫu thuật cắt bỏ hạch. Tác dụng phụ của hóa trị liệu phụ thuộc vào các loại thuốc cụ thể mà người bệnh được sử dụng. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hóa trị cũng có thể dẫn đến vô sinh ở một số nam giới, có thể là vĩnh viễn trong một số trường hợp, do đó người bệnh cần được bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng về các lựa chọn để bảo quản tinh trùng trước khi bắt đầu hóa trị.

Để phòng ngừa ung thư tinh hoàn, nam giới nhất là những người trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi, nên tự kiểm tra tinh hoàn bằng cách nắn nhẹ hai bên bìu ít nhất 1 lần/tháng. Đây là phương pháp theo dõi đơn giản và dễ áp dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe