Vì sao trẻ sinh non thường mắc bệnh lý võng mạc?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng có kinh nghiệm 13 năm là bác sĩ điều trị bệnh về mắt.

Trẻ sinh non có nguy cơ mắc rất nhiều bệnh lý, biến chứng nguy hiểm do chưa đủ thời gian để phát triển toàn diện các cơ quan, hoàn thiện đầy đủ các chức năng của cơ thể. Một trong số đó phải kể đến bệnh võng mạc ở trẻ sinh non.

1. Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là gì?

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có tên quốc tế là Retinopathy of prematurity, gọi tắt là ROP. Đây là một rối loạn mắt do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc, thường gặp ở trẻ sinh non (trước 31 tuần) hoặc trẻ sơ sinh nhẹ cân (cân nặng dưới 1,25kg). Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có thể xuất hiện ở cả hai mắt. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây mất thị giác lúc nhỏ, thậm chí là mù vĩnh viễn.

Trắc nghiệm: Thế nào là trẻ sơ sinh non tháng?

Trẻ sơ sinh non tháng rất cần được chăm và điều trị thật tốt để giúp giảm nguy cơ gặp phải các di chứng về tinh thần, vận động và sự phát triển sau này. Cùng theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây để có thể nhận biết trẻ sơ sinh non tháng và có thêm kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ.

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

Ma Văn Thấm
Ma Văn Thấm
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nhi
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

2. Nguyên nhân khiến trẻ sinh non mắc bệnh lý võng mạc

Thông thường, mắt của trẻ sẽ bắt đầu phát triển từ tuần thứ 16 của thai kỳ, được đánh dấu bằng sự xuất hiện của các mạch máu võng mạc ở dây thần kinh thị giác phía mặt sau của mắt. Các mạch máu võng mạc dần phát triển tiến về phía cạnh của võng mạc, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho cạnh võng mạc. Quá trình phát triển này diễn ra nhanh hơn ở 12 tuần cuối của thai kỳ. Trẻ sinh non chưa đủ tháng khiến quá trình phát triển của mạch máu võng mạc bị gián đoạn, các mạch máu chưa tiếp cận được các cạnh võng mạc. Võng mạc chưa phát triển hoàn thiện, không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng dẫn đến khả năng mắc bệnh lý võng mạc.

Trẻ càng sinh non càng có nguy cơ mắc bệnh lý võng mạc cao. Các đối tượng cần được kiểm tra và theo dõi bệnh võng mạc ở trẻ sinh non bao gồm:

  • Trẻ sinh non dưới 31 tuần
  • Trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 1,5kg
  • Trẻ có cân nặng lúc sinh từ 1,5kg - 2kg và là trường hợp đa thai
  • Trẻ có cân nặng lúc sinh từ 1,5kg - 2kg nhưng bị các bệnh lý kèm theo như: bị ngạt khi sinh hay phải thở oxy kéo dài.

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thường gặp ở trẻ sinh non dưới 31 tuần hoặc cân nặng khi sinh dưới 1250 gram
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thường gặp ở trẻ sinh non dưới 31 tuần hoặc cân nặng khi sinh dưới 1250 gram

3. Dấu hiệu của bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non với các mức độ khác nhau. Mỗi mức độ lại có biểu hiện và triệu chứng riêng biệt.

Bệnh võng mạc trẻ sinh non chia làm 5 giai đoạn:

  • Giai đoạn I: Các mạch máu võng mạc có sự phát triển bất thường nhẹ
  • Giai đoạn II: Các mạch máu võng mạc có sự phát triển bất thường trung bình
  • Giai đoạn III: Các mạch máu võng mạc có sự phát triển bất thường nặng
  • Giai đoạn IV: Các mạch máu võng mạc có sự phát triển bất thường nặng và một phần võng mạc bị vong ra
  • Giai đoạn V: Toàn bộ võng mạc bị bong

Diễn biến bất thường của mạch máu võng mạc không thể quan sát bằng mắt thường mà phải nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị y tế, cho đến khi bệnh võng mạc trẻ sinh non trở nên nghiêm trọng thì trẻ có thể có các dấu hiệu sau:

  • Mắt chuyển động bất thường
  • Mắt lác
  • Đồng tử màu trắng.

4. Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có nguy hiểm không?

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thường chưa xuất hiện ngay khi trẻ vừa ra đời. Một số trẻ sẽ có mạch máu võng mạc phát triển bình thường. Một số trẻ sau một thời gian khi các mạch máu võng mạc không cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho cạnh võng mạc sẽ mắc bệnh.


Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có thể làm tổn thương thị giác hoặc gây mù vĩnh viễn
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có thể làm tổn thương thị giác hoặc gây mù vĩnh viễn

Tình trạng bệnh võng mạc ở trẻ sinh non được chia làm 2 loại là bệnh nhẹ có thể tự lành và bệnh nặng cần điều trị.

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh võng mạc trẻ sinh non thường ở thể nhẹ (chiếm khoảng 90%), bệnh có thể tự cải thiện và không có ảnh hưởng gì lâu dài. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần đưa trẻ đi khám mắt định kỳ và theo dõi thường xuyên để tránh những biến chứng sau này.

Bệnh võng mạc trẻ sơ sinh ở thể nặng cần phải được điều trị càng sớm càng tốt, nếu không sẽ gây suy giảm thị lực, nhiều trường hợp bị mù vĩnh viễn. Ước tính có khoảng 1.100 - 1.500 trẻ sơ sinh mắc bệnh võng mạc cần điều trị mỗi năm.

5. Điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có thể điều trị bằng laser hoặc phẫu đông lạnh. Bệnh được điều trị càng sớm, hiệu quả thu được càng cao. Tuy nhiên, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non ở giai đoạn đầu không thể phát hiện bằng mắt thường nên rất khó nhận biết. Chính vì thế trẻ sinh non hoặc trẻ sinh nhẹ cân cần được đi khám tầm soát sau sinh khoảng 4 tuần để kịp thời phát hiện các bệnh lý gặp phải và có phương án điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe