Hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền không do polyp (HNPCC)

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư được chẩn đoán phổ biến thứ 4 ở Hoa Kỳ và có khoảng 10 đến 15% các trường hợp ung thư này có thể do bất thường di truyền trong gia đình gây ra. Có 2 loại rối loạn di truyền chính được biết đến, đó là bệnh đa u tuyến gia đình (còn được gọi là FAP) và bệnh ung thư đại trực tràng di truyền không do polyp (còn được gọi là Hội chứng Lynch và HNPCC). Bài viết này sẽ giới thiệu đến bạn đọc một số thông tin về HPNCC

1. Ung thư đại trực tràng di truyền không do polyp là gì?

Tiến sĩ Henry Lynch là người đầu tiên mô tả HPNCC vào năm 1966 nên được đặt tên hội chứng Lynch. Ông cũng chỉ rõ thêm rằng các gia đình có Lynch loại I (còn được gọi là HNPCC loại A) hoặc Lynch loại II (còn được gọi là HNPCC loại B). Các gia đình có Lynch loại I thường xuất hiện nhiều trường hợp ung thư đại trực tràng ở người thân trẻ ở độ tuổi dưới 50. Tuổi trung bình để chẩn đoán ung thư đại trực tràng ở những bệnh nhân mắc hội chứng này là 44 tuổi, so với tuổi 68 đối với nam và 72 đối với nữ ở những người không có hội chứng di truyền .

Gia đình có hội chứng Lynch loại II cũng xuất hiện ung thư đại trực tràng ở người thân trẻ tuổi và những bệnh ung thư liên quan này bao gồm nội mạc tử cung, dạ dày, buồng trứng, ruột non, gan, ống mật, não, da và đường tiết niệu.

2. Tiêu chuẩn chẩn đoán ung thư đại trực tràng di truyền không do polyp

Mặc dù nhiều bệnh nhân có thể có tiền sử gia đình giống nhau, nhưng phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể và một số bất thường di truyền nhất định thì mới được phân loại là HNPCC. Các gen đã được xác định là nguyên nhân của HNPCC bao gồm MLH1, MSH2, MSH6, PMS1 và EPCAM. Những cá nhân có đột biến trên bất kỳ gen nào trong số này có khoảng 80% nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng trong suốt cuộc đời.

Những người bị HNPCC có nhiều khả năng phát triển ung thư ở đại tràng phải, không giống như các trường hợp khác thường phát triển ở đại tràng trái. Nội soi đại tràng là một xét nghiệm sàng lọc tiêu chuẩn đối với ung thư đại trực tràng. Những bệnh nhân mắc HNPCC sẽ phát triển những polyp và có nhiều khả năng tiến triển thành ung thư. Ngoài ra, quá trình tiến triển của polyp thành ung thư xảy ra trong thời gian ngắn hơn so với các trường hợp lẻ tẻ của ung thư đại trực tràng.

Tiêu chí Amsterdam II thường được sử dụng để xác định các gia đình có nguy cơ cao mắc HPNCC. Các tiêu chí này nêu rõ rằng có thể nghĩ đến HPNCC trong các gia đình khi:

  • Có ít nhất 3 người thân bị ung thư liên quan đến HNPCC (đại trực tràng, nội mạc tử cung, ruột non, niệu quản hoặc buồng trứng). Một trong số họ là họ hàng cấp một (cha mẹ, anh chị em hoặc con cái) của 2 người còn lại;
  • Có ít nhất 2 thế hệ kế tiếp nhau bị ảnh hưởng;
  • Ít nhất 1 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trước 50 tuổi;
  • Phải loại trừ FAP (đa polyp tuyến gia đình) và các khối u được xác minh bằng giải phẫu bệnh.

3. Xét nghiệm chẩn đoán ung thư đại trực tràng di truyền

Các gia đình có tiền sử đáp ứng tiêu chí có thể thực hiện xét nghiệm di truyền để xác định xem họ có mang gen khiếm khuyết hay không. Mẫu bệnh phẩm sẽ lấy ở khối u của thành viên gia đình bị ảnh hưởng. Nếu xét nghiệm này dương tính với một bất thường di truyền thì các thành viên khác trong gia đình có thể phải xét nghiệm về bất thường tương tự và được hướng dẫn về tầm soát ung thư. Ngược lại, nếu không phát hiện được bất thường trong khối u của thành viên gia đình thì việc kiểm tra các thành viên khác sẽ không có thông tin. Cần lưu ý rằng kết quả âm tính không phải lúc nào cũng là tin vui mà chỉ có nghĩa là không tìm thấy đột biến trong gen đang kiểm tra. Điều này có nghĩa là không có đột biến gen gây ra bệnh ung thư hoặc làm tăng nguy cơ ung thư của gia đình này. Tuy nhiên, nó cũng có thể là thử nghiệm không thể phát hiện ra đột biến - ngay cả khi một đột biến tồn tại. Trường hợp này có thể xảy ra nếu gia đình mang đột biến trong một gen chưa được phát hiện hoặc một đột biến mà xét nghiệm chưa được phát triển.

4. Tầm soát ung thư HNPCC

Những người bị HNPCC có xu hướng phát triển ung thư sớm hơn so với dân số chung nên cần tầm soát sớm hơn. Các chuyên gia đưa ra một số khuyến cáo để tầm soát ung thư di truyền như sau:

  • Khám tầm soát ung thư đại trực tràng bằng nội soi 1-2 năm một lần, bắt đầu từ 20 đến 25 tuổi hoặc 2-5 năm trước tuổi chẩn đoán ung thư đại trực tràng sớm nhất trong gia đình (tùy điều kiện nào đến trước).
  • Tầm soát ung thư dạ dày có thể được thực hiện bằng nội soi trên, bắt đầu từ 30-35 tuổi. Nếu tìm thấy H. Pylori thì cần điều trị ngay. Thử nghiệm nên được lặp lại sau mỗi 3 đến 5 năm.
  • Khám da hàng năm để tìm ung thư da liên quan đến Hội chứng Lynch.
  • Người mang gen đột biến từng có một hoặc nhiều người thân cấp I bị ung thư tuyến tụy có thể được hưởng lợi từ việc tầm soát ung thư tuyến tụy.
  • Phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ hàng năm và sinh thiết nội mạc tử cung 1-2 năm một lần, bắt đầu từ tuổi 30-35 hoặc sớm hơn 3-5 năm so với tuổi chẩn đoán ung thư phụ khoa sớm nhất trong gia đình.
  • Một số phụ nữ có thể chọn kiểm tra ung thư buồng trứng bằng siêu âm qua ngã âm đạo và nồng độ CA-125 bắt đầu từ 30-35 tuổi hoặc 5-10 năm trước tuổi chẩn đoán sớm nhất trong gia đình. Lợi ích của việc sàng lọc này chưa được chứng minh.

Tóm lại, hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền không do polyp (HNPCC) làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại tràng, tử cung, dạ dày, đường mật và ung thư đường tiết niệu. Do vậy, những người có HNPCC nên bắt đầu sàng lọc ở độ tuổi 20 đến 25 để tầm soát và phát hiện bệnh (nếu có).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: oncolink.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

471 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan