Chất chống oxy hóa và khả năng phòng chống ung thư

Chất chống oxy hóa là một trong những chất hóa học quan trọng, 1 phần được tạo ra từ cơ thể và còn lại đến từ các nguồn thực phẩm khác trong chế độ ăn uống hàng ngày. Chất chống oxy hóa đã được chứng minh là có thể ngăn ngừa sự phát triển của ung thư và bảo vệ cơ thể khỏi những tác hại từ các gốc tự do.

1. Gốc tự do và tác động của chúng đối với sự phát triển của ung thư

Các gốc tự do là những chất hóa học phản ứng mạnh, có khả năng làm tổn hại đến các tế bào trong cơ thể. Chúng được tạo thành khi 1 phân tử hoặc 1 nguyên tử (một hóa chất có từ hai nguyên tử trở lên) tăng hoặc bị mất đi một electron (một hạt nhỏ mang điện tích âm được tìm thấy trong nguyên tử).

Các gốc tự do được hình thành tự nhiên trong cơ thể và đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong nhiều quá trình tế bào bình thường. Tuy nhiên, khi ở nồng độ cao, chúng có thể làm ảnh hưởng xấu tới cơ thể và làm tổn thương hoặc phá hủy tất cả các thành phần chính của tế bào, bao gồm protein, DNA và màng tế bào. Khi các tế bào bị tổn thương, nhất là DNA có thể thúc đẩy sự phát triển của bệnh ung thư và các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác.

Sự tăng cao bất thường nồng độ gốc tự do trong cơ thể có lẽ bắt nguồn từ việc tiếp xúc với bức xạ ion hóa hoặc các chất độc hại từ bên ngoài môi trường. Một điện tử electron sẽ bị mất đi khi một nguyên tử hoặc phân tử trong tế bào tiếp xúc với bức xạ ion hóa, dẫn đến sự hình thành của một gốc tự do. Việc sản xuất ra các gốc tự do có nồng độ cao bất thường này chính là cơ chế mà bức xạ ion hóa giết chết các tế bào.

Bên cạnh đó, những chất độc hại có trong môi trường, ví dụ như kim loại nặng, khói thuốc, hoặc bầu không khí chứa nhiều oxy có thể chứa một lượng lớn các gốc tự do gây hại hoặc thúc đẩy các tế bào của cơ thể sản xuất ra nhiều gốc tự do hơn.

Loại gốc tự do phổ biến nhất là các gốc tự do chứa nguyên tố oxy, được tạo ra trong mô sống. Chúng cũng có thể được gọi là “các loại oxy hoạt động” hoặc “ROS”.

Gốc tự do
Gốc tự do có thể gây tổn thương đến các tế bào trong cơ thể con người

2. Chất chống oxy hóa là gì?

Chất chống oxy hóa là những chất có thể bảo vệ tế bào khỏi những tổn thương do các phân tử không ổn định được gọi là gốc tự do gây ra. Nó có khả năng tương tác và trung hòa các gốc tự do, từ đó ngăn ngừa những thiệt hại mà chúng gây ra cho cơ thể.

Những chất chống oxy hóa được cơ thể tạo ra thường được gọi là chất chống oxy hóa nội sinh. Đối với các nguồn oxy hóa từ bên ngoài, chẳng hạn như từ chế độ ăn uống sẽ được gọi là chất chống oxy hóa ngoại sinh. Cơ thể sẽ dựa trên nguồn oxy hóa ngoại sinh để bổ sung thêm chất chống oxy hóa cần thiết. Bạn có thể lựa chọn những nguồn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như rau, trái cây và ngũ cốc. Ngoài ra, một số chất chống oxy hóa cũng có sẵn dưới dạng thực phẩm chức năng.

Bạn có thể nhận được một số chất chống oxy hóa quan trọng thông qua chế độ ăn uống hàng ngày, bao gồm vitamin A, C, E, lycopene, beta-carotene và nguyên tố khoáng selen.

3. Bổ sung chất chống oxy hóa có thể giúp bạn ngăn ngừa ung thư?

Nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy sự gia tăng của các chất chống oxy hóa ngoại sinh có thể giúp ngăn ngừa hiệu quả những tổn thương đến từ gốc tự do có liên quan đến sự phát triển ung thư. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đang tích cực thử nghiệm xem liệu việc bổ sung các chất chống oxy hóa thông qua chế độ ăn uống có mang lại tác dụng giảm nguy cơ phát triển hoặc tử vong do ung thư ở người hay không.

Vitamin
Chất chống oxy hóa được tìm thấy trong nhóm thực phẩm vitamin

Kết quả của các cuộc nghiên cứu đã cho thấy, việc bổ sung thêm nguồn chất chống oxy hóa ngoại sinh qua các loại thực phẩm có thể làm giảm sự hiện diện và hình thành của các gốc tự do, từ đó ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực của chúng tới các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Việc bổ sung thêm các chất chống oxy hóa không chỉ giúp bạn ngăn ngừa ung thư hiệu quả mà nó còn có các tác dụng nổi bật khác, chẳng hạn như chống lão hóa, làm sáng da, bảo vệ tim mạch, tăng cường sức khỏe não bộ, giảm nguy cơ gây viêm và hỗ trợ khả năng sinh sản.

4. Những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư có nên bổ sung chất chống oxy hóa không?

Một số thử nghiệm ngẫu nhiên ở những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư đã cho thấy, việc bổ sung chất chống oxy hóa trong quá trình điều trị bệnh có thể làm giảm bớt các độc tính từ những phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, nó cũng giúp ngăn ngừa quá trình oxy hóa trong cơ thể, từ đó ngăn chặn các gốc tự do tiếp tục làm tổn thương tới những tế bào khỏe mạnh khác trong cơ thể và giúp kìm hãm sự phát triển ồ ạt của khối u.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có thể bổ sung chất chống oxy hóa. Những chất này cần được sử dụng một cách thận trọng. Do đó, trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào, các bệnh nhân ung thư nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Xạ trị
Bệnh nhân sau xạ trị nên bổ sung chất chống oxy hóa

5. Thực phẩm nào giàu chất chống oxy hóa?

Như đã đề cập ở trên, chất chống oxy hóa thường có nhiều trong các loại rau xanh và trái cây, cũng như những loại thực phẩm khác như ngũ cốc, các loại hạt, một số loại thịt, gia cầm và cá. Dưới đây là những nguồn thực phẩm cung cấp nhiều chất chống oxy hóa mà bạn có thể bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày của mình, bao gồm:

  • Beta-carotene: Có nhiều trong các loại thực phẩm có màu cam, chẳng hạn như cà rốt, khoai lang, bí, dưa đỏ, bí đỏ, mơ và xoài. Bạn cũng có thể bổ sung thêm beta-carotene thông qua các loại rau xanh như rau bina, cải xanh hoặc cải xoăn.
  • Lycopene: Là một chất chống oxy hóa mạnh, thường có nhiều trong dưa hấu, cà chua, đu đủ, mơ, ổi, cam, bưởi và một số loại thực phẩm khác.
  • Lutein: Chất chống oxy hóa này có thể tăng cường sức khỏe cho đôi mắt, thường được tìm thấy nhiều trong các loại rau xanh lá, chẳng hạn như rau bina, cải xoăn và cải xanh.
  • Selen: Đây thực chất là một loại khoáng chất chứ không phải là một chất dinh dưỡng chống oxy hóa. Tuy nhiên, nó cũng là một thành phần của các enzym chống oxy hóa. Bạn có thể bổ sung thêm selen thông qua các loại thực phẩm thực vật, chẳng hạn như lúa mì hoặc lúa gạo.
  • Vitamin A: được tìm thấy ở ba dạng chính, bao gồm retinol (Vitamin A1); 3,4-didehydroretinol (Vitamin A2) và 3-hydroxy-retinol (Vitamin A3). Bạn có thể bổ sung vitamin A thông qua các loại thực phẩm, gồm cà rốt, khoai lang, gan, sữa, phô mai mozzarella và lòng đỏ trứng.
  • Vitamin C: Hay còn được gọi là axit ascorbic, có nhiều trong các loại rau và trái cây, ngũ cốc, thịt gia cầm, thịt bò và cá.
  • Vitamin E: Còn được biết đến là alpha-tocopherol, có nhiều trong hạnh nhân, các loại dầu (cây hồng hoa, mầm lúa mì, ngô và dầu đậu nành), xoài, bông cải xanh, quả hạch và các loại thực phẩm khác.
Trái cây, rau củ
Trái cây là thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: foh.psc.gov, cancer.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan