Viêm ruột hoại tử là một bệnh lý phổ biến ở trẻ sinh non. Trong nhiều trường hợp, trẻ mắc bệnh cần phải phẫu thuật và điều trị dài hạn. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây tử vong nhanh chóng hoặc trẻ phải chịu các biến chứng lâu dài. Bài viết này sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về độ nguy hiểm của bệnh này.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Các yếu tố có thể dẫn đến viêm ruột hoại tử
Các nguy cơ chung liên quan đến viêm ruột hoại tử ngoài sinh non còn bao gồm:
- Vỡ ối kéo dài kèm theo viêm màng ối.
- Ngạt khi sinh.
- Trẻ sinh ra nhỏ hơn so với tuổi thai.
- Bệnh tim bẩm sinh.
- Thiếu máu.
- Quá trình thay máu.
- Sự thay đổi trong hệ vi sinh vật của đường ruột (rối loạn vi khuẩn đường ruột).
- Nuôi con không bằng sữa mẹ.
Ba yếu tố phổ biến liên quan đến ruột, bao gồm:
- Tổn thương gây ra thiếu máu cục bộ từ trước.
- Sự xâm nhập của vi khuẩn.
- Sự tác động của các chất trong lòng ruột (nghĩa là được cho ăn qua đường ruột).
2. Làm sao phát hiện sớm viêm ruột hoại tử?
Phát hiện bệnh sớm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giảm thiểu thời gian điều trị và giảm nguy cơ các biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của trẻ. Ngay khi phát hiện mắc bệnh, bệnh nhân cần được chuyển đến bệnh viện ngay lập tức để tiến hành điều trị kịp thời. Thời gian ủ bệnh trung bình kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, với các dấu hiệu điển hình như:
2.1. Đau bụng
Đây là triệu chứng có ở tất cả các bệnh nhân, là dấu hiệu đầu tiên của bệnh, xuất hiện từ ngày đầu tiên và thường kéo dài lâu nhất. Ban đầu, bệnh nhân cảm thấy đau từng cơn, sau đó đau trở thành cảm giác nhức nhối; đau tăng lên khi ăn hoặc uống.
Cơn đau thường tập trung ở vùng thượng vị hoặc xung quanh rốn hoặc đôi khi không thể xác định vị trí cụ thể. Thời gian trung bình của cơn đau là 9 ngày, trong trường hợp nặng hơn - viêm ruột hoại tử có sốc, cơn đau có thể trở nên cực kỳ dữ dội và kéo dài hơn 9 ngày.
2.2. Sốt
Đây cũng là dấu hiệu thường thấy ở tất cả các bệnh nhân, xuất hiện sau cơn đau bụng nhưng cũng trong ngày đầu tiên của bệnh. Trong các trường hợp nghiêm trọng, sốt thường cao hơn 38,5°C.
2.3. Đi ngoài ra máu
Việc đi ngoài ra máu là triệu chứng quan trọng nhất và luôn xuất hiện ở tất cả các bệnh nhân, là dấu hiệu quan trọng trong việc đưa ra quyết định chẩn đoán. Tình trạng này thường bắt đầu từ ngày đầu tiên hoặc thứ hai của bệnh. Phân thường có màu đỏ nâu, dạng lỏng và có mùi thối khá đặc biệt.
Khối lượng phân mỗi lần đi thường từ 50 đến 200ml. Việc đi phân dễ dàng, không cần mót rặn. Tuy nhiên, có những trường hợp bệnh nhân không thể tự đại tiện và cần phải ấn mạnh lên bụng hoặc thăm trực tràng. Ngoài ra, người bệnh còn có thể phải sử dụng ống xông trực tràng để kích thích phân chảy ra ngoài.
2.4. Nôn
Triệu chứng này thường xuất hiện khá sớm, thường từ ngày đầu tiên đến ngày thứ hai của bệnh. Tình trạng nôn thường chấm dứt vào ngày thứ ba và hiếm khi kéo dài quá 7 ngày. Nếu có tái phát nôn trong tuần thứ hai, thì thường là do biến chứng tắc ruột.
2.5. Chướng bụng
Dấu hiệu chướng bụng thường xuất hiện muộn hơn so với các triệu chứng khác, thường vào ngày thứ ba của bệnh. Nếu chướng bụng xuất hiện sớm, đây có thể là biểu hiện của viêm ruột hoại tử nặng.
Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể trải qua tình trạng sốc, nổi vân tím trên da, thường xảy ra trong hai ngày đầu tiên của bệnh. Điều này cũng là dấu hiệu của viêm ruột hoại tử ở mức nặng.
Dựa vào những dấu hiệu này, bệnh nhân - đặc biệt là trẻ em, có thể được phát hiện sớm bệnh viêm ruột hoại tử, từ đó điều trị kịp thời, loại bỏ các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
3. Biến chứng nguy hiểm của viêm ruột hoại tử
Viêm ruột hoại tử là tình trạng nghiêm trọng có thể cần phải phẫu thuật, có tỷ lệ mắc và tử vong cao, thường ảnh hưởng đến trẻ sinh non. Tuy nhiên, tình trạng cũng có thể xảy ra ở trẻ đủ tháng và người trưởng thành khi ruột bị nhiễm khuẩn.
Lớp nội mô bên trong ruột chứa hàng triệu vi khuẩn, thường gọi là hệ vi sinh bình thường. Những vi khuẩn này là vô hại và là một phần trong quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, trong viêm ruột hoại tử, vi khuẩn bắt đầu tấn công thànhruột.
Nếu không được điều trị kịp thời, thành ruột sẽ suy yếu và có thể hoại tử. Cuối cùng, lỗ thủng ruột có thể hình thành tại thành ruột, làm dịch tiêu hóa tràn vào khoang bụng. Thủng ruột là một tình trạng y tế khẩn cấp đòi hỏi phẫu thuật ngay lập tức và có tỷ lệ tử vong cao.
Viêm ruột hoại tử ở trẻ em là một căn bệnh nghiêm trọng, khoảng 25% trẻ hồi phục từ bệnh sẽ cần điều trị vấn đề lâu dài. Trẻ sơ sinh phải điều trị viêm ruột hoại tử có thể chậm phát triển, khó hấp thu chất dinh dưỡng và mắc vấn đề với gan, túi mật.
Bệnh này cũng tăng nguy cơ chậm phát triển ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh đã trải qua phẫu thuật điều trị viêm ruột hoại tử có thể gặp phải các biến chứng lâu dài. Ngoài tác động của việc điều trị, người mắc bệnh đã phẫu thuật có thể gặp các vấn đề hấp thu nghiêm trọng như hội chứng ruột ngắn, nguy cơ cao bị bại não và các vấn đề về não, mắt.
4. Các phương pháp chẩn đoán
Đối với bệnh viêm ruột hoại tử có thể được chẩn đoán bằng các phương pháp như:
- Chẩn đoán lâm sàng: Bệnh sẽ được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng đặc trưng như chướng bụng, nôn mửa hoặc dịch dạ dày có màu xanh và trực tràng chảy máu.
- Chẩn đoán bằng hình ảnh: Thông qua kết quả chụp X-quang ổ bụng để phát hiện sự xuất hiện của khí trong các khoang như thành ruột, khoang phúc mạc hoặc dấu hiệu của quai ruột canh gác.
- Xét nghiệm máu: Bệnh nhân sẽ được kiểm tra các chỉ số về thiếu máu, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu và toan chuyển hóa.
5. Điều trị viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Viêm ruột hoại tử là một căn bệnh nghiêm trọng tiến triển phức tạp, vì vậy việc chuyển trẻ đến các bệnh viện có khả năng chăm sóc, theo dõi và điều trị kịp thời là rất quan trọng ngay khi phát hiện bệnh. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, các biện pháp điều trị có thể bao gồm sử dụng kháng sinh phù hợp, bổ sung nước và điện giải thông qua dung dịch osezol hoặc truyền tĩnh mạch dung dịch ringer lactat, các biện pháp chuyên biệt như đặt ống thông mũi – dạ dày, ống thông hậu môn. Trong một số trường hợp, phẫu thuật là cần thiết.
Trong giai đoạn đầu, việc điều trị viêm ruột hoại tử ở trẻ em thường bao gồm dừng cho ăn sữa để ruột có thời gian nghỉ ngơi, sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng và loại bỏ không khí khỏi dạ dày. Trẻ sẽ được tiến hành chụp X-quang thường xuyên để theo dõi tiến triển của căn bệnh.
Nếu điều trị không mang lại hiệu quả hoặc ruột bị thủng, bác sĩ sẽ lựa chọn phẫu thuật, các phần ruột hoại tử và các phần bị nhiễm bệnh sẽ được loại bỏ. Sau đó, ruột có thể được nối lại hoặc chuyển ra thành bụng thông qua hậu môn nhân tạo. Điều trị sẽ tiếp tục cho đến khi căn bệnh được giải quyết hoàn toàn.
7. Các biện pháp phòng ngừa cần nên biết
Một số biện pháp phòng ngừa viêm ruột hoại tử hiệu quả như:
- Trẻ đủ tháng: Tránh tình trạng ngạt chu sinh.
- Sử dụng steroid trước sinh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự trưởng thành của ruột hoặc gián tiếp thông qua việc làm giảm nguy cơ thiếu oxy do sự trưởng thành phổi.
- Liệu pháp surfactant.
- Các biện pháp chung: Sử dụng thuốc vận mạch, cải thiện tưới máu ruột, tránh thiếu oxy và hạ thân nhiệt.
- Kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.
- Chậm cắt dây rốn sẽ giúp giảm nguy cơ thiếu máu và truyền máu.
- Sữa mẹ nên được sử dụng bất cứ khi nào có thể.
- Tránh sử dụng sữa có áp lực thẩm thấu cao.
Với 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội soi – Nội tiêu hóa, Bác sĩ Đồng Xuân Hà là một chuyên gia vững vàng trong việc thực hiện các kỹ thuật nội soi tiêu hóa để chẩn đoán, can thiệp cấp cứu và can thiệp điều trị. Hiện nay, ông là Bác sĩ chuyên khoa Nội soi tiêu hóa tại Khoa Nội tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.