Chuột rút bắp chân là một tình trạng phổ biến mà nhiều người gặp phải, gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu. Khi chuột rút xảy ra thường xuyên có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hoạt động hàng ngày. Trong bài viết này sẽ chia sẻ các biện pháp xử lý hiệu quả và những cách phòng ngừa đơn giản.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Chuột rút bắp chân là gì?
Chuột rút bắp chân là cơn đau xuất phát từ cơ bắp chân do sự co thắt của cơ bắp khi phải thực hiện những vận động khó khăn. Tình trạng này thường xảy ra ở bắp chân, dưới và phía sau đầu gối và đôi khi cũng ảnh hưởng đến các cơ nhỏ của bàn chân. Một cơn đau chuột rút bắp chân thường kéo dài trong vài phút. Mức độ nghiêm trọng của cơn đau có thể khác nhau. Trong một số trường hợp, cơn đau kéo dài từ vài giây cho đến 10 phút nhưng ít khi nào cơn đau kéo dài lâu đến như vậy.
Chuột rút bắp chân thường xảy ra khi đang nghỉ ngơi, đặc biệt là vào ban đêm khi nằm trên giường và thường được gọi là chuột rút ban đêm. Tình trạng này có thể khiến người bị chuột rút thức giấc và trở thành một phiền toái đáng kể, làm gián đoạn giấc ngủ.

2. Thường xuyên chuột rút bắp chân cảnh báo điều gì?
Nhiều người thường nghĩ rằng chuột rút bắp chân chỉ xảy ra ở các vận động viên hoặc những người thường xuyên hoạt động thể chất, đặc biệt là khi họ vận động nhiều hơn mức bình thường trong một ngày. Tuy nhiên, còn có những nguyên nhân gây ra chuột rút có thể không ngờ tới. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng cơ thể đang tiềm ẩn những nguy cơ bệnh lý tiêu cực.
2.1. Cơ thể mất nước
Mất nước trong cơ thể có thể dẫn đến sự mất cân bằng của các tín hiệu điện và ion. Khi đó, cơ thể có thể không phân biệt được tín hiệu từ não hay chỉ là sự mất cân bằng điện xung quanh tế bào, gây ra tình trạng rối loạn và co thắt cơ một cách bất ngờ. Để phòng ngừa tình trạng này, người bị chuột rút bắp chân nên uống đủ nước, khoảng 1,5 đến 2 lít mỗi ngày và bổ sung các chất điện giải cần thiết.

2.2. Giữ nguyên một tư thế quá lâu
Điều này dễ dàng nhận thấy khi ngồi làm việc hoặc đứng yên trong một thời gian dài. Trong khoảng thời gian này, các bó cơ có thể bị căng ra. Khi di chuyển đột ngột, các bó cơ sẽ co lại một cách bất ngờ, dẫn đến cơn chuột rút ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, chẳng hạn như chuột rút ở lưng, bắp chân, mông…
2.3. Dây thần kinh bị chèn ép
Bất kỳ yếu tố nào có thể gây chèn ép một dây thần kinh như thoát vị đĩa đệm, viêm khớp hoặc hẹp đốt sống thắt lưng, đều có thể kích thích dây thần kinh và dẫn đến chuột rút. Nếu đi bộ trong tư thế hơi cong người như khi đẩy một giỏ hàng phía trước, điều này sẽ giúp cải thiện và ngăn ngừa tình trạng chuột rút xuất hiện.
2.4. Thiếu canxi khi mang thai
Sự thay đổi hormone trong thai kỳ có thể khiến phụ nữ mang thai bị chuột rút. Triệu chứng này thường xuất hiện ở vùng bắp chân và thường khởi phát vào ban đêm trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.
Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai bị chuột rút bắp chân hoặc các cơ quan khác thường là do thiếu hụt canxi, photpho và magie. Ngoài ra, sự chèn ép từ trọng lượng và kích thước của tử cung vào các mạch máu ở chi dưới, cùng với việc các cơ ở chi dưới phải gánh chịu sức nặng của cơ thể cùng trọng lượng của thai nhi cũng góp phần gây ra tình trạng này.
2.5. Thiếu máu/rối loạn tuần hoàn máu
Đây là một trong những nguyên nhân có thể gây ra chuột rút cơ. Thiếu máu có nghĩa là không có đủ lượng máu cung cấp đến bàn chân, cánh tay và các bộ phận khác trong cơ thể, dẫn đến tình trạng chuột rút ở những khu vực này và gây ra cảm giác đau đớn.
2.6. Chuột rút chân tự phát
Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân của chuột rút không thể xác định rõ ràng. Một giả thuyết cho rằng chuột rút chân xảy ra khi một cơ bắp ở một vị trí bị rút ngắn và bị kích thích co thắt. Khi cơ bắp bị rút ngắn, sự co thắt tiếp tục diễn ra, dẫn đến tình trạng co cứng. Điều này thường xảy ra vào ban đêm khi nằm trên giường, trong tư thế tự nhiên với đầu gối hơi cong và bàn chân hơi hạ xuống. Ở vị trí này, cơ bắp chân trở nên tương đối ngắn và dễ bị chuột rút.
Ngoài ra, một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ như chuột rút chân hoặc làm cho chuột rút xảy ra thường xuyên hơn. Một số người đang trong quá trình lọc máu thận cũng có thể gặp tình trạng chuột rút ở chân.
Bên cạnh đó, các bệnh lý khác như suy giáp không được phát hiện và điều trị, bệnh động mạch ngoại biên (gây hẹp các động mạch chân và làm giảm lưu thông), một số rối loạn phổ biến về dây thần kinh hoặc các bệnh lý hiếm gặp như xơ gan và nhiễm độc chì cũng có thể gây ra chuột rút bắp chân.
Hơn nữa, việc tiêu thụ quá nhiều rượu và bia cũng có thể là nguyên nhân. Do đó, nếu gặp phải nhiều tình huống chuột rút bất ngờ, hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và xác định nguyên nhân chính xác, đồng thời tìm ra cách khắc phục tình trạng đau đớn và khó chịu này.
3. Chuột rút bắp chân làm sao hết?
Đối với vấn đề chuột rút bắp chân làm sao hết, khi cơn co rút bắt đầu nên nhanh chóng căng cơ có dấu hiệu bị co thắt càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp giảm triệu chứng đau một cách đáng kể. Để ngăn ngừa chuột rút xảy ra vào ban đêm, hãy kéo căng các cơ dễ bị co rút trong vài phút trước khi đi ngủ. Ví dụ, nếu bị chuột rút ở bắp chân, hãy kéo gập lưng bàn chân hết mức trong vài phút để căng cơ. Ngược lại, nếu gặp phải co rút ở cơ mặt trước cẳng chân, hãy duỗi bàn chân hết mức trong vài phút.

Khi ngủ, hãy giữ chăn ở dưới chân giường để ngăn các ngón chân và bàn chân bị gập xuống, điều này có thể gây ra chuột rút ở bàn chân. Có nhiều loại thuốc có thể sử dụng để điều trị chuột rút chân, cũng như liệu pháp bổ sung canxi và magie. Tuy nhiên, người bị chuột rút bàn chân nên tham khảo ý kiến bác sĩ kỹ lưỡng trước khi sử dụng vì những loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.
4. Các dấu hiệu chuột rút cần đến bác sĩ ngay
Mặc dù chuột rút bắp chân không gây nguy hiểm nhưng trong một số trường hợp bệnh nhân bị chuột rút kéo dài và kèm theo các triệu chứng sau cần đi khám ngay:
- Chân bị sưng và tấy đỏ.
- Cơ yếu.
- Vùng da thường xuyên chuột rút có sự thay đổi.
- Thường xuyên chuột rút vào ban đêm.

5. Phòng ngừa chứng chuột rút chân
Để ngăn ngừa tình trạng chuột rút ảnh hưởng cuộc sống, hãy tuân thủ những nguyên tắc dưới đây:
- Uống đủ nước mỗi ngày, khoảng từ 6 đến 8 cốc, tương đương 1,5 đến 2 lít nước.
- Tập thể dục thường xuyên và khởi động kỹ trước khi bắt đầu. Hãy hình thành thói quen tập luyện cho đôi chân trước khi đi ngủ.
- Tăng cường ăn nhiều rau trong các bữa chính và bổ sung trái cây như chuối, mơ, cam, đu đủ và xoài sau mỗi bữa ăn. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ các chất như đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất.
- Tránh căng thẳng và stress, vì có thể dẫn đến chuột rút, làm mất cân bằng hormone trong cơ thể, khiến nhịp tim tăng nhanh và huyết áp tăng cao.
Chuột rút bắp chân không phải là hiện tượng hiếm gặp và thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu tình trạng chuột rút này xảy ra thường xuyên, hãy đi khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe.
Thạc sĩ, Bác sĩ Mỹ có hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội khoa, đã làm việc tại các Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng và Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện tại, bác sĩ đang công tác tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.