Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong khám, điều trị, phẫu thuật các bệnh lý ổ bụng.
Ruột thừa có cấu tạo dạng túi cùng, gắn vào manh tràng. Gốc ruột thừa đổ vào manh tràng ở vị trí khoảng 3cm dưới góc hồi manh tràng. Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa rất phổ biến, kỹ thuật cắt ruột thừa đơn thuần cần được thực hiện sớm để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
1. Vị trí ruột thừa trong cơ thể
Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ, đường kính từ 0.5-1cm, dài khoảng 8cm, dạng túi cùng gắn vào manh tràng- là đoạn đầu tiên của ruột già. Ruột thừa nằm ở phần bụng dưới bên phải, vách ruột thừa rất dày, cấu tạo 4 lớp như ruột già. Lớp niêm mạc và dưới niêm mạc ruột thừa có rất nhiều mô lympho, các mô lympho này thoái hóa theo tuổi và hầu như biến mất ở người già.
Ruột thừa có vai trò dự trữ vi khuẩn có ích cho tiêu hóa và là một thành phần của hệ thống miễn dịch tiêu hóa. Tuy nhiên các vai trò này không quá quan trọng và cắt ruột thừa sẽ không làm suy giảm miễn dịch cũng như tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Viêm ruột thừa là một bệnh ngoại khoa ổ bụng rất thường gặp, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, đối tượng mắc bệnh phổ biến nhất là nam giới từ 10-19 tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm ruột thừa như:
- Nhiễm khuẩn ruột thừa
- Do phân, sỏi phân, muối canxi hoặc khối u làm tắc nghẽn, dẫn đến viêm và nhiễm trùng ruột thừa.
- Tăng sản mô lympho do liên quan đến một số bệnh như Crohn, nhiễm amip, sởi, viêm ruột, viêm đường hô hấp,...
- Các nguyên nhân khác như: thức ăn vướng lại ruột thừa, giun đũa, phì đại mô bạch huyết,...
Một số nghiên cứu cho thấy, tần suất xuất hiện bệnh vào mùa hè thường cao hơn các mùa khác. Người sống ở vùng có không khí ô nhiễm hoặc chế độ ăn giàu đạm, ít chất xơ, nhiều chất béo sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
2. Triệu chứng của đau ruột thừa
Triệu chứng điển hình nhất của đau ruột thừa là đau bụng. Thông thường, cơn đau sẽ khởi, lan tỏa vùng thượng vị và vùng rốn. Tính chất đau vừa phải, âm ỉ, thỉnh thoảng có những co cơ thắt nổi lên. Sau 4-6 giờ, cơn đau sẽ lan xuống và khu trú ở hố chậu phải, tính chất đau liên tục và tăng dần. Có một số trường hợp không có những cơn đau bụng ở trên mà bắt đầu đau bụng ở dưới bụng phải.
Bệnh nhân thường sốt nhẹ trong khoảng 37.5-38.5oC, nếu bệnh nhân sốt cao 39oC trở lên, có thể viêm ruột thừa đã có biến chứng.
Các triệu chứng khác là chán ăn, buồn nôn, nôn. Một số bệnh nhân có thể bị táo bón, khó xì hơi, đôi khi lại bị tiêu chảy, bụng chướng, nhịp tim nhanh, đi tiểu đau, đi tiểu ra máu,...
3. Kỹ thuật cắt ruột thừa đơn thuần
Viêm ruột thừa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ vỡ ruột thừa, gây ra các biến chứng nặng, đe dọa tính mạng như viêm phúc mạc, áp xe ruột thừa, đám quánh ruột thừa,... Hiện nay, chưa có phương pháp phòng ngừa viêm ruột thừa, chẩn đoán và can thiệp sớm là biện pháp duy nhất giúp giảm tỷ lệ biến chứng và nguy cơ tử vong.
Bệnh nhân sẽ được bác sĩ chẩn đoán xác định viêm ruột thừa sau khi thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu và và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính (MSCT), chụp cộng hưởng từ (MRI),.. cho kết quả phù hợp với bệnh cảnh. Khi đã được chẩn đoán, bệnh nhân cần được phẫu thuật cắt ruột thừa càng sớm càng tốt để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra biến chứng.
Tùy theo tình trạng, mức độ viêm của ruột thừa, thể trạng và tiền sử của người bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa hai kỹ thuật cắt ruột thừa đơn thuần là kỹ thuật mổ hở và kỹ thuật mổ nội soi.
- Mổ hở: Bác sĩ sẽ tiến hành rạch da từ 5-10cm vùng bụng dưới bên phải, bóc tách da, cơ để tiếp cận vùng ruột thừa bị viêm. Sau khi xác định được vị trí ruột thừa, bác sĩ sẽ thực hiện cắt bỏ. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra cẩn thận khu vực xung quanh ruột thừa vừa cắt bỏ để phát hiện các mô bị hư hỏng hoặc nhiễm bệnh. Nếu không có gì bất thường, tiến hành đóng vết mổ.
- Mổ nội soi: Bác sĩ sẽ tiến hành tách các lỗ nhỏ ở bụng để tiếp cận ruột thừa. Một ống nhỏ được đưa vào để bơm khí CO2 làm căng thành bụng. Camera và các dụng cụ phẫu thuật được đưa vào, bác sĩ sẽ quan sát hình ảnh từ camera, thực hiện cắt ruột thừa khỏi manh tràng, đóng kín gốc ruột thừa, cầm máu mạc treo ruột thừa.
Mổ ruột thừa nội soi có nhiều ưu điểm so với mổ hở, do ít xâm lấn nên bệnh nhân ít đau, nhanh hồi phục, ít biến chứng sau mổ, thời gian nằm viện ngắn, đặc biệt là yếu tố thẩm mỹ đảm bảo do vết sẹo rất nhỏ và mau lành. Mổ nội soi được thực hiện ngày càng phổ biến, như một chỉ định thường quy trong phẫu thuật viêm ruột thừa. Mổ hở ruột thừa hiện nay rất ít thực hiện, trừ trường hợp bệnh nhân có chống chỉ định với phẫu thuật nội soi.
Nếu có dấu hiệu đau bụng kéo dài, nhất là đau bụng trên rốn lan tỏa xuống phần hố chậu phải và tính chất đau ngày càng tăng, bệnh nhân nên nhanh chóng đến các cơ sở khám và điều trị. Không nên chủ quan và tự mua thuốc điều trị ở nhà. Các kỹ thuật cắt ruột thừa đơn thuần khi bệnh nhân chưa có các biến chứng thường đơn giản, thực hiện nhanh chóng, bệnh nhân nhanh hồi phục. Nếu các biến chứng đã xảy ra, nguy cơ đe dọa sức khỏe bệnh nhân tăng, quá trình điều trị khó khăn hơn rất nhiều.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang áp dụng phương pháp mổ nội soi cắt ruột thừa để điều trị thành công cho hàng nghìn trường hợp mắc bệnh lý ruột thừa.
Với ưu điểm vượt trội về cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại, Vinmec ngày càng được đánh giá cao không chỉ trong kỹ thuật mổ nội soi cắt ruột thừa mà còn nhiều kỹ thuật khác.
Đội ngũ y bác sĩ thực hiện phẫu thuật đều có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, sẵn sàng xử lý ngay cả khi có các tai biến bất ngờ xảy ra. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chăm sóc và theo dõi sát sao, được nghỉ ngơi tại phòng bệnh chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ tối đa cho quá trình hồi phục sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
video đề xuất:
Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!