Tìm hiểu về căn bệnh viêm não tự miễn

Viêm não tự miễn là căn bệnh diễn tả một nhóm các tình trạng xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh nên rất khó phát hiện và xác định được nguyên nhân gây bệnh.

1. Thế nào là bệnh viêm não tự miễn?

Bệnh viêm não tự miễn nói chung là những bệnh xảy ra có nguyên nhân do bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên. Tự kháng nguyên là thành phần của cơ thể, vì lý do nào đó trở thành vật lạ, tự kháng thể của cơ thể chống lại các tự kháng nguyên này làm bệnh tự miễn xảy ra.

Bệnh viêm não tự miễn là một dạng bệnh viêm não, mà hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động bất thường và tấn công nhầm vào tế bào và mô khỏe mạnh ở não hay tủy sống, đây là một căn bệnh khá hiếm gặp, diễn biến phức tạp và có khả năng gây ra nhiều thay đổi nhanh chóng về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Về cơ chế gây bệnh của bệnh viêm não tự miễn có thể liên quan đến kháng thể gắn với protein trên bề mặt hoặc bên trong tế bào thần kinh. Một số protein có liên quan trong quá trình truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh. Trong một số trường hợp, bệnh viêm não tự miễn xảy ra có liên quan đến bệnh ung thư (hội chứng cận ung thư – paraneoplastic syndrome). Những nghiên cứu đã giải thích về lý do tại sao một số kháng thể nhất định lại tấn công vào tế bào khỏe mạnh trong cơ thể vẫn đang được tiến hành. Các khảo sát này cũng cho thấy rối loạn tự miễn này thường xảy ra ngẫu nhiên, ở những người không có tiền sử gia đình mắc phải bệnh viêm não tự miễn.


Bệnh viêm não tự miễn
Bệnh viêm não tự miễn

2. Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm não tự miễn

Bệnh viêm não tự miễn có quá trình viêm xảy ra trong não bộ có khả năng gây ra một loạt những triệu chứng lâm sàng khác nhau, bao gồm cả vấn đề về thần kinh và tâm thần. Mỗi trường hợp mắc bệnh viêm não tự miễn thường biểu hiện những triệu chứng khác nhau, cụ thể:

Các triệu chứng bệnh liên quan đến thần kinh như:

  • Suy giảm trí nhớ và nhận thức ngắn hạn;
  • Xuất hiện những cử động bất thường;
  • Co giật;
  • Gặp vấn đề liên quan đến giữ thăng bằng, nói chuyện hoặc thị lực bị ảnh hưởng;
  • Tay, chân yếu dần đi;
  • Gặp vấn đề liên quan đến giấc ngủ, ví dụ như khó ngủ, rối loạn giấc ngủ;

Những triệu chứng tâm thần bệnh nhân có thể thấy như:

  • Rối loạn tâm thần;
  • Biểu hiện của tăng động, thích gây hấn;
  • Có những hành vi liên quan đến tình dục bất thường;
  • Xuất hiện những cơn hoảng loạn;
  • Xuất hiện hành vi cưỡng chế;
  • Quá hưng phấn hoặc sợ hãi quá mức;
  • Có biểu hiện của ảo giác, ảo tưởng
  • Xuất hiện hội chứng căng trương lực hay hội chứng catatonia.

Người bệnh có biểu hiện của ảo giác, ảo tưởng
Người bệnh có biểu hiện của ảo giác, ảo tưởng

Các triệu chứng trên thường tiến triển sau vài ngày đến vài tuần. Bệnh viêm não tự miễn có thể tiến triển dẫn đến mất ý thức, thậm chí là hôn mê. Tuy nhiên, những vấn đề về tâm thần lâu dài (trong nhiều tháng hoặc nhiều năm) không phải là dấu hiệu của bệnh viêm não tự miễn.

Khi thăm khám, bệnh viêm não tự miễn có các triệu chứng như sau:

  • Từ tuần thứ ba trở đi, chụp phim cộng hưởng từ (MRI) não và xét nghiệm dịch lấy ra qua chọc dò thắt lưng (dịch não tủy) có thể ghi nhận có bất thường.
  • Xét nghiệm thấy có kháng thể NMDA (Anti- N Methyl-D-aspartate là một trong các tác nhân gây bệnh viêm não tự miễn).

3. Bệnh viêm não tự miễn có thể chữa khỏi được không?

Cho đến nay, bệnh viêm não tự miễn vẫn chưa có phác đồ điều trị cụ thể. Theo đó, phương pháp điều trị bệnh hiện nay đang tập trung điều trị triệu chứng như: thở máy, kháng viêm bằng corticoid, kết hợp Immunoglobulin (IVIg). Thời gian điều trị dự kiến kéo dài ít nhất 3 tháng, tuy nhiên bệnh viêm não tự miễn có khả năng tái phát, khoảng 1/5 trẻ em mắc bệnh có xuất hiện các đợt tiếp theo. Bạn có thể phòng ngừa bệnh viêm não tự miễn tái phát ở một mức độ nhất định nhờ vào các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như azathioprine, mycophenolate mofetil và theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên.


Corticoid được sử dụng trong điều trị viêm não tự miễn
Corticoid được sử dụng trong điều trị viêm não tự miễn

4. Phương pháp điều trị viêm não tự miễn

Các phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm não tự miễn, ví dụ như:

  • Corticosteroid và các thuốc ức chế miễn dịch khác thường được sử dụng để kiểm soát tình trạng viêm não. Ngoài ra, bạn cũng có khi cần dùng đến thuốc điều trị co giật hoặc các triệu chứng tâm thần.
  • Trong trường hợp một khối u buồng trứng hay khối u nào khác được tìm thấy, các chuyên gia y tế thường điều trị bệnh bằng cách thực hiện phẫu thuật loại bỏ cũng giúp cải thiện đáng kể cho người bị bệnh viêm não tự miễn. Một khi kiểm soát được vấn đề viêm não tiềm ẩn, tiến hành phục hồi chức năng lâu dài như trị trị liệu về thể chất, ngôn ngữ (giao tiếp)... có thể giúp bạn lấy lại được các chức năng ban đầu.
  • Nhiều trường hợp mắc bệnh viêm não tự miễn thường được chẩn đoán vào giai đoạn hôn mê, co giật, thở yếu nên thường phải điều trị kéo dài nhiều tháng trong khoa chăm sóc tích cực với các phương tiện hồi sức hiện đại: máy thở, máy lọc máu kết hợp với chế độ chăm sóc đặc biệt, dinh dưỡng đầy đủ, điều trị các nhiễm trùng mắc phải trong quá trình nằm viện.

Đến gặp bác sĩ để được tư vấn và thăm khám kịp thời
Đến gặp bác sĩ để được tư vấn và thăm khám kịp thời

Hầu hết trẻ em và những người trẻ tuổi có khả năng phục hồi thần kinh khá tốt, tuy nhiên thời gian có thể mất một vài tháng tùy vào khả năng phục hồi của từng người. Các triệu chứng bệnh viêm não tự miễn có xu hướng cải thiện đầu tiên là những vấn đề liên quan đến vận động, co giật và nhận thức.

Hiện tại, Bệnh viện ĐKQT Vinmec đang triển khai các gói khám sức khỏe, trong đó có chương trình khám thần kinh, giúp bệnh nhân có thể phát hiện sớm được nhiều bệnh cũng như các triệu chứng báo hiệu.

Bạn có thể đến hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc để được thăm khám hoặc có thể đăng ký khám tại đây!

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe