Tìm hiểu phẫu thuật rò, nang ống rốn tràng, niệu rốn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Điều trị nang niệu rốn khi trẻ còn nhỏ bằng phẫu thuật thường đơn giản và hiệu quả cao. Nếu bị bỏ sót không điều trị, một số thương tổn của ống niệu rốn có thể phát triển thành ác tính về sau.

1. Tổng quan về bệnh lý tồn tại ống niệu rốn

Ống niệu rốn dài từ 3-10 cm, đường kính 8-10mm là một ống nối liền giữa rốn và bàng quang trong thời kỳ bào thai. Sau khi sinh, ống niệu rốn sẽ tự đóng lại và xơ hóa, trở thành dây chằng rốn-bàng quang.

ống niệu rốn xơ hóa
Ống niệu rốn sẽ đóng lại và xơ hóa sau khi sinh

Nếu vì một lý do gì đó, ống niệu rốn không đóng lại, còn tồn tại một phần hoặc toàn phần, trẻ sơ sinh sẽ mắc có nguy cơ mắc một số bệnh lý như:

  • Ống niệu rốn mở (chiếm 50% các trường hợp): Bệnh xảy ra khi có sự tồn tại toàn phần ống niệu rốn. Bệnh nhân sẽ có triệu chứng đặc trưng là thấy dịch chảy ra ở rốn. Khi dùng tay ấn nhẹ, khóc hay ho thì dịch chảy ra ở rốn nhiều hơn. Xét nghiệm dịch chảy ra ở rốn cho kết quả bản chất dịch là nước tiểu.
  • Túi niệu rốn (15%): Xảy ra khi tồn tại một phần ống niệu rốn về phía thành bụng, có sự thông thương với rốn.
  • Nang niệu rốn (30%): Khi ống niệu rốn còn tồn tại bị bịt kín cả hai đầu, dịch sẽ bị ứ đọng lại ở đoạn giữa và hình thành nang. Khi bác sĩ sờ nắn bụng có thể thấy một u dạng nang căng, thể chất mềm, nằm nay dưới rốn
  • Túi thừa ống niệu rốn (còn gọi là túi thừa bàng quang, chiếm 5% các trường hợp bệnh lý ống niệu rốn): ống niệu rốn nếu bị bịt kín ở phần rốn nhưng còn thông ở phía quang sẽ tạo thành bệnh túi thừa ống niệu rốn. Hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng, một số ít bệnh nhân có thể có nhiễm trùng do ứ đọng nước tiểu.

Với sự phát triển của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, các bệnh nang niệu rốn hiện nay đều được chẩn đoán tương đối dễ dàng. Siêu âm sẽ giúp định hướng chẩn đoán, các kỹ thuật như nội soi, chụp cắt lớp vi tính, chụp bàng quang ngược dòng có thể được sử dụng tiếp theo để củng cố chẩn đoán. Các kỹ thuật này không những giúp phát hiện bệnh nang niệu rốn mà còn có thể phát hiện thêm các dị tật tiết niệu kết hợp khác nếu có.

Nang niệu rốn và các bệnh lý do tồn tại ống niệu rốn đều không thể tự khỏi mà cần điều trị bằng phẫu thuật. Các bệnh lý này nếu được phát hiện và điều trị khi trẻ còn nhỏ thì việc điều trị thường đơn giản và hiệu quả. Nếu bị bỏ sót, bệnh có khả năng tiến triển thành ác tính khi trẻ trưởng thành.

nang niệu rốn
Các bệnh lý nang niệu rốn cần điều trị khi trẻ còn nhỏ

2. Phẫu thuật rò, nang ống rốn tràng, niệu rốn (mổ nang niệu rốn )

Phẫu thuật được chỉ định ở bệnh nhân mắc các bệnh lý do tồn tại ống niệu rốn, dù có hoặc không có biến chứng. Không thực hiện phẫu thuật ở các bệnh nhân suy kiệt, già yếu hoặc có các lý do sức khỏe chống chỉ định với phẫu thuật.

Phẫu thuật tiến hành trong khoảng 30 phút, được thực hiện bởi kíp phẫu thuật viên tiêu hóa và kíp bác sĩ gây mê hồi sức, kỹ thuật viên có kinh nghiệm.

Bệnh nhân được hướng dẫn nằm trên bàn mổ, nằm ngửa dạng chân. Kỹ thuật viên tiến hành đặt sonde bàng quang, kíp gây mê tiến hành gây mê nội khí quản.

Mổ nang niệu rốn được thực hiện theo các bước như sau:

  • Bác sĩ rạch bụng theo đường trắng giữa trên rốn 3 cm. Bóc tách da và tổ chức dưới da, xác định thành trước bàng quang bằng đường giữa rốn, tìm ống niệu rốn ở phần đáy bàng quang. Cắt bỏ các thương tổn của ống niệu rốn.
  • Khâu buộc dây chằng rốn, khâu lại phần đáy bàng quang.
  • Cầm máu, đóng vết mổ bằng chỉ may trong da.
  • Băng vết mổ.

Sau mổ, bệnh nhân sẽ được cho sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn. Rửa vết thương và thay băng khi băng thấm dịch. Bệnh nhân thường nằm viện trong 1-3 ngày.

Các tai biến thường gặp sau mổ nang niệu rốn là:

  • Chảy máu: Cần theo sát bệnh nhân nếu phát hiện có chảy máu ổ bụng, nếu cần thiết phải mổ lại ngay.
  • Tắc ruột: nếu sau mổ bệnh nhân có tắc ruột, bác sĩ sẽ thăm khám kỹ để xác định độ dãn ruột cơ năng hay tắc ruột cơ học. Nếu tắc ruột nguyên nhân cơ học, phải mổ lại để xử lý nguyên nhân.
  • Bệnh nhân còn rò rỉ nước tiểu ở rốn: cần kiểm tra và xử lý lại.
  • Áp xe hoặc viêm phúc mạc do rò, bục miệng nối: tùy theo mức độ nghiêm trọng của biến chứng mà bác sĩ sẽ điều trị nội khoa hay phẫu thuật.

Bác sĩ nội trú Lê Phúc Liên đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong trong lĩnh vực tiết niệu và tiết niệu chuyên sâu, thực hiện thành công nhiều kỹ thuật cao như nội soi tiết niệu, niệu nữ, niệu động học, bàng quang thần kinh. Hiện nay, là Bác sĩ Ngoại tiết niệu tại khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

Video đề xuất:

Hướng dẫn vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan