Thoát vị qua khe thực quản: Chẩn đoán và điều trị

Thoát vị qua khe thực quản là bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

1. Tổng quan về thoát vị qua khe thực quản

1.1 Thoát vị qua khe thực quản là gì?

Thoát vị qua khe thực quản là tình trạng màng ngăn thực quản bị suy yếu (bệnh mắc phải, gặp ở người cao tuổi) hoặc cơ hoành ở khe thực quản mắc phải một lỗ khiếm khuyết (bệnh bẩm sinh, rất ít người trẻ tuổi mắc phải).

1.2 Phân loại bệnh

Thoát vị khe thực quản thường được chia làm 2 loại

1.2.1 Thoát vị kiểu trượt

Phần lớn bệnh nhân thoát vị qua khe thực quản kiểu trượt không có triệu chứng gì. Hậu quả thường gặp của thoát vị qua khe thực quản trượt là hiện tượng trào ngược thực quản, một số nghiên cứu đã chỉ ra 20% bệnh nhân thoát vị trượt có dấu hiệu viêm thực quản do bị trào ngược.

Ngoài ra, bệnh nhân mắc thoát vị qua khe thực quản kiểu trượt còn có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như bào mòn thực quản, loét thực quản, chảy máu,...

1.2.2 Thoát vị kiểu cuốn

Khi đó tâm vị của dạ dày vẫn nằm ở vị trí bình thường trong khoang bụng. Nguy cơ lớn nhất của thoát vị qua khe thực quản kiểu cuốn là nghẹt, dẫn đến hoại tử phần dạ dày bị thoát vị.

1.3 Những yếu tố gây thoát vị qua khe thực quản

  • Cơ (gồm các cơ hoành, đặc biệt có 2 trụ cơ hoành) bị yếu và giảm tính đàn hồi (thoát vị qua khe thực quản mắc phải ở người cao tuổi)
  • Khiếm khuyết khe thực quản (thoát vị qua khe thực quản bẩm sinh ở người trẻ)
  • Tăng áp lực trong xoang bụng (phụ nữ, người béo phì, người bị táo bón mãn tính)
  • Viêm thực quản mãn tính (làm xơ hóa các cơ dọc, dẫn đến thực quản bị rút ngắn).
kháng insulin biểu hiện của béo phì
Người béo phì tăng áp lực trong xoang bụng gây thoát vị qua khe thực quản

1.4 Đối tượng nào dễ mắc thoát vị qua khe thực quản

Thoát vị qua khe thực quản thường gặp ở những người trên 40 tuổi và chủ yếu là nữ giới. Người càng cao tuổi khả năng mắc bệnh càng cao.

Thực tế chỉ 10% bệnh nhân ở độ tuổi dưới 40 mắc thoát vị qua khe thực quản trong khi đó 70% bệnh nhân mắc là trên 70 tuổi.

2. Chẩn đoán thoát vị qua khe thực quản

2.1 Chẩn đoán lâm sàng

Bệnh nhân thoát vị qua khe thực quản có thể có một trong ba biểu hiện lâm sàng sau:

  • Không có biểu hiện hoặc triệu chứng bệnh (chiếm phần đa các trường hợp thoát vị qua khe thực quản)
  • Có triệu chứng (viêm thực quản trào ngược, triệu chứng của thoát vị thực quản kiểu cuốn)
  • Có biến chứng ( các biến chứng của thoát vị qua khe thực quản có thể là xoắn dạ dày, hoại tử bờ cong dạ dày)

Khi chẩn đoán thoát vị qua khe thực quản, bác sĩ thường dựa vào các triệu chứng sau:

  • Đau thượng vị, đau ngay sau khe ức
  • Nóng rát sau xương ức
  • Đầy tức, khó tiêu
  • Nôn ói, nôn ra máu
  • Đau ngực khó thở.
Ăn khoai tây hỏng gây nôn ói, ngộ độc thực phẩm
Bệnh nhân nôn ói là dấu hiệu của bệnh thoát vị qua khe thực quản

2.2 Chẩn đoán cận lâm sàng

  • X-quang ngực thẳng
  • X-quang thực quản dạ dày
  • CT, MRI
  • Siêu âm
  • Nội soi thực quản- dạ dày.

3. Điều trị thoát vị qua khe thực quản

3.1 Điều trị nội khoa

Điều trị thoát vị qua khe thực quản nội khoa chủ yếu là chống trào ngược thực quản.

Điều trị chống trào ngược thực quản bao gồm 3 phương án chính là: Hình thành thói quen sống lành mạnh mới, giảm tiết axit trong dạ dày và tăng cường sự tiêu thoát thực quản-dạ dày.

Một số lối sống của người bệnh thoát vị qua khe thực quản cần được thay đổi như sau:

  • Giảm cân (nếu béo phì)
  • Tránh ăn các chất làm giảm trương lực cơ thắt dưới thực quản như rượu, cà phê, chocolate, nước chanh, cà chua,..
  • Không ăn nhiều trong một bữa ăn
  • không nằm trong vòng 3 giờ sau ăn
  • Khi nằm đầu gối cao 20cm so với thân mình cũng là một cách kiểm soát thoát vị qua khe thực quản.
Mệt mỏi trong người sau khi uống cà phê
Người bệnh thoát vị qua khe thực quản cần tránh uống cà phê để ngăn ngừa tình trạng trào ngược thực quản.

3.2 Điều trị phẫu thuật

Điều trị thoát vị qua khe thực quản phẫu thuật được chỉ định trọng các trường hợp sau:

  • Tất các cả trường hợp thoát vị qua khe thực quản kiểu cuốn
  • Các trường hợp thoát vị qua khe thực quản trượt

Nội dung phẫu thuật điều trị thoát vị qua khe thực quản bao gồm:

  • Đưa phần dạ dày bị thoát vị trở lại xoang bụng
  • Khâu đóng lỗ thoát vị, nếu lỗ thoát vị lớn có thể đặt mảnh ghép che lỗ thoát vị
  • Phẫu thuật chống trào ngược nếu bệnh nhân bị thoát vị qua khe thực quản trượt
  • Cố định dạ dày vào thành bụng bằng cách mở dạ dày ra tạm thời nếu bệnh nhân bị thoát vị qua khe thực quản thể cuốn.

Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

691 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan