Test hơi thở c13 là gì? Lưu ý khi test vi khuẩn HP bằng hơi thở

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Xét nghiệm Urea (UBT) qua hơi thở là một trong những phương pháp đơn giản, không cần nội soi vẫn cho phép phát hiện nhiễm khuẩn H.pylori ở bệnh nhân. Trong đó, test thở C13 có thể xem là “tiêu chuẩn vàng” cho việc phát hiện và đánh giá hiệu quả điều trị HP.

1. Vi khuẩn HP là gì?

H.pylori là loại vi khuẩn không chỉ gây nên viêm dạ dày, viêm tá tràng và loét dạ dày ở người mà còn là nguyên nhân gây ung thư dạ dày thể tuyến (gastric adenocarcinoma) và các u lympho của mô lympho liên quan với màng nhầy (mucosa-associated lymphoid tissue lymphomas: MALT).

vi khuẩn HP
Vi khuẩn HP là nguyên nhân gây ra các bệnh lý dạ dày

2. Test hơi thở C13 là gì?

Test thở C13, còn gọi là xét nghiệm hơi thở ure C13 (13C-urea breath test: UBT) là kỹ thuật không xâm lấn (non-invasive) , dựa trên nguyên tắc là người bệnh sẽ được uống 1 viên thuốc hoặc 1 dung dịch có chứa Urea gắn phân tử Carbon đồng vị C13. Nếu có Hp trong dạ dày thì Hp sẽ tạo ra men urease và thủy phân Urea trong thuốc uống vào thành Amoniac và khí Carbonic. Khí Carbonic với phân tử C13 hoặc C14 này được hấp thu vào máu và đào thải qua phổi. Người ta sẽ đo lượng C13 hoặc C14 thải ra trong hơi thở của người thử, từ đó xác định được vi khuẩn Hp có hoạt động (sinh ra urease) trong dạ dày không.

Khi sử dụng ure C13 với liều là 1 μCi (0,2 mL) hòa với 50 mL acid citric để uống, một mẫu hơi thở được lấy trước khi uống và một mẫu hơi thở được lấy ở phút thứ 10-15 sau khi uống ure C13, CO2 sinh ra sẽ được đo bởi máy nhấp nháy lỏng beta. Kết quả phát hiện nhiễm H.pylori được đánh giá theo số đếm nhấp nháy trong một phút (cpm: counts per minute) như sau:

  • Giá trị từ 0 - <25 cpm là (-) tính: bệnh nhân hiện không bị nhiễm H.pylori.
  • Giá trị từ 25-<50 cpm là không xác định.
  • Giá trị > 50 cpm là (+) tính: bệnh nhân đang bị nhiễm H.pylori.

Ba tháng sau đợt điều trị H.pylori bằng kháng sinh, cần xét nghiệm hơi thở ure C13: nếu xét nghiệm dương tính: bệnh nhân vẫn đang bị nhiễm H.pylori, điều trị không thành công; nếu âm tính, bệnh nhân hiện không còn bị nhiễm H.pylori, điều trị đã thành công.

  • Test thở C13 được áp dụng phổ biến vì một số ưu điểm sau:
  • Phát hiện nhanh vi khuẩn HP
  • Không cần dùng kĩ thuật nội soi, độ nhạy và độ đặc hiệu cao
  • Dễ kiểm tra sau khi điều trị
  • Giảm thiểu rủi ro sai số khi lấy mẫu
  • Không có tia phóng xạ
  • Đơn giản và tiết kiệm
  • Có thể dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em
  • Tiết kiệm thời gian: 30 phút để lấy 2 mẫu hơi thở và 3 phút để phân tích ra kết quả.
  • Mức an toàn cao cho người bệnh và nhân viên Y tế
  • Nhược điểm của test hơi thở:

Vì phương pháp test hơi thở không cần nội soi dạ dày nên chỉ kiểm tra được người thử có nhiễm Hp hay không; chứ không quan sát được niêm mạc thực quản, dạ dày và tá trang để đánh giá tình trạng viêm, loét; do đó mà có thể bỏ sót các tổn thương đường tiêu hóa trên như viêm loét dạ dày tá tràng, polype và các loại u thực quản, dạ dày...

Vì vậy mà phương pháp này thường không được chỉ định cho đối tượng có các dấu hiệu nguy hiểm như: nôn hay đại tiện ra máu, đau dạ dày dai dẳng, sụt cân bất thường, chán ăn, ăn không ngon, người lớn tuổi...

3. Test thở C13 được chỉ định khi nào?

Xét nghiệm hơi thở ure C13 có thể được chỉ định để sàng lọc các bệnh nhân có biểu hiện rối loạn dạ dày trước khi nội soi và để đánh giá hiệu quả điều trị loại trừ H.pylori:

  • Đau vùng thượng vị
  • Đầy hơi
  • Ợ chua
  • Khó tiêu
  • Buồn nôn, ...

Xét nghiệm hơi thở ure C13 còn được chỉ định sau điều trị ba tháng để đánh giá hiệu quả của điều trị diệt H.pylori bằng kháng sinh mà không cần phải nội soi dạ dày để sinh thiết làm test urease nhanh hoặc các xét nghiệm xâm lấn khác.

test hơi thở
Test hơi thở C13 khi bệnh nhân có dấu hiệu rối loạn dạ dày

4. Lưu ý khi test vi khuẩn HP bằng hơi thở

Chú ý: Xét nghiệm hơi thở ure C13 sẽ không chính xác khi:

  • Xét nghiệm hơi thở ure C13 có thể dương tính giả nếu mẫu hơi thở được lấy trong khoảng thời gian ngắn < 10 phút sau khi uống ure C13.
  • Xét nghiệm hơi thở ure C13 có thể âm tính giả nếu bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh, muối bismuth, các thuốc ức chế bơm proton (proton pump inhibitors: PPI) hoặc sucralfate. Bệnh nhân cần phải ngừng sử dụng các loại thuốc trên ít nhất 10 ngày trước khi làm test thở C13.
  • Xét nghiệm hơi thở ure C13 nên được thực hiện trong điều kiện đói, ít nhất 4 giờ sau khi ăn, nhất là vào buổi sáng sau 1 đêm không ăn uống gì.

Nếu quý khách hàng có nhu cầu xét nghiệm tại bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

95.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan