Kiến ba khoang - nỗi ám ảnh đối với nhiều người mỗi khi mùa mưa đến. Theo dõi video ngay sau đây để biết cách xử lý kiến ba khoang đốt từ BS CKI Nguyễn Thanh Vân, Bác sĩ Nội thẩm mỹ - Da liễu, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Phú Quốc.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Vân - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Những triệu chứng thường gặp khi bị kiến ba khoang đốt:
- Sau khi bị đốt bạn sẽ cảm thấy rát bỏng tại chỗ, nếu tổn thương trên diện rộng có thể sốt, đau dây thần kinh, đau khớp, nôn ói.
- Xuất hiện viêm da ở vùng hở như mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay.
- Viêm da dạng vệt hồng ban dài, có mụn mủ. Cần phân biệt viêm da do kiến ba khoang gây ra với triệu chứng của bệnh zona thần kinh, đối với bệnh này cơ thể người bệnh xuất hiện mụn nước tập trung thành cụm, trên nền hồng ban, phân bố theo dây thần kinh, kèm cảm giác đau nhức sâu, bỏng rát.
- Qua một thời gian, vết thương do bị kiến ba khoang cắn sẽ trở nên ngứa ngáy, nổi bọng nước, viêm loét,.... thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Trong cơ thể kiến khoang có chứa độc tố pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ, tuy nhiên vì hàm lượng nhỏ nên không gây chết người như nọc rắn. Hằng năm rất nhiều người phải nhập viện vì bị kiến ba khoang đốt trong tình trạng nguy kịch, một phần do những sai lầm khi tự xử lý vết thương.
Sau khi bị viêm da do độc tố kiến ba khoang, nhiều người dân đã tìm đến các bài thuốc, mẹo vặt dân gian như: Đắp lá, dùng gạo, đậu xanh xay lấy nước bôi,... hay mua các loại thuốc trị côn trùng cắn, thuốc chữa viêm da, dị ứng tại các hiệu thuốc mà không qua kê đơn. Các biện pháp này có thể dẫn đến tình trạng viêm loét, tổn thương da nặng hoặc lan ra các vùng da khác, gây sẹo xấu, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang, nhiều người theo thói quen dùng tay đập kiến, điều này đã vô tình làm độc tố của kiến được giải phóng ra và tiếp xúc với da, gây ngứa rát, sưng đau, nổi mụn mủ. Vì vậy khi phát hiện ra kiến khoang, chúng ta không nên dùng tay bắt trực tiếp, nên dùng giấy hoặc đeo găng tay lấy kiến đi.
Bên cạnh đó bạn cần hạn chế tối đa việc gãi ngứa. Vết thương do kiến ba khoang rất ngứa rát nên nhiều người theo phản xạ thì thường gãi vết thương. Việc này là hoàn toàn không nên bởi có thể khiến vết thương bị trầy xước, tổn thương sâu hơn. Mặt khác, tay chưa rửa chứa nhiều vi khuẩn khi tiếp xúc với vết thương dễ dẫn đến nhiễm trùng da rất nguy hiểm.
Giải pháp khi bị kiến ba khoang đốt:
- Trước hết, ngay khi bị kiến ba khoang cắn, bạn cần loại bỏ kiến ra khỏi cơ thể, không dùng tay trần để bắt hay miết. Nếu bạn lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc.
- Lập tức rửa vết cắn bằng nước sạch và xà phòng, sau đó sát trùng bằng Povidon Iod và đến ngay các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
- Tùy thuộc vào mức độ thương tổn của da mà bác sĩ chỉ định thuốc cho phù hợp, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc và áp dụng các bài thuốc dân gian.
Bên cạnh các giải pháp xử lý khi bị kiến ba khoang đốt, các bạn nên áp dụng các biện pháp phòng tránh để bảo vệ sức khỏe bản thân lâu dài:
- Đề phòng côn trùng bay vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa nhiều, dùng màn chắn côn trùng, nhất là nơi ở gần cánh đồng, nhiều cây cối rậm rạp,...
- Vệ sinh nhà cửa, xung quanh khu dân cư, phát quang bụi cây, cỏ dại quanh nhà, tránh để không gian ẩm thấp tạo điều kiện thu hút kiến ba khoang.
- Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng vì kiến ba khoang bị thu hút bởi ánh đèn huỳnh quang.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.