Bài viết được viết bởi Bác sĩ phụ trách Đơn nguyên Răng - Hàm - Mặt - Khoa Liên Chuyên Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Phục hình răng là một nhánh của chuyên khoa Răng Hàm Mặt bao gồm việc thay thế răng bị mất bằng cách sử dụng hàm răng giả hoặc các phương pháp làm răng nhân tạo khác. Nó cũng liên quan đến việc tái cấu trúc các khiếm khuyết răng miệng khác như thiếu các bộ phận của răng và các vấn đề trên các cấu trúc của xương hàm và xương răng.
1. Phục hình răng được áp dụng cho các trường hợp nào?
- Các trường hợp mất răng (mất 1 hoặc nhiều răng hoặc mất răng toàn hàm)
- Các trường hợp răng bị tổn thương như gãy vỡ răng, mẻ răng..
- Các trường hợp răng bị mắc bệnh lý răng miệng cần phục hình để bảo vệ răng đảm bảo chức năng ăn nhai và thẩm mỹ như sâu răng, viêm tủy, mòn men răng, thiểu sản men răng...
- Các trường hợp răng có các khuyết điểm về thẩm mỹ như răng thưa, răng khấp khểnh, hô vẩu móm nhẹ...mà bệnh nhân không có điều kiện hoặc không muốn chỉnh nha
2. Có bao nhiêu loại phục hình răng?
Bạn có thể nghĩ thật rắc rối trong vấn đề nhận biết các kiểu phục hình răng khác nhau, tuy nhiên thật dễ dàng để phân biệt các loại phục hình răng một khi bạn tìm hiểu xem mỗi loại gồm những đặc điểm gì, có ưu điểm hay hạn chế gì khi áp dụng.
Hiện tại có 2 phương pháp chính đang được sử dụng là phục hình cố định và phục hình tháo lắp
- Phục hình cố định: cấy ghép Implant, mão răng (chụp răng), cầu răng, veneer, inlay, onlay
- Phục hình tháo lắp: hàm giả tháo lắp từng phần, toàn phần với các chất liệu khác nhau như hàm khung, hàm nhựa dẻo, hàm nhựa cứng
- Phục hình cố định:
- Implant nha khoa: Chỉnh ngay trên Implant có nghĩa là trụ được cấy vào xương hàm giống như chân răng và có thể thay thế một, một vài hoặc toàn bộ hàm răng. Phục hình răng với Implant là một trong những kỹ thuật phục hình thay thế mất răng hoàn chỉnh và tối ưu nhất hiện nay. Khi đó, bác sĩ sẽ tiến hành cấy ghép trụ implant vào vị trí răng đã mất để thay thế cho chân răng, sau đó chụp (mão) răng sứ được đặt lên trên thay thế cho phần thân răng đã mất. Kỹ thuật cấy Implant sẽ không gây tổn thương các răng kế bên do không cần mài các răng bên cạnh và phù hợp với sức khỏe sinh lý răng miệng nhất, hiệu quả đạt được cao, cải thiện chức năng ăn nhai chắc khỏe hơn cả răng thật, thẩm mỹ và bền chắc.
- Cấy ghép Implant yêu cầu kỹ thuật chuyên biệt, thế nên bác sĩ phải là người được đào tạo bài bản về kỹ thuật Implant và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phục hình mới đủ điều kiện thực hiện. Chi phí một ca cấy ghép Implant cũng cao hơn so với các phương pháp phục hình răng miệng thông thường, tuy nhiên do các ưu điểm vượt trội nên càng ngày cấy ghép Implant càng là sự lựa chọn của đa số khách hàng.
- Chụp răng (mão răng)
Thường áp dụng cho các trường hợp răng cần phục hình sau điều trị sâu răng, viêm tủy, mòn men...hoặc răng khiếm khuyết về mặt hình thể, thẩm mỹ như răng đen sậm, ố vàng, xỉn màu, răng bị gãy vỡ, sứt mẻ, sâu nặng hay bị mất gần như toàn bộ phần ngoài của răng, răng mòn, khấp khểnh, hô móm, khớp cắn không tốt..
Hiện nay, với nhu cầu thẩm mỹ cao nhiều khách hàng lựa chọn phương pháp bọc răng sứ thẩm mỹ sẽ giúp cải thiện, thay đổi hoàn toàn vẻ bề ngoài của răng về màu sắc và hình dáng.
- Cầu răng
Đối với các trường hợp mất răng mà vì lý do nào đó không cấy Implant được thì phương pháp làm cầu răng sứ là phương pháp sử dụng các chụp răng sứ để thay thế cho phần thân răng đã mất. Bác sĩ sẽ sử dụng các răng thật khỏe mạnh kế cận vị trí mất răng (2 hoặc nhiều hơn tùy thiết kế cầu) để làm trụ cầu răng giả. Răng thật sẽ được mài nhỏ bớt cùi răng sau đó sẽ nâng đỡ nhịp cầu răng sứ gồm nhiều chụp răng sứ gắn liền với nhau để thay thế cho răng đã mất.
Cầu răng giúp tái tạo lại vẻ tự nhiên cho hàm răng trong thời gian ngắn chỉ vài ngày và có thể tồn tại nhiều năm nếu vệ sinh và chăm sóc răng miệng đúng cách. Hơn nữa, giá làm cầu răng sứ phù hợp với khả năng tài chính của hầu hết khách hàng, thế nên ai cũng có thể tiến hành làm cầu sứ để khôi phục lại hàm răng chắc khỏe.
Thế nhưng, muốn bắc cầu sứ, bác sĩ buộc phải mài 2 răng kế cạnh để tạo trụ cho nhịp cầu. Hơn thế nữa, cầu răng sứ không thể ngăn chặn được hiện tượng tiêu xương hàm nên sau một thời gian, cầu răng sứ sẽ bị xô lệch và không còn vừa với khuôn hàm nữa.
- Veneers
Mặt dán sứ Veneers là những lớp vỏ mỏng bên ngoài che đi những chiếc răng bị đổi màu hoặc sứt mẻ để cải thiện vẻ ngoài của hàm răng. Hiện tại đây cũng là phương pháp ưa chuộng nhất để làm răng thẩm mỹ do ưu điểm, hạn chế tối đa xâm lấn đối với mô răng tự nhiên.
Đối với phương pháp này, các bác sĩ tùy trường hợp chỉ cần mài 1 lớp rất mỏng có độ dày trung bình từ 0.1mm đến 0.5mm trên bề mặt ngoài của răng. Do đó, phần lớn men răng và các mô nhạy cảm xung quanh răng hoàn toàn không bị tổn hại, sự sống của răng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, không gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân. Mặt dán sứ Veneer được đặt trên răng thật bằng hệ thống keo dán và cement chuyên biệt nên sẽ có độ vững chắc và nguyên vẹn, không lo sợ bong, tróc hay rớt ra ngoài trong quá trình sinh hoạt hàng ngày.
- Phục hình tháo lắp
Hàm giả (hàm nhựa cứng, hàm nhựa dẻo, hàm khung...)
Đây là phương pháp phục hình áp dụng cho những trường hợp bị mất răng, không áp dụng với các trường hợp răng sứt mẻ, gãy vỡ... Hàm răng giả sẽ được chế tạo để người bệnh đeo mang để ăn nhai và có thể tháo ra vệ sinh răng miệng
Tùy vào tình trạng mất răng mà bác sĩ sẽ đề xuất lựa chọn loại hàm răng giả bán phần hoặc hàm răng giả toàn hàm. Ưu điểm của kỹ thuật này đó là thực hiện đơn giản, chỉ cần lấy dấu hàm để chế tạo hàm răng giả, rất nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, răng giả tháo lắp khá bất tiện do gây vướng, có thể bị đau, hay bị long rơi, độ bền không cao, thẩm mỹ kém.
3. Vậy loại phục hình răng nào phù hợp với bạn?
Số lượng răng bị mất, tình trạng của răng còn lại và độ dày của xương hàm cũng như chi phí dự kiến là một số cân nhắc bác sĩ nha khoa sẽ tính đến trước khi đưa ra khuyến nghị cho phục hình răng phù hợp nhất với từng trường hợp cụ thể.
XEM THÊM: