Tình trạng nấm ở móng chân khiến bộ phận này bị nứt nẻ, có màu vàng và mất thẩm mỹ. Thậm chí, căn bệnh này còn gây đau đớn khi đi giày, dép. Bệnh nấm móng chân nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng. Vậy có những biện pháp nào để phòng ngừa bệnh nấm móng chân?
1. Tìm hiểu về bệnh nấm móng chân
Móng chân là bộ phận dễ bị tích tụ vi khuẩn nếu không được vệ sinh và chăm sóc thường xuyên. Khi nấm xâm nhập và phát triển vào các vết nứt trên móng hoặc vết cắt trên da sẽ gây ra tình trạng nấm móng chân. Lúc này, móng chân sẽ có sự thay đổi màu sắc và trông dày hơn. Từ đó, ảnh hưởng đến việc đi lại và chất lượng cuộc sống của người bệnh do bị đau nhiều.
Bệnh nấm móng chân có thể lây lan sang các phần khác của móng, thậm chí nó còn phát triển lên móng tay và da. Theo các chuyên gia, nam giới là đối tượng dễ bị nấm móng chân hơn nữ giới. Người cao tuổi rất dễ bị nấm do sức đề kháng kém. Ngoài ra, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, thường xuyên hút thuốc,... cũng tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
XEM THÊM: Vì sao móng tay, móng chân bị dày sừng, sần sùi?
2. Triệu chứng và nguyên nhân bệnh nấm móng chân
Để có thể điều trị và phòng ngừa nấm móng chân một cách hiệu quả, bạn cần tìm ra nguyên nhân và các triệu chứng của bệnh này. Từ đó, sẽ giúp bác sĩ thuận lợi hơn trong việc chữa trị triệt để bệnh.
2.1. Triệu chứng bệnh nấm móng chân
Dựa vào màu sắc bất thường của móng chân bạn có thể xác định được mình có bị nấm móng chân không? Thông thường, bệnh lý này có dấu hiệu một hoặc nhiều móng chân có sự thay đổi màu sắc sang màu trắng, nâu, vàng. Sau đó, móng chân sẽ dày lên và nứt nẻ. Nếu tình trạng này sớm không được điều trị sẽ gây chảy máu.
Móng chân thường xuyên bị gãy cũng là một triệu chứng của bệnh nấm móng chân. Tình trạng nấm phát triển mạnh có thể khiến móng lỏng và tách ra khỏi nền móng tay.
2.2. Nguyên nhân gây nấm móng chân
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây nấm móng chân được xác định là do một nhóm nấm dermatophytes gây ra. Môi trường phát triển của nấm này là ở trên da và keratin (thành phần chính của tóc và móng).
3. Phòng ngừa bệnh nấm móng chân
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa nấm móng chân:
3.1. Giữ chân sạch sẽ và khô ráo
Vệ sinh bàn chân, bàn tay thường xuyên là cách dễ dàng loại bỏ sự tích tụ của vi khuẩn. Bạn có thể sử dụng xà phòng với nước. Sau đó, lau khô bàn chân, không được bỏ sót các kẽ ngón chân. Theo đó, kẽ móng chân ẩm ướt có thể khiến nấm phát triển mạnh hơn.
3.2. Không đi chân trần
Môi trường ẩm ướt có thể là điều kiện để nấm dermatophyte phát triển. Khi đi chân trần bạn có thể dễ bị nhiễm nấm, thậm chí, bạn có thể tăng nguy cơ bị lây nhiễm nấm từ người khác. Đó là lý do bạn được khuyến khích đem giày đi tắm hoặc đi dép tông quanh các hồ bơi công cộng, phòng thay đồ và phòng tắm.
3.3. Thay tất và giày thường xuyên
Việc đi giày và tất mỗi ngày có thể khiến bạn bị mồ hôi chân. Do đó, bạn cần thay tất và giặt khô thường xuyên. Giặt giày cũng rất quan trọng nhằm loại bỏ mồ hôi và vi khuẩn. Đặc biệt với các những vận động viên thể thao, việc thay giày và tất càng cần được thực hiện thường xuyên hơn.
3.4. Sử dụng giày dép vừa kích cỡ chân
Nấm phát triển mạnh khi chân đi giày và tất chật. Bạn nên lựa chọn những đôi giày vừa với kích thước chân để các móng chân, kẽ ngón chân có không gian thở. Lựa chọn chất liệu giày thoải mái, thấm mồ hôi.
3.5. Cắt móng chân
Cắt móng chân sẽ giúp bạn ngăn ngừa được tình trạng nấm móng. Những hãy cẩn thận trong khi cắt móng chân bởi nó có thể kẹp vào da và gây tổn thương da.
XEM THÊM: Điều trị dứt điểm nấm móng tay như thế nào?
3.6. Sử dụng bột chuyên dành cho chân
Sau khi tắm và lau khô chân, bạn có thể rắc một ít bột lên vùng chân. Bột bắp là một trong những loại bột được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến khích bạn sử dụng bột thuốc bởi nó có tác dụng chống lại nấm móng và da chân.
3.7. Giữ các dụng cụ vệ sinh móng sạch sẽ
Làm sạch và khử trùng dụng cụ cắt móng tay, dũa và kéo sau mỗi lần sử dụng. Bạn có thể khử trùng bằng rượu có thể đạt hiệu quả hơn. Đồng thời, không dùng chung các dụng cụ này với người khác để tránh lây nhiễm nấm.
3.8. Hạn chế việc sơn móng chân
Sơn móng tay có thể là môi trường thuận lợi để nấm phát triển. Do đó, bạn nên hạn chế việc sơn hoặc đắp móng tay giả.
3.9. Chọn tiệm làm móng sạch sẽ
Muốn chăm sóc móng chân thì bạn nên tìm một thẩm mỹ viện được cấp phép và được chăm sóc cẩn thận. Đảm bảo rằng họ đã tiệt trùng tất cả các dụng cụ của họ sau mỗi lần sử dụng và trước mỗi khách hàng mới hoặc bạn có thể tự mang theo các dụng cụ đã được tiệt trùng.
3.10. Sử dụng kem chống nấm
Nếu bạn đã từng bị nấm móng chân trước đó, bạn cần sử dụng kem chống nấm để tránh tái phát. Bạn nên sử dụng kem này theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
3.11. Không sử dụng giày dép đã cũ
Nấm có thể phát triển trong giày dép cũ. Do đó, bạn cần sử dụng thuốc xịt chống nấm cho đôi giày mới hơn vào mỗi buổi sáng trước khi xỏ giày vào. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý, không bao giờ dùng chung giày hoặc tất với người khác.
Cuối cùng, nếu bạn thấy móng chân có sự thay đổi về màu sắc hoặc hình dạng hãy đến gặp bác sĩ. Việc phát hiện triệu chứng và điều trị sớm sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, tiền bạc và đem lại hiệu quả điều trị bệnh nấm móng chân một cách tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com