Phẫu thuật cắt u máu kích thước lớn và những điều cần biết

U máu là một khối u lành tính gây ra bởi sự lớn lên (tăng sinh quá mức) của mạch máu. U máu có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, phổ biến nhất là u máu gặp ngay lúc trẻ vừa sinh ra hoặc xuất hiện trong 6 tháng đầu đời của trẻ.

1. Vị trí của u máu

U máu có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào, có thể ở da hoặc các nội tạng (đường tiêu hoá, gan, túi mật, tụy, hệ thống thần kinh trung ương, than quảnh, tuyến giáp, phổi, lách hạch, bàng quang, thận, tuyến thượng thận,...). Ngoài ra thì u máu cũng có thể tìm thấy ở các vị trí hiếm gặp (u máu xương, u máu trong cơ, u máu da - nội tạng, u mạch chùm)...

2. Khi nào cần phẫu thuật cắt bỏ u máu

Chỉ định phẫu thuật cắt bỏ u máu tùy thuộc vào vị trí, kích thước cũng như những ảnh hưởng của u máu đối với sức khỏe. Đa phần u máu là u lành tính, không gây biến chứng. Trong trường hợp này phẫu thuật điều trị u máu có thể không cần thiết hoặc cần được cân nhắc rất kỹ lưỡng từ phía bác sĩ, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân.

Trong một số trường hợp u máu có thể có những ảnh hưởng tiêu cực đến một số chức năng của cơ thể, sự thoải mái của người bệnh, hoặc thậm chí có thể gây nguy hiểm tới tính mạng thì cần có chỉ định phẫu thuật. Ví dụ như trong trường hợp u máu lớn ở da đối với cả trẻ em và người lớn ở các vị trí đầu mặt cổ có thể gây mất thẩm mỹ, mất tự tin hoặc ảnh hưởng đến các chức năng của các bộ phận trên mặt như u máu ở nếp gấp mí mắt có thể gây cản trở hoặc gây đau khi trẻ chớp mi mắt. Không chỉ gây khó chịu, trẻ còn có thể mặc cảm, tự ti và bị xa lánh khi trẻ đến trường sau này. Tương tự đối với các u máu ở vị trí đầu, mũi, môi hoặc tai có thể gây biến dạng khuôn mặt, biến dạng cấu trúc của các bộ phận trên khuôn mặt, ảnh hưởng thẩm mỹ và sự tự tin của trẻ thì phẫu thuật là một sự lựa chọn đáng để cân nhắc. Đối với các phẫu thuật u máu quyết định phẫu thuật cần được cân nhắc kỹ lưỡng từ phía gia đình, Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u và bác sĩ có chuyên ngành thẩm mỹ.

u máu
Hình ảnh u máu

3. U máu ở gan và phẫu thuật

Đối với u máu ở gan, khi được chẩn đoán bệnh nhân thường rất lo lắng và tìm cách điều trị. Tuy nhiên phần lớn u máu ở gan với kích thước nhỏ, nếu không có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm thì không cần điều trị vì các u này thường là các u lành tính và hiếm khi tiến triển ác tính, không có triệu chứng. Không có bằng chứng chỉ ra rằng nếu u máu ở gan không điều trị thì sẽ dẫn tới ung thư. Y học hiện nay chưa phát hiện ra các loại thuốc làm giảm kích thước khối u ở gan chỉ áp dụng một số trường hợp cụ thể khi u gây ra các triệu chứng điển hình và gây khó chịu cho người bệnh.

U máu lớn với đường kính ≥ 10 cm hay gặp nhất là u máu ở gan. Hậu quả của u máu ở gan có thể gây suy tim do làm tăng lưu lượng máu. U máu ở gan có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường được phát hiện ở những người trẻ tuổi từ 30 – 50 tuổi và gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Vì vậy tùy thuộc vào kích thước, vị trí, và số lượng u máu ở gan mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân.

Phẫu thuật bao gồm cắt bỏ khối u gan, cắt bỏ một phần gan bao gồm cả khối u và mạch máu, ngăn chặn lưu lượng máu đến khối u gan, phẫu thuật ghép gan hoặc phương pháp xạ trị

U máu gan
Vị trí khối u máu trong gan

4. Theo dõi sau phẫu thuật khối u máu ở gan

Sau khi phẫu thuật khoảng từ 6 tháng tới 1 năm, bệnh nhân sẽ được theo dõi kiểm tra về mặt lâm sàng, theo dõi và kiểm tra các xét nghiệm cận lâm sàng. Sự giảm triệu chứng sau phẫu thuật cũng được theo dõi và đánh giá. Kết quả điều trị sẽ được đánh giá trên các thang điểm

  • Khỏi hoàn toàn
  • Có cải thiện
  • Tăng nặng lên
  • Phản tác dụng (phẫu thuật cho kết quả ngược với kỳ vọng)
Khám bệnh
Sau một thời gian phẫu thuật, người bệnh cần tái khám

5. Biến chứng thường gặp sau phẫu thuật cắt bỏ u máu lớn ở gan

Nghiên cứu của Wei Zhang và cộng sự cho thấy biến chứng sau phẫu thuật cắt bỏ khối u lớn ở gan được ghi nhận ở những bệnh nhân phẫu thuật u máu lớn ở gan. Trong đó có 32,6% có xảy ra biến chứng sau phẫu thuật nhưng không có bệnh nhân tử vong. Những biến chứng thường gặp là tràn dịch màng phổi (25,6%). Các biến chứng khác ít gặp hơn bao gồm chấn thương cơ hoành (1 bệnh nhân), xuất huyết (1 bệnh nhân), viêm phổi (1 bệnh nhân) và rò rỉ mật (1 bệnh nhân).

Chăm sóc sau phẫu thuật cắt bỏ khối u máu lớn ở gan: Sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, lao động nhẹ nhàng, tránh căng thẳng, kích động. Ngoài ra cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý: ăn uống dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng, chia làm nhiều bữa trong ngày, ăn nhiều rau xanh và hoa quả. Không nên uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích và thuốc lá.

Phẫu thuật u máu lớn phổ biến nhất hiện nay là u máu ở gan. Sau khi phẫu thuật xong bệnh nhân nên có một lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để duy trì sức khỏe tốt.

Video đề xuất:

Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan