Công dụng thuốc Intatacro

Intatacro là thuốc tác động vào hệ miễn dịch. Với thành phần chính là Tacrolimus, thuốc Intatacro được dùng ở bệnh nhân sau khi phẫu thuật cấy ghép nội tạng như gan, thận, tim.

1. Thuốc Intatacro là thuốc gì?

Intatacro thuộc nhóm thuốc tác động vào hệ miễn dịch, có thành phần chính là Tacrolimus (dưới dạng Tacrolimus monohydrat) hàm lượng 0,5mg. Tacrolimus có tác dụng ức chế miễn dịch mạnh và ức chế tế bào lympho T. Đối với các mảnh ghép như gan, thận, tim, tủy xương, tụy, ruột non, phổi, khí quản, da, giác mạc và các chi, Tacrolimus giúp kéo dài đời sống.

Thuốc Intatacro được bào chế dưới dạng viên nang cứng và được chỉ định dùng trong những trường hợp sau:

  • Điều trị phòng ngừa loại ghép đối với người bệnh phẫu thuật ghép gan, thận hoặc ghép tim.
  • Điều trị loại ghép đối với người bệnh ghép đề kháng thuốc ức chế miễn dịch.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Intatacro

Thuốc Intatacro được dùng theo đường uống. Uống thuốc cùng với nước và = trước khi ăn 1 giờ hoặc sau ăn 2 - 3 giờ để tối đa khả năng hấp thu thuốc.

Liều dùng thuốc Intatacro ở người lớn cụ thể như sau:

  • Ghép gan: Liều ban đầu từ 100 - 200mcg/kg cân nặng/ngày, chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày.
  • Ghép tim: Liều ban đầu là 75mcg/kg cân nặng/ngày, chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày.
  • Ghép thận: Liều ban đầu từ 150 - 300mcg/kg cân nặng/ngày, chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày.

Liều dùng thuốc Intatacro ở trẻ em cụ thể như sau:

  • Ghép gan, thận: Liều ban đầu 300mcg/kg cân nặng/ngày, chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày.
  • Thời gian dùng thuốc: Đối với ghép gan và tim, dùng thuốc trong khoảng 6 giờ ngay sau khi phẫu thuật cấy ghép hoàn tất, còn đối với ghép thận là 24 giờ.

Liều dùng thuốc Intatacro duy trì cần được điều chỉnh tùy vào nồng độ đáy của Tacrolimus trong huyết tương hoặc máu toàn phần đối với từng người bệnh. Đa phần người bệnh đáp ứng tốt đối với nồng độ Tacrolimus trong máu toàn phần được duy trì ở mức dưới 20ng/ml. Đối với trẻ em, để đạt được giá trị này cần dùng liều lớn hơn từ 1,5 - 2 lần.

Mặc dù chưa có đầy đủ thông tin về tình trạng quá liều, nhưng sử dụng thuốc Intatacro quá liều có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, nhức đầu, run, ngủ lịm, nổi mày đay, nhiễm trùng, tăng nồng độ ure trong máu, creatinin trong huyết thanh và alanine aminotransferase.

Hiện vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu đối với việc quá liều thuốc Intatacro. Trong trường hợp này, người bệnh cần được điều trị triệu chứng và hỗ trợ nếu cần. Thẩm tách máu không giúp loại bỏ thuốc, thay vào đó có thể dùng than hoạt tính hoặc súc ruột để điều trị ngộ độc nếu như mới uống thuốc. Lọc máu hoặc lọc thẩm tách máu có thể hiệu quả trong việc làm giảm nồng độ ở người bệnh có nồng độ thuốc trong huyết tương rất cao.

3. Tác dụng phụ của thuốc Intatacro

Thuốc Intatacro chủ yếu gây độc đối với hệ thần kinh và thận. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn với tần suất xuất hiện như sau:

  • Thường gặp: Buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu, run, dị cảm; suy thận, thiếu máu, tăng huyết áp, bạch cầu, giảm tiểu cầu; tăng kali trong máu, rối loạn điện giải.
  • Ít gặp: Thuốc Intatacro ít khi gây ù tai, chóng mặt, rối loạn thị giác, rối loạn giấc ngủ, tâm trạng hay thay đổi, lẫn lộn, co giật; tiểu đường, rối loạn chuyển hóa carbohydrate; tim đập nhanh, ECG thay đổi, phì đại cơ tim; khó tiêu, táo bón, xuất huyết tiêu hóa; hen suyễn, khó thở, tràn dịch màng phổi; ngứa, nổi ban trên da, rậm lông, rụng tóc; đau cơ, đau khớp, chuột rút; rối loạn đông máu/ chức năng gan, phù ngoại vi.

Nếu thấy có bất kỳ biểu hiện lạ nào sau khi dùng thuốc Intatacro, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ điều trị hoặc sớm đến cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe.

4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Intatacro

  • Không dùng thuốc Intatacro ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc hoặc Macrolid.
  • Đối với bệnh nhân suy gan, suy thận, có thể cần điều chỉnh liều dùng thuốc Intatacro và theo dõi nồng độ của Tacrolimus trong máu ở người bệnh.
  • Sau phẫu thuật cấy ghép, trong giai đoạn đầu dùng thuốc Intatacro, cần theo dõi các thông số bao gồm: ECG, huyết áp, thần kinh và thị giác, chức năng gan, thận, đường huyết, điện giải, công thức máu và các chỉ số đông máu, protein huyết tương. Nếu có biểu hiện bất thường trên lâm sàng, cần xem xét điều chỉnh đối với liệu pháp ức chế miễn dịch.
  • Thuốc Intatacro nói riêng và thuốc ức chế miễn dịch nói chung có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và mắc bệnh ác tính. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng các dụng cụ tử cung và trong quá trình dùng thuốc không được chủng ngừa với vaccine sống.
  • Trong khi dùng thuốc Intatacro, người bệnh không được lái xe hoặc điều khiển, vận hành máy móc vì thuốc có thể ảnh hưởng đến thị giác và hệ thần kinh.
  • Phụ nữ đang mang thai chỉ được dùng thuốc Intatacro trong trường hợp thật sự cần thiết và rất thận trọng vì thuốc có thể ảnh hưởng đến trẻ sau khi sinh ra như tổn thương thận, tăng kali máu. Phụ nữ nuôi con cho bú muốn dùng thuốc cần ngừng việc cho con bú.
  • Tránh dùng thuốc Intatacro cùng với các thuốc có khả năng gây độc cho thận như Ciclosporin vì sẽ làm tăng độc tính ở thận.
  • Không dùng Intatacro cùng lúc với thuốc lợi tiểu giữ kali.
  • Tránh dùng đồng thời Intatacro với các thuốc ức chế enzym như thuốc kháng nấm, thuốc chẹn kênh canxi, Corticoid, thuốc ức chế HIV-protease, thuốc kháng sinh thuộc nhóm Macrolid và Metoclopramid, Delavirdine vì có thể làm tăng nồng độ của Tacrolimus trong máu. Ngược lại, nồng độ của Tacrolimus giảm khi dùng cùng với các thuốc cảm ứng cytochrome P450 isoenzyme CYP3A4
  • Đối với thực phẩm, không uống thuốc Intatacro cùng với nước ép bưởi vì thức uống này cũng gây ức chế chuyển hóa Tacrolimus.

Công dụng của thuốc Intatacro là ức chế miễn dịch và tế bào lympho T để phòng ngừa loại ghép ở bệnh nhân cấy ghép gan, thận, tim hoặc điều trị loại ghép ở bệnh nhân ghép đề kháng miễn dịch. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Intatacro theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

70 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan