Mẹo đối phó với tác dụng phụ của điều trị viêm loét đại tràng

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Viêm loét đại tràng là một bệnh lý khá phổ biến trong cuộc sống ngày nay, bệnh làm giảm đáng kể đến chất lượng cuộc sống và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Thông thường trong quá trình điều trị, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và nghi ngờ về kết quả điều trị.

1. Tìm hiểu về điều trị viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng là một loại bệnh viêm ruột (IBD). Những người bị viêm loét đại tràng có hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, tấn công và làm viêm ruột già, bao gồm cả đại tràng và trực tràng. Tình trạng viêm dẫn đến các triệu chứng như đau quặn bụng, tiêu chảy và mệt mỏi. Không có cách chữa trị cho bệnh viêm loét đại tràng. Mục tiêu của phương pháp điều trị viêm loét đại tràng là kiểm soát các triệu chứng và ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai.

Một số loại thuốc mà bác sĩ khuyên dùng để điều trị viêm loét đại tràng hoạt động bằng cách làm dịu hệ thống miễn dịch để giảm viêm. Các phương pháp điều trị khác làm giảm các triệu chứng cụ thể như tiêu chảy hoặc chướng bụng.

Các loại thuốc thường dùng để điều trị các triệu chứng viêm loét đại tràng bao gồm:

  • Thuốc trị tiêu chảy: loperamide (Imodium)
  • Thuốc giảm đau: acetaminophen (Tylenol), thuốc chống viêm không steroid (NSAID) bao gồm aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin) và naproxen (Aleve)
  • Aminosalicylat: sulfasalazine, balsalazide, mesalamine, olsalazine
  • Corticosteroid: prednisone, prednisolone, methylprednisolone, budesonide
  • Thuốc điều hòa miễn dịch: azathioprine, cyclosporine, tacrolimus, 6-mercaptopurine (6-MP), methotrexate
  • Thuốc sinh học: adalimumab (Humira), infliximab (Remicade)
  • Thuốc ức chế janus kinase (JAK): tofacitinib (Xeljanz)
  • Kháng sinh: ciprofloxacin (Cipro), metronidazole (Flagyl), rifaximin (Xifaxan)

Tất cả các loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra phương pháp điều trị giảm thiểu các triệu chứng viêm loét đại tràng với các tác dụng phụ mà bạn có thể chịu đựng được. Điều quan trọng là phải thảo luận cởi mở về các triệu chứng của bạn với bác sĩ. Nhu cầu điều trị của bạn có thể thay đổi theo thời gian.

2. Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc trị viêm loét đại tràng và cách xử trí

2.1 Mụn

Những loại thuốc corticosteroid, thuốc điều hòa miễn dịch có thể gây ra tình trạng mụn. Tuy nhiên tình trạng mụn sẽ hết sau khi bạn ngừng dùng thuốc. Bác sĩ có thể kê đơn kem trị mụn hoặc thuốc kháng sinh giúp kiểm soát các vấn đề về da trong thời gian chờ đợi.

2.2 Lo lắng, hồi hộp

Những loại thuốc có thể gây ra lo lắng và hồi hộp như; kháng sinh, corticosteroid. Nếu những triệu chứng này làm phiền bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ. Họ có thể điều chỉnh liều của bạn.

Tác dụng phụ khi điều trị viêm loét đại tràng
Lo lắng, bồn chồn là một tác dụng phụ khi điều trị viêm loét đại tràng

2.3 Mất cảm giác ngon miệng

Aminosalicylat, kháng sinh, thuốc điều hòa miễn dịch, corticosteroid đều có thể gây ra tình trạng này. Thuốc đau bụng và buồn nôn liên quan đến các triệu chứng viêm loét đại tràng và thuốc có thể khiến bạn chán ăn. Điều đó có thể khiến bạn khó có đủ chất dinh dưỡng cần thiết.

Làm việc với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo rằng bạn nhận được đủ calo. Cố gắng ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và bổ dưỡng khi bạn đói.

2.4 Đau bụng, co thắt bụng

Aminosalicylat, kháng sinh, sinh học, chất điều hòa miễn dịch có thể gây ra tình trạng đau bụng và co thắt cơ bụng. Nếu tình trạng này xảy ra hãy hỏi bác sĩ xem bạn nên uống thuốc khi no hay cùng với thức ăn để ngăn ngừa kích ứng dạ dày.

2.5 Táo bón

Tình trạng táo bón có thể được gây ra bởi, aminosalicylates, thuốc điều hòa miễn dịch. Khi tình trạng táo bón xuất hiện hãy cố gắng:

  • Uống thêm nước để phân mềm và dễ đi hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên để giữ phân di chuyển qua ruột kết.
  • Nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về những loại thực phẩm bạn có thể ăn để giúp bạn đi ngoài đều đặn mà không gây ra các triệu chứng viêm loét đại tràng.
  • Hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc làm mềm phân hay không.

2.6 Bệnh tiêu chảy

Những loại thuốc nào có thể gây ra tiêu chảy như aminosalicylat, thuốc kháng sinh, thuốc điều hòa miễn dịch. Lúc này hãy hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc trị tiêu chảy không kê đơn (OTC) hoặc thuốc chống co thắt để giảm cử động và đau ruột. Uống thêm nước để thay thế những gì bạn bị mất do tiêu chảy.

Cân nhắc ghi nhật ký thực phẩm để tìm ra thực phẩm nào gây ra nhiều triệu chứng nhất. Tránh các loại thực phẩm làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn. Chúng thường bao gồm:

  • Thức ăn cay hoặc béo
  • Thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt và một số loại rau và trái cây
  • Sản phẩm bơ sữa
  • Cafein
Tác dụng phụ khi điều trị viêm loét đại tràng
Người bệnh khi điều trị viêm loét dạ dày có thể bị tiêu chảy

2.7 Chóng mặt

Aminosalicylat, corticosteroid, thuốc điều hòa miễn dịch, sinh học có thể gây nên tình trạng chóng mặt. Khi thấy triệu chứng chóng mặt nên ngồi hoặc nằm trong phòng tối và yên tĩnh cho đến khi hết chóng mặt. Kê cao đầu bằng hai hoặc nhiều gối khi bạn ngủ vào ban đêm. Tránh các hoạt động có thể nguy hiểm, như lái xe hoặc vận hành máy móc hạng nặng. Nếu cơn chóng mặt kéo dài, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên đổi thuốc hay không. Ngoài ra trong một vài trường hợp người bệnh có thể bị cả khô miệng.

2.8 Chướng bụng

Aminosalicylates, thuốc điều hòa miễn dịch cũng được xác định gây nên tình trạng chướng bụng. Hãy hạn chế hoặc tránh các thực phẩm làm trầm trọng thêm khí như: rau giàu chất xơ (bông cải xanh, cải Brussels, bắp cải), ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ như cám, các sản phẩm từ sữa, thực phẩm béo hoặc chiên, thực phẩm tinh chế và có đường, chất làm ngọt nhân tạo. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc sử dụng một phương pháp điều trị khí OTC có chứa simethicone.

2.9 Đau đầu

Những loại thuốc có thể gây ra chứng đau đầu gồm: aminosalicylat, kháng sinh, sinh học, corticosteroid, thuốc điều hòa miễn dịch, chất ức chế JAK. Nghiên cứu cho thấy chứng đau nửa đầu phổ biến hơn ở những người bị IBD, có thể liên quan đến chứng viêm. Bạn nhận thấy rằng các cơn đau nửa đầu hoặc đau đầu của bạn thực sự được cải thiện khi bạn bắt đầu điều trị viêm loét đại tràng.

Thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen có thể làm giảm cơn đau đầu không thường xuyên. Nếu bạn thường xuyên bị đau đầu, hãy hỏi bác sĩ xem có cần giảm liều thuốc chữa viêm loét đại tràng hay chuyển sang loại thuốc khác. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị đau đầu dữ dội đột ngột. Bởi chúng có thể được liên kết với một tình trạng nghiêm trọng hơn.

2. 10 Ợ chua / trào ngược

Thuốc aminosalicylat, thuốc kháng sinh, thuốc điều hòa miễn dịch có thể gây ợ chua và trào ngược. Lúc này bạn hãy tránh các loại thực phẩm như cam quýt, rượu và socola có thể gây kích ứng thực quản của bạn và làm cho chứng ợ nóng trầm trọng hơn. Lúc này bạn nên:

  • Đừng hút thuốc.
  • Tránh ăn sát giờ đi ngủ.
  • Không nằm ngay sau khi ăn.

Luôn nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi dùng thuốc trị ợ chua OTC bao gồm thuốc ức chế bơm proton (PPI) hoặc thuốc đối kháng thụ thể H2 (H2RAs).

2.11 Đau khớp hoặc cơ

Thuốc aminosalicylat, sinh học, điều hòa miễn dịch có thể gây nên tình trạng đau khớp hoặc cơ. Cách xử trí hiệu quả nhất nên dùng đệm sưởi ấm hoặc thuốc giảm đau OTC có thể giúp giảm đau khớp hoặc cơ trong thời gian ngắn. Nếu chúng vẫn tiếp tục, hãy hỏi bác sĩ xem bạn nên điều chỉnh hoặc thay đổi thuốc của mình.

2.12 Buồn nôn và ói mửa

Những loại thuốc nào có thể gây ra buồn nôn ói mửa như: aminosalicylat, kháng sinh, sinh học, corticosteroid, thuốc điều hòa miễn dịch. Các mẹo sau có thể giúp giảm buồn nôn và nôn:

  • Uống thuốc cùng với thức ăn.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa lớn.
  • Ăn chậm và cố gắng tránh hoạt động sau khi ăn.
  • Chọn thực phẩm nhạt nhẽo như bánh quy giòn và bánh mì nướng.
  • Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên hoặc ngọt.
  • Uống nước hoặc bia gừng để giữ đủ nước.

2.13 Nhiễm trùng

Aminosalicylat, chất điều hòa miễn dịch, sinh học, corticosteroid, chất ức chế JAK, kháng sinh có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng. Nhiều loại thuốc này có thể làm giảm phản ứng miễn dịch bảo vệ của bạn. Thuốc kháng sinh cũng làm mất đi sự cân bằng của vi khuẩn tốt và xấu trong cơ thể. Những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiết niệu và đường ruột.

Đảm bảo rằng bạn cập nhật tất cả các loại vắc-xin của mình, bao gồm cả vắc xin cúm, viêm phổi và bệnh zona. Báo cáo bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào sau đây cho bác sĩ:

  • Sốt
  • Ho
  • Đau khi bạn đi tiểu
  • Phân có máu, tiêu chảy, đau bụng và chuột rút, có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng Clostridium difficile ( C. diff )
Rủi ro khi điều trị viêm loét đại tràng
Nhiễm trùng đường tiêt niệu có khả năng xảy ra khi điều trị viêm loét đại tràng

2.14 Các vấn đề về giấc ngủ

Thuốc dùng để điều trị viêm loét đại tràng có thể gây khó ngủ. Bản thân IBD cũng có liên quan đến rối loạn giấc ngủ. Các triệu chứng viêm loét đại tràng có thể khiến bạn khó ngủ hơn. Ngủ không ngon giấc cũng có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể liên quan đến các tình trạng như viêm loét đại tràng. Các mẹo sau đây có thể cải thiện giấc ngủ:

  • Cố gắng tập thể dục một chút mỗi ngày.
  • Đi ngủ vào cùng một giờ mỗi đêm.
  • Tránh các bữa ăn nặng và thời gian sử dụng màn hình trước khi đi ngủ.

Hỏi bác sĩ xem bạn có thể dùng thuốc sớm hơn trong ngày để thuốc không ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn hay không.

2.15 Yếu xương, loãng xương

Corticosteroid có thể gây ra yếu xương, loãng xương. Bản thân cả corticosteroid và viêm loét đại tràng đều có liên quan đến việc mất xương. Để hỗ trợ xương chắc khỏe hãy ăn một chế độ ăn uống lành mạnh giàu vitamin D và canxi. Thực hiện các bài tập chịu sức nặng như đi bộ và tập sức đề kháng. Tránh hút thuốc và hạn chế sử dụng rượu, bia có thể khiến xương yếu đi.

Hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên bổ sung canxi và vitamin D để tăng cường xương hay không. Bác sĩ cũng có thể đề nghị kiểm tra mật độ xương. Nếu bạn có mật độ xương thấp, bạn có thể cần dùng thuốc tăng cường xương, chẳng hạn như alendronate (Fosamax) hoặc denosumab (Prolia).

Ngoài ra, corticosteroid cũng có thể gây tăng cân. Đây là tác dụng phụ thường gặp của corticosteroid. Nó thường xuất hiện ở mặt, sau cổ và bụng. Bạn sẽ bắt đầu giảm cân sau khi ngừng dùng thuốc steroid. Trong khi bạn vẫn đang dùng thuốc này, hãy theo dõi lượng calo của bạn và tập thể dục thường xuyên để ngăn ngừa tăng cân quá mức.

Thực chất nhiều tác dụng phụ trong danh sách này sẽ biến mất khi cơ thể bạn đã quen với thuốc. Hãy cho bác sĩ của bạn biết nếu bất kỳ vấn đề nào trong số này vẫn tồn tại hoặc làm phiền bạn. Họ có thể thay đổi liều lượng hoặc chuyển bạn sang một loại thuốc khác không gây ra tác dụng phụ tương tự.

Thực chất việc điều trị viêm loét đại tràng vốn rất dai dẳng khi hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị dứt điểm. Vì thế, trong quá trình chữa trị nếu bệnh nhân gặp phải bất cứ vấn đề gì cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và có những chỉ đình phù hợp.

Chuyên khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có nhiều thành tựu trong việc thăm khám, điều trị các bệnh lý về đường tiêu hóa từ đơn giản tới phức tạp như: nội soi chẩn đoán các bệnh lý dạ dày, đại tràng, phát hiện viêm, loét, polyp, ung thư, tìm vi khuẩn HP, phát hiện ung thư sớm đường tiêu hóa.Nội soi điều trị cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa, thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản trong xơ gan, cắt polyp ống tiêu hóa qua nội soi.... Khi khoa hội tụ đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm kết hợp với đó là hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại. Nhờ đó việc điều trị trở lên hiệu quả cũng như giúp bệnh nhân sớm ổn định về mặt sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo

Antibiotics [Fact sheet]. (2018).

crohnscolitisfoundation.org/sites/default/files/legacy/assets/pdfs/antibiotics.pdf

Be antibiotics aware: Smart use, best care. (2020).

cdc.gov/patientsafety/features/be-antibiotics-aware.html

Bloating & wind. (2019).

crohnsandcolitis.org.uk/about-crohns-and-colitis/publications/bloating-wind

Checkley LA, et al. (2019). Incidence and management of infusion reactions to infliximab in an alternate care setting. DOI:

1007/s10620-018-5319-6

Cheraghi SC, et al. (2016). A survey on migraine prevalence in patients with inflammatory bowel disease - A single centre experience.

mejdd.org/index.php/mejdd/article/view/1495.pdf

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan