Huyết khối tĩnh mạch não: Chẩn đoán và điều trị

Bài viết được viết bởi ThS.BS Lê Thị Minh Hương - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Huyết khối tĩnh mạch não là sự hình thành các cục máu đông trong các tĩnh mạch và xoang tĩnh mạch của não. Đây một dạng hiếm gặp hơn đột quỵ động mạch não.

1.Dịch tễ học

  • Huyết khối tĩnh mạch não là bệnh hiếm gặp hơn các dạng đột quỵ não khác.
  • Bệnh có tỷ lệ mắc bệnh trong khoảng từ 0.22 đến 1.57/ 100.000.
  • Bệnh gặp nữ nhiều hơn nam, với tỉ lệ 3/1.
  • Bệnh huyết khối tĩnh mạch liên quan đến tình trạng tăng đông: thai kỳ, hậu sản, sử thuốc ngừa thai đường uống, bệnh lý ác tính, chấn thương đầu, các nhiễm trùng thần kinh kèm theo.

2. Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch não

Để chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch não, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng bạn gặp phải cũng như bệnh sử cá nhân và gia đình. Tuy nhiên, chẩn đoán cuối cùng phụ thuộc vào việc kiểm tra lưu thông máu trong não. Để kiểm tra lưu lượng máu, bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm hình ảnh để phát hiện cục máu đông và tình trạng sưng.

2.1 Chẩn đoán xác định

Bệnh sử và lâm sàng:

  • Thường gặp nhất là các dấu hiệu thần kinh khu trú.
  • Phụ nữ mang thai, hậu sản, hay bệnh nhân có bệnh lý tăng động phải được nghĩ đến chẩn đoán khi có triệu chứng thần kinh.
  • Các triệu chứng hai bên bán cầu, co giật, nhức đầu, phù gai, hay các dấu hiệu tăng áp lực nội sọ khác phải được nghi ngờ chẩn đoán.
  • Một vài trường hợp với hội chứng giả u não với nguyên nhân là huyết khối tĩnh mạch.
Các dấu hiệu thần kinh khu trú
Biểu hiện lâm sàng của bệnh là các dấu hiệu thần kinh khu trú

Thông qua hình ảnh:

  • Chụp CT tĩnh mạch: Chụp CT sử dụng hình ảnh X-quang để cho bác sĩ xem xương và mạch máu. Trong phương pháp này, bác sĩ cũng sẽ tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch để tạo ra hình ảnh lưu thông máu, giúp phát hiện đông máu.
  • Chụp MRI tĩnh mạch: Là một xét nghiệm tạo ra hình ảnh của các mạch máu ở vùng đầu và cổ. Nó có thể giúp bác sĩ đánh giá lưu thông máu, các bất thường, đột quỵ hoặc chảy máu não. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ tiêm thuốc cản quang vào máu của bạn để có thể thấy rõ lưu lượng máu và giúp xác định xem máu có đông máu không.
  • Chụp DSA tĩnh mạch: Đặc hiệu hơn CT hay MRI. Nhưng thường không cần thiết để thành lập chẩn đoán.
  • Chọc dò dịch tủy não: các triệu chứng dịch tủy não không đặc hiệu. Áp lực dịch tủy não tăng, đạm tăng, và tế bào cũng có thể thăng.
  • Xét nghiệm: Các xét nghiệm sinh hóa giúp gợi ý nguyên nhân tăng đông và viêm nhiễm.

2.2 Chẩn đoán nguyên nhân

Chẩn đoán nguyên nhân dựa trên tình trạng nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch não bao gồm:

  • Nguyên nhân nhiễm trùng: Nhiễm trùng ổ mắt, xương chũm, tai giữa, viêm màng não...
  • Nguyên nhân không liên quan đến nhiễm trùng: Ung thư các rối loạn tăng sinh thủy, mất nước, các rối loạn đông máu, bệnh tạo keo, chấn thương đầu,...

2.3 Chẩn đoán phân biệt

Các dạng đột quỵ não đường động mạch, u não, viêm xoang, viêm não, viêm màng não, tổn thương não do chấn thương, sản giật, bệnh não chất trắng phần sau có hồi phục... Trong mọi trường hợp cần nghĩ đến huyết khối tĩnh mạch não trong chẩn đoán phân biệt thì mới có thể đi đến chẩn đoán xác định

viêm màng não
Trong mọi trường hợp cần chẩn đoán phân biệt với huyết khối tĩnh mạch não

3. Điều trị huyết khối tĩnh mạch não

3.1 Nguyên tắc điều trị

Lựa chọn điều trị huyết khối tĩnh mạch não phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào việc:

  • Phòng ngừa huyết khối tiến triển.
  • Điều trị tình trạng tăng áp lực nội sọ và co giật.
  • Lấy huyết khối hoặc điều trị ly giải huyết khối.

3.2 Điều trị đặc hiệu

Điều trị kháng đông:

  • Heparin lượng phân tử thấp (lovenox) kết hợp với kháng đông vitamin K (warfarin, sintrom) được chỉ định cho hầu hết các trường hợp.
  • Có lợi ở cả bệnh nhân có hay không dạng xuất huyết. Lovenox được dùng cho đến khi đạt được INR đích (2-3).
  • Thời gian sử dụng kháng đông vitamin K bao lâu chưa được thống nhất, quyết định dựa vào nguyên nhân và tình trạng giải phẫu như sự tái thông mạch và dòng máu bảng hệ (khoảng 6 tháng đến 1 năm trong trường hợp không tìm được nguyên nhân).

Điều trị ly giải huyết khối:

  • Trực tiếp qua catheter và lấy huyết khối cơ học với phương pháp xuyên tĩnh mạch của xoang tĩnh mạch bị tắc.
  • Có thể được chỉ định ở những bệnh nhân nặng do liên quan hệ tĩnh mạch sâu hoặc tình trạng lan rộng các xoang tĩnh mạch nông.
  • Tuy nhiên chưa có bằng chứng để cho phép khuyến cáo phương pháp điều trị này.

Điều trị phẫu thuật: Đối với những trường hợp huyết khối tĩnh mạch não nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông và cố định mạch máu. Thủ thuật này được gọi là cắt bỏ huyết khối.

Cục máu đông
Một số trường hợp nghiêm trọng bệnh nhân sẽ được chỉ định cắt bỏ cục máu đông

3.3 Điều trị hỗ trợ

Sử dụng kháng sinh kết hợp với điều trị đặc hiệu theo tác nhân gây bệnh. Điều trị hỗ trợ chống động kinh, điều trị tăng áp lực nội sọ, dinh dưỡng, bù nước điện giải, chăm sóc bệnh nhân liệt, hôn mê phục hồi sức khỏe.

Đây là nhóm bệnh nhân cần thiết theo dõi sát tình trạng đông cầm máu, cần theo dõi tại các cơ sở có thể kiểm tra INR và có kinh nghiệm điều trị kháng đông. Thời gian đầu có thể theo dõi mỗi tuần, sau đó có thể mỗi tháng khi ổn định hơn đảm bảo hiệu quả điều trị kháng đông. Cần kiểm tra CT scan hoặc MRI khi có các triệu chứng hoặc dấu hiệu tái phát hoặc biến chứng do thuốc kháng đông.

Huyết khối tĩnh mạch não là một bệnh lý nguy hiểm. Do vậy, việc chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch não sớm khi bệnh nhân vào viện có ý nghĩa rất lớn đối với việc cấp cứu và điều trị điều trị huyết khối tĩnh mạch não, giúp tăng khả năng phục hồi cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan