Hiểu về Dopamine hữu ích thế nào cho bạn?

Hormone Dopamine là một trong những hormone quan trọng nhất của não bộ đem lại nhiều tác động tích cực cho con người cả về tinh thần và thể chất. Dopamine còn được gọi với cái tên quen thuộc là “ hormone hạnh phúc”. Dopamine liên quan đến cảm giác hạnh phúc, động lực, trí nhớ, khả năng tập trung và điều chỉnh các chuyển động của cơ thể.

1. Dopamine là gì?

Dopamine là một loại chất dẫn truyền thần kinh. Cơ thể bạn tạo ra hormone này và hệ thống thần kinh sử dụng nó để gửi thông điệp giữa các tế bào thần kinh. Đó là lý do tại sao dopamine còn được gọi là chất truyền tin hóa học bởi về cơ bản, nó hoạt động như một chất truyền tin hóa học giữa các tế bào thần kinh.

Dopamine được giải phóng khi não bộ ở trạng thái phấn khích.

Khi bạn liên kết một hoạt động nào đó với niềm vui, chỉ cần bạn có suy nghĩ như vậy là đủ để nâng cao mức dopamine. Đó có thể là một món ăn mà bạn yêu thích hay việc thỏa thích mua sắm.

Ví dụ: Bạn rất thích ăn những chiếc bánh quy socola. Bộ não của bạn có thể tăng dopamine khi bạn ngửi thấy mùi chúng được nướng hoặc nhìn thấy chúng ra khỏi lò. Khi bạn ăn, lượng dopamine có tác dụng củng cố cảm giác thèm ăn này và tập trung vào việc thỏa mãn trong tương lai.

Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng bạn đã khao khát những chiếc bánh quy đó cả ngày, nhưng đồng nghiệp của bạn đã bỏ chúng đi vì một số lý do nào đó. Sự thất vọng của bạn có thể làm giảm mức dopamine và khiến tâm trạng của bạn giảm sút. Điều này cũng có thể làm tăng ham muốn của bạn đối với bánh quy sôcôla gấp đôi. Bây giờ bạn có cảm giác thèm chúng hơn bao giờ hết.

Ngoài chức năng giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn, dopamine còn tham gia vào nhiều chức năng khác của cơ thể. Bao gồm:

  • Lưu lượng máu
  • Tiêu hóa
  • Chức năng điều hành
  • Chức năng tim và thận
  • Cải thiện trí nhớ và sự tập trung
  • Tâm trạng và cảm xúc
  • Điều khiển động cơ
  • Xử lý cơn đau
  • Chức năng tuyến tụy và điều tiết insulin
  • Hành vi tìm kiếm niềm vui và phần thưởng
  • Ngủ
  • Phản ứng căng thẳng
  • Cho con bú
  • Kiểm soát buồn nôn và nôn

Dopamine còn tham gia vào chức năng tiêu hóa của cơ thể
Dopamine còn tham gia vào chức năng tiêu hóa của cơ thể

Hãy nhớ rằng dopamine không hoạt động một cách đơn lẻ. Nó hoạt động kết hợp với các chất dẫn truyền thần kinh và hormone khác, chẳng hạn như serotonin và adrenaline.

Quá nhiều hoặc quá ít dopamine có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Một số bệnh nghiêm trọng, như bệnh Parkinson.

Dopamine góp phần vào cảm giác:

  • Sự tỉnh táo
  • Tự tin
  • Động lực
  • Hạnh phúc

Mức độ dopamine cao có thể tạo ra cảm giác hưng phấn tạm thời.

Dopamine được tạo ra trong não thông qua quá trình gồm hai bước. Đầu tiên, nó thay đổi axit amin tyrosine thành một chất gọi là dopa, và sau đó chuyển đổi thành dopamine.

2. Vai trò trong sức khỏe tâm thần

Thật khó để xác định nguyên nhân chính xác của hầu hết các rối loạn và những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nhưng chúng thường liên quan đến quá nhiều hoặc quá ít dopamine trong các phần khác nhau của não. Những ví dụ bao gồm:

Tâm thần phân liệt: Nhiều thập kỷ trước, các nhà nghiên cứu tin rằng các triệu chứng xuất phát do hormone dopamine hoạt động quá mức. Hiện nay, các nhà khoa học tin chắc rằng hoạt động của não bộ chịu một phần tác động bởi chất dẫn truyền này. Điều này bao gồm ảo giác và ảo tưởng. Việc thiếu hụt dopamine ở các bộ phận khác có thể gây ra các dấu hiệu khác nhau, chẳng hạn như thiếu động lực và giảm ham muốn.

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Một số nghiên cứu cho thấy lý do có thể là do sự thiếu hụt dopamine. Vấn đề này có thể là do gen. Thuốc ADHD methylphenidate (Ritalin) hoạt động bằng cách tăng cường mức độ dopamine trong cơ thể.

Lạm dụng và nghiện ma tuý: Các loại ma túy như cocaine có thể gây ra sự gia tăng nhanh chóng dopamine trong não của bạn. Điều đó khiến cho bạn luôn có cảm giác hưng phấn... Nhưng việc sử dụng ma túy lặp đi lặp lại cũng làm tăng ngưỡng cho loại khoái cảm này. Điều này có nghĩa là bạn cần phải mất nhiều hơn để đạt được mức thỏa mãn tương tự. Trong khi đó, thuốc làm cho cơ thể bạn ít có khả năng sản xuất dopamine một cách tự nhiên. Điều này dẫn đến tình trạng cảm xúc xuống thấp khi bạn tỉnh táo trở lại.


Thiếu hụt dopamine có thể gây rối loạn tăng động giảm chú ý
Thiếu hụt dopamine có thể gây rối loạn tăng động giảm chú ý

Ngoài ra, Dopamine còn có mối liên hệ trong một số căn bệnh khác. Dopamine cũng đóng vai trò trong các bệnh không liên quan đến sức khỏe tâm thần, một trong số đó là bệnh Parkinson, béo phì được Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ xếp vào loại bệnh vào năm 2013.

Bệnh Parkinson: Dopamine cho phép các tế bào thần kinh trong não bộ giao tiếp và kiểm soát chuyển động. Trong bệnh Parkinson, một loại tế bào thần kinh bị thoái hóa dần dần. Nó không có tín hiệu để gửi đi nữa, vì vậy cơ thể bạn tạo ra ít dopamine hơn. Sự mất cân bằng hóa học gây ra các triệu chứng vật lý, chúng bao gồm run, cứng, chậm vận động tự phát, thăng bằng kém và phối hợp kém. Các bác sĩ điều trị các triệu chứng này bằng các loại thuốc làm tăng nồng độ hóa chất này.

Béo phì: nếu bạn nạp nhiều calo hơn mức năng lượng được đốt cháy, bạn sẽ tăng cân. Vậy tại sao những người béo phì không thể gầy đi chỉ bằng cách đơn giản là ăn ít lại? Thực tế không hề đơn giản như vậy. Họ có thể gặp phải những trở ngại mà những người khác không gặp. Họ có thể gặp vấn đề với chính sự động lực từ bản thân. Điều này có thể ảnh hưởng đến lượng thức ăn mà những người béo phì ăn trước khi cảm thấy hài lòng. Các nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy rằng ở những người bị tình trạng này, cơ thể có thể không giải phóng đủ dopamine và một loại hormone tạo cảm giác hưng phấn khác, serotonin.

Hormone dopamine này thường đóng một vai trò thứ yếu trong cơ thể, nhưng trong một số trường hợp cụ thể, nó thực sự là một chiếc phao cứu sinh. Các bác sĩ sử dụng dopamine theo toa (Inotropin) để điều trị:

  • Huyết áp thấp
  • Cung lượng tim kém (khi tim không bơm đủ máu)
  • Lưu lượng máu kém đến các cơ quan quan trọng
  • Một số trường hợp sốc nhiễm trùng

Bất cứ loại thuốc nào cũng có thể gây ra những tác dụng ngoài ý muốn ngay cả khi được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ. Một số tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng thuốc dopamine bao gồm:

  • Nhịp tim không đều
  • Nhịp tim nhanh hơn
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Đau đầu

Bởi vì có nhiều loại thuốc tương tác với dopamine, do đó điều quan trọng là bác sĩ cần phải biết tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng.


Sử dụng thuốc dopamine có thể gây nhịp tim không đều
Sử dụng thuốc dopamine có thể gây nhịp tim không đều

3. Sẽ thế nào nếu cơ thể bạn bị thiếu dopamine?

Thiếu hụt dopamine là một trong những lý do khiến bạn có thể không có tâm trạng tốt hay trải qua những cảm giác dưới đây:

  • Giảm sự tỉnh táo
  • Khó tập trung
  • Giảm động lực và thiếu nhiệt tình
  • Khả năng phối hợp kém
  • Khó khăn trong di chuyển

Một số tình trạng y tế có thể liên quan đến mức độ dopamine thấp bao gồm:

  • Bệnh Parkinson: các triệu chứng bao gồm run, chuyển động chậm lại và đôi khi là rối loạn tâm thần.
  • Trầm cảm: các triệu chứng bao gồm buồn bã, khó ngủ và thay đổi nhận thức.
  • Hội chứng thiếu hụt chất vận chuyển dopamine: còn được gọi là bệnh Parkinson-loạn trương lực ở trẻ sơ sinh, tình trạng này gây ra các bất thường về cử động tương tự như bệnh Parkinson.

4. Thiếu ngủ có thể làm giảm mức dopamine

Thiếu dopamine có thể khiến bạn buồn ngủ và ngược lại, thiếu ngủ cũng có thể làm giảm nồng độ dopamine trong cơ thể.

Nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng thiếu ngủ có thể dẫn đến tình trạng giảm đáng kể khả năng sẵn có của các thụ thể dopamine vào buổi sáng.

5. Điều gì xảy ra khi cơ thể bạn có quá nhiều dopamine?


Lượng dopamine ở mức quá cao có thể khiến bạn cảm thấy mình đang ở trên đỉnh thế giới, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định. Nó cũng có thể đưa bạn vào tình trạng hưng phấn quá tải một cách nghiêm trọng.Giải phóng quá nhiều dopamine khiến bạn xuất hiện những cảm giác như

  • Hưng cảm
  • Ảo giác
  • Hoang tưởng

Lượng dopamine ở mức quá cao có thể khiến bạn xuất hiện ảo giác
Lượng dopamine ở mức quá cao có thể khiến bạn xuất hiện ảo giác

Quá nhiều dopamine có thể khiến bạn có nguy cơ cao mắc một số vấn đề khác như:

  • Béo phì
  • Nghiện
  • Tâm thần phân liệt

6. Thuốc ảnh hưởng đến mức dopamine trong cơ thể như thế nào?

Một số loại thuốc có thể tương tác với dopamine theo cách hình thành thói quen, chẳng hạn như Nicotine, rượu hoặc các loại thuốc khác có chất gây nghiện sẽ kích hoạt chu trình hoạt động của dopamine.

Những chất này có thể khiến bạn cảm thấy hưng phấn nhiều hơn những gì mà thực tế bạn nhận được.

Như một thói quen hình thành, não phản ứng bằng cách giảm bớt mức độ dopamine. Sau đó bạn cần nhiều một lượng cao hơn để đạt được mức khoái cảm tương tự.

Hoạt động quá mức cũng ảnh hưởng đến các thụ thể dopamine theo cách khiến bạn mất hứng thú với những thứ khác. Điều đó có thể khiến bạn hành động bạo lực hơn . Càng ngày, bạn càng có ít khả năng chống lại việc sử dụng những chất này.

Khi nó trở thành nhu cầu nhiều hơn là mong muốn, đây được gọi là chứng nghiện. Nếu bạn cố gắng dừng lại, bạn có thể trải qua các triệu chứng do việc cai nghiện gây ra về thể chất lẫn cảm xúc.

Việc tiếp xúc với chất này có thể kích hoạt ham muốn của bạn và khiến bạn có nguy cơ tái phát rất cao ngay cả khi bạn đã ngừng sử dụng các chất này trong một thời gian dài .

Hormone dopamine không phải là yếu tố duy nhất chịu trách nhiệm trong việc tạo ra cơn nghiện . Những yếu tố khác, như di truyền và các yếu tố môi trường, đóng một vai trò nào đó trong vấn đề này.

7. Hormone ảnh hưởng đến mức dopamine như thế nào?

Dopamine cũng tương tác với các chất dẫn truyền thần kinh và hormone khác. Ví dụ, chất dẫn truyền thần kinh glutamate có liên quan đến chu kỳ khoái cảm và cảm giác hưng phấn trong não.

Một nghiên cứu đã được thực hiện nhằm xác định sự căng thẳng và hormone giới tính ảnh hưởng như thế nào đến sự dẫn truyền thần kinh dopamine trong thời kỳ thanh thiếu niên. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng testosterone , estrogen và glucocorticoid tương tác với nhau và tác động đến mức dopamine có trong cơ thể. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và chức năng nhận thức ở tuổi thiếu niên cho đến tuổi trưởng thành.


Dopamine cũng tương tác với các chất dẫn truyền thần kinh và hormone khác
Dopamine cũng tương tác với các chất dẫn truyền thần kinh và hormone khác

Một nghiên cứu khác cũng đã chứng minh rằng chất dẫn truyền thần kinh bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hormone giới tính có mối liên kết rất chặt chẽ với các chất dẫn truyền thần kinh, bao gồm:

  • Dopamine
  • Serotonin
  • GABA
  • Glutamate

Những tương tác này rất phức tạp và rất khó để lý giải các cơ chế này. Cần thực hiện thêm nghiên cứu khác để hiểu được một cách đầy đủ cách dopamine tương tác với các chất dẫn truyền thần kinh và hormone khác.

Dopamine đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể của chúng ta. Nó được gọi là “ hormone hạnh phúc”- giúp bạn cảm thấy phấn chấn, thành tựu khi đạt được một điều gì đó. Ngoài ra, dopamine còn hỗ trợ nhiều quan trọng khác như chức năng thần kinh và nhận thức. Có thể nói dopamine là một chất xúc tác giúp bạn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và tràn đầy năng lượng hơn.

Nếu có bất cứ biểu hiện bất thường nào về vận động hay các triệu chứng khác của rối loạn tâm trạng hoặc bạn tin rằng bản thân đang bị nghiện, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec vui lòng liên hệ Website để được phục vụ tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe