Hậu quả của căng thẳng thần kinh

Trước áp lực của công việc và cuộc sống, nhiều người đối diện với tình trạng căng thẳng thần kinh. Điều đáng nói là tình trạng này ngày càng phổ biến, có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

1. Bệnh căng thẳng thần kinh là gì?

Căng thẳng thần kinh (stress) là cảm xúc do những bất ổn về mặt tinh thần. Khi gặp căng thẳng, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra hormone, kích thích hệ thần kinh giao cảm gây gia tăng nhịp tim, thở nhanh. Nhiều nghiên cứu cho thấy căng thẳng thần kinh là 1 trong những nguyên nhân gây mất ngủ (căng thẳng thần kinh mất ngủ).

Tình trạng căng thẳng thường xuyên sẽ sản sinh các gốc tự do gây ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não bộ. Các gốc tự do có thể tấn công tế bào thần kinh, gây tổn thương, hình thành mảng xơ vữa hoặc huyết khối. Bên cạnh đó, não bộ là cơ quan điều hòa 2 trạng thái thức - ngủ. Do vậy, căng thẳng thần kinh có thể gây chứng mất ngủ hoặc ngược lại.

2. Nguyên nhân gây căng thẳng thần kinh

Nguyên nhân khiến tình trạng căng thẳng thần kinh trở nên nghiêm trọng có thể xuất phát từ thói quen, lối sống thiếu khoa học ở người bệnh. Cụ thể:

  • Cuộc sống quá áp lực: Những áp lực, căng thẳng trong công việc và cuộc sống khiến cơ thể dần mất đi sự cân bằng. Điều này gây tác động mạnh mẽ tới hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là não, gây mất ngủ, đau đầu căng thẳng thần kinh;
  • Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều: Xã hội phát triển đồng nghĩa với thời gian làm việc và giải trí cùng các thiết bị điện tử tăng lên đáng kể. Tác hại từ ánh sáng xanh của thiết bị điện tử kết hợp với áp lực công việc lớn khiến chúng ta dễ bị căng thẳng thần kinh;
  • Cơ thể mệt mỏi: Sự mệt mỏi, dồn nén sẽ khiến cơ thể suy kiệt. Khi đó, não bộ và các cơ quan trong cơ thể không thả lỏng được, dẫn tới căng thẳng thần kinh, rối loạn giấc ngủ,...;

Suy nhược thần kinh: Những chấn thương tâm lý kéo dài như tình trạng stress, sang chấn tinh thần,... sẽ khiến người bệnh bị căng thẳng, lo âu. Điều này nếu không được giải quyết sớm mà vẫn kéo dài dễ khiến người bệnh bị ức chế, suy nhược cơ thể trầm trọng, làm rối loạn hoạt động của hệ thần kinh, gây chứng mất ngủ.

3. Hậu quả của căng thẳng thần kinh là gì?

Căng thẳng thần kinh gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Cụ thể:

3.1 Hậu quả về sức khỏe thể chất

Giữa tâm trí và thể chất luôn tồn tại sự gắn kết với nhau. Khi bạn bị căng thẳng thần kinh thì các vấn đề về sức khỏe thể chất cũng dễ xuất hiện. Cụ thể, những ảnh hưởng của tình trạng căng thẳng đối với sức khỏe thể chất gồm:

  • Gây bệnh tim: Căng thẳng thần kinh có liên quan trực tiếp tới tình trạng tăng nhịp tim và lưu lượng máu, giải phóng chất béo triglyceride và cholesterol vào máu. Ngoài ra, căng thẳng còn có thể gây béo phì hoặc kích thích người bệnh hút thuốc lá nhiều hơn, gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Cảm xúc căng thẳng đột ngột có thể gây nhiều vấn đề nghiêm trọng ở tim, bao gồm cơn đau tim;
  • Tiểu đường: Căng thẳng thần kinh có thể khiến bệnh tiểu đường tiến triển nặng hơn theo 2 chiều hướng. Thứ nhất, căng thẳng khiến người bệnh hình thành các thói quen xấu, ví dụ như ăn uống không lành mạnh và không kiểm soát. Thứ hai, tình trạng căng thẳng có thể làm tăng nồng độ glucose trong máu ở người bệnh tiểu đường tuýp 2;
  • Hen suyễn: Căng thẳng thần kinh có thể khiến bệnh hen suyễn trở nên trầm trọng hơn. Thậm chí, một số nghiên cứu cho thấy căng thẳng mãn tính ở bố mẹ sẽ làm tăng nguy cơ phát triển hen suyễn ở con cái;
  • Béo phì: Căng thẳng gây tích trữ mỡ thừa ở vùng bụng (do cơ thể tiết ra nhiều hormone cortisol hơn bình thường), dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe;
  • Đau đầu: Căng thẳng thần kinh là nguyên nhân phổ biến gây đau đầu, đau nửa đầu;
  • Vấn đề về đường tiêu hóa: Mặc dù tình trạng căng thẳng không gây các vết loét ở đường tiêu hóa nhưng nó có thể khiến tình trạng viêm loét trở nên nghiêm trọng hơn. Đây cũng là yếu tố phổ biến gây bệnh trào ngược dạ dày - thực quản và hội chứng ruột kích thích;
  • Lão hóa sớm: Có nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng căng thẳng có thể tác động tới ngoại hình của bệnh nhân. Căng thẳng thần kinh có thể khiến tốc độ lão hóa tăng nhanh thêm 9 - 17 năm so với bình thường;
  • Các bệnh lý khác: Bệnh tâm thần kinh, bệnh phụ khoa, bệnh tình dục, bệnh cơ khớp, mệt mỏi toàn thân, dễ bị dị ứng hoặc mắc bệnh truyền nhiễm,...;
  • Làm giảm tuổi thọ: Nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên chịu cảm xúc căng thẳng khi chăm sóc người bệnh cũng có tỷ lệ tử vong cao hơn so với người ở cùng độ tuổi nhưng không phải chăm sóc ai.

3.2 Hậu quả về sức khỏe tinh thần

Bên cạnh những ảnh hưởng đáng kể về mặt thể chất thì tình trạng căng thẳng thần kinh có thể gây một số tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần như:

  • Rối loạn tâm thần: Căng thẳng mãn tính có liên quan tới tình trạng trầm cảm và lo âu cùng các triệu chứng sợ hãi, nhạy cảm, hoảng loạn vô cớ,... 1 nghiên cứu cho thấy những người bị căng thẳng do công việc có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn 80% so với những người ít bị căng thẳng hơn;
  • Run rẩy, mất ngủ: Khi bị áp lực hoặc căng thẳng, bộ não sẽ tiết ra nhiều loại hormone khiến chúng ta khó chìm vào giấc ngủ. Chính tình trạng mất ngủ kéo dài có thể gây cản trở quá trình phục hồi và sửa chữa các tổn thương trong cơ thể, dẫn tới hiện tượng tụt canxi, run rẩy, co quắp,...;
  • Bệnh Alzheimer: Căng thẳng thần kinh có thể làm bệnh Alzheimer trở nên trầm trọng hơn, khiến các tổn thương ở não xuất hiện nhanh hơn. Nếu phải đối mặt với căng thẳng, áp lực quá thường xuyên, người bệnh có thể bị co rút não, mất trí nhớ, suy giảm miễn dịch,... Việc giảm thiểu căng thẳng có thể làm chậm quá trình tiến triển của căn bệnh này.

4. Cách khắc phục, kiểm soát tình trạng căng thẳng thần kinh

Để hạn chế căng thẳng thần kinh, người bệnh nên làm theo những lưu ý sau:

4.1 Thay đổi thói quen sinh hoạt và lao động

  • Xây dựng thói quen đi ngủ đúng giờ, không ngủ trưa quá lâu, điều chỉnh nhịp sinh học cho phù hợp;
  • Dành thêm thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn, không làm việc quá nhiều;
  • Sắp xếp công việc phù hợp để đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi đêm (trung bình 6 - 8 tiếng);
  • Giảm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, đặc biệt là trước khi đi ngủ;
  • Luyện tập thể dục thể thao đều đặn, hợp lý;
  • Thư giãn tinh thần bằng cách nghe nhạc, đọc sách, ngồi thiền,... trước khi đi ngủ để ngủ ngon hơn.

4.2 Thay đổi chế độ ăn uống

  • Bổ sung vào thực đơn ăn uống các loại thực phẩm giàu vitamin như quýt, cam, nho, dâu tây,... để giải phóng suy nghĩ tiêu cực;
  • Tránh đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, khó tiêu hóa, rượu, bia, cà phê,... vì có thể khiến tình trạng mất ngủ và căng thẳng thần kinh càng thêm nghiêm trọng;
  • Sử dụng trà thảo mộc như trà gừng, trà mật ong, trà tâm sen,... để cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm căng thẳng.

4.3 Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh

Ngoài việc xây dựng một thói quen sinh hoạt lành mạnh và chế độ dinh dưỡng khoa học, người bệnh nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa nếu thấy các triệu chứng căng thẳng thần kinh không thuyên giảm. Việc thăm khám đóng vai trò quan trọng trong kiểm tra, đánh giá chính xác tình trạng, nguyên nhân gây căng thẳng. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn và phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân, hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Căng thẳng thần kinh nếu để kéo dài, không được khắc phục kịp thời thì có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do đó, người bệnh nên thay đổi lối sống, tuân thủ đúng lời khuyên của bác sĩ để đối phó với tình trạng này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan