Giun chui ống mật và những điều cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Vũ Tấn Phúc - Khoa Khám bệnh & Nội khoa , Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Giun chui ống mật là bệnh lý khá phổ biến trước đây do tỷ lệ nhiễm giun sán cao. Ngày nay, với hiệu quả của công tác dự phòng và tẩy giun định kỳ, tỷ lệ người mắc bệnh đã giảm nhiều trong cộng đồng. Giun chui ống mật xảy ra khi mật độ giun tăng lên với số lượng lớn trong ống tiêu hóa và khiến chúng di chuyển ngược hướng lên hệ thống đường mật.

1. Tổng quan về bệnh giun chui ống mật

Giun chui ống mật là một biến chứng của tình trạng nhiễm giun trong đường tiêu hóa. Giun ký sinh ở ruột non có thể di chuyển ngược lên tá tràng, đến cơ vòng oddi và lọt vào ống mật chủ, ống gan chung, ống túi mật và hệ thống đường mật trong gan. Vào đường mật, giun có thể sống ký sinh tại chỗ, xác giun sau khi chết trở thành nhân để hình thành sỏi đường mật sau này. Biến chứng của giun chui ống mật có thể là nhiễm trùng đường mật, áp xe đường mật, áp xe gan. Bệnh giun chui ống mật có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Các yếu tố thuận lợi làm tăng khả năng mắc bệnh bao gồm chế độ ăn thiếu protein, thể trạng gầy gò, độ toan thấp của dịch vị và các bệnh lý nhiễm khuẩn.

Áp xe gan
Giun chui ống mật có thể gây áp xe gan

2. Tại sao giun chui vào ống mật?

Hệ thống đường mật trong cơ thể được chia làm hai phần trong gan và ngoài gan. Đường mật ngoài gan bao gồm ống gan chung, ống túi mật, túi mật và ống mật chủ thông thương với hệ tiêu hóa ở tá tràng tạo thành bóng vater. Lỗ đổ của ống mật chủ vào hành tá tràng được bao bọc bởi cơ vòng oddi xung quanh, mở ra khi đưa mật xuống ruột tiêu hóa thức ăn. Giun chui ống mật là tình trạng giun đi ngược từ hệ ruột non vào ống mật qua lỗ cơ vòng Oddi. Giun đũa với dạng hình ống dài như chiếc đũa là loại giun hay chui vào ống mật nhất.

Số lượng giun quá nhiều trong ruột non là một trong những yếu tố cần có để giun chui vào ống mật. Khi đó, nguồn dinh dưỡng tại ruột non không đủ, chúng phải di chuyển đến các môi trường khác trong cơ thể người. Đây cũng là nguyên nhân gây giun chui ống mật thường gặp nhất ở trẻ em. Ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không uống hoặc sử dụng thuốc tẩy giun không hiệu quả khiến giun vẫn tiếp tục tồn tại và ký sinh trong hệ đường ruột. Thuốc tẩy giun khi sử dụng không hiệu quả còn gây ra các rối loạn vận động khiến chúng di chuyển tán loạn, làm tăng nguy cơ đi vào lỗ cơ vòng oddi ở hành tá tràng và ngược lên ống mật chủ, ống túi mật, túi mật và các ống mật khác.

Ngoài ra, khi dịch vị bài tiết từ dạ dày giảm tính axit, môi trường tại hệ đường ruột không còn thích hợp với giun nên chúng sẽ di chuyển đến các vị trí khác để tìm kiếm môi trường tốt hơn. Bệnh nhân sau mổ cắt một phần dạ dày hoặc mắc phải các bệnh lý nhiễm trùng làm thay đổi môi trường nội sinh tại đường tiêu hóa là những đối tượng có nguy cơ mắc giun chui ống mật cao hơn khi ăn uống không hợp vệ sinh và không tẩy giun định kỳ.

Tẩy giun
Không tẩy giun định kỳ làm tăng nguy cơ giun chui ống mật

3. Triệu chứng của giun chui ống mật

Giun chui ống mật biểu hiện trên lâm sàng bằng nhiều triệu chứng khác nhau như:

  • Đau bụng: Thường bệnh nhân sẽ đau tại vùng dưới hạ sườn phải tương ứng với vị trí của hệ đường mật. Triệu chứng đau thường xuất hiện thành từng cơn, tính chất cơn đau dữ dội, có thể lan lên vai phải. Tư thế giảm đau điển hình trong giun chui ống mật là tư thế chổng mông. Trẻ em thường được yêu cầu bế vác trên vai để cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Nôn mửa: Buồn nôn và nôn cũng là những triệu chứng có thể gặp trong giun chui ống mật. Nếu số lượng giun quá nhiều, người bệnh có thể nôn ra cả con giun trưởng thành.

Nếu giun chui vào ống mật gây ra biến chứng, người bệnh có thể có các biểu hiện nặng nề hơn như:

  • Sốt cao, dao động từ 38 đến 39 độ C, kèm rét run nếu xuất hiện các ổ áp xe đường mật hoặc áp xe tại gan.
  • Mệt mỏi, chán ăn, người xanh xao, gầy yếu.
  • Đau âm ỉ ở vùng hạ sườn phải, cảm giác đau tức thay thế cho những cơn đau cấp trong giai đoạn sớm.
  • Vàng da, vàng kết mạc mắt.
  • Khám thấy gan tăng kích thước, sờ vào tăng đau, rung gan dương tính.

Khi có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ giun chui vào ống mật, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế sớm nhất có thể, tránh để bệnh diễn tiến nặng hơn và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Đau bụng âm ỉ
Đau bụng là triệu chứng phổ biến của bệnh giun chui ống mật

4. Chẩn đoán giun chui vào ống mật

Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, việc xác lập chẩn đoán giun chui ống mật một cách chính xác cần dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng và phương tiện chẩn đoán hình ảnh như:

  • Xét nghiệm công thức máu: Với bạch cầu tăng cao, tăng ưu thế bạch cầu đa nhân trung tính chỉ điểm cho tình trạng nhiễm trùng.
  • Bilan nhiễm trùng dương tính với tốc độ lắng máu và CRP tăng cao.
  • Bilirubin máu tăng cao khi có hiện tượng tắc mật.
  • Men gan trong giá trị bình thường để phân biệt với các nguyên nhân tắc mật có liên quan đến bệnh lý tại gan.
  • Chụp X-quang bụng giúp phân biệt với các nguyên nhân gây đau bụng cấp tính.
  • Chụp đường mật có thuốc cản quang cho phép phát hiện được hình ảnh giun trưởng thành hoặc sỏi mật gây tắc mật.
  • Siêu âm ổ bụng: Quan sát thấy các hình ảnh gián tiếp phản ánh bất thường tại hệ đường mật như ống gan chung giãn rộng, lòng ống mật chủ có hình ảnh phản âm không động nhất.
  • Nội soi tá tràng đường mật: Là phương pháp có độ chính xác cao nhất, có vai trò vừa chẩn đoán vừa điều trị. Giun có thể được gắp ra qua hệ thống ống nội soi.
thế nào là siêu âm ổ bụng
Siêu âm ổ bụng chẩn đoán giun chui ống mật

Giun chui ống mật là bệnh lý nguy hiểm và có thể để lại nhiều biến chứng nhưng bệnh có thể phòng ngừa bằng cách duy trì chế độ ăn uống hợp vệ sinh, tẩy giun định kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan