Đặt nội khí quản khó: Những điều cần biết

Đặt nội khí quản là kỹ thuật cho phép kiểm soát đường thở một cách chắc chắn và an toàn. Vậy thế nào là đặt nội khí quản khó? Cần lưu ý gì trong kỹ thuật này?

1. Định nghĩa đặt nội khí quản khó

Đặt ống nội khí quản khó nếu trên 2 lần sử dụng đèn soi thanh quản hoặc dùng kỹ thuật thay thế sau khi đặt tư thế đầu tối ưu cho bệnh nhân, có hoặc không ấn vào thanh quản từ bên ngoài. Kỹ thuật này yêu cầu được thực hiện bởi một cán bộ y tế đã được đào tạo, đã thực hiện nhiều lần.

2. Dự kiến đặt ống nội khí quản khó

Đầu tiên cần thực hiện khám đầu, mặt, cổ, răng, miệng, đây là khâu quan trọng giúp cho bác sĩ thực hiện cấp cứu tiên lượng được việc đặt nội khí quản là khó hay dễ.

2.1 Phân mức đánh giá theo Mallampati

Đánh giá bệnh nhân ở các tư thế ngồi, há miệng, cổ ngửa thẳng, thè lưỡi và phát âm chữ “A”. 4 mức độ cụ thể như sau:

  • Mức độ I: Thấy được khẩu cái cứng, khẩu cái mềm, lưỡi gà, thành sau họng, trụ trước và sau của amidan.
  • Mức độ II: Thấy được khẩu cái cứng, khẩu cái mềm, một phần của lưỡi gà, thành sau của họng.
  • Mức độ III: Thấy được khẩu cái cứng, khẩu cái mềm, nền của lưỡi gà.
  • Mức độ IV: Ở mức độ này chỉ có thể thấy được khẩu cái cứng.

Sau khi thăm khám, nếu thuộc trường hợp III và IV thì đặt ống nội khí quản khó.

2.2 Phân độ đánh giá theo Cormack và Lehane khi thực hiện soi thanh quản

  • Mức độ 1: Thấy được toàn bộ khe giữa của hai dây thanh quản.
  • Mức độ 2: Chỉ thấy được phần phía sau của dây thanh quản.
  • Mức độ 3: Chỉ thấy được sụn nắp thanh môn.
  • Mức độ 4: Chỉ thấy được khẩu cái mềm.

Nếu thuộc mức độ 3 và 4 thì đặt nội khí quản khó.

2.3 Khoảng cách cằm và giáp

Khoảng cách cằm và giáp là độ dài từ bờ trên sụn đến phần giữa của cằm, đo khoảng cách này khi bệnh nhân đang ở tư thế ngồi, cổ thẳng, hít vào. Nếu khoảng cách này nhỏ hơn 6cm là đặt nội khí quản khó (ước chừng 3 đốt ngón tay).

2.4 Khoảng cách 2 cung răng

Đo khoảng cách hai cung răng khi miệng bệnh nhân há tối đa, nếu khoảng cách này dưới 3cm thì đặt nội khí quản khó.

2.5 Một số dấu hiệu khác

  • Cổ ngắn, hàm dưới nhỏ, hớt ra sau.
  • Vòm miệng cao, răng hàm trên nhô ra phía trước (trường hợp răng hô).
  • Khoang miệng hẹp, lưỡi to ở đối tượng là trẻ em.
  • Ngực, vú quá to, béo bệu
  • Hạn chế vận động ở khớp thái dương - hàm, cột sống cổ.
  • U sùi vòm miệng, thanh quản, họng.

Béo phì là một trong những trường hợp nguy cơ đặt ống nội khí quản khó
Béo phì là một trong những trường hợp nguy cơ đặt ống nội khí quản khó

3. Thái độ xử trí khi gặp trường hợp cần đặt nội khí quản khó

Bệnh nhân sẽ không tử vong vì nội khí quản khó mà sẽ tử vong vì biến chứng của nó như trào ngược, thiếu oxy. Do đó đứng trước trường hợp cần phải đặt nội khí quản khó cần xét đến các yếu tố sau:

  • Bệnh nhân có thể thông khí bằng mask hay không.
  • Các trang thiết bị hiện có tại bệnh viện có thể để đặt nội khí quản khó.
  • Kinh nghiệm của người thực hiện đặt nội khí quản.
  • Nguyên nhân phải đặt nội khí quản khó.
  • Thể trạng của bệnh nhân, những bệnh lý mà bệnh nhân đang mắc phải.
  • Tuyệt đối tôn trọng nghiêm ngặt những nguyên tắc dưới đây:
  1. Không thực hiện kỹ thuật một mình, nhất định phải có thêm người để hỗ trợ.
  2. Chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ mọi dụng cụ cần thiết có sẵn để sử dụng cho kỹ thuật đặt nội khí quản khó.
  3. Chuẩn bị hệ thống bao gồm: theo dõi liên tục độ bão hoà oxy, huyết áp động mạch, điện tim, nhịp đập của mạch, tần số thở của bệnh nhân,...
  4. Để bệnh nhân ở trạng thái tỉnh táo và tự thở, bóp bóng qua mask.
  5. Cung cấp oxy 100% cho bệnh nhân trước khi thực hiện kỹ thuật đặt nội khí quản khoảng vài phút.
  6. Thao tác gây tê tại chỗ tốt, nếu trong trường hợp bệnh nhân phải ngủ thì vẫn giữ nguyên thông khí tự nhiên.
  7. Trong một số trường hợp ngoại lệ có thể dùng giãn cơ ngắn, để làm được điều này thì điều kiện là bệnh nhân phải thông khí được bằng mask.

4. Một số kỹ thuật đặt nội khí quản khó

4.1 Thay đổi tư thế của bệnh nhân

Có thể thay thế tư thế nằm của bệnh nhân bằng cách kê cao đầu bằng một gối nhỏ dày khoảng 10cm để làm cho thanh quản và trục khoang miệng thành một đường thẳng. Nhờ người phụ giúp bên cạnh ấn vào sụn thanh quản ra sau và lên trên, sau đó nhờ thêm người phụ kéo môi trên ra sau để thấy thanh quản rõ hơn (đây là lý do không nên thực hiện kỹ thuật một mình mà chúng tôi đã trình bày ở trên).

4.2 Dùng nòng nội khí quản hoặc que dẫn đường

Sử dụng nòng nội khí quản (Stylet hoặc Mandri) cho vào ống nội khí quản để uốn cong nội khí quản theo hình dạng của cây gậy hoặc chữ S để quá trình đặt diễn ra dễ dàng hơn. Dùng que dẫn đường có một đầu mềm, đặt vào trong khí quản trước sau đó luồn ống nội khí quản theo que chỉ đường này.

4.3 Đặt nội khí quản đường mũi

Kỹ thuật đặt nội khí quản đường mũi như sau:

Đưa ống nội khí quản qua đường mũi khoảng 10cm sau đó vừa đẩy nhẹ nhàng vào thì bệnh nhân cùng hít vào. Đồng thời vừa kiểm tra hơi thở ra của bệnh nhân qua lỗ ngoài của ống nội khí quản thì thở ra. Khi ống nội khí quản qua vị trí dây thanh âm sẽ có phản xạ ho và hơi thoát ra khỏi ống. Kiểm tra vị trí của ống bằng cách bóp bóng và nghe phổi sau đó cố định ống nội khí quản.

4.4 Một số phương pháp khác

Ngoài ra còn một số phương pháp khác như sau:

  • Đặt ống nội khí quản ngược dòng;
  • Đặt ống nội khí quản bằng ống soi mềm;
  • Sử dụng mask thanh quản;
  • Mở màng nhẫn giáp giúp thông khí;
  • Mở khí quản.

Dụng cụ đặt nội khí quản khó
Dụng cụ đặt nội khí quản khó

Đặt nội khí quản khó luôn là vấn đề mà các bác sĩ khoa gây mê hồi sức cấp cứu phải đối mặt. Phần lớn các trường hợp đặt nội khí quản khó có thể đánh giá được khi thăm khám tiền mê, tuy nhiên một số ít trường hợp không thấy trước được. Bác sĩ căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân mà đánh giá và sử dụng phương pháp đặt nội khí quản khó cho phù hợp.

Đặt nội khí quản khó đòi hỏi bác sĩ cần có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao bởi nó rất dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở uy tín với chất lượng đội ngũ y bác sĩ được các chuyên gia đánh giá cao, giàu kinh nghiệm, kỹ thuật tốt, trình độ chuyên môn giỏi, tận tâm với nghề. Hệ thống trang thiết bị hiện đại, tiên tiến giúp quá trình cấp cứu, chẩn đoán và điều trị bệnh đạt hiệu quả cao.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe