Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thiếu oxy nặng và trụy tim mạch, dẫn đến ngừng tim, thiếu máu não và tử vong là những biến chứng thường gặp nhất liên quan đến đặt nội khí quản.
1. Đặt nội khí quản khó là gì?
Theo định nghĩa của Hiệp hội Bác sĩ gây mê Hoa Kỳ (ASA), đặt nội khí quản khó là thời gian đặt ống nội khí quản mất hơn 10 phút hoặc cần nhiều hơn ba lần thử
2. Dự kiến đặt nội khí quản khó
Các yếu tố dự kiến đặt nội khí quản khó liên quan đến việc khám đầu, mặt, cổ, răng miệng. Đây là khâu khám rất quan trọng, nó giúp cho bác sĩ cấp cứu tiên lượng được việc đặt nội khí quản khó hay dễ...
2.1 Phân độ đánh giá theo Mallampati
Đánh giá này được thực hiện khi bệnh nhân ở tư thế ngồi, cổ ngửa ra, miệng há, thè lưỡi và bắt đầu phát âm “A”. Có 4 mức độ như sau:
- I: Thấy khẩu cái cứng, khẩu cái mềm, lưỡi gà, thành sau họng, trụ trước và trụ sau Amygdales.
- II: Thấy khẩu cái cứng, khẩu cái mềm, một phần lưỡi gà và thành sau họng.
- III: Thấy khẩu cái cứng, khẩu cái mềm và nền của lưỡi gà.
- IV: Chỉ thấy khẩu cái cứng.
Nếu ở mức độ III và IV là đặt nội khí quản khó.
2.2 Phân độ đánh giá Cormack và Lehance khi soi thanh quản
Dựa trên 4 cấp độ:
- Độ 1: Khi nhìn thấy toàn bộ khe giữa hai dây thanh quản.
- Độ 2: Khi chỉ nhìn thấy phần sau của thanh quản.
- Độ 3: Khi chỉ nhìn thấy sụn nắp thanh môn.
- Độ 4: Khi chỉ nhìn thấy khẩu cái mềm.
Khi ở độ 3,4 có thể kết luận là đặt nội khí quản khó.
2.3 Khoảng cách cằm - giáp
Khoảng cách này được xác định từ bờ trên sụn giáp đến phần giữa cằm. Đo ở tư thể ngồi, cổ ngửa thẳng, hít vào. Nếu khoảng cách này < 6cm (3 khoát ngón tay) là đặt nội khí quản khó.
2.4 Khoảng cách giữa 2 cung răng
Khoảng cách giữa 2 cung răng đo ở vị trí há miệng tối đa, nếu < 3cm là đặt nội khí quản khó.
2.5 Các dấu hiệu khác
Ngoài ra còn một số dấu hiệu khác để nhận biết đặt nội khí quản khó như:
- Cổ ngắn.
- Hàm dưới nhỏ, hớt ra sau.
- Vòm miệng cao, răng hàm trên nhô ra trước (răng hô).
- Khoang miệng hẹp, lưỡi to (ở trẻ em).
- Ngực, vú quá to, béo phì.
- Bị hạn chế cử động khớp vùng thái dương - hàm, cột sống cổ.
- U sùi vòm miệng, họng, thanh quản.
3. Các kỹ thuật đặt nội khí quản khó
3.1 Thay đổi tư thế bệnh nhân
- Kê cao đầu bệnh nhân bằng một gối nhỏ sao cho trục khoang miệng và thanh quản thành một đường thẳng.
- Một người phụ ấn vào sụn thanh quản ra sau và lên trên.
- Người còn lại phụ kéo môi trên ra sau để thấy thanh quản rõ hơn.
3.2 Dùng nòng nội khí quản hoặc que dẫn đường
Dùng nòng nội khí quản (Mandrin hay Stylet) cho vào ống nội khí quản để uốn cong nội khí quản theo hình cây gậy hoặc chữ S để đặt dễ dàng hơn.
Dùng que dẫn đường (guide) có một đầu mềm, đặt vào trong khí quản trước sau đó luồn ống nội khí quản theo que này.
3.3 Đặt nội khí quản mò qua mũi
Đưa ống nội khí quản qua mũi khoảng 10cm sau đó vừa đẩy nhẹ nhàng vào ở thì bệnh nhân hít vào vừa kiểm tra hơi thở ra của bệnh nhân qua lỗ ngoài ống nội khí quản ở thì thở ra.
Khi ống nội khí quản qua dây thanh âm, bệnh nhân sẽ có phản xạ ho và có hơi thoát ra khỏi ống. Kiểm tra vị trí của ống đã đặt bằng cách bóp bóng và nghe phổi, sau đó cố định ống.
3.4 Các phương pháp khác
Ngoài ra, còn một số phương pháp áp dụng cho đặt nội khí quản khó như:
- Đặt nội khí quản ngược dòng.
- Sử dụng ống soi mềm đặt nội khí quản.
- Dùng mask thanh quản.
- Mở màng nhẫn giáp để thông khí.
- Mở khí quản.
Quản lý phù hợp tình huống đặt nội khí quản khó là một trong những thách thức chính đối với các bác sĩ gây mê. Sử dụng thang độ khó đặt nội khí quản cho phép định lượng hồi cứu vấn đề này và nên tạo điều kiện so sánh khách quan của các yếu tố dự đoán khác nhau về đặt nội khí quản khó được đề xuất trong tài liệu.
Các tình huống đặt nội khí quản khó đòi hỏi bác sĩ gây mê phải lường trước vấn đề, lên kế hoạch quản lý ban đầu và xác định các tầng thay thế sẽ được sử dụng nếu gặp phải những khó khăn không lường trước được. Tại bất kỳ thời điểm nào trong phương pháp xử lý, bác sĩ gây mê phải luôn chọn kỹ thuật mà họ cảm thấy thoải mái nhất và có nhiều kinh nghiệm nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.