Danh sách các chấn thương mũi thường gặp

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thái - Bác sĩ Tai - Mũi - Họng - Khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chấn thương mũi thường xảy ra trong khi chơi đùa, thể thao, tai nạn, đánh nhau và ngã. Đau, sưng, chảy máu mũi và bầm tím là triệu chứng phổ biến, ngay cả với chấn thương nhẹ.

1. Chấn thương mũi là gì?

Chấn thương mũi là một chấn thương ở mũi hoặc các chấn thương xung quanh mũi. Chấn thương bên trong hoặc bên ngoài mũi có thể gây chấn thương mũi.

2. Các loại chấn thương mũi thường gặp

2.1 Gãy xương chính mũi

Gãy xương chính mũi là loại chấn thương mũi phổ biến nhất. Gãy xương hở là khi da vùng mũi bị rách và tổn thương làm lộ xương – sụn. Gãy xương mũi kín là khi xương bị tổn thương nhưng vết thương không lộ ra bên ngoài. Khi gãy mũi xảy ra, mũi cần phải được đánh giá các dấu hiệu của tụ máu vùng kín.

Các triệu chứng có thể gặp khi gãy xương chính mũi bao gồm:

  • Bầm tím quanh mũi hoặc mắt
  • Cảm giác hoặc nghe tiếng "rít" khi chạm vào mũi
  • Chảy máu mũi hoặc chảy nước mũi quá nhiều.

2.2 Chảy máu mũi

Các mạch máu trong mũi rất dễ vỡ và có thể chảy máu do va chạm mạnh hoặc khi bị kích thích hoặc bị trầy xước quá mức. Chảy máu mũi có thể được điều trị bằng cách chườm đá vào mũi để làm co các mạch máu và ép cánh mũi trong vài phút để hạn chế chảy máu và giúp quá trình đông máu diễn ra.

Nếu người bệnh có dấu hiệu chảy máu mũi kéo dài hơn 10 phút thì cần đến cơ sở Y tế để được sơ cứu và khám bệnh. Các nguyên nhân khác có thể gây chảy máu mũi bao gồm xì mũi thường xuyên, khô mũi hoặc có dị vật mắc kẹt trong mũi, chấn thương mũi.

Chảy máu cam
Nếu người bệnh có dấu hiệu chảy máu mũi kéo dài hơn 10 phút thì cần đến cơ sở Y tế để được sơ cứu và khám bệnh

2.3 Vẹo vách ngăn mũi

Nếu thành xương hoặc sụn ngăn cách mũi bị dịch chuyển sang một thì tình trạng này được gọi là vẹo vách ngăn mũi hay lệch vách ngăn mũi. Tình trạng này có thể do chấn thương bất ngờ hoặc có thể là dị tật bẩm sinh. Các triệu chứng của lệch vách ngăn mũi có thể bao gồm:

  • Ngạt mũi
  • Chảy máu mũi thường xuyên
  • Nhức đầu và khó ngủ
  • Hội chứng chảy dịch mũi sau (postnasal drip)
  • Ngáy to hoặc thở phát ra tiếng.

Chấn thương mũi có thể là nhẹ hoặc nặng, tùy thuộc vào mức độ chấn thương hoặc nguyên nhân cụ thể. Do đó, khi chấn thương xảy ra, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, nhằm giảm thiểu tỷ lệ thương tật vĩnh viễn.

3. Nguyên nhân gây chấn thương mũi

Chấn thương mũi do yếu tố bên ngoài có thể xảy ra khi có lực tác động lên mũi của bạn. Nguyên nhân phổ biến của chấn thương mũi do yếu tố bên ngoài bao gồm:

  • Ngã
  • Các chấn thương trong thể thao
  • Tai nạn xe cơ giới
  • Bị tấn công hoặc lạm dụng thể chất

Chấn thương mũi do yếu tố bên trong có thể xảy ra khi sụn hoặc các mạch máu bên trong mũi của bạn bị tổn thương. Nguyên nhân phổ biến của chấn thương mũi trong do yếu tố bên trong bao gồm:

  • Nhiễm trùng từ khuyên mũi
  • Kích ứng do hít phải một số chất
  • Hít cocain hoặc các loại chất bất hợp pháp khác
  • Ngoáy hay gãi bên trong mũi
  • Dị vật mũi

4. Chấn thương mũi được điều trị như thế nào?

Trong trường hợp bị chấn thương mũi nhẹ có thể sẽ được điều trị tại nhà, sử dụng các biện pháp sơ cứu và chăm sóc tại nhà cơ bản. Trong các trường hợp khác, bạn có thể cần điều trị tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại chấn thương và mức độ nghiêm trọng của chấn thương mũi, bác sĩ có thể sử dụng:

  • Đốt (cauterization) hoặc nhét bấc mũi cầm máu
  • Sử dụng thuốc
  • Phẫu thuật.

4.1 Sơ cứu và chăm sóc tại nhà

Để điều trị chảy máu cam nhẹ:

  • Bạn ngồi thẳng và hơi nghiêng về phía trước để giảm huyết áp trong mũi của bạn.
  • Bóp phần mềm phía trên mũi trong 5 đến 15 phút.
  • Trong giai đoạn bóp mũi này, hãy thở bằng miệng và giữ cho đầu của bạn cao hơn trái tim của bạn. Tránh nhét bất cứ thứ gì vào mũi hoặc xì mũi trong vài giờ sau đó.
Sơ cứu đúng khi bị chảy máu cam
Khi bị chảy máu cam, bạn hãy ngồi thẳng, hơi nghiêng người về phía trước

Để điều trị chấn thương kín trong mũi của bạn:

  • Chườm đá trong 10 đến 20 phút mỗi lần trong suốt cả ngày và trong vài ngày đầu sau chấn thương. Bọc đá trong một miếng vải mỏng hoặc khăn để bảo vệ làn da của bạn tránh bị quá lạnh.
  • Dùng thuốc giảm đau chống viêm không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen.
  • Ngủ kê cao đầu để giảm đau và sưng.
  • Nếu nghi ngờ rằng mũi của bạn bị tổn thương nặng, hãy liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt.

Để loại bỏ dị vật ra khỏi mũi của bạn:

  • Cố gắng nhẹ nhàng hỉ dị vật ra khỏi mũi bằng cách bịt vào lỗ mũi không bị ảnh hưởng.
  • Nếu dị vật có thể nhìn thấy và có thể dễ dàng nắm, hãy cố gắng nhẹ nhàng loại bỏ nó bằng nhíp.
  • Nếu hai cách trên đều thất bại, bạn nên đến cơ sở y tế để được xử lý. Không cố gắng lôi dị vật ra hoặc sử dụng tăm bông hoặc dụng cụ khác để thăm dò dị vật.

4.2 Đốt (cauterization) hoặc nhét bấc mũi

Nếu bạn bị chảy máu cam kéo dài hơn 20 phút hoặc tái phát thường xuyên, hãy liên hệ với bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân. Bạn có thể được thực hiện xét nghiệm máu hoặc kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh của mũi để chẩn đoán nguyên nhân.

Hai phương pháp điều trị phổ biến của chảy máu cam là đốt (cauterization) và nhét bấc mũi.

4.3 Thuốc

Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc không kê đơn hoặc kê đơn để giúp điều trị một số loại chấn thương mũi. Ví dụ:

  • Thuốc giảm đau để giảm bớt sự khó chịu
  • Thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng
  • Thuốc xịt mũi để giảm kích ứng.

4.4 Phẫu thuật

Nếu bạn gặp phải gãy mũi nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để sửa chữa tình trạng này. Trong các trường hợp khác, bạn có thể cần phẫu thuật tái tạo chuyên sâu hơn để sửa chữa gãy xương mũi.

phẫu thuật xoang mũi
Nếu bạn gặp phải gãy mũi nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để sửa chữa tình trạng này

5. Phòng tránh chấn thương mũi

Bạn có thể ngăn ngừa nhiều loại chấn thương mũi bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa đơn giản. Ví dụ:

  • Đội mũ bảo hộ phù hợp khi chơi thể thao hoặc tham gia các hoạt động như đi xe đạp và trượt ván.
  • Luôn luôn thắt dây an toàn.
  • Sử dụng khẩu trang bảo vệ khi làm việc với các chất độc hại.
  • Không hút thuốc lá và không lạm dụng các chất bất hợp pháp.
  • Không đưa vật lạ vào mũi.

Bằng cách làm theo các bước đơn giản này, bạn có thể bảo vệ sức khỏe mũi của mình và tránh được các chấn thương tiềm ẩn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan