Chảy máu mũi là một vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ, khiến trẻ khó chịu và hoảng sợ. Hầu hết phụ huynh lúng túng khi gặp tình huống này, băn khoăn về nguyên nhân và cách xử trí có thể thiếu chính xác và kịp thời.
1. Chảy máu mũi là gì?
Chảy máu mũi (dân gian hay gọi là chảy máu cam) là tình trạng các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ ra dẫn đến chảy máu. Hiện tượng chảy máu mũi gặp nhiều nhất ở trẻ từ 2 đến 10 tuổi.
Chảy máu mũi thường được chia thành hai loại, bao gồm:
- Chảy máu mũi trước
- Chảy máu mũi trước là tình trạng chảy máu xuất phát ở phía trước mũi. Khoảng 90% trường hợp chảy máu mũi ở trẻ là chảy máu mũi trước, vị trí hay bị tổn thương nhất là đám rối Kiesselbach nằm ở phần dưới vách ngăn mũi. Vùng này chứa nhiều mạch máu nhỏ nên rất dễ vỡ ra khi xì mũi, ngoáy mũi, day mũi, hay các chấn thương tại chỗ khác.
- Chảy máu mũi trước phổ biến ở các vùng khí hậu hanh khô hay trong môi trường dùng lò sưởi, máy sưởi,... kéo dài. Với điều kiện như vậy thì rất dễ khiến cho niêm mạc mũi trở nên khô, vách ngăn mũi tạo vảy, nứt nẻ và có thể chảy máu.
- Trẻ chảy máu mũi trước thường chỉ bị chảy máu một bên, chảy máu dai dẳng và số lượng máu chảy ra không nhiều. Máu chủ yếu chảy ra phía trước mũi, lượng máu xuống họng rất ít. Trẻ thường ngừng chảy máu mũi sau khi được sơ cứu đúng cách.
- Chảy máu mũi sau
- Chảy máu mũi sau chiếm khoảng 10% trường hợp chảy máu mũi ở trẻ và thường liên quan tới các mạch máu nằm cao và sâu hơn. Mặc dù không phổ biến ở trẻ nhưng chảy máu mũi sau nguy hiểm và khó kiểm soát hơn, thường do chấn thương vùng mũi mặt,...
- Bệnh nhân chảy máu mũi sau thường chảy máu cả hai bên với lượng nhiều, máu chảy ra phía sau và đa phần đi xuống họng. Tình trạng mất máu nhiều có thể khiến trẻ nguy kịch.
2. Nguyên nhân chảy máu mũi ở trẻ em
Việc xác định nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ em không hề đơn giản. Các nguyên nhân này có thể xuất hiện đơn độc hoặc đồng thời trên cùng một trẻ. Trẻ bị chảy máu cam có thể do các nguyên nhân sau:
- Chấn thương mũi: Chấn thương mũi là nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ em thường gặp ở trẻ. Các tác động gây chấn thương mũi như: té ngã, đánh nhau,... hoặc đôi khi do trẻ xì mũi, ngoáy mũi quá mạnh, trẻ tự nhét vật lạ vào mũi,... đều có thể gây ra tình trạng chảy máu cam ở trẻ. Các trường hợp gãy xương mũi, vỡ nền sọ sau chấn thương có thể khiến trẻ chảy máu mũi với số lượng lớn.
- Môi trường nóng và khô: Tiếp xúc quá lâu với môi trường nóng, hanh khô hoặc sử dụng máy điều hòa, lò sưởi thời gian dài có thể là nguyên nhân bị chảy máu cam ở trẻ em do mạch máu ở vùng mũi quá nhạy cảm và có thể vỡ ra trong điều kiện khô.
- Dị ứng, nhiễm trùng mũi xoang: Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang do nhiễm trùng cũng là một trong những nguyên nhân gây chảy máu mũi ở trẻ em.
- Vẹo vách ngăn mũi, phẫu thuật vùng mũi: Trẻ có tiền sử vẹo vách ngăn mũi hoặc trải qua phẫu thuật ở vùng mũi cũng có thể bị chảy máu cam.
- Khối u vùng mũi: Các khối u vùng mũi (lành tính hay ác tính) có thể gây nên tình trạng chảy máu mũi ở trẻ, nhưng rất hiếm.
- Rối loạn đông cầm máu: Chảy máu cam có thể xuất hiện ở những trẻ mắc các bệnh lý rối loạn chức năng đông máu, ung thư máu, sốt xuất huyết,... hoặc trẻ đang sử dụng thuốc chống đông.
- Các bệnh lý khác: Một số bệnh lý nguy hiểm khác cũng có thể gây ra triệu chứng chảy máu mũi như: tăng huyết áp, bệnh lý gan-thận,...
3. Xử trí chảy máu mũi ở trẻ em
Trẻ bị chảy máu cam thường hốt hoảng, lo sợ, do đó phụ huynh hoặc những người chăm sóc trẻ cần phải bình tĩnh và trấn an, dỗ dành trẻ.
Việc cho trẻ nằm xuống hay ngửa đầu lên không những không mạng lại hiệu quả mà còn làm cho trẻ nôn ói do nuốt phải máu mũi xuống họng. Một điểm bất lợi khác của hành động này là không thể đánh giá được mức độ chảy máu để có thể xử trí và đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Khi trẻ bị chảy máu cam, cho trẻ ngồi vào ghế hoặc tựa vào lòng của người lớn ở tư thế ngồi thẳng, đầu trẻ hướng ra trước, hơi cúi xuống một chút. Cầm máu bằng cách sử dụng ngón cái và ngón trỏ ép hai cánh mũi của trẻ (phần chóp mũi mềm) trong khoảng 10 phút, ngay cả khi chảy máu mũi một bên. Chú ý không bóp vào phần xương sống mũi của trẻ vì không có ý nghĩa cầm máu.
Có thể chườm lạnh bằng khăn mát ở vùng gốc mũi và má nếu trẻ đồng ý phối hợp. Điều này có tác dụng co mạch máu ở mũi, làm chậm lại quá trình chảy máu. Hướng dẫn trẻ nhổ máu trong miệng để tránh phản xạ nôn do nuốt máu từ mũi chảy xuống.
Sau 10 phút bóp mũi, thả tay ra xem máu đã ngừng chảy hay chưa. Hầu hết trẻ sẽ ngưng chảy máu mũi nếu được xử trí đúng. Nếu mũi vẫn tiếp tục chảy máu thì lặp lại các bước trên thêm một lần nữa.
4. Trẻ bị chảy máu mũi khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế / phòng khám chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và xử trí kịp thời khi:
- Trẻ không cầm máu được sau 20 phút sơ cứu theo các biện pháp đã được hướng dẫn.
- Chảy máu mũi tái tái diễn, dai dẳng ở trẻ.
- Trẻ chảy máu cam với số lượng lớn, hoặc tốc độ chảy máu nhanh.
- Trẻ chảy máu mũi do chấn thương.
- Trẻ có cảm giác yếu, chóng mặt.
- Chảy máu mũi sau ở trẻ, máu chảy xuống phía sau họng chứ không chảy ra trước mũi.
- Trẻ đang dùng thuốc chống đông.
- Trẻ có bệnh kèm như: bệnh hemophilia, bệnh gan, bệnh thận,...
- Trẻ vừa trải qua hóa trị.
- Trẻ chảy máu mũi khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới.
5. Phòng ngừa chảy máu mũi trở lại
Sau khi đã cầm máu, trẻ cần được nghỉ ngơi và chăm sóc để phòng chảy máu mũi trở lại:
- Trẻ cần nghỉ ngơi ít nhất 2 giờ, có thể xem tivi, đọc sách, vẽ tranh,...
- Không cho trẻ uống nước nóng, ăn thức ăn nóng, hay tắm với nước nóng ít nhất 24 giờ sau khi bị chảy máu cam.
- Động viên trẻ không xì mũi, ngoáy mũi trong 24 giờ.
- Trẻ cần tránh các hoạt động mạnh, các môn thể dục đòi hỏi vận động nhiều trong vòng 1 tuần.
- Cho trẻ uống nhiều nước, tăng cường chất xơ, nhất là ở trẻ bị táo bón.
- Có thể nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý để làm ẩm niêm mạc mũi.
- Tránh chấn thương mũi, mặt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.