Chế độ ăn Ketogenic đối với bệnh tiểu đường loại 2

Chế độ ăn Ketogenic (chế độ ăn Keto) có phù hợp với người bị tiểu đường loại 2 hay không? Chế độ ăn kiêng này có đặc điểm gì, ưu điểm và hạn chế gì? Tham khảo thông tin về chế độ ăn kiêng Ketogenic sau đây.

1. Chế độ ăn Ketogenic là gì?

Thông thường, chế độ ăn kiêng đặc biệt cho bệnh nhân tiểu đường loại 2 thường tập trung vào việc giảm cân nên nghe có vẻ sai lầm nếu sử dụng một chế độ ăn nhiều chất béo. Tuy nhiên, chế độ ăn Ketogenic (Keto) nhiều chất béo và ít carbs lại có khả năng thay đổi cách mà cơ thể dự trữ và sử dụng năng lượng, từ đó giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh tiểu đường.

Với chế độ ăn kiêng Keto, cơ thể bạn sẽ chuyển hóa chất béo thay vì đường thành năng lượng. Chế độ này được tạo ra từ những năm 1920 như một phương pháp điều trị bệnh động kinh nhưng tác động của chế độ ăn này cũng đang được nghiên cứu đối với người bệnh tiểu đường loại 2.

Tiểu đường ăn Keto được không? Chế độ ăn Keto giúp cải thiện mức đường huyết (đường) và giảm nhu cầu insulin. Tuy nhiên, chế độ ăn kiêng này cũng đi kèm với một số rủi ro nên người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi về chế độ ăn uống.

2. Thế nào là “nhiều chất béo” trong chế độ ăn Keto?

Nhiều người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 bị thừa cân nên một chế độ ăn nhiều chất béo có vẻ không phù hợp. Tuy nhiên, mục tiêu của chế độ ăn Keto lại là để cơ thể sử dụng chất béo làm năng lượng thay vì carbohydrate hoặc glucose. Trong chế độ ăn kiêng Keto, bạn nhận được hầu hết năng lượng từ chất béo vì có rất ít carbohydrate.

Tuy nhiên, chế độ ăn Keto không có nghĩa là bạn nên tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa. Chế độ này ưu tiên thu nạp những chất béo có lợi cho tim để duy trì sức khỏe. Một số thực phẩm lành mạnh nên có trong chế độ ăn Ketogenic bao gồm: Trứng, cá hồi, trái bơ, phô mai, dầu oliu, quả hạch, các loại hạt,...

3. Ảnh hưởng của chế độ ăn Ketogenic với bệnh tiểu đường tuýp 2

Chế độ ăn Keto có ảnh hưởng như thế nào tới người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực? Thông tin cụ thể như sau:

3.1 Ảnh hưởng tới đường huyết

Chế độ ăn Ketogenic có thể làm giảm lượng đường trong máu. Thực tế, bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 được khuyến nghị nên quản lý lượng carbohydrate tiêu thụ (vì carbohydrate với số lượng lớn có thể làm tăng đột biến lượng đường trong máu). Nếu bệnh nhân có đường huyết cao, việc ăn quá nhiều carbs có thể nguy hiểm. Bằng cách theo chế độ ăn Ketogenic, chuyển trọng tâm sang chất béo, một số người có thể làm giảm lượng đường trong máu.

3.2 Một số nguy cơ tiềm ẩn

Khi theo chế độ ăn kiêng Keto, việc thay đổi nguồn năng lượng chính của cơ thể từ carbohydrate thành chất béo có thể làm tăng ceton trong máu. Nhiễm ceton trong chế độ ăn uống khác với nhiễm toan ceton, là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm.

Khi cơ thể có quá nhiều ceton, bạn có nguy cơ phát triển bệnh nhiễm toan ceton do tiểu đường. Đây là tình trạng phổ biến nhất ở người mắc tiểu đường tuýp 1 khi lượng đường trong máu quá cao, có thể phát sinh do thiếu insulin. Mặc dù hiếm gặp nhưng nhiễm toan ceton có thể xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 nếu ceton quá cao (do ốm, chế độ ăn ít carbs,...).

Ăn Keto có phù hợp với người bị tiểu đường? Nếu bạn đang thực hiện theo chế độ ăn Ketogenic, nên đảm bảo kiểm tra lượng đường trong máu suốt cả ngày để đảm bảo đường huyết nằm trong phạm vi mục tiêu. Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc kiểm tra nồng độ ceton để đảm bảo không có nguy cơ mắc nhiễm toan ceton.

Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến nghị bạn nên xét nghiệm ceton nếu lượng đường trong máu cao hơn 240mg/dL. Bạn cũng có thể kiểm tra tại nhà bằng que thử nước tiểu.

Nhiễm toan ceton là một trường hợp khẩn cấp. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng của nhiễm toan ceton thì bạn nên đi bệnh viện ngay vì tình trạng này có thể dẫn tới hôn mê do tiểu đường. Các dấu hiệu cảnh báo nhiễm toan ceton gồm: Lượng đường trong máu cao liên tục, khô miệng, đi tiểu thường xuyên, buồn nôn, hơi thở có mùi giống mùi trái cây, khó thở,...

4. Theo dõi bệnh tiểu đường khi áp dụng chế độ ăn Ketogenic

Chế độ ăn Keto có vẻ đơn giản. Tuy nhiên, không giống một chế độ ăn ít calo điển hình, đây là chế độ ăn gồm nhiều chất béo nên bạn cần phải theo dõi cẩn thận về sức khỏe của mình. Có thể khi bắt đầu theo chế độ này, người bệnh cần được theo dõi tại bệnh viện. Bác sĩ sẽ theo dõi mức đường huyết và ceton để đảm bảo rằng chế độ ăn kiêng này không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào. Sau khi cơ thể thích nghi với chế độ ăn, bạn có thể đi khám 1 - 2 lần/tháng để kiểm tra sức khỏe và điều chỉnh thuốc.

Ngay cả khi các triệu chứng tiểu đường được cải thiện, người bệnh vẫn cần theo dõi đường huyết thường xuyên. Đối với bệnh tiểu đường tuýp 2, tần suất xét nghiệm sẽ khác nhau tùy từng bệnh nhân. Người bệnh hãy xin ý kiến bác sĩ về lịch trình kiểm tra sức khỏe phù hợp nhất.

5. Một số nghiên cứu về chế độ ăn Ketogenic và bệnh tiểu đường

Vào năm 2008, các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu kéo dài 24 tuần để xác định ảnh hưởng của chế độ ăn ít carbohydrate đối với bệnh nhân tiểu đường loại 2 và béo phì. Cuối nghiên cứu, những người theo chế độ ăn Keto đã có sự cải thiện về việc kiểm soát đường huyết và giảm sử dụng thuốc so với những người theo chế độ ăn kiêng với các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

Một nghiên cứu vào năm 2013 cho kết quả: Chế độ ăn Keto cho hiệu quả tốt hơn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu, HbA1c, giảm cân, ngừng sử dụng insulin so với những chế độ ăn kiêng khác.

Một nghiên cứu vào năm 2017 kéo dài 32 tuần ở người mắc bệnh tiểu đường cũng cho thấy: Chế độ ăn Keto tốt hơn các chế độ ăn kiêng thông thường hoặc chế độ ăn kiêng ít chất béo về khả năng giảm cân và chỉ số HbA1c.

Chế độ ăn Ketogenic có thể mang đến hy vọng cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, gặp khó khăn trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Khi áp dụng chế độ ăn kiêng này, nhiều người cảm thấy các triệu chứng thuyên giảm và ít phụ thuộc vào thuốc hơn. Tuy nhiên, một số người khó có thể tuân theo chế độ này trong thời gian dài. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn chế độ ăn uống phù hợp, giúp kiểm soát tình trạng sức khỏe của bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthine.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe