Chấn thương mắt là hiện tượng thường gặp trong đời sống hàng ngày, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tùy theo phân loại chấn thương mắt, nếu không xử lý kịp thời có thể ảnh hưởng đến thị giác. Ở nước ta, chấn thương mắt chính là nguyên nhân đứng thứ hai gây ra hiện tượng mù lòa.
1. Thế nào là chấn thương mắt?
Chấn thương mắt là tình trạng tổn thương tại mắt do các nguyên nhân cơ học, lý hóa học khác nhau gây ra. Chấn thương mắt thường xảy ra ở mi mắt, lệ bộ và nhãn cầu do sự đụng dập hoặc do vết thương.
Tổn thương mắt có thể dao động từ mức độ rất nhẹ chỉ như xà phòng bắn vào mắt đến những tình huống nghiêm trọng hơn như mất thị lực vĩnh viễn hoặc hỏng mắt. Các tổn thương trong chấn thương mắt gây ra thường phức tạp, di chứng nặng nề và có tỉ lệ mù lòa cao.
Chấn thương mắt có thể phát sinh trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, trong đó thường gặp nhất là tai nạn trong sinh hoạt (70%), tai nạn lao động (25%), tai nạn ở trường học, tai nạn giao thông hoặc tai nạn khi tham gia chơi các môn thể thao... Đặc điểm của một số dạng chấn thương mắt:
- Chấn thương mắt trong sản xuất công nghiệp thường do những mảnh kim loại văng ra từ các máy móc có tốc độ vòng quay cao như máy tiện, máy mài, máy phay... gây ra chấn thương mắt có dị vật nội nhãn.
- Chấn thương mắt trong sản xuất nông nghiệp thường có đặc điểm là rất nghiêm trọng, do nhiễm khuẩn, đặc biệt là trực khuẩn mủ xanh vì các tác nhân gây chấn thương là dây thép, lưỡi liềm, lưỡi hái... nhiễm đất bẩn và phân súc vật.
- Chấn thương do hoả khí (chiếm 5%) rất phức tạp, thường xảy ra ở cả hai mắt, có nguy cơ nhiễm trùng cao và kèm theo nhiều tổn thương phối hợp toàn thân.
2. Phân loại chấn thương mắt
Phân loại chấn thương mắt theo cơ chế chấn thương:
- Chấn thương đụng dập: Chấn thương mắt do vật đầu tù tác động với gia tốc lớn, gây đụng dập, xuất huyết hoặc nứt rách các tổ chức của mắt. Chấn thương dạng này làm thay đổi áp lực trong mô và tổ chức nên vị trí nứt, rách thường ở các điểm yếu nhất hoặc ở đối diện vị trí bị tác động.
- Vết thương xuyên: Chấn thương mắt do vật sắc nhọn tác động với gia tốc lớn, gây đứt, rách tại vị trí tác động. Vết thương xuyên hết mô được gọi là vết thương xuyên thấu. Tùy tác nhân gây ra vết thương mà tác nhân còn tồn tại trong mô tổ chức hay không, vết thương xuyên có dị vật hoặc không có dị vật.
Phân loại chấn thương mắt theo vị trí giải phẫu ở vùng bị tổn thương:
- Chấn thương nhãn cầu: tổn thương ở lớp vỏ nhãn cầu và các thành phần khác của nhãn cầu. Nhãn cầu là cơ quan thụ cảm thị giác, có cấu trúc rất đặc biệt và tinh vi nên khi tổn thương vùng này thường để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến chức năng thị giác.
- Chấn thương phần phụ nhãn cầu: tổn thương ở các cơ vận nhãn, mi mắt, xương hốc mắt, bộ lệ, mạch máu, mô tổ chức và thần kinh hốc mắt... tùy từng vị trí tổn thương sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng thị giác và thẩm mỹ của bệnh nhân. Tổn thương phần phụ thường gặp hơn tổn thương nhãn cầu và thường có kết hợp với các tổn thương khác ở vùng đầu mặt.
3. Một số nguyên nhân gây chấn thương mắt
- Tiếp xúc hoặc bị bỏng hóa chất có thể xảy ra do chất lỏng bắn vào mắt. Nhiều loại hóa chất như xà phòng, kem chống nắng, hơi cay... chỉ đơn thuần gây kích ứng mắt, không gây tổn thương vĩnh viễn. Tuy nhiên, bỏng do hóa chất là axit mạnh và kiềm có tính ăn mòn sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng và lâu dài cho mắt:
- Axit (sunfuric) hoặc kiềm (kiềm trong chất tẩy rửa ống cống, amoniac) có thể văng vào mắt.
- Dụi mắt khi tay có dính hoá chất.
- Tiếp xúc với thuốc phun xịt như bình xịt hơi cay hoặc keo xịt tóc.
- Xuất huyết dưới kết mạc: tụ máu trên bề mặt tròng trắng mắt. Củng mạc được bao phủ bởi kết mạc, là màng mạch máu trong suốt nằm trên củng mạc. Chấn thương cũng có thể tự phát, mức độ xuất huyết không nhất thiết liên quan đến mức độ chấn thương.
- Trầy xước giác mạc: những người trầy xước giác mạc có thể do “đâm” vào mắt bởi một món đồ chơi, vật bằng kim loại, móng tay trẻ, nhánh cây hoặc do đeo kính áp tròng quá lâu.
- Viêm mống mắt do chấn thương xảy ra tương tự như trầy xước giác mạc nhưng hay gặp do một đòn đánh vào mắt như nắm đấm, gậy hoặc túi khí xe hơi. Mống mắt là phần có màu sắc của mắt, bao gồm các cơ kiểm soát lượng ánh sáng đi vào mắt qua đồng tử.
- Chấn thương nhãn cầu và hốc mắt: liên quan đến một lực rất mạnh từ một vật đánh thẳng vào mắt và các cấu trúc xung quanh (quả bóng chày, nắm đấm thụi vào mắt, đá vào mặt, quả bóng quần vợt, nút chai sâm banh hoặc một số vật tương tự đập vào mắt...):
- Xuất huyết tiền phòng
- Gãy xương ổ mắt
- Vết rách ở mí mắt hoặc kết mạc: thường xảy ra do các vật sắc nhọn hoặc xảy ra sau khi bị ngã.
- Vết cắt ở giác mạc và củng mạc: thường rất nghiêm trọng và liên quan đến các vật sắc nhọn bằng kim loại hoặc thủy tinh.
- Dị vật trong mắt: mảnh nhỏ kim loại, gỗ hoặc nhựa.
- Dị vật giác mạc: dị vật nằm trên giác mạc, chưa thâm nhập vào trong mắt, nếu dị vật bằng sắt có thể gây vết gỉ sét trên giác mạc, cần được điều trị ngay.
- Dị vật trong mắt: là dị vật nằm xung quanh mắt nhưng chưa thâm nhập vào trong mắt.
- Dị vật trong nhãn cầu: dị vật thâm nhập vào trong và kẹt bên trong nhãn cầu.
- Viêm giác mạc do tia cực tím: các nguồn ánh sáng cực tím gây tổn thương mắt như hàn xì, máy làm rám da, ánh sáng mặt trời phản chiếu bởi tuyết, nước hoặc các bề mặt phản xạ khác, tia UV ở trên cao.
- Bệnh võng mạc do mặt trời: xảy ra do nhìn chằm chằm vào mặt trời như xem nhật thực không có kính bảo hộ, trạng thái phê thuốc nên nhìn vào mặt trời một khoảng thời gian dài...
4. Xử lý chấn thương mắt
Khi bị chấn thương mắt cần xử trí ban đầu đúng cách để tránh tổn thương nghiêm trọng hơn.
- Với dị vật kết - giác mạc: cần tránh dụi mắt ngay vì động tác dụi mắt có thể làm dị vật ghim sâu hơn hoặc làm trầy giác mạc. Nên chớp mắt vào ly nước sạch giúp dị vật trôi ra ngoài, nếu không hiệu quả hãy đến bác sĩ chuyên khoa mắt để hỗ trợ lấy dị vật ra.
- Với các trường hợp bỏng mắt do bất cứ nguyên nhân gì đều phải rửa mắt ngay bằng nước sạch có sẵn, rửa càng nhiều càng tốt. Trừ trường hợp bỏng vôi sống thì phải gắp vôi ra trước mới tiến hành rửa mắt. Tiếp đến băng mắt lại và chuyển đến bệnh viện, không được chậm trễ.
- Với vết thương ở mắt kèm dịch nhầy nhớt, lẫn máu thì nên băng mắt và chuyển đến bệnh viện chuyên khoa mắt gần nhất, không rửa mắt và tuyệt đối không tự ý rút những vật lạ cắm trong mắt ra.
Điều trị chấn thương mắt rất phức tạp, tốn kém, mất nhiều thời gian. Tuy nhiên kết quả thường không như mong muốn. Do đó cần phòng tránh chấn thương và bảo vệ mắt là biện pháp thiết thực nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.