Chẩn đoán và điều trị chóng mặt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chóng mặt là cảm giác quay cuồng, khiến bạn không thể giữ được thăng bằng và dễ bị té ngã. Chóng mặt không phải là bệnh lý mà là triệu chứng cảnh báo một tình trạng sức khỏe nào đó.

1. Chẩn đoán chóng mặt

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn đang bị hoặc có thể sẽ bị đột quỵ, hoặc bạn bị va chạm vào đầu, các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ngay lập tức thực hiện chụp MRI hoặc CT.

Các trường hợp bị chóng mặt thường sẽ được các bác sĩ hỏi về triệu chứng, các loại thuốc đang sử dụng và sau đó sẽ được khám thực thể. Khi khám thực thể, bác sĩ sẽ kiểm tra cách bạn đi bộ và duy trì thăng bằng cơ thể, các dây thần kinh chính của hệ thần kinh trung ương hoạt động (chủ yếu dây tiền đình-ốc tai).

Bạn cũng có thể cần được kiểm tra thính giác và kiểm tra sự thăng bằng, bao gồm:

  • Kiểm tra chuyển động mắt. Bác sĩ có thể theo dõi vận động của mắt (con ngươi) bạn khi bạn theo dõi một vật thể chuyển động. Và bạn có thể được kiểm tra chuyển động mắt trong khi đặt nước hoặc không khí trong ống tai của bạn.
  • Kiểm tra chuyển động đầu. Nếu bác sĩ nghi ngờ chứng chóng mặt của bạn là do chứng chóng mặt vị trí lành tính gây ra, bạn sẽ được yêu cầu làm một nghiệm pháp chuyển động đầu đơn giản được gọi là thao tác Dix-Hallpike để xác minh chẩn đoán.
  • Giữ thăng bằng bằng cách đi chân trần: bác sĩ sẽ được biết vị trí nào của hệ thống cân bằng mà bạn dựa vào nhiều nhất và vị trí nào có thể gây ra vấn đề cho bạn. Bạn đứng trên đôi chân trần và cố gắng giữ thăng bằng trong nhiều điều kiện khác nhau.
  • Thử nghiệm bằng ghế quay. Trong bài kiểm tra này, bạn ngồi trên một chiếc ghế điều khiển bằng máy tính di chuyển rất chậm theo một vòng tròn. Ở tốc độ di chuyển nhanh hơn, chiếc ghế di chuyển qua lại trong một vòng cung rất nhỏ.

Ngoài ra, bạn có thể được xét nghiệm máu để kiểm tra nhiễm trùng, thiếu máu và các xét nghiệm khác để kiểm tra tim mạch (điện tim, siêu âm tim,..), não bộ (CT hoặc MRI).


Chẩn đoán chóng mặt bằng phương pháp chụp MRI
Chẩn đoán chóng mặt bằng phương pháp chụp MRI

2. Điều trị chóng mặt

Chứng chóng mặt thường được cải thiện mà không cần điều trị. Trong vòng một vài tuần, cơ thể thường sẽ thích nghi với bất cứ điều gì gây nên chứng chóng mặt.

Nếu bạn muốn điều trị chứng chóng mặt, bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân gây ra tình trạng này và các triệu chứng mà bạn có. Phương pháp điều trị có thể bao gồm dùng thuốc và các bài tập thăng bằng. Ngay cả khi không xác định được nguyên nhân hoặc nếu tình trạng chóng mặt của bạn không được cải thiện, có thể kiểm soát chứng chóng mặt bằng việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc lựa chọn các phương pháp điều trị khác.

Điều trị bằng Thuốc

  • Thuốc lợi tiểu. Nếu bạn mắc bệnh Meniere, bác sĩ có thể kê toa thuốc lợi tiểu. Sử dụng thuốc lợi tiểu với chế độ ăn ít muối có thể giúp bạn giảm tình trạng chóng mặt.
  • Các loại thuốc làm giảm chóng mặt và buồn nôn: Bác sĩ có thể kê toa thuốc nhằm giúp bạn ngay lập tức thoát khỏi tình trạng chóng mặt, buồn nôn, bao gồm cả thuốc chống dị ứng (Betahistamin). Những loại thuốc này có thể gây buồn ngủ.
  • Thuốc chống lo âu. Diazepam (Valium) và Alprazolam (Xanax) nằm trong nhóm thuốc gọi là Benzodiazepines, có thể gây lệ thuộc thuốc. Chúng cũng có thể gây buồn ngủ.
  • Thuốc phòng ngừa đau nửa đầu. Một số loại thuốc có thể giúp ngăn ngừa các cơn đau nửa đầu (Flunarizine,...).

Trị liệu

  • Định vị đầu cơ động: Một kỹ thuật được gọi là tái định vị Canalith (hoặc thao tác Epley) thường giúp giải quyết chứng chóng mặt tư thế lành tính nhanh chóng hơn là việc chờ cho cơn chóng mặt của bạn biến mất. Nó có thể được thực hiện bởi bác sĩ, chuyên gia thính học hoặc nhà trị liệu vật lý, có liên quan đến việc điều khiển vị trí của đầu bạn. Kỹ thuật này thường có hiệu quả sau một hoặc hai lần điều trị. Trước khi thực hiện thủ thuật này, bạn nên báo ngay cho bác sĩ điều trị nếu tình trạng sức khỏe của bạn có liên quan đến cổ hoặc lưng, võng mạc bị bong ra hoặc các vấn đề về mạch máu.
  • Liệu pháp cân bằng: Bạn có thể được học các bài tập cụ thể nhằm giúp hệ thống cân bằng của bạn bớt nhạy cảm với sự chuyển động. Kỹ thuật vật lý trị liệu này được gọi là phục hồi chức năng tiền đình. Nó được sử dụng cho những người bị chóng mặt do các tình trạng ở phần tai trong gây ra, như viêm dây thần kinh tiền đình.
  • Tâm lý trị liệu: Loại trị liệu này có thể giúp những người bị chóng mặt là do rối loạn lo âu gây nên.

Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác

  • Tiêm: Bác sĩ có thể tiêm vào tai trong của bạn bằng Gentamycin kháng sinh để vô hiệu hóa chức năng cân bằng. Tai không bị ảnh hưởng sẽ đảm nhiệm chức năng đó.
  • Loại bỏ các cơ quan cảm giác bên trong tai. Một thủ thuật hiếm khi được sử dụng được gọi là mê cung. Nó vô hiệu hóa mê cung tiền đình trong tai bị ảnh hưởng. Tai kia đảm nhiệm chức năng cân bằng. Phương pháp phẫu thuật này có thể được sử dụng nếu bạn bị mất thính lực nghiêm trọng và chứng chóng mặt của bạn không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

Bệnh nhân nên đến bệnh viện để được điều trị sớm
Bệnh nhân nên đến bệnh viện để được điều trị sớm

3. Một số biện pháp khắc phục chứng chóng mặt

Nếu bạn có thường xuyên phải trải qua các cơn chóng mặt một cách lặp đi lặp lại, bạn có thể tham khảo một số mẹo sau để cải thiện tình trạng này:

  • Hãy nhận biết khả năng mất thăng bằng của bản thân, bởi điều này có thể khiến bạn té ngã và chấn thương nghiêm trọng.
  • Tránh di chuyển đột ngột và đi bộ bằng gậy để ổn định, nếu cần.
  • Tránh nguy cơ vấp ngã do chóng mặt, bạn nên dùng thảm không thấm nước trên sàn nhà tắm. Phòng tắm nên đủ ánh sáng.
  • Ngồi hoặc nằm ngay lập tức khi bạn cảm thấy chóng mặt. Nằm yên và nhắm mắt trong phòng tối nếu bạn đang trải qua một chứng chóng mặt nghiêm trọng.
  • Tránh lái xe hoặc vận hành máy móc hạng nặng nếu bạn thường xuyên bị chóng mặt đột ngột.
  • Tránh sử dụng caffeine, rượu, muối nhiều và thuốc lá. Việc sử dụng quá mức các chất này có thể làm nặng lên các dấu hiệu và triệu chứng chóng mặt.
  • Uống đủ nước, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng.
  • Nếu chóng mặt của bạn là do việc sử dụng thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc ngừng thuốc hoặc giảm liều.
  • Nếu chóng mặt của bạn đi kèm với buồn nôn, nôn (do say tàu xe), hãy thử dùng thuốc kháng histamine, chẳng hạn như Meclizine (Dramamine) hoặc Dimenhydrinate (Besttrip), Diphenhydramine (Nautamine). Những loại thuốc này có thể gây buồn ngủ.
  • Nếu bạn bị chóng mặt là do quá nóng hoặc mất nước, hãy nghỉ ngơi ở nơi mát mẻ và bổ sung nước điện giải đầy đủ.
  • Nếu bạn có xu hướng cảm thấy lâng lâng khi đứng dậy (hạ huyết áp tư thế), bạn nên di chuyển một cách từ từ. Nếu bạn bị chóng mặt khi lái xe, nên dừng xe cho đến khi tình trạng được cải thiện.

Nếu chứng chóng mặt khiến bạn cảm thấy như bạn có thể té ngã, bạn nên thực hiện một số biện pháp nhằm giảm nguy cơ rủi ro do tình trạng này gây ra. Luôn để cho ngôi nhà của bạn có đủ ánh sáng và không có các mối nguy hiểm nào có thể khiến bạn vấp ngã. Đặt đồ nội thất ở nơi bạn không có khả năng va vào nó, và sử dụng thảm không thấm nước trong bồn tắm và trên sàn nhà tắm.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe