Chăm sóc vết thương cho người tiểu đường

Bệnh nhân tiểu đường khi bị thương thường rất lâu lành, dễ nhiễm trùng và loét hoại tử, thậm chí là phải đoạn chi. Do đó việc chăm sóc vết thương cho bệnh nhân đái tháo đường là vô cùng quan trọng và cần nhiều lưu ý. Vậy cách trị vết thương cho người tiểu đường đúng cách như thế nào?

1. Vết thương của bệnh nhân tiểu đường có gì đặc biệt?

Đái tháo đường là bệnh lý nội tiết ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, các vấn đề gặp phải ở bệnh nhân đái tháo đường ảnh hưởng đến vết thương gồm:

  • Biến chứng thần kinh ngoại biên: đường huyết cao trong máu lâu ngày có thể ảnh hưởng tới các sợi thần kinh gây tê bì, châm chích và giảm cảm giác, thậm chí là mất cảm giác. Điều này khiến bệnh nhân đái tháo đường khó nhận ra các vết thương nhỏ như vết cắt, phồng rộp, có đá dưới giày. Từ đó các vết thương không được chăm sóc trở dễ dẫn tới nhiễm trùng và nặng nề hơn.
  • Biến chứng mạch máu ngoại biên: các mạch máu ở 2 chân bệnh nhân đái tháo đường lâu ngày có nguy cơ hẹp gây tắc mạch, dẫn tới lượng máu tới nuôi các mô không tốt và khiến vết thương lâu lành, nặng nề hơn
  • Đường huyết cao: cũng là nguyên nhân gây cản trở các chất dinh dưỡng và oxy đến nuôi các tế bào. Đồng thời ngăn hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động hiệu quả, vết thương cũng trở nên lâu lành hơn
  • Suy giảm miễn dịch: đái tháo đường cũng khiến hệ miễn dịch của người bệnh suy giảm hơn, khả năng chống lại các vết thương so với người bình thường cũng giảm đi

2. Vì sao phải chăm sóc vết thương cho bệnh nhân tiểu đường đúng cách?

Các vết thương, vết bỏng, vết cắt trong đời sống hàng ngày là điều không thể tránh khỏi tuy nhiên đây lại là vấn đề lớn đối với bệnh nhân đái tháo đường và cần được quan tâm chăm sóc đúng cách vì:

  • Vết thương dễ nhiễm trùng hơn do lượng đường trong máu cao chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, việc suy giảm miễn dịch ở bệnh nhân tiểu đường cũng khiến cho khả năng bảo vệ của cơ thể đối với các vết thương giảm đi.
  • Vết thương khi loét rất khó lành do biến chứng thần kinh, biến chứng mạch máu và nhiễm trùng dẫn tới tỉ lệ cắt cụt rất cao. Việc điều trị loét đái tháo đường đòi hỏi phối hợp đa chuyên khoa
  • Vết loét thường phát hiện ra khi đã muộn do các biến chứng thần kinh ngoại biên khiến người bệnh giảm cảm giác, không nhận ra các thay đổi trên cơ thể từ đó vết thương không được chăm sóc đúng cách.

Các vết thương của bệnh nhân đái tháo đường nếu không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn tới các biến chứng như:

  • Viêm xương: vết thương bị nhiễm trùng, hoại tử lan tới các lớp sâu hơn như cơ, xương gây viêm đòi hỏi điều trị kháng sinh dài ngày
  • Nhiễm trùng huyết: nếu nhiễm trùng diễn tiến ở vết thương, lan rộng và không được điều trị có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết, tăng nguy cơ tử vong
  • Đoạn chi: khi việc nhiễm trùng của vết thương không được kiểm soát, vết thương hoại tử có thể làm tăng nguy cơ đoạn chi. Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cắt cụt chi do vết loét cao hơn 15 lần người thường

3. Chăm sóc vết thương cho bệnh nhân tiểu đường như thế nào?

Để xử lý vết thương cho người tiểu đường, với các vết thương mới và nông, chưa nhiễm trùng có thể chăm sóc tại nhà theo các bước sau:

  • Bước 1: người chăm sóc sát khuẩn tay
  • Bước 2: rửa sạch vết thương với dung dịch nước muối sinh lý, hoặc nước sạch nếu không có sẵn nước muối sinh lý. Rửa theo cả chiều rộng và chiều sâu của vết thương, nếu có dị vật thì dùng tăm bông sạch, hoặc kiềm sạch đã được khử khuẩn lấy ra, không dùng oxy già để rửa vết thương vì dễ làm tổn thương các tế bào lành xung quanh. Cuối cùng dùng gạc sạch thấm khô vết thương sau khi rửa xong.
  • Bước 3: nếu có chảy máu cần dùng gạc sạch để đè ép cầm máu
  • Bước 4: bôi thuốc sát trùng dạng kem (nếu cần) như neosporin, zinksalbe dialon,...
  • Bước 5: băng ép, che chắn vết thường bằng gạc sạch
  • Bước 6: vệ sinh thay băng 1-2 lần/ngày hoặc khi băng gạc dơ, thấm dịch. Lặp lại các bước trên mỗi lần thay băng

Ngoài ra, cần lưu ý:

  • Nếu vết thương có phồng rộp, không nên chọc vỡ vì đây là cơ chế bảo vệ bình thường của cơ thể
  • Theo dõi tiến triển của vết thương từng ngày, có thể chụp hình để dễ so sánh
  • Nếu vết thương lan rộng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng (nóng rát, ngứa, đau dai dẳng, mất cảm giác, sưng đỏ, chảy mủ hôi, sốt) cần đến khám bác sĩ ngay.

4. Điều trị khác cho bệnh nhân đái tháo đường có vết thương

Bên cạnh việc chăm sóc vết thương cho người tiểu đường theo các bước đã hướng dẫn thì bệnh nhân đái tháo đường đồng thời phải được điều trị các vấn đề khác như ổn định đường huyết, huyết áp, ổn định lipid máu cũng như điều trị bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh thần kinh ngoại biên nếu có:

  • Kiểm soát đường huyết là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị vết thương vì đây chính là căn nguyên cho các vết thương nghiêm trọng ở đối tượng bệnh nhân này
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để kiểm soát lượng đường trong máu, tránh bị vết thương lớn hơn. Tránh các loại carbohydrate hấp thụ nhanh như nước ngọt có ga, nước đường,... Ngoài ra, nên tăng cường bổ sung chất xơ như rau củ, các loại hạt và protein, vitamin như kẽm để tăng cường quá trình lành thương
  • Tập thể dục có thể giúp cải thiện đường huyết nhưng tránh vận động quá mạnh hoặc tiếp xúc quá nhiều ở vùng có vết thương
  • Ngừng hút thuốc lá vì thuốc lá làm giảm vận chuyển oxy đến tế bào và cũng làm rối loạn hệ thống miễn dịch. Đồng thời tăng khả năng biến chứng bệnh động mạch ngoại biên gây thiếu máu nuôi

Nhìn chung, bệnh nhân tiểu đường khi bị thương thường rất lâu lành, dễ nhiễm trùng và loét hoại tử, thậm chí là phải đoạn chi. Do đó việc chăm sóc vết thương cho bệnh nhân đái tháo đường là vô cùng quan trọng và cần nhiều lưu ý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

132 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan