Tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, điển hình là ngón chân bị hoại tử. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi, tàn phế ở bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn còn chủ quan, chăm sóc và điều trị không đúng dẫn tới biến chứng nặng, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống hàng ngày.
1. Vì sao tiểu đường gây hoại tử bàn chân?
Đối với người bệnh tiểu đường, vết thương bàn chân rất lâu lành, có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng. Vết thương ở người bệnh tiểu đường không lành rất dễ bị nhiễm trùng, thậm chí lan rộng và khiến bệnh nhân phải cắt cụt chi hoặc nặng hơn là gây nhiễm trùng toàn thân, ảnh hưởng đến tính mạng.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho người bệnh tiểu đường bị hoại tử bàn chân. Trong đó, yếu tố nguy cơ gồm có:
- Tổn thương thần kinh ngoại biên: Tình trạng này khiến cho người bệnh mất cảm giác với nhiệt độ nóng và lạnh, không cảm thấy đau khi bị đâm bởi những vật sắc nhọn, từ đó gây ra các vết thương, trầy xước, bỏng rộp da và loét. Bên cạnh đó, tổn thương thần kinh làm giảm tiết mồ hôi và thay đổi ở da, làm giảm tính chất tự vệ của da đối với sự xâm nhập của vi sinh vật, da khô nứt nẻ tạo điều kiện nhiễm khuẩn bàn chân.
- Bệnh mạch máu ngoại vi: Ở người bệnh tiểu đường, sự thay đổi mạch máu vi tuần hoàn gây ra tình trạng xơ vữa động mạch. Sự hành thành các mảng xơ vữa và huyết khối khiến mạch máu ngoại biên bị tắc nghẽn, tổn thương động mạch cung cấp máu cho các chi. Do đó, đây là nguyên nhân khiến cho vết loét lâu lành và khó điều trị.
2. Dấu hiệu hoại tử ngón chân ở người bệnh tiểu đường
Theo Tổ chức Y Tế thế giới thống kê, trung bình cứ 2 phút trôi qua sẽ có 2 bệnh nhân tiểu đường phải cắt cụt chi do biến chứng loét bàn chân. Nguyên nhân chính trong số này là do không biết chăm sóc vết thương đúng cách.
Do vậy, cần hết sức chú ý tới các dấu hiệu hoại tử ngón chân để chăm sóc vết thương đúng cách:
- Sưng đau ngón chân;
- Nóng ở các chi;
- Vòng đỏ > 0,5 cm bao quanh vết loét;
- Chảy mủ, có thể là mủ đục, trắng hoặc lẫn máu.
Cũng có trường hợp vết thương bị hoại tử khô, không sưng đỏ, đau hay nóng hoặc chảy mủ mà sẽ thâm đen và teo dần lại. Đây cũng là tình trạng nặng và cần nhập viện ngay để điều trị.
3. Chăm sóc ngón chân bị hoại tử ở bệnh nhân tiểu đường
Nếu chẳng may bị hoại tử ngón chân người bệnh tiểu đường cần tuân thủ những lưu ý sau:
- Kiểm tra chân mỗi ngày, bao gồm kẽ chân, kẽ móng xem có vết xước, vết chai sạn hay phồng rộp không. Người bệnh tiểu đường cũng cần phải theo dõi xem da có bị khô nứt, đỏ, nóng hay căng quá mức không.
- Khi có các vết thương cần rửa sạch chân bằng xà phòng trung tính, đặc biệt là kẽ chân. Sau khi rửa thì nên để khô chân và bôi kem dưỡng ẩm để làm mềm, tránh xuất hiện các vết nứt. Tuy nhiên, người bệnh không nên ngâm chân quá lâu trong nước để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn vào vết loét.
- Không cắt móng chân quá sâu hay làm tổn thương da khi cắt móng chân.
- Không đi chân trần, tránh va chạm mạnh dẫn đến tổn thương chân. Sử dụng dép đi trong nhà với chất liệu mềm mại.
- Không chườm nóng hoặc sưởi chân, ngâm chân bằng nước nóng, kể cả khi thấy lạnh hay tê bì chân.
Xử trí nhiễm trùng, ngón chân bị hoại tử ở người bệnh tiểu đường:
- Kiểm soát chuyển hóa, làm rộng vết thương, loại bỏ áp lực tại chỗ loét;
- Điều trị nhiễm khuẩn bằng kháng sinh phù hợp;
- Kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn tại chỗ như băng gạc bất hoạt vi khuẩn, plasma lạnh diệt vi sinh vật; kiểm soát màng biofilm, dịch tại vết thương, biểu bì hóa và các đường hầm tạo ra do sự mất tổ chức.
4. Phòng ngừa biến chứng bàn chân tiểu đường
Để phòng ngừa biến chứng bàn chân tiểu đường, bệnh nhân cần phải thực hiện các phương pháp sau:
- Thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết và mỡ máu;
- Khám sức khỏe định kỳ;
- Nếu phát hiện các triệu chứng bất thường như đau trong lúc đi lại, lạnh 2 chân, ngứa ở da, đau cách hồi vùng bắp chân và bàn chân,... thì cần đến cơ sở y tế để khám ngay;
- Thực hiện một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh. Những người bệnh có vết thương bị loét thường trở nên chán ăn thì có thể lựa chọn cháo gạo lứt, yến mạch, rau xanh để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng mà không lo tăng đường huyết. Ngoài ra, người bệnh tiểu đường cũng nên ưu tiên nguồn cung cấp protein tốt từ cá, đậu,... vitamin và chất xơ từ trái cây tươi để tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp vết thương mau lành hơn.
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc uống cần dùng.
Tóm lại, ngón chân bị hoại tử là biến chứng tiểu đường nghiêm trọng nhất, xảy ra do các vết loét kéo dài, không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Khi tổn thương ở bàn chân gây ra những vết loét quá lớn, không được điều trị, trong điều kiện thiếu máu nuôi dưỡng sẽ khiến cho bàn chân bị hoại tử. Do đó, người bệnh tiểu đường cần phải thường xuyên kiểm tra bàn chân thường xuyên, khi có các vết thương thì phải chăm sóc đúng cách để không gây biến chứng nghiêm trọng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.