Các triệu chứng thể chất dễ nhận biết của bệnh Alzheimer

Căn bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, được đặc trưng bởi sự tích tụ của hai loại protein trong não: đám rối (tau) và mảng (amyloid-beta). Sau cùng, căn bệnh Alzheimer sẽ giết chết các tế bào não và cướp đi mạng sống của người bệnh. Thực tế là hầu hết mọi người đều biết bệnh Alzheimer ảnh hưởng đến trí nhớ. Nhưng các triệu chứng của bệnh có thể bao gồm cả thể chất cũng như tinh thần.

1. Kết nối giữa não và cơ thể trong bệnh Alzheimer

Mặc dù nguyên nhân của bệnh Alzheimer không được biết rõ, nhưng các bác sĩ cho rằng các triệu chứng của bệnh là do sự tích tụ của các protein có hại trong não của bạn được gọi là amyloid và tau. Các protein này tạo thành các khối lớn, được gọi là đám rối và mảng. Chúng cản trở hoạt động bình thường của não và giết chết các tế bào khỏe mạnh.

Tổn thương thường bắt đầu từ vùng não nơi hình thành ký ức của bạn. Những người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn đầu thường khó ghi nhớ mọi thứ. Khi bệnh trở nên nặng hơn, các mảng và cụm cũng xuất hiện trong các bộ phận của não phụ trách các hành vi của cơ thể. Các hoạt động hàng ngày như đi bộ, ăn uống, đi vệ sinh và nói chuyện trở nên khó khăn hơn.

Ảnh hưởng của bệnh sẽ khác nhau đối với mỗi người khi bệnh ngày càng nặng hơn. Tốc độ phát triển của bệnh có thể chậm, một số người sống đến 20 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh. Trong khi tuổi thọ trung bình sau khi được chẩn đoán căn bệnh này thường chỉ kéo dài thêm từ 4 đến 8 năm.

2. Thay đổi thể chất ở bệnh nhân Alzheimer

Những triệu chứng bạn có và thời điểm chúng xuất hiện là khác nhau đối với mỗi người. Một số người có vấn đề về thể chất trước khi tình trạng mất trí nhớ trở nên nghiêm trọng.

Trong một nghiên cứu, những người đi bộ chậm và giữ thăng bằng kém dễ được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer trong 6 năm sau đó.

Một số thay đổi bạn có thể gặp phải là:

  • Mất thăng bằng hoặc khả năng phối hợp vận động.
  • Cứng cơ
  • Bàn chân xáo trộn hoặc bị kéo khi bạn đi bộ
  • Khó đứng hoặc ngồi lên ghế
  • Cơ bắp yếu và mệt mỏi
  • Bạn ngủ khi nào và ngủ bao nhiêu
  • Khó kiểm soát bàng quang hoặc ruột
  • Co giật không kiểm soát được
Mất ngủ
Người bệnh có thể gặp tình trạng mất ngủ khi cơ thể thay đổi

3. Những thách thức của việc chăm sóc bệnh nhân Alzheimer

Theo thời gian, hầu hết những người bị bệnh Alzheimer mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Bạn có thể cần giúp đỡ ngay cả với những việc cơ bản như đánh răng, gội đầu và thay quần áo.

Thật khó để có một cuộc trò chuyện có ý nghĩa. Người chăm sóc được khuyến khích hạn chế giao tiếp với những chủ đề đơn giản và đặt những câu hỏi có câu trả lời dứt khoát. Trong giai đoạn sau, bạn có thể mất khả năng nói.

Bạn có thể trở nên khó nhai và nuốt thức ăn. Điều này làm tăng nguy cơ bạn bị mắc nghẹn hoặc hít phải thức ăn. Các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ của bạn sẽ cần phải được cắt thành nhiều phần nhỏ hoặc xay nhuyễn. Nếu bạn không ăn uống đầy đủ, bạn có thể bị suy dinh dưỡng hoặc mất nước. Chế độ ăn uống của bạn có thể được điều chỉnh để giúp cho việc ăn uống an toàn và bổ dưỡng. Uống vitamin và protein bổ sung có thể giúp bạn có được chất dinh dưỡng.

Tại một số thời điểm, bạn có thể cần phải chuyển đến một cơ sở chăm sóc nội trú để được chăm sóc. Nói chuyện với bác sĩ và gia đình của bạn về địa điểm tốt nhất cho nhu cầu của bạn.

4. Nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Alzheimer

Khi cơ thể bạn suy giảm, nó sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác, như:

  • Nhiễm trùng có thể phát triển khi hệ thống miễn dịch của bạn bắt đầu bị hỏng.
  • Viêm phổi có thể xuất hiện, đặc biệt nếu bạn vô tình hít phải thức ăn hoặc đồ uống.
  • Có nhiều khả năng xảy ra chấn thương do ngã.

Hầu hết những người bị bệnh Alzheimer sẽ chết vì viêm phổi, nhiễm trùng khác hoặc đau tim.

Tốt nhất bạn nên trò chuyện sớm về cách bạn muốn được chăm sóc. Những cuộc trò chuyện này có thể khó khăn, nhưng có kế hoạch có thể giúp bạn và gia đình bạn dễ dàng đối phó với căn bệnh này hơn.

5. Phòng bệnh Alzheimer

5.1. Cải thiện lối sống của bạn để ngăn ngừa bệnh Alzheimer

Những thói quen lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Hãy xem xét các bước sau để giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer.

  • Tập thể dục: Bằng chứng thuyết phục nhất đó là tập thể dục giúp ngăn ngừa sự phát triển của bệnh Alzheimer hoặc làm chậm sự tiến triển ở những người có triệu chứng”. Khuyến nghị được đưa ra đó là là 30 phút tập thể dục nhịp điệu vừa phải, trong ba đến bốn ngày mỗi tuần.
  • Ăn theo chế độ Địa Trung Hải: Điều này đã được chứng minh là có thể giúp ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng ngay cả việc tuân thủ một phần chế độ ăn uống như vậy vẫn tốt hơn là không có gì, điều này liên quan đến những người có thể cảm thấy khó tuân thủ hoàn toàn một chế độ ăn uống mới. Chế độ ăn bao gồm rau tươi và trái cây; các loại ngũ cốc; dầu ô liu; quả hạch; cây họ đậu; cá; một lượng vừa phải thịt gia cầm, trứng và sữa; một lượng vừa phải rượu vang đỏ; và rất ít thịt đỏ.
Chế độ ăn Địa Trung Hải
Người bệnh có thể áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải vào thực đơn hàng ngày

  • Ngủ đủ giấc: Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy giấc ngủ được cải thiện có thể giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer và có liên quan đến khả năng thanh thải amyloid ra khỏi não nhiều hơn. Mục tiêu cần đạt được đó là giấc ngủ kéo dài từ bảy đến tám giờ mỗi đêm.

5.2. Một số yếu tố có thể giúp phòng tránh bệnh Alzheimer

Các nhà khoa học có một số bằng chứng nhưng chưa đủ để cho thấy những lựa chọn lối sống sau đây giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer.

  • Học những điều mới: Các nhà khoa học cho rằng các hoạt động kích thích nhận thức có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh Alzheimer, nhưng bằng chứng cho lợi ích của chúng thường chỉ giới hạn ở sự cải thiện trong phạm vi những gì đã học, chẳng hạn như một bài kiểm tra kỹ năng tư duy, chứ không khái quát đến sự cải thiện tổng thể về kỹ năng tư duy và hoạt động.
  • Kết nối xã hội: Các nhà khoa học cho rằng tiếp xúc xã hội nhiều hơn sẽ giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer, nhưng cho đến nay chỉ có thông tin từ các nghiên cứu quan sát.
  • Uống rượu vừa phải: Có bằng chứng mâu thuẫn về lợi ích của việc uống rượu vừa phải (một ly mỗi ngày đối với phụ nữ, một hoặc hai ly đối với nam giới) và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Mặc dù các nhà khoa học không có đủ bằng chứng cho thấy tất cả các lựa chọn lối sống lành mạnh ngăn ngừa bệnh Alzheimer, nhưng chúng có thể ngăn ngừa các vấn đề mãn tính khác. Như việc hạn chế uống rượu có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư vú. Lời khuyên tốt nhất: thực hiện nhiều lựa chọn lối sống lành mạnh nhất có thể. Tất cả những lối sống này đều có lợi và nếu chúng giúp bạn tránh được bệnh Alzheimer thì càng tốt.

Hầu hết mọi người đều biết căn bệnh Alzheimer ảnh hưởng đến trí nhớ. Nhưng các triệu chứng của bệnh có thể bao gồm cả thể chất cũng như tinh thần. Căn bệnh này có thể thay đổi cách bạn đi bộ, nói chuyện và cách cơ thể bạn hoạt động. Điều quan trọng là phải nhận thức được những gì có thể xảy ra khi bệnh tiến triển. Điều này sẽ giúp bạn đón đầu những thay đổi mà bạn và những người thân yêu của bạn có thể gặp phải.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, health.harvard.edu

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

529 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan