Các biểu hiện lâm sàng HIV/AIDS ở trẻ em

Biểu hiện lâm sàng HIV/AIDS ở trẻ chủ yếu là các biểu hiện của nhiễm trùng cơ hội và các bệnh u. Biểu hiện lâm sàng sẽ làm thay đổi ở nhiều cơ quan và thường dễ nhầm với nhiều bệnh khác.

1. Biểu hiện lâm sàng trẻ bị nhiễm HIV

Trẻ nhiễm HIV sẽ tiến triển đến giai đoạn AIDS rất nhanh. Những nghiên cứu ban đầu cho thấy 50% trẻ bị AIDS được chẩn đoán trong năm đầu tiên sau khi sinh, và 82% vào lúc 3 tuổi.

1.1. Biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu

Với trẻ lây nhiễm dọc từ mẹ sang con, sau khi đẻ trẻ vẫn bình thường, hoặc chỉ có biểu hiện trẻ nhẹ cân. Sau nhiễm HIV là giai đoạn virus thâm nhập dòng máu, có thể có một số biểu hiện giống như nhiễm virus khác như sốt nhẹ, đau mỏi cơ, không có gì đặc hiệu.

1.2. Nhiễm trùng cơ hội

  • Nhiễm trùng do nấm: Candida, cryptococcus, Aspergillosis, Histoplasma.
  • Nhiễm ký sinh trùng: Toxoplasma, viêm ruột do cryptosporidium, amip, sốt rét.
  • Nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn: Lao, Mycobacterium avium.
  • Nhiễm trùng dạ dày -ruột do salmonella, Shigella, E. coli, Campylobacter. Nhiễm trùng da do chốc lở do tụ cầu, liên cầu.
  • Nhiễm trùng tiết niệu do E. Coli.
  • Giang mai, lậu.
  • Nhiễm trùng do virus : Cytomegalovirus, Herpes simplex, zona, thủy đậu, sởi, viêm gan virus, Epstein Barr virus.
  • Viêm phổi: ở trẻ bị nhiễm HIV, viêm phổi do Pneumocystis carinii và Viêm phổi do Cytomegalovirus là nhiễm trùng cơ hội phổ biến nhất, chiếm 52% bệnh nhi.

Điều trị nhiễm trùng cơ hội tốt sẽ làm giảm nguy cơ tử vong ở trẻ bị nhiễm HIV hàng năm.

Trẻ nhỏ nhiễm HIV
Nhiễm trùng cơ hội ở trẻ nhiễm HIV

1.3. Biểu hiện ở đường tiêu hóa

Tiêu chảy và khó nuốt là những biểu hiện phổ biến tới 30-40% ở trẻ bị nhiễm HIV.

Tiêu chảy kéo dài nhiều tuần, gây mất nước và sụt cân. Nguyên nhân tiêu chảy thường do các tác nhân ở ruột như E.coli, Shigella, Salmonella, Campylobacter, Entamoeba histolytica,... Tuy nhiên, nhiều trường hợp tiêu chảy này đáp ứng với phương pháp điều trị.

Nguyên nhân gây khó nuốt ở trẻ nhiễm HIV là do bị nhiễm nấm Candida ở miệng hoặc thực quản. Bệnh cũng sẽ đáp ứng điều trị với các thuốc chống nấm.

1.4. Biểu hiện ở da

Biểu hiện ở da là triệu chứng HIV ở trẻ em rất phổ biến. Nhiều biểu hiện da có thể chẩn đoán lâm sàng như zoster, nhiễm virus herpes, nấm Candida ở miệng, hậu môn, sinh dục, chốc lở, mụn nhọt tái diễn, viêm lỗ chân lông, nhiễm papova virus gây các u nhầy ở vùng cổ và thân mình, sẩn ngứa, bạch sản ở rìa lưỡi.

1.5. Nổi hạch toàn thân

Hạch nổi toàn thân xảy ra sớm trong quá trình nhiễm HIV. Biểu hiện lâm sàng là:

  • Hạch sưng to trên 1cm, kéo dài trên 3 tháng;
  • Nhiều hạch ở nhiều vùng bạch huyết, thường ở bẹn, nách, và các nơi khác;
  • Hạch chắc, không đau.
  • Khi bệnh tiến triển nặng dần thì hạch nhỏ lại dần và biến mất, nên hạch đang to rồi nhỏ lại dần là dấu hiệu tiên lượng nặng.
  • Nếu hạch xuất hiện trở lại sau khi biến mất thì có thể là hạch của bệnh lao, hạch của di căn ung thư hay bệnh u lympho.

1.6. Các bệnh tự miễn

Nhiều bệnh tự miễn xảy ra ở trẻ bị nhiễm HIV, cụ thể:

  • Giảm tiểu cầu tự miễn: Gây xuất huyết dưới da, đa số phát hiện thấy kháng thể kháng tiểu cầu và phức hợp miễn dịch trong máu.
  • Thiếu máu tan máu tự miễn: Giải pháp là phải truyền máu cho trẻ.
  • Bệnh tự miễn ở tim mạch như: Viêm màng ngoài tim tăng tế bào đơn nhân to, viêm cơ tim, viêm màng trong tim.

1.7. Biểu hiện thần kinh

Biểu hiện lâm sàng về thần kinh ở trẻ bị nhiễm HIV khá cao. Các biểu hiện này chủ yếu do nhiễm virus HIV gây ra, phần khác do nhiễm trùng cơ hội và ung thư gây ra.

Các triệu chứng HIV ở trẻ em trong biểu hiện lâm sàng này thường bắt đầu bằng các biểu hiện:

  • Giảm chức năng trí tuệ;
  • Rối loạn trí nhớ;
  • Rối loạn vận động;
  • Bất thường về trương lực cơ, bại não;
  • Rối loạn cảm giác.
  • Trong hai năm đầu có thể có não bé. Chụp cắt lớp điện toán thấy hiện tượng teo não với não thất giãn.

2. Chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV

Trẻ có HIV
Trẻ nhiễm HIV cần được chăm sóc đặc biệt

Dinh dưỡng: Vì HIV tìm thấy trong sữa mẹ, ngay cả trong sữa non, nguy cơ lây nhiễm từ sữa ở mẹ có HIV dương tính cho con là 15-20%, vì vậy hãy thay sữa mẹ bằng sữa thay thế. Không cho trẻ vừa bú mẹ vừa bú sữa thay thế bởi làm tăng cơ hội cho virus HIV xâm nhập cơ thể trẻ.

Hỗ trợ về tinh thần: Những trẻ nhiễm HIV vẫn được đến nhà trẻ, mẫu giáo, đi học bình thường vì không có nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường, cần giữ bí mật để trẻ không bị định kiến hoặc xa lánh, chỉ có thầy thuốc, cô giáo, cô nuôi dạy trẻ, người thân trong gia đình biết để phối hợp chăm sóc, theo dõi, dạy dỗ, giúp đỡ trẻ. Nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, tổ chức nhân đạo, từ thiện với gia đình của trẻ.

Vệ sinh cơ thể: Chăm sóc vệ sinh da, mũi họng, răng miệng thường xuyên cho trẻ để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng cơ hội.

Theo dõi sức khỏe: Trẻ bị nhiễm HIV cần phải được theo dõi sức khỏe thường xuyên. Thăm khám định kỳ, để phát hiện sớm tiến triển của bệnh, tình trạng miễn dịch và nhiễm trùng.

Tiêm chủng: Là biện pháp dự phòng quan trọng với trẻ nhiễm HIV, mặc dù đáp ứng tạo kháng thể sau tiêm chủng là kém. Tuy vậy tổ chức y tế thế giới khuyến cáo vẫn tiêm chủng cho trẻ không có triệu chứng kể cả đã có triệu chứng.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan