Nhiều nghiên cứu đã cho thấy nếu như không có các biện pháp dự phòng thì tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn bú sữa mẹ có thể chiếm đến 30%. Nếu như không có đủ điều kiện để nuôi con bằng sữa ngoài thay thế thì bắt buộc phải cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn chứ tuyệt đối không nên cho trẻ vừa bú sữa mẹ, vừa uống sữa ngoài, bởi việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm HIV với trẻ.
1. Tìm hiểu về bệnh HIV/AIDS
HIV về mặt y học là một loại virus có khả năng gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở con người, nó có thể gây nên những tổn thương nghiêm trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm mất đi khả năng chống lại những căn bệnh nguy hiểm khiến người bệnh tử vong.
Người bị nhiễm HIV giai đoạn cuối hay còn gọi là AIDS sẽ rất dễ mắc phải các căn bệnh nhiễm trùng cơ hội, bệnh ung thư hay các bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch. Thông thường thời gian chuyển từ HIV sang AIDS sẽ mất khoảng 5 năm.
Cho đến hiện tại, HIV được coi là căn bệnh thế kỷ chưa có thuốc chữa. Do vậy, để phòng tránh lây nhiễm HIV thì cần phải có kiến thức và sự hiểu biết về căn bệnh này.
2. Mẹ nhiễm HIV cho con bú có bị lây truyền không?
Mẹ nhiễm HIV cho con bú là một trong những con đường lây truyền mầm bệnh từ mẹ sang con. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, người mẹ bị nhiễm HIV nếu không được điều trị dự phòng thì sẽ có khả năng lây bệnh sang cho con theo các giai đoạn như: lây bệnh từ khi còn trong bào thai (chiếm khoảng 5-10%), trong quá trình chuyển dạ (chiếm khoảng 10-15% ) và trong giai đoạn cho con bú (khoảng 30%). Trong đó, nếu mẹ bị nhiễm HIV cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ thì trong 6 tháng tỷ lệ trẻ lây nhiễm HIV là 20-35%, trong 24 tháng là khoảng 45%.
Nguyên nhân lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn cho con bú được xác định là trong sữa mẹ bị nhiễm HIV cũng có chứa virus HIV. Do đó, thời gian trẻ bú sữa mẹ càng dài thì nguy cơ nhiễm bệnh càng cao. Chưa kể, trong quá trình bú mẹ nếu trẻ bị viêm nhiễm khoang miệng hay đầu vú của mẹ bị nứt, chảy máu thì khả năng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con sẽ rất cao.
3. Vì sao mẹ nhiễm HIV không nên cho trẻ vừa bú sữa mẹ vừa ăn sữa ngoài?
Mặc dù sữa mẹ vẫn luôn được khuyến cáo là nguồn thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh, giúp trẻ có sức đề kháng để chống lại nhiều căn bệnh, tuy nhiên đối với những đứa trẻ được sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV thì để đảm bảo an toàn, các tổ chức Y tế vẫn khuyến cáo nên cho trẻ bú sữa thay thế hoàn toàn.
Sở dĩ không nên cho trẻ được sinh ra bởi người mẹ bị nhiễm HIV vừa bú sữa mẹ, vừa ăn sữa ngoài là vì nếu làm như vậy hệ thống tiêu hóa và miễn dịch non nớt của trẻ sơ sinh sẽ càng dễ bị rối loạn và làm tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. So với kiểu ăn hỗn hợp như thế thì việc cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ bị HIV trong những tháng đầu đời thậm chí còn có nguy cơ lây nhiễm HIV thấp hơn.
Do đó, nếu như hoàn cảnh gia đình không quá khó khăn thì để đảm bảo an toàn nhất, mẹ nên lựa chọn nuôi con bằng sữa công thức hoàn toàn. Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học thì đã có rất nhiều loại sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh được đánh giá là gần giống với sữa mẹ (cả về vị và chất lượng) nên sẽ giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ một cách hoàn chỉnh.
4. Phòng tránh lây nhiễm HIV khi cho con bú bằng cách nào?
Nếu vì một lý do nào đó mà mẹ bị nhiễm HIV buộc phải cho con bú thì cần đảm bảo một số điều kiện sau:
- Phải vệ sinh đầu vú thật sạch sẽ trước khi cho trẻ bú sữa mẹ;
- Phải cho trẻ bú đúng cách để tránh làm nứt, viêm đầu vú của mẹ;
- Trường hợp trẻ bị viêm nhiễm khoang miệng hay mẹ bị viêm da thì tốt nhất nên điều trị dứt điểm rồi mới cho trẻ bú mẹ trực tiếp;
- Dụng cụ pha sữa cần phải được tiệt trùng thật kỹ, giữ vệ sinh tuyệt đối;
- Cần ngừng cho trẻ bú sữa mẹ càng sớm càng tốt, muộn nhất là khi trẻ đã bước vào giai đoạn ăn dặm;
- Khi trẻ ngừng bú sữa mẹ thì phải cho trẻ sử dụng các loại thức ăn thay thế như sữa bột, bột, cháo... đảm bảo dinh dưỡng.
Mặt khác, trẻ được sinh ra bởi mẹ bị nhiễm HIV cần được theo dõi và xét nghiệm định kỳ nhằm xác định sớm tình trạng nhiễm HIV và điều trị dự phòng các nhiễm trùng cơ hội. Trường hợp kết quả xét nghiệm ở trẻ là dương tính HIV thì cần phải có phác đồ điều trị ngay lập tức. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm là âm tính thì đứa trẻ vẫn cần được tiến hành các xét nghiệm sau khi kết thúc giai đoạn cho bú để kiểm tra xem trẻ có bị lây truyền mầm bệnh virus HIV từ mẹ sang trong thời gian cho bú hay không.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.