Bệnh do virus Cytomegalo gây điếc

Bệnh do vi rút Cytomegalo (CMV) là bệnh lý nhiễm trùng hàng đầu gây ra điếc, mù bẩm sinh và chậm phát triển trí tuệ. Tuy là một bệnh truyền nhiễm nhưng hiện nay chưa có tài liệu nào (cả trong nước và quốc tế) nói vi rút Cytomegalo gây ra những đại dịch.

1. Sơ lược về virus Cytomegalo

Virus Cytomegalo (CMV) là loại vi rút thuộc nhóm Herpes, tên gọi từ tế bào bị nhiễm vi rút phồng to lên. Siêu vi này chứa ADN chuỗi đôi, dạng thẳng, với kích thước khoảng 235 kb. Hệ gen siêu vi được chia thành hai vùng: một vùng dài (UL), một vùng ngắn. Vùng dài chứa hai gen mã hóa cho hai protein đóng vai trò chính trong điều trị kháng virus, bao gồm cả ganciclovir. Sản phẩm từ UL54 là men ADN polymerase và là mục tiêu tấn công của một số thuốc điều trị siêu vi được chỉ định trong điều trị nhiễm CMV bẩm sinh có triệu chứng. Sản phẩm từ UL97 là một men phosphotransferase cần thiết cho quá trình phosphoryl hóa của ganciclovir để chuyển thuốc này thành dạng hoạt động trong cơ thể sống. Miễn dịch dịch thể nhằm chống lại CMV tập trung chính vào hai protein vỏ: glycoprotein B và glycoprotein H. Phần lớn các tế bào trên cơ thể người đều dễ cảm nhiễm với CMV, nhất là fibroblast, tế bào biểu mô, tế bào nội mô, đại thực bào và tế bào cơ. Thời gian ủ bệnh chính xác vẫn còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên được cho là vào khoảng 1-2 tháng.

XEM THÊM:

Virus Cytomegalo
Virus Cytomegalo có thời gian ủ bệnh dài từ 1 - 2 tháng

2. Đặc điểm của bệnh do vi rút Cytomegalo

2.1. Định nghĩa ca bệnh

Ca bệnh lâm sàng:

  • Có tới 95% ca bệnh không có dấu hiệu lâm sàng. Các triệu chứng lâm sàng bao gồm sốt, yếu cơ, mệt mỏi, sưng hạch ngoại vi, hạch nội tạng, gan lách to, kèm theo tổn thương trên da.
  • Có khoảng 80 - 100% các ca bệnh có các biểu hiện trên da như sẩn màu đỏ, chấm xuất huyết, nốt xuất huyết, mày đay, hồng ban cứng. Trẻ em nhiễm virus Cytomegalo bẩm sinh thường có vàng da, thiếu máu, hạ tiểu cầu, gan lách to, sẩn ngứa, các cục dưới da, viêm màng mạch võng mạc (chorioretinitis). Thai nhi nếu nhiễm CMV sẽ chậm phát triển ở tử cung.

Ca bệnh được xác định khi tìm thấy CMV hoặc kháng thể đặc hiệu với CMV trong bệnh phẩm.

2.2. Chẩn đoán phân biệt

  • Nhiễm trùng bạch cầu đơn nhân.
  • Toxoplasmosis.
  • Viêm gan vi rút.
  • U lympho.

2.3. Xét nghiệm

Các xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định nhiễm CMV bao gồm: phân lập siêu vi CMV, tìm kháng thể - kháng nguyên CMV, thử nghiệm PCR tìm CMV-DNA hoặc quan sát trực tiếp bằng kính hiển vi điện tử.

Phân lập vi rút:

  • Bệnh phẩm: nước rửa họng, nước tiểu.
  • Cấy bệnh phẩm vào tế bào và quan sát sự thay đổi tế bào sau 1-2 tuần lễ sẽ cho hình ảnh tế bào bị phồng to chứa nhiều thể vùi trong nhân tế bào.
  • Do sự phá hủy tế bào xảy ra chậm (1-2 tuần) nên khuyết điểm của phương pháp này là thời gian đọc kết quả lâu.
  • Phân lập vi rút kết hợp với chuyển đổi huyết thanh là phương pháp ưu việt nhất để chẩn đoán sơ nhiễm CMV ở người bình thường.

Chẩn đoán huyết thanh học:

  • Thử nghiệm trung hòa, miễn dịch huỳnh quang để tìm kháng thể rất hữu ích trong chẩn đoán các trường hợp nhiễm trùng bẩm sinh nhưng không có biểu hiện lâm sàng.
  • Các kháng thể đặc hiệu chống CMV bao gồm IgM, IgA và IgG. Kháng thể có trong sữa mẹ sẽ không ngăn chặn được sự lây truyền từ mẹ sang con và hạn chế được sự trầm trọng của bệnh.
  • Bệnh nhân khi nhiễm CMV sẽ mang kháng thể IgG dương tính suốt đời.

XEM THÊM: Nhiễm virus cytomegalo (CMV) khi mang thai

Chẩn đoán CMV
Các xét nghiệm chẩn đoán giúp xác định được tình trạng nhiễm CMV

3. Đặc điểm dịch tễ học

Bệnh do vi rút Cytomegalo có thể gặp bất kỳ nơi nào trên thế giới. Theo một số tài liệu cho thấy, có khoảng 80 - 100% dân số Châu Phi; 60 - 70% dân số Hoa Kỳ và Tây Âu; 90-100% trẻ em và người lớn ở các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế thấp cho kết quả dương tính với huyết thanh chẩn đoán vi rút. Ở Hoa Kỳ khoảng 0,5-1,5% trẻ sơ sinh nhiễm CMV. Hiện chưa có tài liệu nào nghiên cứu về phân bố thời gian nhiễm CMV. Ở Việt Nam, chưa có công trình nghiên cứu nào nói về tỷ lệ nhiễm CMV.

4. Nguồn truyền nhiễm và phương thức lây truyền

Ổ chứa virus cytomegalo là người nhiễm bệnh có triệu chứng và người bệnh không có triệu chứng. Chưa có tài liệu nào nói CMV có thể tồn tại trong tự nhiên. Thời gian ủ bệnh của vi rút khoảng 4 - 8 tuần. Virus Cytomegalo lây truyền trong thời kỳ toàn phát, thời kỳ lui bệnh.

Đường miệng và đường hô hấp là đường lây nhiễm virus nổi bật nhất. Ngoài ra, virus còn có thể lây truyền từ người sang người qua nước bọt, nước tiểu, tinh dịch, sữa, dịch tiết của tử cung âm đạo. Truyền máu, ghép phủ tạng của người bệnh nhiễm vi rút, quan hệ tình dục với người nhiễm vi rút cũng là đường lây truyền cần đặc biệt lưu ý.

Lây bằng bằng đường hô hấp
Phương thức lây truyền chính của vi rút cytomegalo là qua đường hô hấp

5. Các biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Cytomegalo

Biện pháp dự phòng: Quan hệ tình dục với người nhiễm vi rút phải dùng bao cao su.

Biện pháp chống dịch là cách ly người bệnh. Vắc xin sống CMV hiện đang được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện.

Nguyên tắc điều trị: sử dụng các thuốc kháng vi rút

  • Thuốc dùng đường tiêm tĩnh mạch: Ganciclovir, Cidofovir, Foscarnet
  • Thuốc dùng đường uống: Valacyclovir, Acyclovir.

Virus Cytomegalo (CMV) là loại vi rút thuộc nhóm Herpes gây ra bệnh mù, điếc bẩm sinh và chậm phát triển trí tuệ. Vì thế, mỗi người cần nắm được thông tin để phòng ngừa, tránh việc lây truyền, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

607 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan