Những người thường xuyên bị mất ngủ sẽ làm ảnh hưởng tới nhiều rối loạn trong cơ thể, một trong những rối loạn đó là trầm cảm. Ngược lại mất ngủ cũng là triệu chứng thường gặp ở những bệnh nhân bị mắc bệnh trầm cảm.
1. Trầm cảm là gì?
Trầm cảm lâm hay gọi là rối loạn trầm cảm là một rối loạn tâm trạng phổ biến gây ra những thay đổi trong cảm xúc và suy nghĩ của người bệnh. Tất cả chúng ta đều cảm thấy buồn bã khi một sự việc không theo ý muốn xảy ra, nhưng trầm cảm gây ra những thay đổi tâm trạng dữ dội, kéo dài hơn và các triệu chứng thể chất khiến chúng ta khó ngủ, khó làm việc và hoạt động trong cuộc sống hàng ngày.
Mặc dù mỗi người đều có thể trải qua trầm cảm một cách khác nhau, nhưng các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:
- Thường xuyên có cảm giác buồn bã, lo lắng, tuyệt vọng hoặc trống rỗng
- Hay cáu gắt
- Mất hứng thú với các hoạt động từng mang lại niềm vui trước đấy.
- Cảm giác thiếu năng lượng
- Khó tập trung vào việc làm hoặc khó đưa ra quyết định.
- Khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ quên.
- Thay đổi cảm giác thèm ăn, có thể làm tăng sự thèm ăn hay chán ăn hoặc thói quen ăn uống
- Trong một số trường hợp nặng, suy nghĩ tự tử hoặc cố gắng tự sát.
Bệnh trầm cảm có thể liên quan tới nhiều yếu tố như tiền sử gia đình, các tác nhân gây căng thẳng hoặc trải nghiệm đau thương, các tình trạng bệnh lý khác hoặc một số loại thuốc nhất định. Các nguy cơ trên làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh trầm cảm.
2. Mối liên hệ giữa mất ngủ và trầm cảm
Mối quan hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe tâm thần, hay đặc biệt là bệnh trầm cảm được rất nhiều chuyên gia y tế quan tâm. Người ta nhận thấy mối quan hệ qua lại giữa hai yếu tố này là mối quan hệ hai chiều.
Cụ thể, thiếu ngủ không chỉ là hậu quả của bệnh trầm cảm. Bản thân tình trạng mất ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn cũng có thể gây ra bệnh trầm cảm hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm. Một số nghiên cứu tổng hợp đã chỉ ra những người thường xuyên bị mất ngủ và họ không có tiền sử trầm cảm trước đó, thì họ sẽ có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn gấp bốn lần so với những người không có tiền sử mất ngủ. Không chỉ như vậy, những người bị trầm cảm nếu mất ngủ có nguy cơ đối mặt với tình trạng trầm cảm nặng hơn.
Việc mất ngủ gây trầm cảm có thể được lý giải bởi một số nguyên nhân như:
- Mất ngủ có thể làm suy giảm tâm trạng và suy giảm tâm trạng sẽ khiến chúng ta khó khăn hơn trong việc đối mặt với các áp lực từ cuộc sống.
- Một số người lạm dụng việc sử dụng thuốc điều trị mất ngủ cũng khiến nguy cơ mắc bệnh trầm cảm gia tăng.
- Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy rằng tình trạng mất ngủ trầm trọng, hoặc giảm ngủ theo thời gian, có thể dẫn đến trầm cảm do có những thay đổi trong chất dẫn truyền thần kinh serotonin của não.
- Giấc ngủ quan trọng với cơ thể, bởi trong khi chúng ta ngủ thì cơ thể phát triển, sửa chữa, duy trì sự cân bằng lành mạnh của các hormone và duy trì khả năng miễn dịch khỏe mạnh. Từ đó, giúp ta hạn chế mắc các bệnh mạn tính, bệnh nhiễm khuẩn...nhưng nếu chúng ta không ngủ đủ thì sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Chính những bệnh lý này cũng góp phần gây bệnh trầm cảm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp người bệnh vừa thiếu ngủ và vừa mắc bệnh trầm cảm thì cũng không dễ để tìm ra cái nào có trước. Nhưng việc điều trị các vấn đề về giấc ngủ sớm có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm và ngăn ngừa tình trạng tăng nặng bệnh trầm cảm.
3. Làm sao để điều trị và cải thiện giấc ngủ
Mất ngủ có thể có nhiều mức độ khác nhau, việc điều trị phù thuộc vào mức độ bệnh có thể dùng thuốc, liệu pháp và cần kết hợp thay đổi lối sống.
3.1 Điều trị bằng thuốc
Khi tình trạng mất ngủ không thể cải thiện bằng các biện pháp không dùng thuốc thì bác sĩ có thể cần kê đơn một số loại thuốc giúp an thần.
Thường thuốc giúp an thần gây ngủ được kê đơn trong thời gian ngắn để giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ. Chúng có thể bao gồm các loại thuốc như Ambien, Edluar, Intermezzo hoặc Zolpimist (zolpidem)...
Cần lưu ý một số loại thuốc ngủ kê đơn có thể gây nghiện, làm cho bạn phụ thuộc vào thuốc. Bạn cần sử dụng thuốc theo đơn và không tự ý sử dụng khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.
3.2 Liệu pháp hành vi nhận thức
Khi việc mất ngủ của bạn trở nên trầm trọng hơn và đôi khi kết hợp với các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm thì bạn cần được tư vấn và điều trị bởi những chuyên gia về tâm thần. Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) cho chứng mất ngủ có thể giúp điều chỉnh lại những phản ứng mất ngủ này theo hướng tích cực hơn và xây dựng niềm tin rằng bạn có thể có một giấc ngủ ngon. Có một số bằng chứng ủng hộ loại liệu pháp này đối với chứng mất ngủ và đây cũng là một phương pháp điều trị chứng trầm cảm đã được chứng minh.
3.3 Thay đổi lối sống
Thay đổi thói quen sinh hoạt là điều rất quan trọng giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn. Một số biện pháp bạn có thể sử dụng bao gồm:
- Tạo một lịch trình ngủ: Đặt thời gian cụ thể để đi ngủ và thức dậy để đảm bảo bạn đạt được giấc ngủ ngon từ bảy đến chín giờ mỗi đêm.
- Tránh caffeine, rượu và các bữa ăn lớn vài giờ trước khi bạn đi ngủ.
- Làm tối không gian của bạn một giờ trước khi đi ngủ: Các công cụ như rèm che, đèn mờ, phòng ngủ không có thiết bị điện tử có thể giúp không gian tối hơn.
- Tạo sự thoải mái cho không gian ngủ của bạn . Bật điều hòa không khí để có một phòng ngủ mát mẻ và tự thưởng cho mình những chiếc gối nâng đỡ và ga trải giường sắc nét cũng có thể hỗ trợ giấc ngủ.
- Tăng cường hoạt động thể chất, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời giúp bạn tăng tương tác giữa đồng hồ sinh học và ánh sáng mặt trời hơn. Mặc dù, thiếu ngủ có thể khiến chúng ta khó tập luyện thể dục hơn nhưng điều đó rất đáng giá. Vận động có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ nhanh hơn, có giấc ngủ sâu phục hồi hơn và ít thức giấc hơn suốt đêm.
- Thư giãn: Nên tự tập các bài tập thư giãn cơ thể trước khi đi ngủ như hít thở, thư giãn cơ, thiền...
Mất ngủ và trầm cảm có tác động qua lại với nhau. Người ta nhận thấy việc cải thiện giấc ngủ không chỉ giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ bệnh trầm cảm, mà đây cũng là một biện pháp giúp cho những bệnh nhân đang mắc bệnh trầm cảm cải thiện triệu chứng bệnh hơn.
Mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, cả về sức khỏe thể chất và tinh thần. Vì thế, bạn cần nắm rõ được các nguyên nhân gây mất ngủ để có liệu pháp và thăm khám khi cần thiết.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.