Tầm soát ung thư vú bằng biện pháp siêu âm là một phương pháp sàng lọc bệnh phổ biến. Ngoài ung thư vú, siêu âm vú còn được chỉ định để kiểm tra các bệnh lý khác ở tuyến vú. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn chưa hiểu rõ về vai trò quan trọng của siêu âm vú trong việc sàng lọc và phát hiện sớm bệnh ung thư.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ - Khoa sản phụ khoa Bệnh viện ĐKQT Vinmec Đà Nẵng.
1. Siêu âm vú là gì?
Siêu âm vú là một phương pháp sử dụng sóng siêu âm để quan sát tuyến vú, giúp tái tạo hình ảnh và cấu trúc của tuyến vú, từ đó phát hiện những thay đổi bất thường về mặt hình thái của tuyến vú.
Đến nay, siêu âm vú vẫn được coi là một kỹ thuật an toàn, đơn giản, chi phí hợp lý, không sử dụng tia phóng xạ, không xâm lấn, không gây đau và mang lại kết quả nhanh chóng. Phương pháp này cũng phù hợp cho mọi đối tượng từ trẻ em đến người già.
Do những ưu điểm này, siêu âm vú được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới để phát hiện sớm, chẩn đoán và theo dõi các biến đổi không bình thường ở tuyến vú, nhất là trong việc tầm soát ung thư vú.
3. Vì sao cần tầm soát ung thư vú?
Tầm soát ung thư vú giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, đây được xem là yếu tố quyết định trong việc điều trị hiệu quả bệnh. Khi sớm phát hiện, các biện pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, cùng với việc kết hợp với các phương pháp tiên tiến khác như liệu pháp hormone, liệu pháp điều trị nhắm trúng đích có thể cứu sống bệnh nhân mắc ung thư vú.
Tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư vú ở giai đoạn 1 thường rất cao (trên 5 năm), đạt từ 80-90%.
4. Tầm soát bệnh lý tuyến vú vào thời điểm nào?
Lựa chọn thời điểm tầm soát ung thư vú có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả chẩn đoán bệnh tuyến vú. Các chị em nên thực hiện tầm soát bệnh tuyến vú sau khi chu kỳ kinh nguyệt đã qua ít nhất một tuần.
Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng biến động hormone sinh sản có thể làm thay đổi mật độ tổ chức bên trong tuyến vú theo chu kỳ kinh nguyệt. Điều này gây ra sự mờ đục và dẫn đến khó phát hiện các khối u nhỏ ở giai đoạn sớm trong hình ảnh X-quang của tuyến vú, nhất là với phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh.
5. Siêu âm vú và các phương pháp tầm soát ung thư vú khác ở phụ nữ
Hiện nay, có 5 phương pháp bao gồm: tự khám, khám lâm sàng, chụp nhũ ảnh, MRI vú và siêu âm vú. Trong số này, siêu âm vú được coi là phương pháp tầm soát ung thư đầu tiên với nhiều ưu điểm so với các phương pháp khác.
Siêu âm tuyến vú giúp nâng cao khả năng phát hiện ung thư vú trên mô vú dày của phụ nữ châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây được các chuyên gia coi là phương pháp tầm soát ung thư vú đầu tiên với quy trình đơn giản, thời gian thực hiện nhanh chóng, kết quả chính xác cao, chi phí hợp lý.
Bốn phương pháp tầm soát và phát hiện ung thư vú khác, bao gồm:
- Tự khám vú: Tự khám vú không làm giảm tần suất và tỷ lệ tử vong do ung thư vú, nhưng vẫn được khuyến khích thực hiện nhằm thúc đẩy sự quan tâm đến sức khỏe của phụ nữ và nhận thức về bệnh lý.
- Khám lâm sàng: Phương pháp này chỉ dành cho mục đích chẩn đoán bệnh.
- Chụp nhũ ảnh: Chụp nhũ ảnh là một phương pháp tầm soát ung thư vú nhằm giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, phụ nữ trên 50 tuổi nên thực hiện tầm soát mỗi 2 năm/ lần và cần xem xét về mức độ tiếp xúc với tia X, chi phí và mức độ lo lắng tăng cao.
- MRI vú: Phương pháp này không nhạy để phát hiện ung thư ống tuyến vú.
6. Đối tượng nào cần được kiểm tra định kỳ?
Trong thời đại hiện nay, do xu hướng trẻ hóa của ung thư vú, việc sàng lọc ung thư vú được khuyến khích cho tất cả phụ nữ trên 30 tuổi, nhất là những người có nguy cơ cao như:
- Có người trong gia đình (ba hoặc mẹ) từng mắc bệnh ung thư vú.
- Mẹ hoặc chị em đã từng mắc bệnh ung thư vú.
- Mẹ hoặc chị em đã được xác định mang đột biến gen BRCA1/2.
- Từng mắc bệnh liên quan đến tuyến vú.
7. Rủi ro và chăm sóc sau khi tầm soát
Quá trình tầm soát ung thư vú có thể phát hiện sớm bệnh tuyến vú, nhưng cũng mang theo một số rủi ro như sau:
- Kết quả âm tính giả: Tầm soát không phải luôn phát hiện được ung thư. Trong một số trường hợp, các xét nghiệm không cho ra kết quả ác tính, dẫn đến việc bỏ sót ung thư vú.
- Kết quả dương tính giả: Ở một số trường hợp, các xét nghiệm có thể phát hiện ra sự bất thường mặc dù không có dấu hiệu của ung thư vú.
Sau khi đã thực hiện quá trình tầm soát bệnh tuyến vú, mọi người nên:
- Tiếp tục tự khám vú hàng tháng sau chu kỳ kinh nguyệt để nhận biết sớm các biểu hiện bất thường và báo cáo cho bác sĩ.
- Chăm sóc da vùng ngực.
- Tuân thủ lịch tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ, tùy thuộc vào tình trạng thay đổi trên tuyến vú và nguy cơ ung thư vú của bệnh nhân.
- Duy trì một lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn, hạn chế hút thuốc lá và uống rượu bia.
8. Máy siêu âm nào có khả năng tầm soát ung thư vú?
Invenia TM ABUS là một hệ thống siêu âm 3D tiên tiến, là sản phẩm duy nhất đã được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ chứng nhận là có tác dụng hỗ trợ trong quá trình sàng lọc và tầm soát ung thư vú đối với các bệnh nhân có mô vú đặc.
So với một số máy siêu âm khác sử dụng đầu dò 3D trong quá trình kiểm tra vú, Invenia TM ABUS được thiết kế đặc biệt để thực hiện siêu âm vú 3D. Với hình ảnh có độ phân giải cao, trang thiết bị chuyên biệt này cho phép phát hiện các tổn thương vú cực nhỏ mà siêu âm 2D có thể bỏ qua.
Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng tự hào là một trong những cơ sở sở hữu Invenia TM ABUS, thiết bị siêu âm tiên tiến nhất thế giới. Mọi người có thể hoàn toàn yên tâm về hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, dịch vụ chuyên nghiệp và giá cả hợp lý khi đến với Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.