Chu kỳ kinh nguyệt là gì? Đây là một trong những biểu hiện của giai đoạn dậy thì đối với nữ giới. Ở giai đoạn này, cơ thể bắt đầu có sự thay đổi và trở nên giống người lớn hơn. Chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên thường xuất hiện trong độ tuổi từ 12 đến 14. Nhưng, có một số trường hợp, lần đầu có kinh nguyệt có thể xuất hiện sớm hơn hoặc trễ hơn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thanh Hà, chuyên ngành Sản phụ khoa, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
1. Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Khi bước vào tuổi dậy thì, não sẽ bắt đầu gửi tín hiệu để cơ thể bắt đầu sản xuất hormone. Một số hormone có tác dụng chuẩn bị cho cơ thể phụ nữ mỗi tháng để có thể thụ thai. Quá trình này được gọi là chu kỳ kinh nguyệt.
Các hormone này khiến lớp niêm mạc tử cung dày lên, chứa nhiều mạch máu và mô hơn. Sau đó, một trong hai buồng trứng sẽ phóng thích trứng, quá trình này gọi là rụng trứng. Sau khi rụng, trứng di chuyển qua ống dẫn trứng đến tử cung để chuẩn bị làm tổ.
Nếu trứng không được thụ tinh bởi tinh trùng do cơ thể nam giới sản xuất, quá trình mang thai sẽ không diễn ra. Lúc này, lớp niêm mạc tử cung sẽ bong ra và được đẩy ra ngoài qua đường âm đạo. Giai đoạn này được gọi là hành kinh, khi đó, máu và mô từ lớp niêm mạc tử cung được loại bỏ khỏi cơ thể.
2. Thời gian bình thường của một chu kỳ kinh nguyệt là bao lâu?
Chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên thường chỉ kéo dài vài ngày và lượng máu có thể rất ít, đôi khi chỉ là một vài đốm máu màu nâu đỏ. Tuy nhiên, những kỳ kinh sau đó có thể kéo dài lâu hơn và có lượng máu nhiều hơn. Thời gian có kinh nguyệt nếu kéo dài từ 2 đến 7 ngày thì sẽ được coi là bình thường.
3. Chu kỳ kinh nguyệt được tính như thế nào?
Chu kỳ kinh nguyệt (kỳ kinh) được tính từ ngày đầu tiên ra máu của kỳ này đến ngày đầu tiên ra máu của kỳ tiếp theo. Vậy thời gian của một kỳ kinh kéo dài bao lâu? Trung bình, một chu kỳ kéo dài khoảng 28 ngày, nhưng ở một số người, con số này có thể dao động từ 21 đến 45 ngày và vẫn được coi là bình thường. Sau khi có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên, có thể mất đến 6 năm hoặc hơn để các kỳ kinh trở nên đều đặn.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
4. Theo dõi thời gian của chu kỳ kinh nguyệt để làm gì?
Theo dõi kỳ kinh nguyệt giúp chị em phụ nữ dễ dàng dự đoán thời điểm kinh nguyệt trong tháng tới và xác định khoảng thời gian có khả năng thụ thai. Mọi người có thể sử dụng các ứng dụng theo dõi kinh nguyệt, vốn rất dễ dàng tải về trên điện thoại di động.
5. Cách theo dõi và chăm sóc bản thân trong kỳ kinh nguyệt
Để theo dõi chu kỳ kinh nguyệt trên lịch, mọi người cần đánh dấu ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Cụ thể, hãy đánh dấu ngày bắt đầu ra máu và các ngày tiếp theo trong suốt thời gian chảy máu. Ngày đầu tiên của kỳ kinh được đánh dấu là ngày một, sau đó tiếp tục đếm đến ngày bắt đầu kỳ kinh tiếp theo.
Các sản phẩm chăm sóc trong chu kỳ kinh nguyệt là gì? Chị em phụ nữ có thể sử dụng một số sản phẩm sau, bao gồm:
- Băng vệ sinh: Là miếng dán vào quần lót có tác dụng thấm hút máu kinh, có nhiều kích thước, độ dày và kiểu dáng khác nhau. Người bệnh cần thay băng vệ sinh ít nhất mỗi 4 giờ hoặc khi cảm thấy băng thấm nhiều, ẩm ướt hoặc gây khó chịu.
- Tampon: Đây là loại sản phẩm có thể được hỗ trợ bằng ống nhựa hoặc giấy để dễ dàng đưa vào trong âm đạo, một số loại được chèn vào âm đạo bằng ngón tay. Tampon có một sợi dây nhỏ gắn ở cuối giúp dễ dàng rút ra khi cần thay mới. Phụ nữ nên thay tampon mỗi 4 giờ đồng hồ để tránh nguy cơ hội chứng sốc nhiễm độc. Ngoài ra, cũng cần phải thay tampon ngay khi lượng máu ra nhiều.
- Cốc nguyệt san: Được làm từ nhựa hoặc cao su, cốc nguyệt san được đặt trong âm đạo để thu giữ máu kinh. Sau 8 đến 12 giờ, cốc có thể được lấy ra và làm sạch. Một số loại cốc nguyệt san chỉ dùng một lần, trong khi đó có một số loại có thể rửa và tái sử dụng.
6. Vô kinh là gì?
Vô kinh là tình trạng không có kinh nguyệt. Đối với một số trường hợp, việc không bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt cho đến năm 16 tuổi có thể là điều bình thường. Tuy nhiên, nữ giới nên gặp bác sĩ nếu đến 15 tuổi mà vẫn chưa có kinh nguyệt.
Ngoài ra, nếu đã có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên nhưng sau đó không có kinh trong hơn 3 tháng, chị em phụ nữ cũng cần đến khám bác sĩ để được tư vấn.
7. Triệu chứng đi kèm của chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Một số người khi đến kỳ kinh nguyệt thường gặp các cơn đau quặn ở bụng dưới, đau lưng hoặc cương tức ngực. Một số người khác có thể bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn hoặc tiêu chảy.
Để giảm triệu chứng đau bụng kinh hoặc cảm giác khó chịu, phụ nữ có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Sử dụng thuốc dydrogesterone theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc này không ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng, do đó phụ nữ vẫn có thể mang thai trong quá trình sử dụng.
- Uống ibuprofen hoặc naproxen sodium nếu bệnh nhân không bị dị ứng với aspirin, không mắc hen suyễn nặng. Khi sử dụng các loại thuốc này, mọi người hãy luôn tuân theo hướng dẫn về liều lượng ghi trên bao bì hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
- Tập các bài tập nhẹ nhàng.
- Chườm ấm hoặc dùng các nguồn nhiệt khác đặt lên bụng hoặc lưng để giảm đau bụng do kỳ kinh gây ra.
8. Cách xử lý khi bị chảy máu nhiều
Chị em cần thay băng vệ sinh hoặc tampon sau 1-2 giờ nếu đang chảy máu nhiều trong kỳ kinh. Nếu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày, nữ giới nên đến gặp bác sĩ. Ngoài ra, chị em phụ nữ cũng nên gặp bác sĩ khi cảm thấy chóng mặt, hoa mắt hoặc mạch nhanh, dồn dập.
9. Làm gì khi kinh nguyệt không đều?
Chị em phụ nữ nên thông báo cho bác sĩ nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều, hoặc kinh nguyệt trước đây đều đặn nhưng sau đó trở nên thất thường trong vài tháng. Mọi người cũng nên khám bác sĩ nếu chu kỳ kinh đến quá thường xuyên (≤ 21 ngày) hoặc quá thưa thớt (≥ 45 ngày).
Nếu có chu kỳ kinh nguyệt không đều và dự định mang thai, nữ giới cần điều trị trước khi có kế hoạch sinh con. Để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai. Trong đó:
Đối với người vợ:
- Tiêm phòng trước khi mang thai, đặc biệt là phòng bệnh rubella vì nhiễm rubella trong thai kỳ rất nguy hiểm cho cả mẹ và con.
- Xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh di truyền trước khi mang thai.
- Kiểm tra và điều trị các vấn đề viêm nhiễm phụ khoa để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
- Phụ nữ trên 35 tuổi, đặc biệt là nếu chưa từng mang thai cần phải kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng. Ở độ tuổi này, thai phụ có nguy cơ cao gặp các vấn đề như suy buồng trứng, sinh non, dị tật thai nhi, rau tiền đạo và tiền sản giật.
Đối với người chồng:
- Kiểm tra sức khỏe sinh sản để phát hiện các vấn đề như teo tinh hoàn, yếu sinh lý, tinh trùng yếu.
- Sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm và không thể chữa khỏi.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho các cặp vợ chồng và bà mẹ mang thai, bao gồm gói khám tiền hôn nhân cơ bản và nâng cao cũng như các chương trình thai sản trọn gói. Đội ngũ bác sĩ tại Vinmec có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa, IVF, tế bào gốc và công nghệ gen. Cùng với đó, Bệnh viện cũng sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất hiện nay.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.